Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Bồ Đề Đạo Tràng: Du lịch tâm linh, di tích và huyền thoại

“Tứ động tâm” là tên gọi chung cho bốn địa danh đánh dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Theo đó, Tứ động tâm gồm: khu vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) - nơi đức Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) – nơi đức Phật thành đạo, Sarnath (vườn Lộc Uyển) - nơi đức Phật giảng pháp lần đầu tiên cho nhóm  bạn đồng tu khổ hạnh với Kiều Trần Như và Kusinara (Câu Thi Na) - nơi đức Phật nhập Niết bàn.

Sở dĩ có cụm từ “động tâm” - mang ý nghĩa là “làm lay động trái tim” – vì khi mọi người đến đây hành hương lễ Phật đều nhận được những cảm xúc chân thực, như có thêm nguồn lực vô hình trợ giúp vững tin khi hướng về chân lý và đạo pháp của đức Thế Tôn.

Một điểm đến du lịch tâm linh

Chúng tôi đáp chuyến bay nội địa của hảng hàng không Indi Go (Ấn Độ), khởi hành từ thủ đô New Delhi vào lúc 8h sáng để đến thành phố Patna, thuộc bang Bihar. Cảng hàng không Patna là sân bay nhỏ, cấp địa phương, kiến trúc nhà ga không có gì đặc sắc; mặc dù có một số đường bay thẳng quốc tế (đi hai chiều từ Nepal, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam…) nhưng chúng tôi chọn đi đường vòng đến New Dehli để có dịp lưu lại hai ngày viếng thăm một số công trình di sản văn hóa thế giới nổi tiếng khác của Ấn Độ.

Từ Patna, có xe đón đưa chúng tôi đi tiếp khoảng 135km về hướng Đông Nam để đến khu Bồ Đề Đạo Tràng.

Theo sơ đồ tổng thể được công bố tại điểm tiếp đón (Hình 1), khu Bồ Đề Đạo Tràng rộng khoảng 4,8ha, gồm các hạng mục chính: tháp Đại Giác (Hình 2) – còn gọi là Đại Bảo tháp (Great Stupa), bên trong có chùa Đại Giác Ngộ (Mahabohdi Temple), cội Bồ đề (Bodhi tree), Tòa Kim Cương (Vajirasana), hồ sen (Lotus Pond) và các địa điểm đức Phật ngồi thiền sau khi thành đạo, v.v… Đây là một trong bốn địa danh nổi tiếng của lịch sử Phật giáo, là nơi Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) tu thành đạo và trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakya Muni).

Hình 1

Hình 1

Hình 2

Hình 2

Chúng tôi đến cổng chính phía Đông của khu Bồ Đề Đạo Tràng, mới biết trùng ngày “Khai hội tụng niệm quốc tế Tipikata” (The International Tipikata Chanting Council) vào ngày 02 tháng 12 hàng năm – theo đề xuất của tổ chức Hòa bình Thế giới (World Peace). Tại đây lắp dựng các cổng chào, treo màn, kết hoa và giăng cờ Phật giáo nhiều màu sắc, thật lộng lẫy.

Nhìn tổng thể, các tòa tháp chính xây bằng đá, riêng những hạng mục phụ trợ chủ yếu xây bằng gạch, sơn một màu hồng như muốn tạo sự nổi bật so với các công trình cổ xưa trong khu di tích. Bên trong sân rất đông tăng ni, Phật tử từ các nước tụ về, tạo bầu không khí sinh động của ngày lễ hội tôn giáo hơn là cảnh tĩnh lặng thường thấy của một khu di tích có từ muôn thế kỷ (Hình 3&4).

Hình 3, hình 4

Hình 3, hình 4

 Qua khỏi cổng chính, mọi người đến nhà đón tiếp để gửi lại giày, dép, trình kiểm tra các túi xách, mua vé cho máy ảnh và máy quay phim (không tính phí cho di động), sau đó đi theo một trục dẫn bằng hệ thống bậc cấp, xuống thấp dần theo địa hình như lòng chảo.

Tâm điểm là tháp Đại Giác (hình 2&3) với kiến trúc hình kim tự tháp nhọn, nằm giữa khu đất trũng, thấp so với cốt cổng chính khoảng 10m, nhưng với chiều cao tối đa khoảng 55m, nên đi từ xa đã nhìn thấy phần trên của tháp vươn lên mạnh mẽ như một điểm nhấn giữa lòng đô thị, có người còn ví hình tượng tháp mang ý nghĩa như một búp sen vươn mình giữa không gian xanh. Mặt ngoài tháp được chạm khắc tỉ mỉ và tinh xảo, với các họa tiết xếp hình theo hàng ngang như những đường diềm trang trí; nhiều chi tiết khắc lồi lõm tạo những hốc nhỏ đặt tượng Phật và các tượng Bồ-tát (Hình 5&6).

Hình 5, hình 6

Hình 5, hình 6

Phần đế tháp là khối hình vuông, bốn cạnh rộng đều 15x15m, cao khoảng 12m; mặt trên cùng của khối đế có bốn tháp nhỏ ở bốn góc, hình dáng và cấu trúc tương tự tháp chính; từ đây thân tháp nhọn có đáy vuông thu nhỏ hơn diện tích khối đế, bốn góc vát đều lên đến đỉnh; trên đỉnh là một chóp tháp nhọn hình tròn, phần trên cùng được dát vàng – bên trong có chứa xá-lợi Phật.

Trong lòng tháp có ngôi đền thờ Phật Thích Ca (gọi là chùa Đại Giác Ngộ), để vào lễ Phật chỉ có một cửa duy nhất từ mặt chính phía Đông của Bảo tháp (Hình 7); không gian chánh điện có phần rộng hơn lối vào, nhưng cảm giác ngột ngạt do lượng người quá đông so với diện tích gian phòng, lại thiếu ánh sáng và thông thoáng tự nhiên. Giữa bức tường chính là tượng Thích Ca Mâu Ni được chiếu sáng nổi bật, đặt âm vào tường như trong một khung tranh khổng lồ (kích thước khoảng 3x4m, sâu 2m), phía sau là một phông vải màu xanh trời, bên ngoài lắp khung gỗ và tấm kính lớn.

Tượng Phật bằng đá, dát vàng, cao tầm 2m, mặt nhìn ra hướng cửa vào, trên thân choàng lớp áo cà sa màu vàng, dáng ngồi thiền uy nghiêm và huyền diệu (Hình 8). Mỗi khi có đoàn khách hành hương muốn dâng tặng áo cho đức Phật, hai vị tu sĩ người Ấn làm lễ “dâng y” và mang xấp vải đi theo cửa bên trái để vào “lồng kính”, cao cách sàn 2m, họ khoác áo cho tượng rất thuần thục (đến lượt đoàn khác, xấp vải mới sẽ thay lớp vải trước – gọi là “đắp y” cho Phật); dòng người hành hương lần lượt chiêm bái xong sẽ quay vòng ra lối cửa vào. Do hàng ngày có hơn ngàn người đến viếng nên khó ai có thể nán lại lâu hơn để ngắm nhìn đức Phật, mặc dù được biết bức tượng này có trên 1.700 năm tuổi và chân dung tượng khá giống Thái tử Tất Đạt Đa lúc nhập thiền đắc đạo.

Hình 7, hình 8, hình 9

Hình 7, hình 8, hình 9

Bước ra khỏi Chánh điện, chúng tôi gặp một đền thờ, vị trí bên trái và phía trước tháp Đại Giác (nhìn từ ngoài vào); bên trong có ba bức tượng ngồi thiền được giới thiệu là tượng vua cha Suddhodana (Tịnh Phạn) ở giữa, hai tượng còn lại gồm bà Maya Devi là mẹ ruột và bà Mahapajapati (Kiều Đàm Di) là dì ruột, đồng thời là mẹ kế của Thái tử Tất Đạt Đa (do hoàng hậu mất sau khi sinh bảy ngày, người em ruột được tiến cử hoàng hậu và bà nhận làm dưỡng mẫu cho con của chị mình).

Cả ba bức tượng đều được khoác vải thờ theo tục lệ của Ấn Độ giáo (Hình 9), phía trên có bức tượng nhỏ hình Thích Ca Mâu Ni (vì cả ba người đều đã quy y Phật). Nhìn gian thờ rất hẹp, thiếu sáng, người đến lễ chỉ đứng hoặc quỳ trước cửa đền và nhìn vào, nên dòng người thường vội đi qua, có lẻ phần lớn họ ngại dừng lại sẽ ảnh hưởng đến dòng người đi sau.

Tôi đi về phía Đông, trước mặt tháp Đại Giác có một tháp nhỏ, ghi dấu nơi đức Phật nói lời tạ ơn cây Bồ đề đã chở che trong những ngày thiền định (Hình 10). Phía Nam là một tháp nhỏ khác (Hình 11) kỷ niệm nơi đức Phật tu chứng được “tứ thiền” – nghĩa là bốn cấp độ nhập thiền (theo kinh Sa Môn Quả trong Trường Bộ Kinh); một trụ đá của vua Asoka (A Dục) được lắp dựng một phần thân trụ và có rào sắt bảo vệ bao quanh (Hình 12); cuối cùng là hồ Muchalinda, còn gọi là hồ sen, có một tượng Phật lộ thiên giữa hồ (nhưng không thấy sen trong hồ), với hình thần rắn khổng lồ dùng thân quấn quanh bệ ngồi và dùng đầu làm lộng che cho Ngài lúc tọa thiền (Hình 13).

Hình 10, 11, 12

Hình 10, 11, 12

Tôi đi vòng ra mặt sau tháp, về hướng Tây là cây Bồ đề, cách tường đế tháp khoảng 4-5m. Cội gốc rất to, thân-cành-nhánh đều vươn khỏe, cao từ gốc lên đỉnh khoảng 15m, với tán lá xum xuê xanh tốt, đủ che mát cả một khoảnh sân rộng cho các tăng, ni và Phật tử đang ngồi thiền, cầu nguyện và tưởng niệm về đức Thế Tôn (Hình 14). Với tiếng lâm râm đọc kinh và khấn nguyện của nhiều thành phần, nam nữ, dân tộc, đến từ nhiều quốc gia, bằng những ngôn ngữ khác nhau, tạo ra một âm vực đa chiều đậm chất tín ngưỡng và huyền diệu quanh cội Bồ đề thiêng liêng. Chung quanh cây có ba cạnh tường rào bằng gạch, đá và lan can sắt, cao tầm 7m, áp sát mặt tường tháp Đại Giác.

Toàn bộ mặt ngoài rào được chạm khắc nổi những hình người (là các vị thần), động vật (sư tử, ngựa, voi) và hoa sen, được choàng các dây hoa trang trí rất trang trọng. Bên trong rào có một phiến đá vuông (2x2m, cao 0,6m), phủ vải đỏ và làm lộng che trông uy nghiêm như chỗ nghỉ của một vì vua – gọi là “Tòa Kim Cương” (Hình 15); bên ngoài là một tảng đá đen khắc hình dấu chân – được cho là của đức Phật (?).

Tại vị trí Tòa Kim Cương, Thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền, mặt hướng về phía Đông (lúc đó chưa có tháp Đại Giác), lưng quay về phía cây Pipala (Tất Bát La), sau 49 ngày đêm thiền định đã đạt đến sự giác ngộ chân lý, trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni.

Hình 13, 14 & 15

Hình 13, 14 & 15

Sau khi đắc đạo, Ngài dành bảy tuần tiếp theo để tĩnh tâm suy nghĩ về sự giác ngộ. Ngoài cây Bồ đề, còn có sáu vị trí khác được cho là nơi đức Phật tọa thiền trong khu Bồ Đề Đạo Tràng – xem sơ đồ theo phatgiao.org.vn, lập tháng 7/2013 (Hình 16).

Tôi lưu ý ba trong số bảy vị trí, gồm: Vị trí số 5 (Ajapala Nigrodha), vào tuần thất thứ năm Ngài ngồi thiền dưới gốc cây Nigrodha – là loại cây đa đặc biệt của Ấn Độ mà những người chăn cừu (Ajapala) thường lui tới, có tên khoa học là Ficus Benghalensis (Hình 17).

Vị trí số 6 (hồ Muchlinda, còn gọi là hồ sen), vào tuần thất thứ sáu Ngài ngồi thiền dưới gốc cây Mucalinda – là loại cây đước của vùng nước ngọt, có tên khoa học là Barringtonia Acutangula (Hình 18), Việt Nam còn gọi là “cây Lộc vừng”. (Tương truyền rằng: khi đức Phật ngồi thiền dưới cội cây này gặp một trận mưa bão trong nhiều ngày, rắn thần Naga bò đến uốn mình quấn quanh bệ ngồi thành bảy vòng và dùng đầu che cho Ngài khỏi bị ướt – từ đó, rắn thần có tên là Mucalinda).

Vị trí số 7 (Rajayatana), vào tuần thất thứ bảy Ngài ngồi thiền dưới gốc cây Rajayatana - là loại cây bản địa thường dùng làm thuốc trong y học cổ truyền của người Ấn, có tên khoa học là Buchanania Cochinchinensis (Hình 19), thuộc họ “đào lộn hột” (Anacardiaceae).

Hình 16

Hình 16

Hình 17, 18, 19

Hình 17, 18, 19

Đây là ba loại cây mà đức Phật ngồi thiền sau khi đắc đạo, để suy nghĩ về con đường “hoằng pháp” (đi giảng đạo) sắp đến, nhưng chỉ có cây Pipala tại vị trí số 1, nơi Ngài ngồi thiền đạt giác ngộ và thành Phật mới được gọi là cây “Bodhi” (âm tiếng Việt là “Bồ đề”) – vì nghĩa của nó là “tỉnh thức, giác ngộ”.

Đây là loại cây thuộc dòng “cổ thụ” có rất nhiều tại Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, với quả nhỏ và lá hình trái tim (Hình 20), có tên khoa học là Ficus Religiosa.

Hình 20, 21

Hình 20, 21

Hiện nay, cây Bồ đề được trồng tại nhiều nơi trên thế giới, nếu xác định có cội nguồn chiết xuất từ cây Bồ đề gốc tại Bồ Đề Đạo Tràng (Hình 21) mới được nhìn nhận là “hậu duệ” lưu truyền qua bao đời của “cội Bồ đề linh thiêng” (Holy Bodhi Tree), bởi sự tồn tại và phát triển của nó là cả một câu chuyện huyền thoại, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển khu Phật tích này…

(còn tiếp)

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc

Tin Khác

Chiêm ngưỡng ngôi chùa 3.000 năm tuổi nổi tiếng Tây Tạng

Chùa Zizhu nằm trên ngọn núi Zizhu nổi tiếng, ở độ cao 4.800m phía đông Tây Tạng. Ngôi chùa được xây dựng cách đây 3.000 năm, là một trong những điểm đến tuyệt đẹp mang giá trị văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc của người Tây Tạng.

Ngày 14/04/2024

'Ngôi chùa nguy hiểm nhất Trung Quốc' cheo leo trên vách núi hơn 1.500 năm

Huyền Không Tự nằm ở độ cao hàng chục mét trên vách núi Hằng Sơn suốt hơn 1.500 năm, được mệnh danh là "ngôi chùa nguy hiểm nhất Trung Quốc".

Ngày 14/03/2024

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 diễn ra ngày nào, có sự kiện gì?

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 tại chùa Quán Thế Âm (Q.Ngũ Hành Sơn) diễn ra từ ngày 26/3 đến 29/3 (nhằm ngày 17, 18, 19 và 20/2/Giáp Thìn).

Ngày 13/03/2024

Tĩnh lặng với màu xanh chùa Phật Tích

Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích, thuộc xã Phật tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 25/02/2024

Hai ngôi chùa di tích thu hút hàng vạn khách tham quan mỗi năm

Chùa Dâu, chùa Bút Tháp là hai di tích lịch sử hàng ngàn năm tuổi ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, du lịch.

Ngày 24/02/2024

Ngắm tượng Phật khổng lồ bằng đá ở Đà Nẵng

Những ngày Tết, nhiều người đã tìm đến khu văn hóa tâm linh Đà Sơn để du xuân và ngắm tượng Phật khổng lồ đang trong quá trình thi công.

Ngày 18/02/2024

Ngôi chùa xây chưa xong vẫn đón hàng nghìn lượt khách dịp Tết

Chùa Minh Đức được xây trên núi Thiên Mã (Quảng Ngãi) tuy chưa hoàn thiện nhưng vẫn thu hút hàng nghìn người dân, du khách đến viếng thăm dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Ngày 16/02/2024

Hội xuân Di Lặc trên núi Bà Đen diễn ra suốt tháng Giêng

Hội xuân núi Bà Đen - lễ hội lớn nhất được người dân Tây Ninh đón đợi - khai mạc mùng 4 Tết. Cùng với đó, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa tâm linh độc đáo của Hội xuân Di Lặc.

Ngày 13/02/2024