Chiêm ngưỡng không gian thanh tịnh của Giới đài viện Huệ Nghiêm
Chùa Huệ Nghiêm với kiến trúc cổ kính, trang nghiêm - là chốn yên bình giữa lòng Sài Gòn phồn hoa, náo nhiệt.
1. Chùa Huệ Nghiêm (hay còn được biết đến với tên gọi Phật học viện Huệ Nghiêm). Từ khi thành lập cho đến nay, chùa là nơi đào tạo các Tăng tài về giới luật của miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Xuyên suốt 2.000 năm lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam, Huệ Nghiêm cũng là nơi đầu tiên cho xây dựng Giới đài viện truyền giới.
Chùa Huệ Nghiêm theo hệ phái Bắc tông và cũng là ngôi chùa sở hữu nhiều kỷ lục nhất tại Sài Gòn. Một trong số đó phải kể đến là kỷ lục bức tượng Đức Phật A Di Đà bằng gỗ hương cao nhất và bộ cửa gỗ lim được khắc nổi Bát bộ kim cương, Thập nhị địa chi thần lớn nhất.
2. Chùa Huệ Nghiêm được xây dựng vào ngày 11/11/1962, do Hòa thượng Thích Thiện Hòa khai sơn, dưới bàn tay của kiến trúc sư Võ Đình Diệp. Chùa Huệ Nghiêm được thiết kế với từng đường nét sắc sảo, tinh tế.
Trước khi cho xây dựng chùa, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã xuất gia tại Phật học đường Lưỡng Xuyên vào năm 1935. Xuyên suốt thời gian tu hành, ngài đã không ngần ngại đi từ Trung ra Bắc để học tại nhiều Phật học đường khác nhau, tìm hiểu về nhiều lĩnh vực như truyền giới, kiến thiết. Có thể nói, Hòa thượng Thích Thiện Hòa là một danh tăng lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam.
Từ khi xây dựng đến nay, chùa Huệ Nghiêm đã trải qua rất nhiều lần đổi tên. Trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến năm 1985, ngôi chùa này đã đổi liên tiếp tên từ Trường Trung đẳng Phật học chuyên khoa; Phật học viện Huệ Nghiêm; Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm và cuối cùng mới là tên gọi như hiện tại.
3. Đứng từ bên ngoài chùa Huệ Nghiêm, cổng tam quan được thiết kế mang đậm bản sắc băn hóa phương Đông. Mái cổng tam quan được làm bằng ngói, lấy màu nâu trầm làm chủ đạo và toàn bộ cổng được xây dựng với chất liệu gỗ chắc chắn.
Nếu nhìn kĩ, du khách sẽ thấy dọc cổng tam quan được khắc nhiều dòng chữ Nho cổ. Từng chi tiết đều được chạm khắc một cách tỉ mỉ, tinh tế đủ sức gây ấn tượng với bất kỳ ai ngay từ lần đầu tiên.
Khu vực chánh điện được xây dựng với diện tích gần 600m2, bao gồm hai tầng và thờ nhiều vị Phật khác nhau. Trong đó, tầng trệt là nơi đặt các bức tượng Phật cao đến 4m7, được làm bằng gỗ quý và có trọng lượng nặng gần 9 tấn. Dạo một vòng quanh chánh điện, du khách sẽ thấy hai bên còn được thờ thêm tượng Bồ-tát Địa Tạng và Bồ-tát Quan Âm.
4. Trước khi lên hàng thập sư già nạn, giới tử sẽ phải sám hối trước Tịnh nghiệp đường. Mỗi ngày, chư Tăng, chúng sanh đều sẽ đến đây để sám hối về mọi tội lỗi mà mình đã gây ra. Không chỉ vậy, Tịnh nghiệp đường còn là nơi để các chư tăng niệm Phật, tọa thiền, tụng giới Bổn...
Khi tham quan Tịnh nghiệp đường, du khách sẽ thấy bên trong được đặt Cửu thể Di Đà với 8 pho tượng cao tới 3,6m. Các pho tượng được đặt ở hai bên gian phòng và tượng trưng cho chín phẩm của người tu Tịnh Độ được vãng sanh khi về miền Cực lạc.
Bên cạnh đó, Tịnh nghiệp đường còn đặt một pho tượng Phật A Di Đà với chiều cao gần 8m, trọng lượng lên tới 16 tấn. Pho tượng này được chế tác hoàn toàn bằng gỗ với tuổi thọ hàng nghìn năm. Đây cũng chính là pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ được sách Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận cao nhất Việt Nam.
Đại giới đàn Bửu Huệ vừa được BTS Phật giáo TP.HCM tổ chức, Giới Đài viện chùa Huệ Nghiêm - nơi diễn ra truyền giới Tỳ-kheo, Sa-di (Bắc tông), Phatgiao.org.vn mời bạn cùng chiêm ngưỡng không gian trang nghiêm, thanh tịnh tại đây:
Giới đài viện Cam Lồ Phương Đẳng (gọi tắt là Giới đài viện Huệ Nghiêm) là giới đài được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam. Nơi đây là khu nội viện dành cho chư Tăng chuyên tâm học và hành trì giới Luật, gồm các nội quy nghiêm khắc như: Không cho Phật tử bước vào (trừ 3 ngày lễ lớn), chư Tăng nội viện cũng không được bước ra khỏi cổng, không được dùng điện thoại, không giữ tiền, không ăn quá ngọ… Tông chỉ của Giới đài viện là “TRÌ GIỚI – NIỆM PHẬT”.
Phùng Anh Quốc thực hiện
Tin Khác