Hành hương đầu năm tới miền đất Phật Bhutan
Sau một hành trình dài trên trên máy bay, Bhutan hiện lên trong mắt du khách thật hùng vĩ. Các chuyến bay quốc tế đến Bhutan đều đáp tại sân bay Paro, nằm dưới thung lũng sâu giữa những rặng núi của dãy Himalaya cao đến 5.500 mét bao quanh. Hướng dẫn viên địa phương cho biết đây là một trong những nơi máy bay khó hạ cánh nhất thế giới.
Đặt chân đến Paro, du khách như bước vào thế giới khác. Bình dị, tĩnh lặng đến lạ thường, còn thời gian dường như ngưng đọng trên mọi ngóc ngách ở đây. Đền chùa, nhà cổ nằm san sát. Những thầy tu mặc áo cà sa đỏ, lặng thầm đi trên phố. Đôi lúc họ ngồi chụm lại bên hiên chùa, trò chuyện cùng nhau. Bát hương trầm bên hiên nhà tỏa hương thơm ngát, mùi hương dịu nhẹ, yên bình. Bên căn nhà nhỏ, người bán hàng nép vào cửa, họ không chào mời du khách, khẽ khàng nở nụ cười tươi…
Đi lại trên đường phố ở Bhutan thật sự là một điều thú vị. Có lẽ đây là đất nước duy nhất trên thế giới không có khái niệm đèn giao thông. Dù đường sá nhỏ hẹp, mật độ giao thông có lúc tăng cao nhưng thật khó để nghe thấy một tiếng còi xe. Nhịp sống ở đây xa lạ với sự bon chen vội vã.
Tháng 2 là thời điểm Bhutan dần bước sang mùa xuân, tiết trời trở nên mát mẻ và nhiều nắng ấm hơn. Sau một mùa đông lạnh lẽo và tuyết phủ, vạn vật nơi đây bừng tỉnh trong nắng xuân. Trên đường đi từ sân bay về Paro, hoa mận trắng, hoa đào phai, đỗ quyên… nở rộ bên hiên nhà cửa gỗ hay rực rỡ trên sườn đồi ven đường. Thi thoảng lại bắt gặp vài em học sinh mặc trang phục truyền thống đi dưới tán hoa. Cảnh sắc lúc này khiến nhiều du khách liên tưởng đến Hà Giang và những cung đường Tây Bắc.
Từ người già đến các em nhỏ, người dân Bhutan hiền lành, mến khách với nụ cười thường trực. Có lẽ danh xưng "đất nước hạnh phúc" chính là những nụ cười của người dân. Mọi người đều mặc trang phục truyền thống nhiều màu sắc: đàn ông khỏe khoắn trong trang phục gho, phụ nữ dịu dàng trong trang phục kira; như một cách khéo léo giới thiệu văn hóa, vẻ đẹp truyền thống đến du khách thập phương.
Người Bhutan có đức tin sâu sắc đối với Phật giáo. Bước vào một đền thờ cổ ở Paro, du khách sẽ bắt gặp những vòng xoay khấn nguyện. Một người dân Bhutan cho biết chỉ cần quay các vòng xoay này, người đó có thể gửi những lời khấn nguyện đó đến đức Phật, mong may mắn đến cho mình và người thân. Ở Bhutan, cuộc sống như có một dòng chảy riêng; dòng chảy ôn hòa, tinh khiết, an yên trong từng sát na. Bởi thế, Bhutan này là nơi duy nhất trên thế giới định hướng và đánh giá phát triển đất nước bằng chỉ số hạnh phúc quốc gia (Gross National Happines – GNH) thay cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Không lấy cuộc sống giàu có, tiện nghi để làm thước đo hạnh phúc, dường như người dân Bhutan không có quá nhiều nhu cầu vật chất, họ hài lòng với một cuộc sống “đủ”, dù có thể không “đầy”. Một chuyến đi đến Bhutan sẽ khiến để lại nhiều chiêm nghiệm trong lòng du khách, cùng một khoảng thời gian tạm tách biệt khỏi cuộc sống xô bồ và đầy lo lắng.
Tiger’s Nest ẩn mình trong mây
Rời Paro, tu viện Tiger’s Nest là điểm đến mà mọi du khách đều ao ước. Nằm biệt lập với độ cao hơn 3.000m, để “chinh phục” Tiger’s Nest, du khách phải đi bộ đường dài từ thung lũng rừng thông đến tu viện. Nếu hạn chế về sức khỏe và khả năng đi bộ, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng ngựa. Thông thường nếu chỉ đi bộ thì cần 3 tiếng, chưa kể thời gian dừng nghỉ, mới đến được Tiger’s Nest.
Nhìn từ xa, cả quần thể tu viện trông vừa uy nghiêm, vừa thơ mộng. Những lá cờ cầu nguyện Lungdhar bay phất phơi trong gió lạnh khiến không gian càng trở nên huyền ảo. Người Bhutan tin rằng, gió sẽ mang những lời ước nguyện trên Lungdhar bay thật xa, làm tăng phước lành và niềm hạnh phúc.
Mọi thành viên trong đoàn đều thật sự mãn nguyện và choáng ngợp khi đến Tiger’s Nest. Từ những góc ban công xinh xắn của mỗi ngôi điện, mọi người dễ dàng phóng trọn tầm mắt ngắm nhìn lung thung Paro xanh mướt. Được biết tại Bhutan, 70% diện tích được bao phủ bởi rừng, không khó hiểu khi quốc gia này có môi trường trong sạch bậc nhất thế giới. Từ nhiều năm nay, các đời vua Bhutan đều giữ nguyên một quy định: Một cây bị đốn tại Bhutan, dù với mục đích tốt hay xấu thì người chặt phải trồng lại 3 cây.
Trở lại với Tiger’s Nest, tu viện bao gồm 4 điện chính và 8 hang động xung quanh, tuy nhiên chỉ có 4 hang động cho phép khách vào tham quan. Bên cạnh đó, còn có những khu nhà ở của người dân được thiết kế thích hợp với từng loại địa hình vách đá, hang động. Nhằm tạo sự thuận tiện trong việc di chuyển, người ta cũng đã cho xây các bậc thang và lối đi lát bằng đá cùng một số cây cầu gỗ nối giữa các ngôi điện của tu viện với nhau.
Đường đi tuy mệt nhọc, nhưng chắc chắn các sạp hàng lưu niệm đầy hấp dẫn nằm dưới chân núi sẽ khiến du khách như bừng tỉnh. Những mặt hàng thủ công đầy sắc màu, được thêu dệt, chạm trổ tinh tế khiến ai nấy không thể rời mắt. Là đất nước Phật giáo, nên các xâu chuỗi, tượng Phật, vòng hạt đeo cổ… cũng được bày bán rất nhiều.
Thủ đô Thimphu
Hành trình khám phá Bhutan tiếp tục với con đèo Dochula, nối thủ đô Thimphu với miền đông Bhutan. Từ trên đỉnh đèo cao 3.100 m, du khách có thể phóng tầm mắt về phía Bắc ngắm nhìn dãy Himalaya hùng vĩ. Có tới 108 tòa tháp nằm rải rác, hướng về dãy Himalaya tượng trưng cho 108 lời dạy của Phật. Truyền thuyết kể rằng, tháp Dochula được xây để xua đuổi một con quỷ thường hay bắt người tại con đèo này.
Đến Thimphu du khách nhất định phải ghé thăm và chiêm bái tượng Phật Dordenma. Bức tượng được làm bằng chất liệu vàng và đồng, là một trong những bức tượng cao nhất thế giới với chiều cao khoảng 51m. Trong lòng tượng gồm 125.000 tượng Phật nhỏ và một thiền đường. Do nằm trên đỉnh đồi, nên từ đây du khách có thể nhìn ngắm toàn cảnh thành phố Thimphu yên bình. Có thời gian dạo bước quanh khu vực này, mỗi người như được truyền thụ những năng lượng tốt lành từ nhịp sống chậm rãi, từ tốn của người dân. Trong suốt những ngày ở Bhutan, du khách sẽ cảm nhận sâu sắc về niềm an yên, hoan hỷ và hạnh phúc.
Về ẩm thực Bhutan, những món ăn được làm chủ yếu từ thịt và quan trọng hơn cả là các loại ớt; vì vậy sẽ là một “thách thức” với những du khách không ăn được đồ cay. Tương tự như nước láng giềng Ấn Độ, người Bhutan thường ăn bằng tay không. Các món ăn bao gồm nhiều món nhỏ đựng trong bát gỗ. Trước khi ăn, phong tục của người Bhutan là phải “rửa” tay thật sạch. Cách rửa tay kì lạ đó là dùng một nắm cơm nhỏ và lăn trong lòng bàn tay. Người Bhutan tin rằng độ dính của cơm có thể làm sạch mọi bụi bẩn trên tay.
Du khách đến Bhutan cần lưu ý, quốc gia này đặt ra những yêu cầu rất khắt khe về du lịch. Visa du lịch đến đây chỉ cấp theo yêu cầu của các nhà khai thác được cấp phép bởi chính phủ; hay nói cách khác rất khó xin visa du lịch tự túc đến Bhutan. Điều này được lý giải bởi lo ngại của chính phủ Bhutan về những tác động tiêu cực mà du lịch đại trà có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái của đất nước này.
Bên cạnh đó, Bhutan chỉ có duy nhất sân bay quốc tế là Paro, số lượng vé cho các chuyến bay này cũng không nhiều. Du khách chỉ có thể mua vé trực tiếp ở sân bay nếu xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ của tour du lịch đã thanh toán và được cấp phép bởi chính phủ nước này. Do đó, không khó hiểu khi Bhutan được xem là "thiên đường" nhưng hàng năm lượng khách đến đây rất ít. Tuy nhiên những cản trở này chỉ càng thôi thúc khách du lịch từ khắp thế giới tìm đến Bhutan để chiêm nghiệm và giải mã khái niệm "hạnh phúc"./.
Tin Khác