Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Lễ hội Quán Thế Âm: Suối nguồn của tình thương và bình đẳng

Hàng năm, vào độ trung tuần tháng 2 âm lịch, Non Nước - Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) lại thơm ngát hương trầm, vang vọng lời kinh như nhắc nhớ mọi người con xứ Quảng hướng về Lễ hội Quán Thế Âm, một trong các lễ hội cấp quốc gia.

Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra tại khu vực núi Kim Sơn, một trong năm ngọn Ngũ Hành Sơn, khởi nguyên từ huyền tích Quán Thế Âm Bồ tát giải thoát cho Tề Thiên Đại Thánh bị giam tỏa tại “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” - tên thánh địa danh sơn của Bồ tát Quán Thế Âm theo Phật thoại Trung Hoa.

Chùa Quán Thế Âm - nơi diễn ra lễ hội

Chùa Quán Thế Âm - nơi diễn ra lễ hội

Tại thánh địa Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, vào năm 1956, Hòa thượng Thích Pháp Nhẫn đã phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ, tay cầm bình nước cam lồ, hoàn toàn thiên tạo, rất hoàn chỉnh, cao bằng người thật trong một cái động tại hòn Kim Sơn. Phía sau và chung quanh tượng là cả một thế lễ hội giới của Đức Bồ tát Quán Thế Âm, với Thiện Tài - Ngọc Nữ, Thiện Sĩ, hải sư, bụi trúc và nhiều hình tượng hết sức kỳ thú khác tùy theo óc tưởng tượng của con người.

Sau khi phát hiện pho tượng trong động, Hòa thượng Pháp Nhẫn đã xây dựng một ngôi chùa dưới chân núi, lấy tên là chùa Quán Thế Âm.

Năm 1962, trong dịp khánh thành ngôi chùa, Hoà thượng đã thành lập “Hội Phổ Quan Âm” và lấy ngày 19 tháng 2 âm lịch, ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm, làm ngày lễ kỷ niệm truyền thống hàng năm.

Đến năm 1991, cùng dịp các lễ hội văn hóa trong nước được phục hồi mạnh mẽ với chương trình thập kỷ văn hóa về nguồn do UNESCO đề xướng, chùa Quán Thế Âm do cố Thượng tọa Thích Huệ Hướng và chư Tăng của chùa đã lên phương án tổ chức một lễ hội văn hóa lấy tên là “Lễ hội Quán Thế Âm, Non Nước - Ngũ Hành Sơn” vào các ngày 17, 18 và 19 tháng 2 âm lịch. Từ đó đến nay lễ hội đã được tổ chức đều đặn vào mùa xuân hằng năm, được ghi dấu qua câu ca: “Quan Âm mười chín tháng Hai/ Ngũ Hành lễ hội ai ai cũng về”.

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn thú hút hàng ngàn Phật tử về dự mỗi năm

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn thú hút hàng ngàn Phật tử về dự mỗi năm

Đức Quán Thế Âm là một vị Bồ tát rất quen thuộc và gần gũi không chỉ với các tín đồ Phật giáo mà còn phổ biến trong quảng đại quần chúng. Đây là vị Bồ tát đã phát đại nguyện luôn sẵn sàng cứu giúp chúng sinh ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Người ta tin rằng Ngài là vị Bồ tát có nghìn tay, nghìn mắt (thiên thủ thiên nhãn), có thể nghe thấy tiếng kêu than, trông thấy những nỗi đau khổ, thấu hiểu những lời cầu mong tha thiết của chúng sinh. Đó cũng chính là nguyên do mỗi khi gặp hoạn nạn, người ta thường niệm danh hiệu của Ngài: “Nam mô Đại từ, Đại bi, Cứu khổ, Cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát”.

Đối với người Việt, hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm là một người phụ nữ được gọi là Phật Bà Quan Âm, hình tượng một người mẹ hiền luôn luôn hy sinh vì những nỗi khổ đau của mọi người. Sự tích về Ngài đã được nghệ thuật hóa thành tích chèo và truyện thơ Quan Âm Thị Kính. Nội dung tích chèo và truyện thơ kể về nỗi oan khiên của Thị Kính, pháp danh Kính Tâm, một trong những hóa thân của Đức Quán Thế Âm. Sau khi nỗi oan khiên được giải tỏa thì Phật truyền cho Kính Tâm thành Phật Quan Âm.

Cùng với truyện tích Quan Âm Thị Kính, truyện Nam Hải Quan Âm của Trung Quốc cũng đã được Việt hóa và lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Nàng công chúa ba Diệu Thiện đã vâng lời Phật dạy sang Nam Việt vào núi Hương Tích tu hành. Tại đây, nàng đã hy sinh cả hai mắt và hai tay để cứu đức vua cha ở quê nhà. Sau khi bình phục, nhà vua Diệu Trang Vương đã vượt bao núi non hiểm trở tìm sang Nam Việt để tạ ơn người đã cứu mình. Cả hai hình tượng Quan Âm Thị Kính và Nam Hải Quan Âm là những hình tượng rất quen thuộc của người dân Việt Nam.

Lễ hội diễn ra trang nghiêm, trong 3 ngày, từ 17 đến 19/2 âm lịch hàng năm. Trong ảnh là chánh lễ, thường tổ chức trong ngày Vía Đức Quán Thế Âm, 19/2

Lễ hội diễn ra trang nghiêm, trong 3 ngày, từ 17 đến 19/2 âm lịch hàng năm. Trong ảnh là chánh lễ, thường tổ chức trong ngày Vía Đức Quán Thế Âm, 19/2

Đến Lễ hội Quán Thế Âm, khách hành hương có dịp chiêm bái các địa danh thiêng liêng nơi thạch động Quan Âm, tham gia các nghi thức rước tượng, dâng hoa, cầu nguyện quốc thái dân an, lễ trai đàn chẩn tế, lễ thuyết giảng về Đức Bồ tát Quán Thế Âm… Trong tiết nhịp mùa xuân, mùa trẩy hội nơi nơi, Lễ hội Quán Thế Âm là nơi mọi người hành hương quay về, thể hiện lòng thành kính hướng về Mẹ hiền Quán Thế Âm, hướng về nguồn cội, suối nguồn của tình thương và bình đẳng.

Cùng với Việt Nam, lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức ở rất nhiều nơi tại Trung Quốc, Nhật Bản. Tại miền Bắc Việt Nam, từ rất lâu đã có lễ hội này tại động Hương Tích, tỉnh Hà Tây (lễ hội chùa Hương) với sự tích Đức chúa bà Diệu Thiện trong truyện “Nam hải Quan Thế Âm”. Lễ hội Quán Thế Âm tại Non Nước - Ngũ Hành Sơn là một lễ hội văn hóa tâm linh chan hòa trong nguồn tình tự quê hương.

An Thiện

Tin Khác

Chiêm ngưỡng ngôi chùa 3.000 năm tuổi nổi tiếng Tây Tạng

Chùa Zizhu nằm trên ngọn núi Zizhu nổi tiếng, ở độ cao 4.800m phía đông Tây Tạng. Ngôi chùa được xây dựng cách đây 3.000 năm, là một trong những điểm đến tuyệt đẹp mang giá trị văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc của người Tây Tạng.

Ngày 14/04/2024

'Ngôi chùa nguy hiểm nhất Trung Quốc' cheo leo trên vách núi hơn 1.500 năm

Huyền Không Tự nằm ở độ cao hàng chục mét trên vách núi Hằng Sơn suốt hơn 1.500 năm, được mệnh danh là "ngôi chùa nguy hiểm nhất Trung Quốc".

Ngày 14/03/2024

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 diễn ra ngày nào, có sự kiện gì?

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 tại chùa Quán Thế Âm (Q.Ngũ Hành Sơn) diễn ra từ ngày 26/3 đến 29/3 (nhằm ngày 17, 18, 19 và 20/2/Giáp Thìn).

Ngày 13/03/2024

Tĩnh lặng với màu xanh chùa Phật Tích

Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích, thuộc xã Phật tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 25/02/2024

Hai ngôi chùa di tích thu hút hàng vạn khách tham quan mỗi năm

Chùa Dâu, chùa Bút Tháp là hai di tích lịch sử hàng ngàn năm tuổi ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, du lịch.

Ngày 24/02/2024

Ngắm tượng Phật khổng lồ bằng đá ở Đà Nẵng

Những ngày Tết, nhiều người đã tìm đến khu văn hóa tâm linh Đà Sơn để du xuân và ngắm tượng Phật khổng lồ đang trong quá trình thi công.

Ngày 18/02/2024

Ngôi chùa xây chưa xong vẫn đón hàng nghìn lượt khách dịp Tết

Chùa Minh Đức được xây trên núi Thiên Mã (Quảng Ngãi) tuy chưa hoàn thiện nhưng vẫn thu hút hàng nghìn người dân, du khách đến viếng thăm dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Ngày 16/02/2024

Hội xuân Di Lặc trên núi Bà Đen diễn ra suốt tháng Giêng

Hội xuân núi Bà Đen - lễ hội lớn nhất được người dân Tây Ninh đón đợi - khai mạc mùng 4 Tết. Cùng với đó, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa tâm linh độc đáo của Hội xuân Di Lặc.

Ngày 13/02/2024