Nét đẹp chùa Khmer Nam bộ
Trong dòng chảy lịch sử và chiều dài đất nước từ Bắc xuống Nam, đồng bằng sông Cửu Long được xem là nơi hội tụ, nơi dừng chân của những dòng chảy văn hóa. Cùng với đó, những giá trị văn hóa cũng được kết tinh, và lắng đọng như những giọt phù sa màu mỡ.
Đóng góp vào các tầng văn hóa vùng đồng bằng “sông nước miệt vườn” này không thể không nói đến lát cắt văn hóa độc đáo, phong phú, giàu bản sắc của cộng đồng người Khmer nơi đây. Những nét đặc sắc, những cốt cách, giá trị tinh hoa của người Khmer, được thể hiện rõ nét nhất qua các ngôi chùa với kiến trúc kỳ vĩ và thân thiện.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, có trên 400 ngôi chùa Khmer. Nổi tiếng nhất là chùa Âng, chùa Samrong Ek, chùa Srâychô Mahatup (chùa Dơi), chùa Salon (chùa Chén Kiểu), chùa Siemcang…
Độc đáo kiến trúc chùa Khmer ở Nam bộ
Cũng như các dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam, những giá trị thẩm mỹ của đồng bào dân tộc Khmer vùng Nam bộ bắt nguồn từ ý thức làm đẹp cuộc sống: từ việc trang trí cho công cụ sản xuất, một đạo cụ sân khấu, một nhạc khí, trang trí họa tiết, hoa văn cho các ngôi chùa, nhà cửa, đến làm đẹp cho bản thân và hoàn thiện nhân cách. Theo đó, kiến trúc là một loại hình nghệ thuật cơ bản, thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa, trình độ phát triển văn hóa của con người, của cộng đồng dân tộc. Kiến trúc Khmer Nam bộ được thể hiện khá đầy đủ nhất, tập trung nhất tại ngôi chùa Phật giáo Khmer.
Không phải ngẫu nhiên, người Khmer ở Nam bộ có câu: “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”. Họ rất tự hào về ngôi chùa, về các nhà sư của mình. Bởi lẽ, ngôi chùa người Khmer là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo, và hơn nữa, đó chính là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong phum, sóc. Vì vậy, ngôi chùa Khmer Nam bộ là một công trình kiến trúc trang trí chạm khắc có nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ, thể hiện nét văn hóa nghệ thuật và là không gian thiêng liêng nhất.
Chùa Khmer Nam bộ thường được xây dựng trên một khoảng đất rộng rãi, cao ráo, có những hàng cây dầu, cây sao cao vút và thường ở trung tâm các phum, sóc. Về cơ bản, công trình trong chùa Khmer bao giờ cũng được bố trí theo một nguyên tắc nhất định.
Theo đó, bên ngoài có hàng rào bao quanh, cổng chính, cổng phụ. Trong khuôn viên chùa gồm ngôi chính điện, trai đường, thư viện hay phòng đọc sách, tăng xá, phòng học, nhà bếp, sân chùa, vườn hoa, cột cờ, tháp cốt, lò hỏa táng… Tuy mỗi chùa mỗi dáng vẻ, đất chùa có nơi rộng, nơi hẹp khác nhau, nhưng đều có chung một đặc điểm: chính điện đều có hình chữ nhật, chiều dài luôn gấp đôi chiều ngang; chóp nón là hình tam giác nhọn, chiều đứng dài hơn đáy một phần tư.
So với đền Angko, chùa Khmer Nam bộ không đồ sộ, hoành tráng bằng, nhưng lại có nét đẹp riêng. Đó là sự duyên dáng ở bộ mái cong với những hình trang trí nóc thơ mộng, hài hòa với thiên nhiên và gần gũi với đời thường. Chóp nóc ngôi chùa thường nhìn rõ nhất là tam giác nhọn, mái cong. Chính điện có hành lang bao quanh và luôn quay về hướng Đông. Nếu các di tích lịch sử văn hóa, hay nơi thờ tự tôn giáo người Kinh thường quay về hướng Nam, thì quan niệm người Khmer là Phật ở hướng Tây quay sang hướng Đông để ban phước, nên chùa phải theo hướng Đông để hợp với hướng tượng Phật.
Điểm nhấn của chùa Khmer là nghệ thuật trang trí rất đặc sắc và cầu kỳ, tỉ mỉ và tinh tế. Ở mặt ngoài các ngôi chùa, thường không có hội họa mà chủ yếu trang trí kiến trúc với các hình chạm, hình đắp, hoặc tượng tròn. Trong trang trí kiến trúc, con rồng thường được thể hiện trên bộ mái và những cột cái trong chính điện.
Theo Phật thoại, rồng là con vật linh thiêng, tự nó đã biến thành chiếc thuyền đưa Phật vượt biển tới các nơi để giảng kinh, thuyết pháp, cứu độ chúng sinh. Với ý nghĩa đó, người Khmer đưa rồng lên mái chùa, với ý nguyện mong Phật dừng ở chùa của họ để cứu vớt chúng sinh.
Một hình thức trang trí khác, cũng khá đặc trưng được thể hiện ở những đường cong tượng trưng đuôi rắn, đầu rắn, và hình tượng rắn nhiều đầu, thường được trang trí bố cục trên bộ mái chùa.
Ngoài ra, các đề tài được đề cập thường xuyên là các hình tượng: Rồng (Niek), tiên nữ hình chim (Teppronam), chim thần (Garuda hay Mahakrut) và các vũ nữ chim (Kayno), chằng (Yak), Riahu, Linga... và các hình tượng hoa văn liên quan đến giới thực vật, phổ biến nhất vẫn là hình tượng hoa sen. Đây là loại hoa linh thiêng của đạo Phật và Balamon, mang tính biểu trưng cho việc thờ cúng nên nó thường là đề tài chính cho các bố cục trang trí của chùa Khmer.
So với Phật điện của người Kinh, Phật điện chùa Khmer vốn theo Phật giáo Tiểu Thừa (Nam Tông) nên khá đơn điệu và giản dị. Chùa Khmer chỉ có một tượng Phật Thích Ca đắc đạo là pho tượng chính và to nhất nằm ở vị trí trung tâm của ngôi chánh điện. Về hình thức tất cả các pho tượng đều tượng trưng cho trí tuệ, quyền lực và sự vĩnh hằng cao cả.
“Nếu không có chùa không thành người Khmer”
Người Khmer gắn với đạo Phật Nam Tông, gắn với văn hóa chùa, coi chùa là không gian thiêng liêng cộng đồng duy nhất. Vì vậy, chùa không chỉ là nơi tu hành của các vị sư mà còn là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng, thu hút mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi cùng nhau tiến hành các lễ nghi sinh hoạt văn hóa, giáo dục. Đối với người Khmer ngôi chùa, tự bao đời nay đã là thực thể gắn liền với cuộc sống chi phối toàn bộ đời sống vật chất và tâm linh của người dân.
Vì vậy, nếu nét đẹp kiến trúc của chùa Khmer mang tính vật thể, thì vẻ đẹp tinh thần, phi vật thể được thể hiện ở các lễ hội truyền thống của người Khmer. Bởi lẽ, hầu hết các lễ hội truyền thống của người Khmer đều liên quan gắn bó mật thiết với tôn giáo của họ, do vậy, chùa chiền hiện diện trong mọi lễ hội của người Khmer. Ví như, trong ngày Tết, chỉ có chùa chiền là đông vui, nhiều gia đình vào hết trong chùa ăn Tết, phum, sóc nhiều khi mất đi không khí tưng bừng ngày Tết, vì nhà chùa đã thu hút hết người dân. Ngày lễ cúng ông bà cũng vậy, những lễ chính thức, người dân thường tập trung ở chùa. Họ quan niệm sống để làm phước, nên các lễ hội là dịp để đồng bào cầu kinh, làm phước, hướng thiện…
Trong các dịp lễ hội, nhà chùa còn mời các đoàn văn công về biểu diễn phục vụ cộng đồng. Các loại hình sân khấu Rô Băm, Dù Kê, múa dân gian, Rom-Vong... được các nghệ sĩ biểu diễn “làm phước” trong các ngày lễ đã tô đậm thêm các sắc thái văn hóa dân tộc Khmer vùng Nam bộ.
ThS Nguyễn Hiếu Tín
(giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng)
Nguồn: Báo Giáo dục TP.HCM
Tin Khác