Người thầy đưa đạo vào đời từ những việc nhỏ nhất
Đến huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, kể cả ở những vùng sâu vùng xa, hỏi đến Đại đức Thích Quảng Phước, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện, trụ trì chùa Mỹ Thạch và Phước Viên, hầu như ai cũng biết.
Đi du học Ấn Độ và trở về Gia Lai vào năm 2012, suốt 10 năm nay, Đại đức Thích Quảng Phước gắn bó với người dân, đưa đạo vào đời từ những việc nhỏ nhất. Với đồng bào gặp khó khăn nơi đây, thầy là nơi nương tựa rất lớn về tinh thần, luôn có mặt kịp thời, đặc biệt lúc họ khó ngặt nhất.
Miệt mài phụng sự xã hội
Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có 1 thị trấn và 14 xã, phần đông người Kinh sống ở thị trấn và người đồng bào sống tại 14 xã. Ở vùng sâu vùng xa đa phần người đồng bào trong diện trung bình và nghèo khổ, đời sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. “Tinh thần từ bi phụng sự của Phật giáo là vô cùng cần thiết để giúp dân”, Đại đức Thích Quảng Phước xác định.
Nhắc đến thầy Quảng Phước, người đồng bào từ người già đến học sinh, thanh thiếu niên hầu như đều biết rõ. Năm nào thầy cũng đến tận những buôn làng, thôn xóm xa xôi đem niềm vui đến cho mọi người. Năm năm qua, thầy Quảng Phước đã tặng hàng nghìn suất quà gồm thực phẩm, áo quần, chăn màn, các loại nhu yếu phẩm trao đến những người dân khó khăn; phối hợp cùng trung tâm y tế tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho những người tật bệnh, nghèo khổ, neo đơn.
Không quản ngại những cung đường đất đỏ trơn trợt, xa xôi, thầy đi xe máy, leo đồi đến tận các bản làng, thành lập nồi cháo tình thương, phát cháo hàng ngày cho bệnh nhân đang điều trị tại các trung tâm y tế. Rồi khảo sát, xây dựng những ngôi nhà tình thương cho người không nhà, sửa sang những ngôi nhà bị hư sập; xây dựng những cây cầu qua sông suối cho trẻ em miền núi được đến trường, người dân đồng bào được lên nương rẫy tỉa ngô đậu, chăn nuôi, quan trọng hơn hết là giảm tình trạng đuối nước, lũ cuốn.
Năm nào thầy cũng đôi ba lần đến thăm các trường làng, thăm hỏi động viên, tặng những phần quà, sách vở, áo quần, xe đạp trợ duyên các em học sinh nghèo, học sinh dân tộc vượt qua khó khăn, đến trường có được con chữ, nâng cao trình độ văn hóa.
Ngoài chăm sóc đời sống vật chất cho người yếu thế, thầy Quảng Phước còn chăm sóc cho đời sống tinh thần, giảm đi những nỗi đau trong tâm hồn người dân. Cuối năm 2017, với cương vị Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Chư Sê, thầy Quảng Phước đề xuất và được Ủy ban Nhân dân huyện Chư Sê bàn giao cho Giáo hội Phật giáo huyện gần 500m2 đất tại Nghĩa trang Nhân dân, để thành lập Nghĩa trang Đồng nhi, giúp thâu nhận cho những thai nhi bị phá, bị bỏ rơi trước cổng chùa, nơi công viên, trường học. Đến nay, nghĩa trang đã có 500 nấm mồ nhỏ, hàng ngày kinh kệ, niệm Phật cầu siêu, hương khói cúng thờ ấm cúng thiêng liêng.
Trong các khóa tu thường kỳ được tổ chức mỗi tháng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, thầy luôn cố gắng chia sẻ, hướng người dân đến với cuộc sống lành mạnh, bỏ dần rượu, ý thức hơn với việc tạo phước, làm ăn để thoát nghèo; hướng thanh thiếu niên trẻ sống có hoài bão, tránh xa cám dỗ và lựa chọn khôn khéo để cuộc sống với nhiều gam màu hồng hơn.
“Nhắc thầy Quảng Phước ở đây ai cũng biết”
Đó là lời chia sẻ của bác Ngọc Châu, chủ một trại hòm có tiếng ở Chư Sê. Sở dĩ bác Châu nhấn mạnh như vậy vì, ở huyện Chư Sê này, ai chết mà không có tiền lo ma chay, chôn cất, hoàn cảnh quá ngặt nghèo thì thầy luôn là địa chỉ mọi người tìm tới. Bác kể: “Thương thầy nhất là khi có việc, dù mười một, mười hai giờ khuya hay bốn giờ sáng gọi thầy đều bắt máy và giúp đỡ người dân”.
Cô gái cao gần 70cm ăn chay trường, thường xuyên làm từ thiện
Bác kể, gần đây nhất ngày 27-6, trên Quốc lộ 25 đoạn qua thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê), hai vợ chồng anh Tuấn Anh (sinh năm 1992) và chị Vũ Thị Ngọc Minh (sinh năm 1992) bị tai nạn, tử vong, bỏ lại 3 người con dại: 7 tuổi, 2 tuổi, 1 tuổi. Cả gia đình nghèo khổ không có nhà, ở nhà thuê nên khi mất phải chở xác về nhà bố mẹ (ông bà nội) để làm tang lễ. Đợi thầy vừa xong thời công phu khuya, bác Ngọc Châu điện thoại: “Thầy ơi thầy có ở chùa không, nhờ thầy giúp gia đình khốn khổ tai nạn. Sau đó hơn bốn giờ sáng chút, tui dẫn người nhà nạn nhân lên xem giờ chôn cất tẩn liệm. Thầy lo hết tất cả và vận động được tiền tiết kiệm cho ba đứa nhỏ mồ côi, ai cũng mừng lắm”.
Nhắc đến thầy Quảng Phước, không chỉ người dân nơi đây quý mến, lãnh đạo chính quyền cũng như vậy. Khi Hội Chữ thập đỏ xin thầy giúp cho gia đình ông Siu Alun cái nhà, thầy đi xe máy mấy tiếng đồng hồ để vào thôn làng O Rưng, xã Iako, thăm và khảo sát.
Nhìn cảnh căn nhà mục nát của hai vợ chồng người đồng bào Jarai 37 tuổi, có 4 người con, chồng là lao động chính của gia đình lại bị bại liệt chân, vợ thì tàn tật, 2 đứa nhỏ 7 tuổi và 4 tuổi còn ở truồng tồng ngồng, 2 đứa con mới sanh 2 tháng tuổi bọc trong chăn dưới đất trong nhà bếp xêu vẹo, thầy đã quyết định xây ngay cho căn nhà. Ngày căn nhà xây xong, cả buôn làng ai cũng vui mừng cho gia đình Siu Alun.
Khơi lòng trắc ẩn
Vì sự nhiệt tâm của thầy, không ngại đường xa để chăm lo cho người nghèo khó, vậy nên chạm vào trái tim, khơi lên lòng xúc cảm, nhiều người muốn đồng hành, sẻ chia với thầy từ những điều nhỏ nhất. Ví như những lần cất nhà tình thương, tiền vật liệu xây dựng, gạch, xi-măng, tôn, cát đá 27 triệu đồng thì đại lý lấy 22 triệu, ủng hộ phụ thầy 5 triệu; tiền công thợ xây là 10 triệu thì họ cúng lại 2 triệu. Công thợ một ngày hơn 200 ngàn nhưng các anh lấy ít hơn chút đỉnh, muốn góp chút phước đức gieo duyên cùng thầy làm việc thiện.
Có đi đến vùng sâu, xa mới thấy, người đồng bào nhiều khốn khó, khi nhận được quà ai cũng mừng vui như Tết. Gần đây nhất đoàn phát quà tại làng Pan, xã Dun, nhìn người dân mang gùi, đi bộ hàng km đến nhận quà từ sáng sớm tinh sương, Chủ tịch xã Dun, ông Lê Đình Tuyền không kiềm được xúc động: “Gần như cả 3 năm qua rất ít đoàn từ thiện đến giúp vì đại dịch Covid-19”. Nói lời cảm ơn thầy Quảng Phước kết nối yêu thương, Chủ tịch xã Dun nói đi nói lại “những phần quà hôm nay thật ấm áp nghĩa tình và giá trị vô cùng”, đủ để thấy niềm hạnh phúc của người dân nơi đây.
“Người đồng bào dân tộc nghèo khổ còn nhiều. Đến nơi thấy họ ốm đau, tật bệnh, nhà xiêu vẹo, dột nát không đủ che nắng mưa, việc học hành của con cháu dang dở vì quá nghèo. Điều đó đã thôi thúc tôi đem tinh thần từ bi của đạo Phật, kêu gọi Phật tử dang rộng vòng tay chia sẻ yêu thương, chia sẻ vật chất và tinh thần, giúp nhau vượt qua gian khổ cuộc đời”, Đại đức Thích Quảng Phước chia sẻ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đàn ông 47 tuổi hiến tạng cứu sống 5 người
Gieo mầm thiện 16:37 23/12/2024Sáng ngày 20/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thông báo đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức lấy và vận chuyển thành công 4 đơn vị tạng từ một người đàn ông chết não để ghép cho các bệnh nhân cần cứu trợ. Đây là một nghĩa cử nhân văn, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người.
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Xem thêm