Kinh bốn Ân lớn

Này các đệ tử, hãy nghe cho kỹ, ta sẽ diễn nói ơn nghĩa thế gian và xuất thế gian. Một ơn cha mẹ. Hai ơn chúng sinh. Ba ơn tổ quốc. Bốn ơn Tam bảo. Bốn ơn lớn này, tất cả mọi người đều phải ghi nhận và nên đền đáp.

Bấy giờ, đức Phật từ trong chính định dạy ngài Di lặc: “Này các đệ tử, hãy nghe cho kỹ, ta sẽ diễn nói ơn nghĩa thế gian và xuất thế gian. Một ơn cha mẹ. Hai ơn chúng sinh. Ba ơn tổ quốc. Bốn ơn Tam bảo. Bốn ơn lớn này, tất cả mọi người đều phải ghi nhận và nên đền đáp.   

ƠN CHA NGHĨA MẸ

Này các đệ tử, cha có “từ ân”, mẹ có “bi ân”. Bi ân của mẹ, nói trong một kiếp cũng không hết được. Tình thương của mẹ trên thế gian này không có cái gì có thể sánh bằng. Từ lúc mang thai, suốt mười tháng trường, đi, đứng, ngồi, nằm, mẹ chịu đau khổ, kiêng cữ mọi thứ, không màng bản thân. Dù hưởng dục lạc, ăn uống, trang sức, mẹ không ưa thích. Lòng mẹ lúc này luôn nghĩ đến con, không chút quên lãng.     

Đến khi sinh nở, mẹ đau đớn hơn, như nghìn mũi nhọn cắt xé thân thể, không thể kể xiết. Có khi bất hạnh, mẹ phải qua đời để con được sống. Khi sinh nở rồi, mẹ mừng khôn tả, như kẻ nghèo khó được ngọc như ý. Con khóc chào đời, lòng mẹ như nghe một bài giao hưởng. Mẹ dùng ngực mình làm nơi con ngủ. Vòng tay của mẹ ôm ấp đời con. Bầu sữa của mẹ như suối cam-lộ nuôi lớn đời con. Ơn đức nuôi dưỡng của đấng mẹ hiền không gì sánh được. Trên thế gian này, núi là cao nhất, ơn đức của mẹ còn cao hơn nhiều. Trên thế gian, quả đất nặng nhất, ơn nghĩa của mẹ còn nặng hơn nhiều.         

Bổn phận làm con, dù trai hay gái, nếu ai bội ân, bất hiếu cha mẹ, làm cha mẹ buồn, oán hận trong tâm, thốt ra lời ác, thì bị tổn đức, sa đọa đường xấu. Trên thế gian này, không gì nhanh hơn sức gió vũ bão. Một niệm oán giận của đấng sinh thành còn nhanh hơn gió. Bổn phận làm con không thể trái nghịch ân đức mẹ cha.

Này các đệ tử, bất cứ người nào vâng lời cha mẹ, không hề trái nghịch, làm điều lợi lạc thì được thiện thần thường theo bảo hộ, được phước báo lớn. Làm con hiếu thảo đền ơn cha mẹ, mỗi ngày ba lần, tự cắt thịt mình để nuôi cha mẹ cũng không trả được công ơn sinh thành của mẹ và cha. Khi còn trong thai, tất cả người con, miệng nút cuống vú, sống nhờ sữa mẹ; khi đã chào đời, hơn một ngàn ngày, tiếp tục uống sữa ngọt ngào của mẹ. Tất cả chất bổ trong cơ thể mẹ đều nuôi con trẻ. Sinh con đần độn, dị tật bẩm sinh, thân thể tật nguyền, tình thương của mẹ không hề thay đổi. Ngày xửa ngày xưa, có một bà mẹ du lịch phương xa, lưng bế đứa con, lội qua sông Hằng, vì nước dâng cao, dòng chảy lại mạnh, sức bà yếu dần, vì thương con quá, không nỡ bỏ con nên hai mẹ con đều bị chết chìm. Tình mẹ là thế, bao la như biển, không thể tính đếm, sẵn lòng chịu chết vì thương con mình.     

Này các đệ tử, có mười ân đức của bậc từ mẫu, bổn phận làm con phải lo đáp đền. Một là ơn mẹ như là trái đất; vì cơ thể mẹ là chỗ nương tựa sự sống của con. Hai là ơn nghĩa ban tặng sự sống; mẹ phải trải qua rất nhiều đau khổ để được sinh con làm phận con người. Ba là ơn nghĩa nâng đỡ con cái; tay mẹ vuốt ve, uốn nắn vóc hình cho con khỏe đẹp. Bốn là ơn nghĩa nuôi dưỡng con cái; mẹ phải tảo tần bốn mùa lao khổ, cho con ăn học, nuôi con khôn lớn. Năm là ơn nghĩa dạy dỗ con cái; mẹ dùng phương tiện, truyền hết kinh nghiệm, trao con tri thức lập nghiệp chân chính. Sáu là ơn nghĩa làm đẹp cho con; mẹ hy sinh mình, làm đẹp cho con với quần áo đẹp và trang sức phẩm. Bảy là ơn nghĩa giúp con bình an; mẹ ôm ấp con, cho con nghỉ ngơi, an lành sức khỏe, khỏi phải lo toan những điều gian khổ. Tám là ơn nghĩa dạy con nên người; mẹ dùng kiến thức và các kinh nghiệm hướng dẫn đời con, giúp con nên người hữu dụng trong đời. Chín là ơn nghĩa dạy con đạo đức; mẹ sống gương mẫu, dạy con lánh ác, làm các việc lành, trau dồi đạo đức, sống đời thanh cao. Mười là ơn nghĩa gây dựng gia nghiệp; mẹ trao gia tài, tất cả cho con, để con thừa hưởng và phát huy thêm.     

Này các đệ tử, ai còn cha mẹ được gọi là giàu, ai mất song thân được gọi là nghèo. Mẹ hiền còn sống như trời giữa trưa, ánh sáng chiếu soi không hề thiên vị. Mẹ hiền mất đi như mặt trời lặn, bóng tối phủ trùm. Cha hiền còn sống như núi vĩ đại, cha mất đi rồi như dưới vực sâu. Vì thế mọi người phải sống ơn nghĩa, hiếu dưỡng mẹ cha như thờ Phật pháp thì được phước đức không thể kể hết.  

NHỚ ƠN TỔ QUỐC

Này các đệ tử, người đứng đầu nước có phước đức lớn. Sống trong nhân gian, nhưng phước đức của nguyên thủ quốc gia lớn hơn mọi người. Quốc trưởng là người hộ trì đất nước, rừng núi, sông hồ, tất cả tài nguyên và dân trong nước. Lãnh đạo quốc gia phải đảm bảo được hạnh phúc, an vui cho mỗi người dân bằng luật công chính và dùng chính pháp giáo hóa mọi người.

Mọi thành phần dân thịnh vượng, bình an, không bị khủng hoảng là nhờ vào tài lãnh đạo đất nước của nhà chính trị có lòng với dân. Như trong căn nhà, cột là căn bản, quốc trưởng là người thiết lập luật pháp, quản trị đất nước thanh bình, phát triển, mang lại hạnh phúc cho mọi thành phần. Cũng như mặt trời soi sáng thế gian, quốc trưởng là người mang lại công bằng, hạnh phúc cho dân, không hề thiên vị.    

Đứng đầu một nước mà không có thuật quản trị đất nước thì dẫn đến cảnh xã hội bất ổn, người dân khổ đau. Ngoài luật pháp nước, quốc trưởng nên lấy chánh pháp Phật dạy cải hóa lòng người, làm cho đất nước phát triển ổn định, không bị rơi vào tám khủng hoảng lớn: nạn giặc ngoại xâm, nội loạn tranh chấp, đất nước nghèo đói, dịch bệnh triền miên, gió mưa trái thời, nắng mưa quá mức, nhật thực, nguyệt thực, xã hội bất ổn. Nhờ dùng luật nước và chánh pháp Phật, nhân dân lợi lạc, tám khủng hoảng trên không thể xâm phạm.

Như ông tỷ phú chỉ có con một, thương con hết lòng, cho con lợi lạc, ngày cũng như đêm sống trong hạnh phúc. Quốc trưởng yêu nước cũng giống như thế, xem mọi thành phần như con ruột mình, bảo hộ ngày đêm, giúp dân hạnh phúc, cơm no áo ấm. Vị quốc trưởng nào giúp mọi người dân sống mười điều thiện thì đáng được gọi là “Phúc đức vương”. Vị quốc trưởng nào không giúp người dân tu các nghiệp lành thì được gọi là vị “phi phúc chủ”.  

Về luật nhân quả, nhất là cộng hưởng, trong quốc gia nào có người tu thiện, làm nhiều điều lành thì trực tiếp hưởng được năm phần bảy, còn vị quốc trưởng cộng hưởng hai phần. Khi vị quốc trưởng tu nhân tích đức, làm nhiều việc phúc, đất nước đi lên, thì dân trong nước đều được phúc lợi, nhờ cộng hưởng tốt. Nếu quốc trưởng nào pháp luật nghiêm minh, không hề thiên vị bất cứ một ai, sống theo chánh pháp, bảo hộ đạo đức, giáo hóa mọi người bằng các lẽ phải thì quốc vương ấy chính là “chúa tể” trong một quốc gia. Vị quốc trưởng này xứng đáng gọi là một vị thánh vương hay chính pháp vương.

Làm quốc trưởng tốt cần có đầy đủ mười đức sau đây: Một là dùng trí soi sáng thế gian. Hai là dùng đức làm đẹp đất nước. Ba là giúp dân được an ổn lớn. Bốn là dẹp yên mọi chuyện loạn lạc. Năm là giúp dân lìa được tám nạn, không còn sợ hãi. Sáu là tuyển dụng các bậc hiền tài phát triển đất nước. Bảy là biết lấy chính pháp làm gốc, giúp cho muôn dân an cư lạc nghiệp. Tám là giữ nước độc lập chủ quyền. Chín là đầu mối của mọi việc thiện. Mười là lãnh đạo tất cả thành phần chính trực, nghiêm minh.   

Nếu quốc trưởng nào không nghiêm luật nước, để dân làm ác, xã hội bất ổn, thì các thiện thần đều xa lánh cả. Thấy dân tu thiện, đất nước phát triển, thì các thiện thần đều rất vui mừng, tán dương quốc trưởng, đất nước nhờ đó càng được cường thịnh. Nếu vị quốc trưởng không gần kẻ xấu, siêng năng phục vụ lợi ích nhân dân thì ngọc như ý sẽ có trong nước, các nước láng giềng thảy đều mến phục, hòa nhã, hợp tác.

Nếu có kẻ ác sinh tâm phản nghịch trong quốc gia thiện, dù trong chốc lát, thì nghiệp xấu này tự tiêu diệt họ. Đến khi qua đời, tái sanh đọa lạc, chịu nhiều đau khổ. Nếu có nhân dân thực hành điều thiện, có lòng yêu nước, giàu lòng tử tế, giúp đỡ lẫn nhau, quý trọng Phật pháp, thì ngay đời này được nhiều phước báu, giàu có, yên ổn, hạnh phúc tràn đầy, tất cả nguyện lành đều được thành tựu. Tất cả quả báo dù thuận hay nghịch, dù tốt hay xấu là rất chính xác cũng như tiếng vang nối sau âm thanh. Ân đức quốc trưởng to lớn như thế nên mọi người dân nên hợp sức lại phát triển đất nước.     

ƠN BA NGÔI BÁU

Này các đệ tử, ba ngôi báu là Phật, bậc giác ngộ, Pháp là chân lý, Tăng là chân tu. Nhờ có Tam bảo, mọi người biết tu, vượt qua khổ đau, hưởng được hạnh phúc đời này, đời sau.

Cuộc đời đức Phật là tấm gương thiện, do dầy công tu kiếp này kiếp trước, chuyển hóa phiền não, chứng đắc niết-bàn, hết nghiệp ba cõi, công đức như núi, không ai sánh bì. Phúc đức của Phật sâu như biển cả. Trí tuệ của Phật lớn không ngằn mé, cũng như hư không. Từ bi của Phật cứu giúp thế nhân vượt qua bể khổ. Phép mầu của Phật soi sáng thế gian thoát khỏi tăm tối.  

Tất cả chúng sinh bị nhiều nghiệp chướng, phiền não ngăn che, chìm trong sinh tử, chịu nhiều khổ sở. Nhờ ba ngôi báu có mặt thế gian làm thuyền tâm linh, đưa rước mọi người vượt qua sông khổ, đến bờ niết-bàn, sống trong an vui, không còn thoái chuyển. Những bậc có trí thường luôn ngưỡng mộ, nương ba ngôi báu, tu tạo hạnh phúc.

Này các đệ tử, các đức Phật đều có đủ ba thân: Một, tự tính thân. Hai, thụ dụng thân. Ba, biến hóa thân. Sử dụng ba thân giáo hóa chúng sinh, đức Phật mang lại hạnh phúc cho đời. Thân Phật tự tính vô thủy, vô chung, lìa tất cả tướng, dứt mọi hí luận, không vướng bờ mé, tịch tĩnh an vui. Thân Phật thụ dụng tròn đầy hai hạnh. Tự thọ dụng thân do tu hạnh lành, mang lại lợi lạc cho các chúng sinh trong vô số kiếp, được tâm Thập địa, đáng được cung kính, cúng dường, tán thán. Chân báo thân này có trước, không sau, nên thọ mạng Phật tùy theo sở thích. Thân tướng của Phật trang nghiêm, đẹp đẽ, như viên kim cương, dứt bỏ tất cả các chướng sở tri và chướng phiền não.       

Đức Phật đạt được bốn trí viên mãn, vốn là chân báo thọ dụng pháp lạc. Một, trí kính lớn; chuyển thức dị thục thành trí tuệ lớn, như tấm gương tròn, sáng soi sắc tướng. Gương trí tuệ Phật hiện rõ các nghiệp của các chúng sinh. Nương vào từ bi và trí tuệ lớn, Phật rõ pháp tính, làu thông cả hai chân lý tuyệt đối, chân lý mặc ước, giữ thân vô lậu, hội tụ công đức trọn vẹn đầy đủ. Hai, trí bình đẳng; chuyển thức mạt-na, trung tâm chấp ngã, thành trí tuệ lớn, thấu rõ nguyên lý bình đẳng không hai, xa lìa vọng chấp, thấy rõ thực tướng của mọi sự vật. Ba, trí quán sát; nhờ chuyển ý thức, không còn phân biệt, thành trí tuệ sáng, quán sát mọi vật, tướng riêng, tướng chung, vượt khỏi chấp mắc, giúp cho chúng sinh được bất thoái chuyển. Bốn, trí thành tựu; chuyển 5 giác quan thành trí tuệ lớn, làm chủ thân tâm, giúp cho mọi người hoàn thành nghiệp thiện, thành tựu hạnh phúc. Nhờ bốn trí này, đức Phật thành tựu tự thụ dụng thân.    

Hóa thân của đức Phật đầy đủ tám vạn bốn nghìn tướng tốt, luôn luôn trụ trong Tịnh độ chân thật, nói lý thành Phật, giúp cho mọi người được an lạc lớn của pháp Đại thừa. Tất cả đức Phật vì độ Bồ-tát chứng đắc Thập địa. Thân Phật có đủ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, đủ bốn căn lành, giúp hàng phàm phu, ngộ pháp Tam thừa. Đức Phật thương tưởng các bậc Bồ-tát tuyên giảng rộng rãi sáu Ba-la-mật, giúp được chánh giác, cứu cánh Phật tuệ. Vì Bích-chi Phật, giảng dạy về pháp mười hai nhân duyên. Vì hàng Thanh văn, phân tích giảng dạy bốn chân lý thánh, vượt qua các khổ sinh, già, bệnh, chết, đạt được hạnh phúc, cứu cánh Niết bàn. Phật vì nhân loại, dạy về nhân bản, giúp họ hạnh phúc trong quả đất này và hành tinh khác. Hóa Phật lớn, nhỏ tuy nhập niết-bàn, nhưng thân Phật ấy nối tiếp không mất.      

Này các đệ tử, công đức Phật bảo to lớn như thế, không thể nghĩ bàn. Do nhân duyên này, đức Phật có đủ mười đức hiệu lớn: Là bậc Như Lai, bậc đáng cúng dường, bậc Chính biến tri, bậc Minh hạnh túc, là bậc Thiện thệ, bậc Thế gian giải, bậc Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, là thầy trời người, là Phật, Thế Tôn.

Này các đệ tử, Pháp bảo có bốn phương diện cần nắm: Một là chánh pháp. Hai là lý pháp. Ba là hành pháp. Bốn là quả pháp. Chánh pháp Phật dạy được ghi thành Kinh, chính là chân lý, phá tan vô minh, dẹp sạch phiền não, chuyển hóa nghiệp chướng, gọi là “Giáo pháp” vì có khả năng giáo hóa mọi người. Sự vật gồm hai: hữu vi, vô vi, gọi là “Lý pháp”. Chấp vào hữu vi, rơi rớt sinh tử. Nương vào vô vi, hướng đến an lạc. Hành Pháp chính là thực tập chuyển hóa lời Kinh Phật dạy: Đạo đức, thiền định, trí tuệ cao siêu. Nhờ thực tập này, không còn đau khổ, đạt được an vui, đạt quả giác ngộ, hay quả vô vi, gọi là “Quả pháp”. Kho tàng pháp bảo có khả năng lớn, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi sinh tử, đạt được niết-bàn.     

Các Phật quá khứ, hiện tại, vị lai nương vào tứ đế, phân tích nhân quả, thấu rõ nhân khổ, dứt vật chướng ngại, thành tựu Bồ-đề, mang lại lợi lạc cho khắp nhân loại. Các Phật ba đời cúng dường Pháp bảo. Huống hồ chúng sinh trong ba cõi phàm, chưa được giải thoát, không kính Pháp bảo là bất hạnh lớn!

Này các đệ tử, Pháp bảo đầy đủ sáu công đức lớn: Một là chân lý, đạo đức chí tôn, làm nơi nương tựa của các chúng sanh. Hai là ruộng phước vĩ đại hơn hết. Ba là cội nguồn ân đức vô lượng. Bốn là pháp mầu, hiếm khi gặp được như hoa Ưu đàm. Năm là chân lý hơn các tôn giáo và các triết học. Sáu là đầy đủ các loại công đức. Ơn đức Pháp bảo lợi lạc chúng sinh, không thể nghĩ bàn.   

Phật vừa dứt lời, có ông Trưởng giả bạch đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Trong một Phật bảo có nhiều hóa Phật, cùng khắp thế giới, đem lại lợi lạc cho nhiều chúng sinh, do nhân duyên gì mà rất nhiều người không gặp Phật Pháp, nên chịu khổ não dài trong nhiều kiếp?

Đức Phật dạy rằng: “Ví như mặt trời sáng soi thế giới, không hề thiên vị, nhưng những người mù không thấy ánh sáng. Điều này hẳn nhiên không phải do lỗi của vầng thái dương. Tương tự, đức Phật tuyên giảng chánh pháp, mang nhiều lợi lạc cho khắp mọi người nhưng có nhiều người không tin Phật Pháp, không thích người tu, không tin nhân quả, thường tạo nghiệp ác, không chút hổ thẹn, gốc tội sâu nặng, qua nhiều kiếp sống, không hề nghe biết danh hiệu Tam bảo, như người bị mù không thấy ánh sáng. Nếu có người nào cung kính Tam bảo, ưa thích Đại thừa, nhờ công đức này, nghiệp chướng tiêu trừ, phúc đức tràn đầy, trí tuệ tăng trưởng, căn lành càng lớn, giã từ khổ đau, chứng đạt giác ngộ. 

Này các đệ tử, năng lực Pháp bảo cũng như kim cương, có thể phá sạch lao ngục khổ đau. Pháp bảo như trời, soi sáng chúng sinh. Kho tàng Pháp bảo như ngọc ma-ni, hơn nhiều của báu. Pháp bảo mang lại niềm an lạc lớn. Pháp bảo là thuyền, vượt qua sinh tử, đến bờ niết-bàn. Pháp bảo trừ diệt tội tham, sân, si, giúp cho chúng sinh sống với trí tuệ, có lòng hổ thẹn. Pháp bảo cũng như giáp trụ kim cương, phá bốn loại ma, chứng đạo Bồ đề. Pháp bảo cũng như gươm trí tuệ sắt, cắt dứt sinh tử. Pháp bảo chính là xe báu Tam thừa, chở hết mọi loài ra khỏi nhà lửa. Pháp bảo cũng như ngọn hải đăng soi, giúp cho mọi người thoát khỏi ba cõi. Pháp bảo chính là vị đạo sư lớn, dẫn dắt mọi người thoát khỏi khổ đau, đạt được niết-bàn. Công đức Pháp bảo sâu xa, khó nghĩ. Làm đệ tử Phật, mỗi ngày siêng năng đọc tụng Pháp bảo, hiểu rõ thực hành, sẽ được an vui, không còn bất hạnh.      

Này các đệ tử, có ba loại Tăng: Một, Bồ-tát tăng. Hai, Thanh Văn tăng. Ba, Phàm phu tăng. Các bậc Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi, Quan Âm, Thế Chí là Bồ-tát tăng. Ngài Xá-lợi-phất, ngài Mục-kiền-liên là Thanh Văn tăng. Các vị tu sĩ xuất gia chân thật, có lý tưởng lớn, giới hạnh thanh cao, có chánh tri kiến, từ bi trí tuệ, hóa độ mọi người theo Tứ diệu đế, dù chưa giải thoát nhưng có thể giúp những người hữu duyên với chánh pháp Phật, đều được an vui, được gọi chung là các Phàm phu tăng. Tăng bảo chính là ruộng phước đức lớn cho người tại gia gieo hạt hạnh phúc qua sự cúng dường, ủng hộ Phật sự. Ơn đức Tăng bảo cũng khó nghĩ bàn.     

Một vị trưởng giả cung kính bạch Phật: “Nghe lời Phật dạy, chúng con biết được ba ngôi tâm linh. Vì duyên cớ gì, ba ngôi tâm linh Phật, Pháp và Tăng được gọi là bảo?

Đức Phật dạy rằng: “Lành thay, lành thay! Phật, Pháp và Tăng như viên ngọc quý, kim cương long lanh, cắt đứt khổ đau. Tam bảo cũng như ngọc Ma-ni đẹp, không ai phá được, không lẫn bụi nhơ; xa lìa phiền não; như bình thiên đức, mang lại an vui. Những người nghiệp nặng, nghi chướng quá dày thì khó gặp được ba ngôi tâm linh. Tam bảo có thể phá tan khổ đau, hàng phục các ma; giúp cho chúng sinh tu tập nghiệp lành. Tam bảo như vàng, vào lửa không đổi. Vì những nghĩa ấy nên Phật, Pháp, Tăng được gọi là “bảo”.   

ƠN NGHĨA CHÚNG SINH

Tất cả chúng sinh, từ vô lượng kiếp, trôi lăn sinh tử ở trong năm đường: thiên, a-tu-la, ngạ quỷ, súc sinh và làm con người kiếp trước đã từng làm cha, làm mẹ, quyến thuộc của nhau. Tiếp nối điều này, ta hãy quan niệm tất cả người nam từng là cha ta, tất cả người nữ từng là mẹ ta. Mỗi người chúng ta từng làm cha mẹ nên cũng từng có tâm đại từ bi như cha mẹ ta. Ơn cha mẹ xưa, ta chưa trả hết. Nay do vọng nghiệp sinh ra thuận nghịch, rồi do chấp mắc, oán hại lẫn nhau.

Vì không có trí nên ít ai hiểu trong nhiều đời trước, chúng ta đã từng làm cha mẹ nhau. Chỗ đáng trả ơn, làm lợi ích nhau mà không chịu làm đều là bất hiếu. Nhân duyên đời trước, tất cả chúng sinh quá khứ, hiện tại và đời tương lai đều có ơn lớn, thực khó trả hết. Do vậy ta nên tìm cách trả ơn tất cả chúng sinh bằng lối sống đẹp, giàu lòng vị tha, giúp đỡ mọi người sống trong hòa thuận, cơm no áo ấm.   

Này các đệ tử, làm người cao quý phải biết đền trả bốn ân như thế. Người cầu chính đạo quyết tâm đền trả bốn ân cao quý bằng sự thực tập mười Ba-la-mật. Trong đời tương lai, bất kỳ người nào nghe được Kinh này, thọ trì, đọc tụng, phổ biến rộng rãi sẽ được phước đức, tăng trưởng trí tuệ, được thiện thần giúp, thân không đau ốm, tuổi thọ dài lâu, an vui thơi thới.

Phật vừa dứt lời, tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ, phát tâm thọ trì, truyền bá kinh này.      

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Kinh Ái sanh (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)

Kinh Phật 17:30 20/12/2024

Phật nói Kinh Ái sanh, trích từ Trung Bộ Kinh tập 2, Kinh Ái sanh, số 87, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Kinh phân biệt về sự thật

Kinh Phật 19:00 19/12/2024

Phật nói Kinh Phân biệt về sự thật. Trích từ Kinh Trung Bộ III, Kinh Phân biệt về sự thật, số 141, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ về 6 căn bản phiền não (P.3)

Kinh Phật 10:24 19/12/2024

Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hoá được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.

Kinh phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)

Kinh Phật 19:30 18/12/2024

Kinh Phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu), Phật nói Kinh Phân biệt cúng dường. Trích từ “Kinh Điển Tam Tạng - Tạng Kinh - Kinh Trung Bộ III", Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Xem thêm