Nhật ký hành hương: Chùa Diềm - đi rồi lại muốn quay về
Phatgiao.org.vn - Đúng là như thế. Với người dân sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thấm đẫm tình người này, thì dù đi đâu rồi cũng lại muốn quay về.
“Đất vua, chùa làng” - Câu chữ ấy, cùng với vẻ trầm mặc, uy nghiêm của những pho tượng cổ, của những tiếng chuông với thanh âm vang đầu xóm cuối làng, chiều rồi lại sáng như khiến lữ khách đến, đi, xa, xa vạn dặm vẫn háo hức để hơn một lần được quay trở lại.
Chốn già lam tên Hưng Sơn
Chùa Diềm, còn gọi chùa làng Diềm có tên chữ là Hưng Sơn tự (chùa Hưng Sơn) nằm ở khu Viêm Xá, phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh ở hiện tại. Chùa Diềm tọa lạc bên trái con đường dẫn vào đền thờ Vua Bà. Theo lịch sử, chùa Diềm có thể được xây dựng và tồn tại từ thế kỷ thứ VI. Tài liệu chính xác nhất về quá trình tồn tại của chùa Diềm được lưu lại trên quả chuông đúc năm Phúc Thái thứ 7 ở trong chùa.
Ngoài ra, chùa Diềm còn lưu giữ được 2 tấm bia đá là năm Chính Hòa thứ 4 (1683) và năm Cảnh Hưng 38 (1777) ghi dấu quá trình tồn tại và trùng tu ngôi đại hùng bảo diện. Với những bằng chứng lịch sử trên, có thể khẳng định sự hiện diện của chùa Diềm có trước năm 1649.
Trải bao thăng trầm, phong hoá của thời gian, đất rồi người, có thể đã nhiều lần thay đổi bởi cuộc vô thường, nhưng chùa Diềm vẫn như một bảo chứng xác thực việc tồn tại cùng trời đất. Không tránh khỏi những biến thiên của lịch sử, mái chùa nhiều khi rêu phong, rã nát, để rồi cùng với người dân bản xứ, cũng như nhiều đời chư Tổ tu hành ở đây, đã, đang và luôn gìn giữ, trùng tu, xây dựng, nhằm bảo vệ ngôi chùa mãi tồn tại với con người, với cuộc đời. Tinh thần này cũng có thể ví như một bằng chứng lịch sử, phản ánh sự cang cường của những bậc tu hành, con dân của làng Diềm luôn hết mình để gìn giữ và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc qua các thời kỳ dưới mái chùa uy nghiêm.
Lữ khách và xúc cảm
Lần đầu tiên viếng thăm, tuy nằm giữa chộn rộn của của cuộc sống chung quanh, nhưng khi bước chân vào tới phạm vi chùa Diềm, tôi đã có được thứ cảm giác vô cùng đặc biệt. Lần lần, cái cảm giác đặc biệt ấy được nhân lên, quyện với mùi hương trầm tỏa ra từ lầu Quan Âm bên tay trái của chùa, khiến sự an nhiên sống dậy. Tôi không thêm bớt, hay nói quá. Và, để xác thực phải có dịp ghé thăm mới cảm nhận đủ cái nhân duyên đẹp đẽ ấy, chúng ta mới có thể tường tận ngọn ngành. Ngôi chính điện, nhà Tổ, nhà Mẫu vẫn lối kiến trúc xưa. Hoành phi, câu đối, cả những cây cột bằng gỗ nữa phác họa mỗi thời kỳ lịch sử như đốn tim lữ khách đến thăm. Lắng lòng, rồi chắp tay cung kính đỉnh lễ Tam bảo, chư vị hiền thánh, mọi ưu phiền, khốn khó, quăng quật, vật lộn nơi cuộc sống tựa gió thoảng, mây bay.
Tiếng mõ, tiếng chuông, cùng tiếng í ới của bà con Phật tử ra chùa lạy Phật, làm công quả khiến nơi này thật gần gũi. Chỉ kịp vài câu chào hỏi, nói cười, lữ khách lần đầu đến chùa đã thấy tình người thấm đẫm. Giữa chốn mênh mang, tiếng nói, tiếng cười mỗi lúc mỗi xốn xang. Không chỉ chào khách “Nam-mô A-di-đà-Phật!”, những câu quan họ “vang - dền - nền - nảy” cũng được cất lên. Đất quan họ mà, nơi sinh ra câu quan họ mà, nghe bảo sao mà chẳng ngọt ngào. Chưa kịp mang áo tứ thân, đội nón quai thao, nhưng tiếng hát đã khiến tất cả cùng hoà nhịp đập con tim. Có cả liền anh, liền chị, và cả liền cháu, liền con. Cái nôi sản sinh câu quan họ được tiếp nối từ đời này sang đời khác, để tiếng hát mãi bay, bay đến tận thăm thẳm trời xanh.
Thầy trụ trì ở đây còn trẻ. Thầy mới ngoài tứ tuần. Thầy mang pháp danh Thích Quảng Hợp, thế danh Trần Văn Thành. Thầy sinh ra và lớn lên ở xã Chính Mỹ, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Thầy xuất gia tu học tại chùa Tảo Sách ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ - Thủ đô Hà Nội. Thầy về trụ trì và đã gắn bó với ngôi cổ tự này mười mấy năm rồi. Chùa có sư, như các cụ, các bà chia sẻ thì con dân trong làng vui và hạnh phúc nhiều lắm. Chuông chiều, mõ sớm cứ lên bổng xuống trầm, từng nhịp đi cùng ngày tháng năm. Về chùa chắp tay chào Thầy, lên chùa lễ Phật, lễ Tổ, lễ hiền thánh giúp những được mất, hơn thua dần được tháo gỡ và chuyên tâm học, hành để buông bỏ việc ác, tạo tác nhân lành.
Ngoài sáu thời tụng niệm, Phật tử già trẻ còn được tìm hiểu về giáo lý Phật-đà qua các buổi chia sẻ về Phật pháp mà thầy trụ trì sẻ chia. Những bài học về giáo lý dần được mở rộng mỗi ngày mỗi lớn, rộng hơn. Bên cạnh việc học và hành lời Phật dạy, những phong trào như: Giúp người trẻ đi chùa tham gia các buổi bảo vệ môi trường, bằng cách nhặt rác chung quanh khu vực mình sinh sống. Hay chia sẻ bữa ăn yêu thương tới những người sống lang thang, cơ nhỡ về đêm, tặng bánh khúc tự tay làm cho các bệnh nhân ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh (diễn ra mỗi tháng một lần), cũng như phát động phong trào thể thao với đời sống, mà điển hình là giải bóng chuyền hơi đã và đang lan tỏa trong đời sống thường nhật của địa phương luôn luôn được cổ xúy.
Đón ngày mới, khi sương sớm còn bảng lảng, cất bước chân nhè nhẹ quanh nơi mẹ hiền Quan Thế Âm Bồ-tát đang đứng đưa mắt nhìn cuộc đời, dù cái lạnh được cho là tê tái của mùa đông chẳng thấm, chẳng thía vào đâu. Bữa cơm chút đậu, chút rau khiến như đang được bưng bát cơm nhà. Mùi thơm, vị đậm đà của thức ăn khiến tôi nhai một lèo tận hai bát. Vừa ăn vừa nói, cười. Tiếng nói, tiếng cười không hàm chứa, dung nạp chuyện thế gian. Cánh cửa từ bi được mở ra. Nhân lành được gieo. Quả lành nhận lại. Hờn giận ư? Gian tham ư? Tranh giành ư? Chẳng có cơ hội để mà sống, để mà tồn tại hay cả làm mục rữa cuộc đời. Học Phật. Hành lời Phật dạy. Mỗi ngày trôi qua, là quãng thời gian để chúng ta nhận diện chính mình. Không làm những điều ác. Chỉ làm những điều lành. Ba đời chư Phật dạy. Cả xưa cho đến nay. Hạnh phúc đang được chuyển hoá và sinh sôi như thế.
Những mốc thời gian nhắc nhớ
Hội làng Diềm diễn ra vào ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm tưởng không lớn mà lớn không tưởng. Trong khuôn khổ của chính hội, trước và sau ngày 6 tháng 2, không khí, không gian văn hoá truyền thống ở đây như đưa chúng ta về với lịch sử, với nguồn cội bao đời của ông cha. Những lễ mở cửa đền Vua Bà - Thuỷ tổ của câu quan họ, và những lễ; chạy cờ, rước kiệu, bên cạnh các trò chơi dân gian như: đập niêu đất, bịp mắt bắt vịt, đi cầu khỉ trên cạn,… đã thật sự làm nức lòng những ai được hiện diện, được tham gia trong không gian của lễ hội.
Lễ Phật đản, rồi tiết Vu lan báo ân báo hiếu ở chùa Diềm cũng vậy. Giản dị, mộc mạc nhưng vẫn thấm đẫm tình đạo vị dưới chốn già lam thân yêu. Những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, những chiếc bánh khúc đặc sản của làng Diềm, những đĩa xôi, bát chè hay canh bún giúp tất cả quây quần bên nhau sau khi tiếng chuông tiếng mõ hoàn mãn. Tiếng nói, nụ cười của tất cả mọi người có mặt như những thanh âm khiến muộn phiền của cuộc sống chật vật ngoài kia ngưng lại. Lời Phật dạy, rồi việc hành lời Phật dạy đã giúp có được sự mầu nhiệm như thế.
Ngày giỗ Tổ 25/9 âm lịch hàng năm cũng là dịp để tất cả chư tôn đức Tăng Ni, các cấp lãnh đạo, Phật tử địa phương, thập phương của chùa Hưng Sơn được quây quần. Tiếng hồ hởi từ ngày chuẩn bị, cho đến ngày diễn ra hòa vào với dòng chảy của đất trời, khiến âm vang của sự an yên, tự tại, thảnh thơi giúp bất cứ ai đến với chùa Diềm đều ngỡ như được trở về nhà. Hạnh phúc cứ thế mà vỡ òa.
Chùa Diềm - Ngôi cổ tự nằm sừng sững giữa mảnh đất khai sinh ra câu quan họ thuộc khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Với chiều dài lịch sử hình thành, tồn tại, phát triển của cảnh và người cho đến hôm nay đã ghi nhận một cách to lớn về sức ảnh hưởng của đạo Phật đối với đời sống nhân dân địa phương và thập phương.
Phật giáo - Tôn giáo mang lại cho con người việc nhìn nhận chân thực về giá trị đích thực của kiếp nhân sinh. Sinh - già - bệnh - chết cùng với phạm trù của nhân và quả đã khiến bất cứ ai được tiếp xúc với Phật giáo, với lời Phật dạy, thực hành tại chùa Diềm nói riêng sẽ có được một cuộc sống tự tại và bình an!
Viên Quang - Đinh Anh Tuấn
Tin Khác