Núi Linh Thứu – nơi Đức Phật thuyết giảng Kinh Pháp Hoa
Linh Thứu sơn hay còn gọi là Núi Kê Túc, núi Kỳ Xà Quật, núi Kền Kền (Vultures’s Peak) cách Bồ đề Đạo tràng khoảng 70 km. Vào thời Đức Phật, ngọn núi bao quanh thành Vương Xá (Rajagriha) thuộc Vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha), ngày nay thuộc tiểu bang Bihar miền Đông Bắc Ấn Độ.
Núi Linh Thứu trong tiếng Pali là Gijjhakuta có nghĩa là ngọn núi Kền Kền vì trên đỉnh núi có tảng đá với hình dạng giống đầu của con chim thú. Nơi đây đã từng là hương thất của Đức Phật, am thất của các vị đại đệ tử như Xá-lợi-phất (Sariputta), Ma-ha-ca-diếp (Maha Kassapa), Mục-kiền-liên (Moggallana) và A nan. Nơi đây, Đức Phật cùng đại chúng hội Tỳ khưu tuyên thuyết pháp âm diệu nghĩa. So với núi Yên Tử tại tỉnh Bắc Ninh chiều cao của nó bằng 1/6 cho đến 1/8. Khu vực xung quanh núi là những rặng cây rậm rạp, tươi tốt, xa xa là các dãy núi liên hoàn, các đồng ruộng bát ngát, các làng mạc và những phố xá nằm rải rác quanh đồi núi.
Với vị trí thuận lợi cho việc tu tập và đi khất thực của chư Tăng, Đức Phật đã chọn nơi đây làm chỗ cho tăng đoàn cư trú. Xung quanh triền núi có nhiều hang động, thiền thất của các vị thánh đệ tử.
Sau khi chứng đắc đạo quả Chính Đẳng Giác, Đức Thế Tôn du hóa hoằng pháp, thu nhận đồ chúng đệ tử ngày càng đông. Trong đó, kể đến có đức vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) – quân vương của đế chế Ma-kiệt-đà (Magadha) một trong những vương quốc hùng cường trong 16 quốc gia thời bấy giờ cũng đã quy y với Đức phật với tư cách là cư sĩ. Nổi tiếng với lòng mộ đạo, quý kính Đức Phật, đức vua đã cho người xây những bậc tầng cấp đi lên đỉnh núi – nơi Đức Thế Tôn an ngự - để có thể gần gũi với Ngài và nghe pháp. Đức vua là vị minh quân hỗ trợ đắc lực cho tăng đoàn trong công cuộc hoằng pháp. Ngày nay giữa lưng chừng triền núi có tấm bảng ghi lại sự kiện vua Tần-bà-sa-la xuống kiệu bộ hành lên đỉnh núi để đỉnh lễ Đức Phật.
Tại nơi am thất của ngài Mục Kiền Liên. Hang động khá nhỏ và mờ tối, với chiều sâu 4m, chiều cao có chỗ 1m5. Kế đến, là hang động của ngài Xá-lợi-phất. Trong kinh tạng Pali, Đức Phật gọi ngài Xá-lợi-phất là tướng quân của chánh pháp, vị thánh có trí tuệ nổi tiếng chỉ sau Đức Phật. Ngài đã từng thay thế Đức Thế Tôn giảng nhiều bài kinh. Ở lĩnh vực này, không có vị thánh tăng nào có được đẳng cấp trí tuệ như Ngài. Tại vị trí thiền thất của tôn giả Anan thì gần hương thất của Phật, khi có khách đến cầu thỉnh Đức Phật thì ngài là người đứng ra thu xếp.
Cộng đồng người Tây Tạng theo Phật giáo phái Mật tông mỗi khi đi du hành, chiêm bái họ thường mang theo một vài phiến đá, khi họ xuất phát tại một điểm nào đó họ sẽ đặt phiến đá tại đó, lần sau họ lên nữa thì đặt chồng các phiến đá lên nhau để ghi nhận sự có mặt của họ tại nơi đất thiêng. Khu vực xung quanh núi Linh Thứu các phiến đá chồng chất này cũng thường thấy và phổ biến.
Trên cùng là hương thất của Phật. Gọi nơi ở của Ngài là hương thất là bởi vì hai chữ ấy dùng để xưng tán công đức, giới hạnh tinh nghiêm, trí tuệ vĩ đại của Ngài được ví như đóa hoa tỏa hương thơm ngát bay khắp muôn phương khiến cho tất cả chúng sanh khắp trong ba nẻo sáu đường cảm phục và tôn kính.
“Hương các loài hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược khắp gió tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Hương tỏa mọi phương trời”
Kinh pháp cú 54
Hương thất của Ngài ngày nay là một di tích nền gạch khoảng 3 mét vuông. Tại vị trí này, các đoàn hành hương thường làm lễ, cầu nguyện và tụng kinh.
Phía Nam của hương thất có một hang động nơi Ngài thường nhập định. Phía Đông có tảng đá dài nơi Ngài đi kinh hành. Phía Đông Bắc có một dòng suối nay đã khô cạn, nhưng theo sử liệu thì đây là một con suối có nước trong và mát, vào mùa hạ Đức Phật thường tắm giặt nơi đây. Kế bên hương thất, có một khối đá rất lớn được cho là khối đá mà Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) đã xô từ trên đỉnh núi xuống để làm hại Ngài.
Dưới chân núi, cách đỉnh gần 2km theo hướng Tây Nam là ngục giam của vua Tần-bà-sa-la, vị vua đáng thương đã bị người con trai A-xà-thế (Ajatasattu) nhốt vào ngục hòng đoạt ngôi, nhưng đức vua đã qua đời ngay khi A-xà-thế ôm lòng hối hận, sót thương cha.
Vua Tần-bà-sa-la sau khi bị nhốt trong ngục, mỗi ngày ông đều hướng tâm về hương thất của Đức Phật. Hoàng Hậu Vi-đề-hy (Videhi) mang tấm lòng thành kính của ông đến Đức Phật. Thế Tôn giảng kinh để cho bà về lặp lại cho ông nghe, nhờ đó ông đã xóa bỏ hận thù với con trai của mình. Tại Linh Thứu sơn đức Phật cũng đã hóa độ vua A-xà-thế.
Theo lời của Thượng tọa Nhật Từ, từ trên hư không nhìn xuống, đỉnh núi Linh Thứu giống như gương sen, các dãy núi liên hoàn xung quanh giống như những cánh sen cao và thấp khác nhau. Tự thân của những rặng núi này cũng mang hình dạng của một hoa sen tự nhiên. Hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết, giác ngộ như Phật, minh triết như Phật làm cho ý nghĩa của biểu tượng này trở nên sâu sắc hơn.
Linh Thứu Sơn cũng minh chứng cho giai thoại Niêm hoa vi tiếu trong nhà thiền. Nói đầy đủ là Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu nghĩa là Đức Phật Thích Ca cầm hoa đưa lên, Ngài Ca Diếp mỉm cười. Nhân đó, Đức Phật ấn chứng sự thâm ngộ của ngài Ca Diếp và nói rằng: “ta có chánh pháp nhãn tạng Niết Bàn diệu tâm, thực tướng, vô tướng, vi diệu pháp môn bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền nay truyền cho Maha Ca Diếp”, từ đó về sau ngài Ca Diếp được suy tôn là sơ tổ Thiền tông Ấn – Hoa.
Năm xưa, ngài Pháp Hiển sang Ấn Độ để cầu pháp cũng đã đến chiêm bái tại đỉnh núi này và ghi lại chuyến hành hương của mình trong Phật Quốc Ký. Sau đó đến Tam tạng Huyển Trang đời nhà Đường cũng đã viếng thăm và ghi lại cuộc hành trình của mình trong Đại đường Tây Vực Ký.
Trong dãy núi Ragi, có ngọn núi Ngũ Phong nằm bên phải núi Linh Thứu, trên đỉnh núi Ngũ Phong có ngôi bảo tháp màu trắng được gọi là tháp Hòa bình được xây dựng bởi một vị Hòa thượng người Nhật Bản vào năm 1969 để cầu nguyện cho sự hòa bình của thế giới và lan tỏa sự bình an đến tất cả mọi người.
Ngày nay, núi Linh Thứu trở thành một địa điểm chiêm bái tâm linh nổi tiếng của tín đồ Phật tử khắp nơi trên thế giới. Chính quyền Ấn Độ và các tổ chức Phật giáo quốc tế cũng đang ra sức đầu tư kinh phí vào việc giữ gìn, bảo tồn Thánh tích linh thiêng này.
Tin Khác