Tìm hiểu về Na-lan-đà, trường đại học đầu tiên của Phật giáo
Đại học Na-lan-đà đã giữ một vai trò và một vị trí có thể nói là độc nhất vô nhị trong nền tư tưởng của nhân loại và lịch sử phát triển của Phật giáo nói riêng. Những ai muốn tu học và nghiên cứu nghiêm chỉnh về Phật giáo có lẽ cũng nên biết đến vai trò của tu viện đại học này trong quá khứ đối với sự phát triển của Phật giáo. Na-lan-đà là nơi hun đúc và đào tạo các đại sư của Phật giáo và cũng là nơi phát sinh hầu hết các học phái lớn của Đại thừa …
Sơ lược tiểu sử của Na-lan-đà
Đại học Na-lan-đà tọa lạc tại một ngôi làng nhỏ không xa thành Vương Xá (Rajagrha) của xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) bao nhiêu. Khi còn tại thế, Đức Phật đã nhiều lần ghé ngang nơi này trên đường hoằng pháp. Tịnh xá Trúc Lâm (Venuvana) và đỉnh Linh Thứu (Grdhrakuta) cũng không xa ngôi làng này và nơi đây cũng là nơi có hai bảo tháp lưu giữ xá lợi của hai vị đại đệ tử của Đức Phật là các ngài Xá-lị-phất (Sariputra) và Mục Kiều Liên (Maudgalyayana), cả hai vị này đều tịch diệt không lâu trước ngày Đức Phật nhập vào Đại Niết Bàn.
Vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, hoàng đế A-dục cho xây một ngôi chùa bên cạnh hai bảo tháp. Sang thế kỷ thứ II sau Tây lịch thì có hai anh em Udbhata và Samkarapati đứng ra sửa sang ngôi chùa và xây thêm tám dãy tịnh xá và từ đó Na-lan-đà biến thành một tu viện lớn tu tập theo học phái Đại thừa. Avitarka và Rahulabhadra là hai trong số các vị trụ trì đầu tiên khá nổi tiếng của tu viện. Rahulabhadra là tổ thứ 16 của Thiền tông Ấn Độ và là thầy của Bồ-tát Long Thụ (Nagarjuna, thế kỷ thứ II). Long Thụ tu học tại Na-lan-đà và sáng lập ra nền triết học Trung quán (Madhyamika) và sau đó thì thay thầy mình trụ trì Na-lan-đà, nhưng một thời gian sau thì rút lui và nhường chức vị này lại cho người đệ tử giỏi nhất của mình là đại sư Thánh Thiên (Aryadeva, sinh vào cuối thế kỷ thứ II ? hay đầu thế kỷ thứ III) …
Uy tín của Na-lan-đà dần dần vượt khỏi biên giới nước Ấn và đã thu hút được nhiều đại sư và học giả tiếng tăm khắp nơi. Sinh viên khắp các quốc gia Á châu như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Indonexia đều tìm về đây tu học. Dưới triều đại vua Harsavardhana (590-647) có hai nhà sư Trung Hoa là Huyền Trang (602-713) và sau đó là Nghĩa Tịnh (635-713) đã đến học tại Na-lan-đà.
Vào thế kỷ thứ VII, Na-lan-đà tổ chức một cuộc tranh biện giữa hai học phái Trung đạo và Duy thức, đây là một cuộc tranh biện triết học nổi tiếng đã được lịch sử ghi chép. Bước vào thế kỷ thứ VIII, tại Na-lan-đà có một nhà sư rất khiêm tốn là ngài Tịch Thiên (Santideva) đã sáng tác được một tập luận thật nổi tiếng, đó là tập Nhập Bồ Đề Hành Luận (Bhodhicaryavatara) [Tập luận này đã được Đức Đạt-lai Lạt-ma thuyết giảng và đã được in thành sách, Hoang Phong chuyển ngữ dưới tựa đề là "Tu Tuệ", nhà xuất bản Phương Đông, 2008]…
Một vài nhân chứng lịch sử
Na-lan-đà vừa là một tu viện vừa là một cơ quan giáo dục và hoằng Pháp mang tính cách quốc tế. Chương trình giáo huấn siêu việt và lối sống kỷ luật và vô cùng tinh khiết của cả giáo đoàn cũng như những người tu học đã đưa thanh danh Na-lan-đà vang dội khắp Á châu. Hơn một ngàn năm trước những ai đến được nước Ấn và được nhận vào tu học ở Na-lan-đà là một niềm hãnh diện lớn lao. Những người may mắn đến được Na-lan-đà thường ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe và cả những kỷ niệm của họ. Các học giả Tây phương, Trung Hoa, Nhật Bản... vẫn chưa khai thác hết những tư liệu quý giá này. Các nhà sư Trung Hoa sang du học hay hành hương ở Ấn thì rất nhiều, trong tập nhật ký của ngài Nghĩa Tịnh có ghi tiểu sử của 56 vị tăng du hành sang Ấn, trong số này có 5 vị là người Giao Chỉ (?). Tuy số tăng sĩ Trung Hoa đến được Ấn Độ khá đông tuy nhiên chỉ xin đơn cử trường hợp của ba vị tiêu biểu nhất là Pháp Hiển (332?-422?), Huyền Trang (600-664) và Nghĩa Tịnh (635-713), là những người đã để lại các tập hồi ký mang nhiều giá trị lịch sử.
Tin Khác