Tin tức
Phật giáo
Về đất Phật, mỗi bước một trang kinh…
Vậy là đã xong hết những điều kiện cần và đủ để viếng thăm Thánh địa Phật giáo - tôi thích gọi là ‘Hành trình về Đất Phật’ - dù rằng địa linh chỉ còn là ‘tàn viên phế tích’ bởi bao nhiêu cuộc chinh chiến lửa binh.
Kiến thức nền của sử học, triết học và Phật học chính là ‘tấm bản đồ’ trên hành trình trải dài miền Trung du xứ Ấn. Và, Đại Tạng kinh nơi góc tủ sẽ được trùng tụng trên những ‘nẻo đường của Đức Thế Tôn’ cũng như chư Hiền Thánh Tăng từng đi.
Tạm gác lại Lumbini, Capilavattu, Kosambi, tinh xá Jetavana (Kỳ Viên) trong chuyến này, tôi chọn hành trình trải vòng từ Bồ-đề Đạo Tràng (Bodhyaga) - núi Linh Thứu - Veluvana (Trúc Lâm) tinh xá - Đại học Nalanda - tân Đại học Nalanda - thành Quảng Nghiêm (Vaisali) - Câu Thi Na Sala Song Thọ (Kusinara) - Lộc Uyển (Isapatana) hay ‘Chư Thiên Đoạ Xứ’ cho cuộc hành trình. Đây cũng được xem là hoàn thành 3/4 trong ‘Tứ Động tâm’. Lần theo Đại Tạng và các nguồn chú giải, trong ‘Trường Bộ kinh’ - D.16, Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Đại bát Niết-bàn), đã chép lại về bốn Thánh tích Phật-giáo như sau:
- Này Ānanda, có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn? “Đây là chỗ Như Lai đản sanh”. Này Ānanda, đó là thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. “Đây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng giác”, này Ānanda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. “Đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, này Ānanda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. “Đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn”, này Ānanda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.
- Này Ānanda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ānanda, các thiện tín Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: “Đây là chỗ Như Lai đản sanh”, “Đây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”, “Đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, “Đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn”.
(…)
Phải là nơi đó…! Phải là nơi mà con người phân biệt kỳ thị chủng tộc, giai cấp; phải là nơi nóng đến cháy da, lạnh đến tê cứng người; phải là nơi bạo loạn, hung tàn; và phải là nơi cuồng tín của 62 tà kiến tranh chấp,… thì Đức Bồ-tát Hộ Minh/Thiện Huệ mới chọn ra đời, xuất gia, thành đạo, độ sanh giáo hoá và nhập Niết-bàn.
Phải là nơi đó…! Phải là nơi mà Nhị vị Thượng-thủ Thanh Văn xuất hiện, phải là nơi mà đã tỷ tỷ a-tăng-kỳ kappa tu tập, phát nguyện, thực hành trọn vẹn thập-độ parami.
Phải là nơi đó…! Phải là nơi mà ‘Chư Đẳng chánh giác, chư Độc giác Thế-tôn’ quá khứ - vị lai đã chọn.
Phải là nơi đó…! Nơi những con người khốn khổ cực nạn đã tái sanh lăn trôi theo dòng nghiệp, chờ một vị Thiện Thệ dắt về Vô Sanh.
‘Đi đi, rồi sốc…!’ - là câu nói tôi được nghe rất nhiều vị khuyên ngăn. Ôi, có gì đâu mà bở ngỡ, bởi rằng ‘đền vàng điện ngọc’ hay chăng thì cũng đã từng gần 5 thế kỷ vắng chân khách bộ hành, ‘đền tháp nguy nga’ cũng đã nhuộm máu oán thù của biết bao phiến quân hung bạo. Hơn thế, những ‘kỳ danh Thánh địa’ đã ‘đổi họ thay tên’ bao lần, đã trải qua sự biến đổi của ngôn ngữ mấy độ, để rồi, muốn tìm cái tên như trong lời kinh sao mà xa lạ biết chừng nào?
Tôi không chọn tour hay đoàn, vì chắc có lẽ đã chán ngán cảnh đợi chờ huyên náo. Có vị hỏi tôi hành trang khi đi hành hương, ừ thì, chắc chỉ có thể ‘dọn cõi lòng trống trải’ để ngồi ngắm những điêu tàn bên nền gạch đá cũ phiêu phong. Đây con đường kinh hành, đây giọt lệ bước vào tịch diệt, đây dấu chân Huyền Tráng, đây vang bóng một thời của hàng ‘Long Tượng Tùng Lâm’. Mấy mươi năm dùi mài kinh sử để dùng cho trọn vẹn một tuần non. Như vậy mới ‘động tâm’ được giữa cái nóng gần 49-50 độ C.
Về Đất Phật, mỗi bước một trang Kinh…
LỜI KINH VIỆT…
Ai chở lời Kinh
Mang về xứ Việt…
Ai mang Đại Tạng
Vượt ngàn trùng khơi,
Vượt ngàn non cao
Ngồi bên Đất Phật
Dưới cội Bồ-đề
Trùng tụng ngàn lời
Cho lời Kinh bay xa…
Xưa Người - Huyền Tráng
Ngựa trắng mang Kinh
Vượt Gobi, tuyết lãnh
Đông Độ đượm thắm Đạo Vàng.
Xưa Người - Minh Châu
Tích Lan phương ngữ
Đất Ấn ôn Kinh
Mai về cố quận dịch tầm
Vạn Hạnh sùng hưng ngọc kệ.
Nay về bên Phật
Mang lời kinh xưa
Trùng tuyên giữa chốn Gaya
Bodhi có quên hay còn nhớ…?
Chắp đôi tay sen
Lắng lòng châu ngọc
Nguyện cho viên mãn
Ước nguyện bên đời
Lời Vàng Đại Giác thả trời mây bay…
Thử Ngạn thất, 2024
Bảo Trương
Tin Khác
Xóa bỏ mệt mỏi, gạt hết lo âu với chuyến bay chỉ hơn 4 tiếng để tìm đến tại Ấn Độ là lựa chọn cho những ai muốn “lạc chân” vào không gian đủ yên tĩnh để cân bằng cảm xúc, tìm lại chính mình, hơn hết đó còn là hành trình “chữa lành” cả về thể chất lẫn tâm hồn.
Ngày 13/09/2024
Tại khuôn viên chùa Hang có cả chục nghìn con chim trời trú ngụ, tạo nên khuôn cảnh vô cùng sinh động.
Ngày 08/09/2024
Nước biển dâng, hạn hán, sạt lở đất và các cơn bão lớn là những yếu tố hàng đầu đang đe dọa sự tồn tại của các di sản được UNESCO bảo tồn.
Ngày 04/09/2024
Tựa game Black Myth: Wukong đẩy lượt tìm kiếm các địa điểm du lịch Sơn Tây (Trung Quốc) tăng gần 160%. Trước đây, tỉnh này chưa bao giờ là điểm nóng du lịch.
Ngày 02/09/2024
Theo Bangkokpost, những năm gần đây, nhiều du khách đến thăm các ngôi đền, chùa và cung điện ở Bangkok, nhất là du khách châu Á thường lựa chọn mặc trang truyền thống của Thái Lan.
Ngày 01/09/2024
Lễ hội Vu lan báo hiếu - Ngũ Hành Sơn năm 2024 đã được khai mạc hôm 13/8, tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng).
Ngày 18/08/2024
Sóc Trăng là một vùng đất có sự giao thoa giữa các dân tộc Kinh, Hoa và Khmer, tạo nên một bức tranh văn hóa vô cùng phong phú, độc đáo. Chính vì lẽ đó nơi đây được xem là một điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm sự thanh tịnh và yên bình thông qua hành trình du lịch tâm linh.
Ngày 10/08/2024
Chùa Dơi, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở tỉnh Sóc Trăng, ngôi chùa đặc biệt không chỉ bởi kiến trúc tôn giáo Khmer đặc sắc mà còn vì những câu chuyện huyền bí.
Ngày 04/08/2024