Vườn Lâm Tỳ Ni - Thánh tích ghi dấu sự ra đời của Đức Phật
Vườn Lâm Tỳ Ni - một trong tứ thánh tích Phật giáo quan trọng và là điểm hành hương thu hút khách du lịch bậc nhất tại Ấn Độ và Nepal. Nơi đây không chỉ thu hút bởi sự linh thiêng hiếm có mà còn mang lại nhiều phúc báu khi đến chiêm bái và khởi được những nguồn tâm thiện lành.
Vườn Lâm Tỳ Ni chính là nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ra hơn 2600 năm về trước. Đức Phật là con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da tại thành Ca Tỳ La Vệ (nay thuộc vùng đất Nepal).
Vườn Lâm Tỳ Ni nằm tại quận Rupandehi thuộc Cộng hòa dân chủ liên bang Nepal cách biên giới Sonauli Ấn Độ khoảng 36km, tọa lạc trên một ngọn đồi thấp dưới chân dãy Himalaya, cách 25km về phía đông của kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa và cách thủ đô Nepal Kathmandu 320km.
Trong lịch sử Phật giáo ghi lại, khi Hoàng hậu Ma Da gần sinh Thái tử (tức là Đức Phật sau này), theo tục lệ ở đất nước Ấn Độ, người phụ nữ đến kỳ sinh con phải trở về nhà mẹ đẻ. Hoàng hậu Ma Da cũng vậy. Đến kỳ sinh nở, vua Tịnh Phạn cho bà trở về quê ngoại.
Trên đường về quê, Hoàng hậu xuống dạo bước trong vườn Lâm Tỳ Ni, bà đứng vịn tay lên cành hoa vô ưu; ngay lúc ấy, bà liền hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa.
Để có một vị Phật xuất hiện là điều vô cùng hy hữu và hiếm hoi. Từ khi Ngài ra đời, nhập diệt cho đến nay, chưa có một vị Phật nào ra đời và rất lâu xa nữa mới xuất hiện. Khoảng thời gian giữa các Đức Phật ra đời thường là 500 - 700 triệu năm, có khi là hàng tỷ năm.
Chúng ta nên biết, sự ra đời của Đức Phật không phải là một điều bình thường, bởi lẽ trước khi giáng trần, Ngài đã quan sát và lựa chọn rất kỹ các điều kiện cần thiết, trong đó có nơi Ngài sinh ra. Và khi thấy các nhân duyên đã hội tụ đủ thì Ngài mới quyết định giáng sinh.
Có nhiều người, thậm chí là cả những tín đồ Phật giáo, khi mới tìm hiểu về đạo Phật thì còn mơ hồ, không biết Đức Phật có thật hay không? Lẽ nào con người xây dựng nên hình tượng tốt đẹp, hoàn hảo như vậy để giáo dục quần chúng? Nhưng khi đặt chân đến nơi Đức Phật sinh ra, thì chúng ta tin Đức Phật là con người hoàn toàn có thật. Tại chính nơi vườn Lâm Tỳ Ni, Ngài đã hạ sinh cách đây hơn 2600 năm về trước.
Sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 300 năm Tây lịch, vua A Dục quyết tâm đi tìm tất cả những thánh tích, những di tích - nơi mà Đức Phật từng đặt chân đến. Và khi biết được vườn Lâm Tỳ Ni chính là nơi Đức Phật hạ sinh thì ông đã cho xây dựng cột trụ đá; mong muốn đời sau có nơi để chiêm bái những dấu tích quan trọng trong cuộc đời Đức Phật. Cột trụ đá tại vườn Lâm Tỳ Ni là một phát hiện di tích có giá trị lịch sử sớm nhất còn lại đến ngày nay và đoạn văn khắc trên trụ đá có thể được xem là “bản khai sinh” của Thái tử Tất Đạt Đa, là một bằng chứng “sống” về sự kiện nhân vật có thực của lịch sử.
Vì thế, cho dù đã trải qua hơn 2600 năm nhưng vườn Lâm Tỳ Ni vẫn là cái nôi của văn minh nhân loại, là nơi khởi nguồn của Phật giáo, là một trong các Phật tích thiêng liêng nhất thế giới.
Nếu chúng ta đến thăm vườn Lâm Tỳ Ni nhưng không hiểu gì về Đức Phật, về giáo Pháp của Ngài, không có tâm xúc động mãnh liệt thì không được lợi ích gì nhiều. Hay không vui mừng muốn đến, không ghi nhớ, không sinh lòng mến mộ thì cũng không được lợi ích.
Nhưng nếu chúng ta có sự xúc động mãnh liệt, có tình cảm thiêng liêng, kính yêu đối với Đức Phật thì sẽ được rất nhiều phúc báu, lợi ích, căn lành để chúng ta tu tập. Một giọt nước mắt xúc cảm khi chúng ta đến thăm các thánh tích cũng có thể tiêu biết bao nhiêu tội lỗi, tăng trưởng thiện căn.
Để có được sự xúc động mãnh liệt thì chúng ta phải nghe, học về Đức Phật, hiểu biết nhiều về lịch sử của Ngài; thực tập lời dạy của Ngài, nhận thấy được sự lợi ích, quý báu thì mới có thể xúc động.
Tin Khác