Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Bồ Đề Đạo Tràng: Du lịch tâm linh, di tích và huyền thoại (tiếp theo và hết)

 * Tiếp theo phần 1 bài Bồ Đề Đạo Tràng: Du lịch tâm linh, di tích và huyền thoại

Tìm về cội nguồn lịch sử huyền thoại

Theo lịch sử Phật giáo: Vào khoảng năm 594 trước công nguyên (TCN), Thái tử Tất Đạt Đa lúc này đang là một nhà tu khổ hạnh, bị kiệt sức ngất lịm tại bãi cát bên sông Neranjara (Ni Liên Thiền) - nay là sông Phalgu, thuộc làng Uruvela, bang Bihar, Ấn Độ. Ngài được cô gái Sujata dâng bát sữa kịp lúc cứu tỉnh nên cảm thấy cơ thể dần hồi phục. Ngài nhận ra con đường khổ hạnh là bế tắt nên đến bờ sông khấn nguyện “Nếu ta đạt được giác ngộ rốt ráo thì bát này hãy trôi ngược dòng sông”.

Lạ thay, khi Ngài ném bát sữa vừa chạm nước thì chiếc bát nổi lên và trôi ngược dòng một đoạn trước khi chìm xuống đáy sông. Ngài quyết định bước xuống dòng sông để tắm rửa cho thân sạch và lội qua bờ bên kia tìm chỗ tọa thiền. Tại đây, Ngài ngồi dưới gốc cây Pipala (Tất Bát La) và đón nhận bó cỏ của chàng trai chăn bò tên Kusa dâng cúng để mong Ngài an tâm tu tịnh. Ngài đắc chánh đạo, trở thành đức Thích Ca Mâu Ni lúc 30 tuổi (vào ngày 8/12 âm lịch); từ đó cây Pipala được gọi tên là “Bồ Đề”, nhưng tên “Bồ Đề Đạo Tràng” mãi đến thế kỷ XVIII mới chính thức đặt tên cho khu Phật tích này.

Bồ Đề Đạo Tràng - thánh tích được người con Phật khắp nơi tìm về

Bồ Đề Đạo Tràng - thánh tích được người con Phật khắp nơi tìm về

Tương truyền rằng: Vào khoảng năm 250 TCN, vua A Dục thuộc vương triều Mauryan (Ma Ta Ga) của nước Ấn Độ xưa (làm vua từ năm 35 tuổi và mất năm 73 tuổi, tức từ năm 269 TCN-232 TCN) có tâm nguyện đi hành hương qua các vùng Phật tích. Ông đến làng Uruvela (còn có các tên khác là Mahabodhi, Vajrasana, Sambodhi) và cho xây dựng một ngôi đền mang tên “Đại Giác Ngộ” để kỷ niệm nơi đức Phật thành đạo. Lúc này, cội Bồ đề vẫn còn sống, nên hàng ngày ông chăm sóc cẩn thận và cho xây rào bảo vệ cao 3m, đồng thời chiết cành nhân giống cây để gửi đi nhiều nơi trong nước. Nhưng không ngờ, chính quý phi của vua là bà Tissarakkha đã cho người lén chặt hạ và thiêu hủy cây Bồ đề nguyên thủy. Vua A Dục đã cho trồng lại từ một nhánh cây mà trước đó - vào năm 247 TCN - ông đã cho chiết cành gửi tặng vua Devanampiya Tissa (Thiên Ái Đế Tu) thuộc xứ Sri Lanka (xưa gọi là Tích Lan) - nay là đảo quốc Sri Lanka, thuộc phía Nam nước Ấn Độ.

Vào thế kỷ thứ 2 TCN, ngôi đền và cây Bồ đề thứ hai bị phá hủy trong cuộc sát hại Phật giáo của vua Pushyamitra Shunga. Sau này, cây Bồ đề thứ ba được trồng lại nhưng rồi cũng bị vua Sasanka, thuộc xứ Ganda (trị vì từ năm 590 đến 625), ra lệnh chặt hạ và đốt bỏ gốc vào khoảng năm 600. Đến năm 620, cây Bồ đề thứ tư được vua Purnavarama (Phú Lâu Na Bạt Ma) của xứ Maghada (Ma Kiệt Đà) - là người nối dõi cuối cùng của triều vua A Dục - cho trồng lại và xây bức tường bảo vệ bao quanh cao 7m như ngày nay (ngài Huyền Trang, tức Đường Tam Tạng, có mô tả cây này trong nhật ký hành trình vào thế kỷ thứ 4 và thứ 7). Cây tồn tại khoảng 600 năm, vào năm 1220, một lần nữa cây Bồ đề lại bị triệt hạ cùng với tháp Đại Giác bởi đội quân Hồi giáo khi xâm chiếm Ấn Độ.

Cây Bồ đề thứ năm lại hồi sinh từ một chồi non mọc lên tại nơi gốc cây cũ bị tàn phá và phát triển nhanh chóng, nhưng đến năm 1876, cây này bị chết khô và gãy đổ trong một cơn bão. Vào năm 1881, ngài Alexander Cunningham (một Đại tướng người Anh) lấy hạt giống từ quả của cây Bồ đề thứ năm và trồng lại chính nơi cây bị ngã. Từ đó về sau, các chồi non của cây Bồ đề thứ sáu tiếp tục nảy nở, kế thừa mạch sống của các cây Bồ đề tổ tiên phát triển bền vững đến nay. Điều kỳ lạ, qua nhiều lần sinh diệt, nhưng vị trí cây Bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng vẫn giữ nguyên như lúc Thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ thành Phật. Hiện nay, cây Bồ đề tại Ấn Độ là đời “hậu duệ” thứ sáu của “cội Bồ đề linh thiêng” (từ thời vua A Dục) và đến nay tròn 139 năm tuổi (1881-2020).

Về “nhánh cây Bồ đề gửi tặng vua Sri Lanka”: Sau khi được con gái vua A Dục, tức Tỳ kheo ni Sanghamitta (Tăng Già Mật Đa), mang sang Sri Lanka kết hợp mục đich xin thành lập Ni đoàn Phật giáo, nhánh cây này được nhà vua cho trồng tại Mahamegha, cố đô Anuradhapura và cây phát triển xanh tốt thành một cội cây to. Đến nay, cây đã trải qua 2.267 năm nhưng vẫn sống tươi tốt và được người Sri Lanka quý trọng xem là quốc bảo, gọi là “Jaya Sri Maha Bodhi” - nghĩa là “Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường”. Từ đó đến nay, rất nhiều chồi non hoặc nhánh được chiết ra từ cây Bồ đề tại thánh tích Mahamegha - Sri Lanka và gửi đi trồng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam (gần đây nhất là ngày 22/7/2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ rước cây Bồ Đề do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka trao tặng và trồng tại chùa Tam Chúc - thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; trở thành cây “hậu duệ” đời thứ ba do được lấy từ cội cây Sri Lanka, có cội nguồn từ gốc cây Bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng).

Cội Bồ-đề thiêng

Cội Bồ-đề thiêng

Trở lại câu chuyện “ngôi đền Đại Giác Ngộ” của vua A Dục: Sau khi đền bị phá hủy, vào thế kỷ thứ 3 TCN, vua A Dục có “sắc lệnh” cho xây dựng lại Bảo tháp để tưởng nhớ nơi đức Phật thành đạo. Quần thể kiến trúc (gồm tháp Đại Giác, Tòa Kim Cương, tường rào bảo vệ cây Bồ đề) đã trải qua nhiều lần trùng tu và kiến tạo dưới nhiều triều đại Phật giáo khác nhau, hoàn thành vào thế kỷ thứ 7, dưới triều đại Gupta. Nơi đây đã trở thành “trái tim của văn hóa Phật giáo” trong vài thế kỷ, cho đến khi nó bị quân Hồi giáo đánh chiếm vào thế kỷ 12. Đến thế kỷ 14, các triều vua Miến Điện cho trùng tu lại Bảo tháp và Bồ Đề Đạo Tràng trở thành thánh địa của tín đồ Ấn Độ giáo, thuộc quyền sở hữu của các hàng đạo sĩ Ấn; thậm chí vào năm 1590, có một vị đạo sĩ Ấn giáo là Mahant Ghamandi Giri tự xưng là “Người kế thừa Bồ Đề Đạo Tràng”. Sau đó, khu Phật tích tại làng Aruvela lại rơi vào quên lãng và tháp Đại Giác dần trở nên hoang phế do chịu nhiều tác động bởi điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.

Hơn hai thế kỷ sau, năm 1811, một nhà khảo cổ người Anh là Buchanan Hamilton đã phát hiện ra tháp Đại Giác trong tình trạng đổ nát, bị chôn vùi dưới lòng đất. Đến năm 1875, vua Mindon Min của Miến Điện xin phép chính phủ Anh (do Ấn Độ đang là nước thuộc địa) cho trùng tu lại tháp; nhưng giai đoạn đầu của việc sửa chữa bị dừng lại do không thực hiện đúng theo truyền thống (?). Năm 1880, ngài Asley Eden – Phó thống đốc Bengal, truyền lệnh cho J.D. Beglar tiến hành khai quật; đồng thời giao ông tổ chức xây dựng lại hoàn toàn ngôi Bảo tháp dựa trên vị trí ngôi đền ngày xưa từ thời vua A Dục, với sự cố vấn trùng tu của ông Cunningham và Tiến sĩ Rajendra Lal Mitra. Vào năm sau (1881), Beglar phát hiện ra bệ đá – được gọi là “Tòa Kim Cương” và cho phục hồi di tích xá-lợi của Đức Phật được lưu giữ tại đó (có thể là trên chóp tháp như mọi người kể lại chăng).

Cuộc trùng tu này đựơc chính phủ Anh ở Ấn Độ đảm trách trong hai năm (1880-1881), với phương thức cho khôi phục lại hình thức như nó từng tồn tại từ thời trung cổ. Đây là công việc phức tạp và đòi hỏi sự đầu tư lớn về nhiều mặt, để hầu hết chi tiết từ các bản vẽ mô phỏng ngôi đền và Bảo tháp nguyên thủy (được cho là xây dựng vào thời đại Maurya, khoảng năm 317 TCN-180 TCN) trở nên hiện thực và chính xác. Từ đó có được công trình tháp Đại Giác như ngày nay và được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào ngày 27/6/2003, đưa khu Bồ Đề Đạo Tràng vào danh sách di tích văn hoá thế giới.

Hiện thân của di tích và phát triển du lịch

Khái quát cội nguồn lịch sử khu Bồ Đề Đạo Tràng và đối chiếu với thực tế cho thấy có một “khoảng mở” nhất định từ huyền thoại đến hiện thực. Tôi thấy còn thiếu nhiều thông tin từ những nhà khảo cổ, hoặc nếu có thì còn một số khác biệt so với lịch sử của chính nó. (Ví dụ: khi Thái tử Tất Đạt Đa đắc đạo thành Phật tại cây Bồ Đề, lúc đó không có tháp Đại Giác vĩ đại; Ngài ngồi thiền trên bó cỏ tươi đơn sơ và thân thiện, không phải phiến đá to với lộng che sang quý như hiện nay; trụ đá của vua A Dục được phục dựng trong khu di tích nhưng chưa thấy rõ dấu ấn của nó đối với di tích và ngay trong lịch sử Phật giáo cũng chưa thấy đề cập; tảng đá có dấu chân đức Phật chưa có cơ sở khoa học chứng minh nguồn gốc; hồ sen (hay hồ Mucalinda) thiếu cây Mucalinda tại vị trí tượng Phật và việc Ngài tọa thiền giữa “hồ sen” là không giống như trong lịch sử được tương truyền…). Chưa kể một số hạng mục được xây thêm, dù quy mô nhỏ hay tạm bợ, xét về tổng thể đã có sự tranh chấp về không gian quy hoạch và kiến trúc công trình (giữa cũ/mới), góp phần làm “mờ nhạt” giá trị của thánh tích từ quá trình khảo cổ đến cội nguồn lịch sử huyền thoại và hiện thân của di tích được quảng bá.

Xem lại các tài liệu, tôi nhận thấy hai vấn đề:

1) Khu Phật tích Bồ Đề Đạo Tràng là di tích Phật giáo, nhưng hiện nay phần lớn thành viên của Hội đồng quản trị là người theo Ấn Độ giáo và giữ vai trò quan trọng trong hệ thống quản trị - được quy định bởi Luật về Bồ Đề Đạo Tràng do chính phủ bang Bihar ban hành ngày 19/6/1949.

2) Chính quyền và những nhà chính trị Ấn giáo chủ trương thu hút khách hành hương để phát triển “du lịch tâm linh”, hơn là quảng bá sâu rộng giá trị di sản văn hóa cội nguồn của Phật giáo (đây là nhận định của giới chức Phật giáo tại Ấn Độ). Chưa biết thực hư như thế nào, nhưng có lẻ do chưa có sự thống nhất cao nên việc trùng tu và tôn tạo khu di tích không được chú trọng định hướng quy hoạch ban đầu, từ tổng thể khu vực bao quanh di tích đến chi tiết mặt bằng bên trong khu đất.

Empty

Theo tôi, giữa ba trục mấu chốt (gồm: bảo tồn di tích, quảng bá tín ngưỡng tôn giáo và phát triển du lịch tâm linh) cần có một điểm chung là tôn trọng bản chất gốc của di tích theo dòng thời gian của sự kiện có tính giá trị lịch sử. Tôi đề xuất ý kiến sau:

1) Giới hạn phạm vi thời gian của di tích từ lúc Thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền dưới cội cây Bồ đề đến khi quần thể khu Phật tích được kiến tạo hoàn chỉnh vào thế kỷ thứ 7, các giai đoạn xuất hiện sau đó có thể thuyết minh qua bảng công bố quá trình hình thành di tích.

2) Việc tô đậm giá trị sự kiện những thánh tích từ các triều đại vua A Dục là cần thiết, nhưng nên làm rõ sự khác biệt của sự kiện lịch sử so với giá trị tự thân của di tích (ví dụ: tháp Đại Giác vĩ đại và ngôi đền thờ Phật trong lòng tháp, bệ đá “Tòa Kim Cương” thay cho hình tượng “bó cỏ”, xây dựng tường rào bảo vệ bao quanh cây Bồ đề có giá trị trong lịch sử triều đại vua A Dục).

3) Việc quy hoạch xây dựng khu Phật tích cần mở rộng ranh giới nghiên cứu, gắn với tổng thể cả một vùng đô thị bao quanh, nơi mà hiên nay đang hình thành một “Liên hiệp quốc Phật tự” của nhiều nước châu Á (Việt Nam có bốn chùa), để thấy mối tương quan bảo tồn phạm vi cốt lõi của di tích và định hướng phát triển đô thị, hướng đến một “thành phố di sản văn hóa tôn giáo đặc thù”, gắn với phát triển kinh tế “du lịch tâm linh” bền vững.

Với một ngày ngắn ngũi, tôi chỉ đi-nhìn-thấy và được nghe kể trong khả năng tiếp nhận giới hạn của một du khách hành hương nên không thể nào nhanh chóng thấu hiểu mọi điều. Tôi bắt đầu tìm-đọc-hiểu từ nhiều nguồn tài liệu để hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử một khu di tích có màu sắc tôn giáo như Bồ Đề Đạo Tràng. Có rất nhiều góc nhìn khác nhau từ quan điểm, nghề nghiệp của người viết (hướng dẫn viên du lịch, du khách, tu sĩ, nhà văn hóa…) và xuất phát từ nhiều nguồn dữ liệu - trực tiếp hay gián tiếp - nên có những độ chênh về sự kiện, địa danh và số liệu trong các bài viết hoặc phim ảnh hiện có trên các trang mạng xã hội.

Tôi cố gắng gạn lọc, thẩm định, kết hợp nghiên cứu với trải nghiệm thực tế, để có một góc nhìn riêng của một người để tâm nghiên cứu về bảo tồn và phát triển di tích – di sản kiến trúc. Vì vậy, bài viết này không tránh khỏi chủ quan, chỉ mong qua trao đổi sẽ có được những bài học kinh nghiệm và giải pháp tốt hơn nhằm giúp ích cho chuyên môn…

ThS.KTS.Trần Đức Lộc (Đà Lạt)

__________

Tài liệu tham khảo:   

- Bodh Gaya (vi.wikipedia.org)

- Đôi nét về Bồ Đề Đạo Tràng (thuvienhoasen.org)

- Huyền thoại cây bồ đề nơi đức Phật thành đạo (phatgiao.org.vn)

- Bảo tháp Đại Giác (focusasiatravel.vn)

- Cách tính Phật lịch (thuvienhoasen.org)…

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc

Tin Khác

Chiêm ngưỡng ngôi chùa 3.000 năm tuổi nổi tiếng Tây Tạng

Chùa Zizhu nằm trên ngọn núi Zizhu nổi tiếng, ở độ cao 4.800m phía đông Tây Tạng. Ngôi chùa được xây dựng cách đây 3.000 năm, là một trong những điểm đến tuyệt đẹp mang giá trị văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc của người Tây Tạng.

Ngày 14/04/2024

'Ngôi chùa nguy hiểm nhất Trung Quốc' cheo leo trên vách núi hơn 1.500 năm

Huyền Không Tự nằm ở độ cao hàng chục mét trên vách núi Hằng Sơn suốt hơn 1.500 năm, được mệnh danh là "ngôi chùa nguy hiểm nhất Trung Quốc".

Ngày 14/03/2024

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 diễn ra ngày nào, có sự kiện gì?

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 tại chùa Quán Thế Âm (Q.Ngũ Hành Sơn) diễn ra từ ngày 26/3 đến 29/3 (nhằm ngày 17, 18, 19 và 20/2/Giáp Thìn).

Ngày 13/03/2024

Tĩnh lặng với màu xanh chùa Phật Tích

Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích, thuộc xã Phật tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 25/02/2024

Hai ngôi chùa di tích thu hút hàng vạn khách tham quan mỗi năm

Chùa Dâu, chùa Bút Tháp là hai di tích lịch sử hàng ngàn năm tuổi ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, du lịch.

Ngày 24/02/2024

Ngắm tượng Phật khổng lồ bằng đá ở Đà Nẵng

Những ngày Tết, nhiều người đã tìm đến khu văn hóa tâm linh Đà Sơn để du xuân và ngắm tượng Phật khổng lồ đang trong quá trình thi công.

Ngày 18/02/2024

Ngôi chùa xây chưa xong vẫn đón hàng nghìn lượt khách dịp Tết

Chùa Minh Đức được xây trên núi Thiên Mã (Quảng Ngãi) tuy chưa hoàn thiện nhưng vẫn thu hút hàng nghìn người dân, du khách đến viếng thăm dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Ngày 16/02/2024

Hội xuân Di Lặc trên núi Bà Đen diễn ra suốt tháng Giêng

Hội xuân núi Bà Đen - lễ hội lớn nhất được người dân Tây Ninh đón đợi - khai mạc mùng 4 Tết. Cùng với đó, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa tâm linh độc đáo của Hội xuân Di Lặc.

Ngày 13/02/2024