Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 02/06/2018, 09:47 AM

Chủ tịch Hồ Chí Minh và giáo lý Phật giáo

Trong hệ thống di sản tư tưởng phong phú và vô giá mà Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta ngày nay, có tư tưởng về Phật giáo, trong đó, giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan, trung tâm là con người hướng đến cái “chân thiện mỹ”, “từ, bi, hỷ, xả” “vô thường, vô ngã vị tha”, cứu khổ cứu nạn, để sống tốt đời đẹp đạo… mà hạt nhân tư tưởng của Phật giáo là một trong những tư tưởng văn hóa ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh.

Con người chúng ta đang sống, tồn tại trong cõi Ta bà, con người luôn bị chế ngự bởi dục vọng khổ đau, bệnh tật, sầu hận, chết chóc, đau thương… Con người bao giờ cũng muốn vươn lên từ đời sống thấp hèn để tìm một cái cao đẹp và an lạc hơn, đằng sau bức tường đầy sự hấp dẫn của ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy). Theo giáo lý nhà Phật, con người chỉ là tổng hợp thể của sắc uẩn, thọ, tưởng, hành và thức uẩn (vật lý và tâm lý) - sắc uẩn (vật lý), thọ, tưởng, hành và thức uẩn (tâm lý). Ở một góc độ nào đó, con người luôn điều hòa và phát triển năm uẩn đó thế nào để đạt được hạnh phúc an lạc và giải thoát bởi trí dục, đức dục, thể dục, mỹ dục, tình cảm, sinh lý và lao động ngay trên cuộc đời con người, từ hạnh phúc tương đối đến hạnh phúc tuyệt đối. Hồ Chí Minh qua góc nhìn của giáo lý Phật giáo - đó là niềm tin và hy vọng của Người đối với toàn thể tăng, ni và đồng bào Phật giáo trong việc góp sức mình vì sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, bình an và hạnh phúc. Đến với Phật giáo, Hồ Chí Minh như đến với tư tưởng vị tha, cứu khổ, mưu cầu hạnh phúc, an lành cho con người, bình an cho xã hội.

Hồ Chí Minh cho rằng, trong mỗi con người phải có cái tâm, cái đức trong sáng. Hồ Chí Minh nói: “Đức Phật dạy tín đồ, con người thông hiểu, tu hành từ muôn vàn giáo lý, đặng kết đọng hướng tới sống theo đức hạnh cao nhất: “Hãy gấp làm điều thiện, ngăn tâm làm điều ác” (1). Hồ Chí Minh coi yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Từ quan điểm đó, người luôn ý thức rằng làm thế nào cho mọi người được có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (2). Với tấm lòng bao dung, độ lượng, và luôn hướng đến điều thiện, dạy con người hướng đến giá trị tốt đẹp, Hồ Chí Minh nói: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng ta, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác” (3).
 
Qua lăng kính về giáo lý của Phật giáo, cho chúng ta thấy, những ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về tư tưởng giáo lý nhà Phật rất rõ nét. Người đã gạn lọc, kế thừa, cách mạng hóa những hạt nhân hợp lý trong triết lý đạo Phật, nhất là triết lý đề cao nếp sống đạo đức trong sáng, chủ trương bình đẳng, yêu thương đồng loại,  chống điều ác. Người đã nâng nó lên thành ngọn lửa hun đúc cho truyền thống yêu nước, nhân ái của dân tộc, động viên khích lệ đồng bào theo đạo Phật đồng lòng xây dựng đất nước. Đó là lòng yêu thương con người, quên mình vì mọi người, mình vì người khác…Trong giáo lý nhà Phật, “từ bi” là ước vọng mãnh liệt để giải thoát con người thoát khỏi đau khổ. “Bác ái” là lòng thương yêu của mọi người. “Vị tha”, sống vì người khác”, “kết tinh bằng từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, hướng dẫn chúng sinh đạt tới mục đích giác ngộ và giải thoát, chuyển cõi Ta bà này thành cõi Tịnh độ và cuộc đời cơ cực này thành nếp sống cực lạc” (4). Từ triết lý, giáo lý của nhà Phật, Hồ Chí Minh đã tích lũy và hình thành cho mình tư tưởng mang giá trị triết lý nhân văn sâu sắc và chính Người luôn luôn hướng
đến Phật pháp. 

Từ rất sớm (năm 1921), Hồ Chí Minh cảnh tỉnh loài người khi tìm cách xoá bỏ đẳng cấp, tôn giáo và các thành phần giai cấp: “Thảm họa của đất nước đã xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo. Người giàu người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo, đều hợp sức đoàn kết” (5). Hồ Chí Minh thành tâm gợi niềm tin mãnh liệt: “Rồi đây, bốn bể một nhà...”. Sau khi bôn ba, năm 1941, trở về nước, Hồ Chí Minh đã vẽ ảnh Phật treo trên vách đá để mọi người có nơi chiêm ngưỡng và lấy đó làm điểm tựa của niềm tin vào đức Phật phấn đấu cho sự nghiệp. Khi đến thăm chùa Bà Đá (năm 1946), Hồ Chí Minh nói: “Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính
mạng, tôi cũng không từ” (6). Từ những suy nghĩ đó, Hồ Chí Minh quan niệm: “Trong bầu trời không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ lợi ích cho nhân dân, việc gì có lợi cho nhân dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” (7). Cùng sứ mệnh cao cả như đức Phật, cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, địa ngục, đầu năm 1949, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào ghi nhận trách nhiệm lớn: “Tôi rất đau lòng thương xót đồng bào... Tôi, người phụ trách số phận đồng bào, chưa lập tức... cứu vớt ngay đồng bào ra khỏi địa ngục thực dân...”. Khi về thăm Nghệ Tĩnh (năm 1957 và 1961) Bác tới thăm chùa Cần Linh. Người luôn quan tâm đến hoạt động của Phật giáo, Người đến thăm trường của Hội Phật giáo ở Hà Nội (1962)... Đây không chỉ là những cuộc đến thăm đơn thuần, mà chính là dịp biểu hiện tình cảm và lòng tin của Người đối với tăng, ni, phật tử, chiến sỹ yêu nước. Năm 1958, khi sang thăm Ấn Độ, Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi rất sung sướng được thăm quê hương đức Phật, quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới” (8). Giáo lý nhà Phật đã khẳng định: “Nhân thị tối thắng” - con người cao hơn tất cả vì con người. Người luôn ấp ủ trong lòng với những giá trị cao đẹp: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng
bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”; điều này giống với “Hạnh vô ngã” của đạo Phật, không nghĩ đến bản thân mình, luôn quên mình vì mọi người. Cuối đời (6/1968), Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng xin chỉ thị chuẩn bị in sách Người tốt việc tốt, Hồ Chí Minh gợi mở: “Ta phải giúp
họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần THIỆN trong con người nẩy nở để đẩy lùi phần ÁC, chứ không phải đập cho tơi bời”.

Trọn cả cuộc đời, Hồ Chí Minh đến nhiều vùng núi linh, chùa, đền thiêng như: chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, đền Hùng, Kiếp Bạc, Cổ Loa,... thành kính thắp hương, thông suốt linh mạch thiên - địa - nhân và kết nối âm phù dương trợ. Người không quên nhắc nhở nhà sư “ra sức cầu Phật cho  kháng chiến chóng thành công”. Ở Người, luôn toả sáng những tư tưởng cao đẹp, kết tinh những giá trị tinh tuý nhất của văn hóa truyền thống dân tộc và của nhân loại, trong đó có các giá trị tư tưởng của nhà Phật.  Ở góc độ là một hệ thống tư tưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều mặt gần gũi với giáo lý nhà Phật. Cốt túy của Phật giáo là Từ bi hỷ xả, Vô ngã vị tha, Cứu khổ cứu nạn. Từ giáo lý đó, Hồ Chí Minh nói: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng… Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (9). Sự đối lập hai mặt của một vấn đề là ngày nay, con người chúng ta đang sống, tồn tại trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt, con người chà đạp lên nhau để sống, con người sống nhanh, sống gấp, con người vì cái “ngã”, chạy theo những tài sản vật chất, danh lợi địa vị, quyền lợi… Những giá trị nhân bản đạo đức làm người cũng không còn, giáo dục xuống cấp, văn hóa đồi trụy... Nguyên nhân chính cũng vì lòng tham ái mà ra, do vậy chúng ta biết quay về với đạo Phật là quay về  cuộc sống chân thiện mỹ, quay về chính mình, để tìm lại hạt minh châu (Phật tính) để chúng ta thức tỉnh tu tập, để đoạn trừ cái “Ngã”, cái tham vọng để đạt đến tinh thần “Vô ngã”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt.” (10).
 
Nhận rõ những giá trị cao đẹp của giáo lý nhà Phật, với một giác quan chính trị nhạy bén và sự mẫn cảm kiệt xuất, Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy Phật giáo là một điểm tựa vững chắc cho quần chúng nhân dân, họ sẽ tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho con người. Hồ Chí Minh đã đến với giáo lý nhà Phật không chỉ là nhu cầu tinh thần của nhân dân, mà Người còn tiếp thu giáo lý Phật giáo với tính cách là những giá trị đạo đức của nhân loại. Người cũng nhìn thấy ở Phật giáo những giá trị tốt đẹp phù hợp với đạo đức con người mới và phục vụ cho sự phát triển của thời đại, của đất nước. Hồ Chí Minh viết: “Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giê-su đều giống nhau, Thích Ca và Giê su đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”. Người nói: “Chúa Giê-su dạy đạo đức là bác  ái. Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: đạo đức là bác ái”.

Tiếp thu tư tưởng quý báu của Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX đã khẳng định: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân... Mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong Nghị quyết 24-NQ/ 
TW của Bộ Chính trị năm 1990, lần đầu tiên Đảng ta thừa nhận “đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Đến Chỉ thị 37-NQ/ TW của Bộ Chính trị năm 1998, công nhận: “Những giá trị văn  hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy”. Còn trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, thamgia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Quan tâm và tạo mọi điều kiện 
cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo Hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc”. Cũng chính những quan điểm của Hồ Chí Minh có giá trị sâu sắc trên mọi phương diện cả về lý luận và thực tiễn, Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng nhằm hiện thực hóa và giáo huấn con người hướng đến giá trị cao đẹp, mà mỗi con người khi sinh ra cũng đã có là “tính thiện”.

Nhìn nhận giáo lý 
Phật giáo qua lăng kính Hồ Chí Minh, đó là sự gặp gỡ giữa thấu kính hội tụ, giữa dân tộc và Phật giáo, giữa đời với đạo, trong sự liên kết những giá trị nhân văn cao cả của Hồ Chí Minh. Đúng như Hòa thượng Thích Đức Nghiệp nhận xét: “Hồ Chí Minh đã làm đúng như những lời Kinh Pháp cú, là người lãnh đạo thế gian, biết làm việc chân chính, không thiên vị; biết tu dưỡng tâm hồn, thắng vượt mọi điều  xấu đó là vị Pháp vương; thấy ai làm đúng, thường giúp đỡ; làm lợi ích cho mọi người bằng nhân ái; có quyền lợi thì chia đều, do đó quần chúng đều kính mến” (11).

Có thể nói, cả cuộc đời và sự 
nghiệp của Hồ Chí Minh gắn bó với đạo Phật và để lại rất nhiều ấn tượng đẹp trong lòng phật tử tín đồ cả nước và trên thế giới. Hồ Chí Minh kế thừa, cách mạng hoá những hạt nhân hợp lý trong triết lý đạo Phật, Người nắm vững triết lý Phật giáo và nâng nó lên thành ngọn lửa hun đúc cho truyền thống yêu nước, lòng nhân ái của dân tộc, động  viên khích lệ đồng bào theo đạo Phật, đồng lòng cùng quân, dân đấu tranh giữ gìn độc lập và kiến thiết xây dựng quê hương đất nước...

TS.Hoàng Anh Tuấn
Đại đức TS.Thích Quảng Hợp
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5-2018

-
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1). Lê Cường, Minh triết Hồ Chí Minh với Phật giáo, Tạp chí Quê hương Online ngày 13/02/2010.
(2). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr161-162
(3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr.558.
(4). Thích Đức Nghiệp. Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, trong Đạo Phật Việt Nam. NXB TP.HCM, 1995, tr.318.
(5). Sđd, tập 1, trang 41.
(6). Sđd, tập 4, tr. 148.
(7). Tiếng Dân, Bài học lòng dân, CaMau Online ngày 06/8/2013.
(8). Hồ Chí Minh. Sđd, tr.208.
(9). Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Tập IV, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1958, tr.39.
(10). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.523
(11). Thượng tọa Thích Đức Nghiệp: Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, SĐD, tr.276.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm