Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 24/03/2014, 14:05 PM

Khánh Hòa: Tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu, chùa Tổ quê tôi

Tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu (Thiên Bửu hạ) hay chùa Tổ, chùa Kỳ, tọa lạc tại thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa)


Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng.
  con đường nọ chạy lang thang...
Có hàng tre gợi hồn sông núi.
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng

                                (Huyền Không)
Chánh điện tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu (hạ)

Tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu (Thiên Bửu hạ) hay chùa Tổ, chùa Kỳ, tọa lạc tại thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, (Khánh Hòa). Chùa do Tổ Tế Hiển -Bửu Dương đời thứ 36 dòng Lâm Tế Liễu Quán khai sơn vào khoảng  những năm trước 1763, bên hữu ngạn sông Dinh. Đúng như lão Ông Cửu Ba – Phạm Đài:

“Thanh thủy đoạn phiền não
Cô thôn hiện già lam”

Tạm dịch là:

Nước trong dứt phiền muộn
Thôn vắng hiện chùa xưa.

Ngược dòng lịch sử, năm 1653, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần chiếm vùng đất của Chiêm Thành từ Ðèo Cả đến sông Phan Rang, đặt dinh Thái Khang tức Khánh Hòa ngày nay, gồm 2 phủ Thái Khang (Ninh Hòa), Diên Ninh (Diên Khánh) và đưa dân vào định cư.

Để đáp ứng nguyện vọng tâm linh của lưu dân Thiền sư Tế Hiển - Bửu Dương là truyền thừa dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 36, chi phái Thiền Liễu Quán, rời chùa Thiên Mụ (Huế) vào đất Khánh Hòa khai sơn lập chùa Thiên Bửu (thượng) bên hữu ngạn sông Lốt và chùa Thiên Bửu (hạ) bên hữu ngạn sông Dinh.

Sở di Tổ an danh là Thiên Bửu, bởi vì Tổ tu học và hành đạo từ chùa Thiên Mụ (Huế), để ghi nhớ công ơn Thầy, Tổ ngài chọn theo chữ Thiên của Thiên Mụ và dùng chữ Bửu của Bửu Dương mà hợp thành.

 Đại hùng bửu điện tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu (hạ)

Căn cứ vào đại hồng chung còn lưu tại chùa Thanh Lương, thôn Nhĩ Sự, xã Ninh Thân đúc vào thời Lê Cảnh Hưng có khắc đạo hiệu Tổ Bửu Dương chứng minh đúc chuông

"Thượng Bửu hạ Dương, Hòa thượng chứng minh, Ðại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Bình Khang phủ, Tân Ðịnh huyện, Trung tổng, Bình An xã, Bình An thôn. Trụ trì tăng Tích Nhơn Đại sư, Thanh Lương tự phụng Phật, kim bổn đạo cập thập phương thiện nam tín nữ chúng đẳng. Cảnh Hưng nhị thập tứ niên, tứ ngoạt kiết nhựt chú Hồng Chung…”

Tổ Tế Hiển – Bửu Dương không những khai sơn hai chùa Thiên Bửu mà ngài còn là đệ nhị trụ trì và trùng tu chùa Phổ Hóa, thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

 Chư tôn đức thành kính trang nghiêm lễ tưởng niệm Tổ sư

Tổ Tế Hiển - Bửu Dương thuộc dòng họ Nguyễn Phước, con cháu chúa Nguyễn sinh trong khoảng thời gian 1684-1703, viên tịch ngày 20 tháng 2 âm lịch trong khoảng thời gian 1764 -1803, tại tổ đình Thiên Bửu (Điềm Tinh-Ninh Phụng). Ngôi tháp cổ Bửu Dương tôn trí tại khu vườn tháp tổ đình Thiên Bửu (thương), thôn văn hóa Điềm Tịnh, xã Ninh Phung, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa)

Theo Xứ Trầm Hương của thi sĩ Quách Tấn, Tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu (hạ), vì nằm trong vùng ở ngay dưới chân đường hỏa xa và chung quanh có nhiều nhà cửa chen chúc, quang cảnh chùa không được thoảng khoát. Tuy vậy kiểu thức của chùa vẫn giữ được bản sắc cổ truyền và không khí trong chùa vẫn đượm mùi Đạo. 

 Lộ Uyển tại tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu

Tổ đình Thiên Bửu là ngôi chùa Tổ của hầu hết các chùa trong thị xã. và là nơi đã đào tạo được nhiều danh tăng thạc đức, như đệ nhị trụ trì Tổ Đại Trì-Phước Khánh, đệ tam trụ trì Tổ Đạo Phước-Minh Tôn, đệ tứ trụ trì Tổ Liễu Bửu-Huệ Thân…

Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), Tổ Liễu Bửu - Huệ Thân, trụ trì đời thứ tư được Vua mời ra kinh đô dự "Thủy lục Đạo tràng" siêu độ trận vong quan binh, tổ chức vào tiết Trung Nguyên, tháng Bảy được sắc tứ giới đao và độ điệp. Căn cứ vào Độ Điệp vào thời Minh Mạng có một vị trụ trì đa văn lỗi lạc thế danh Lê Văn Tự, quê làng Toàn Thạnh tức thôn Mỹ Hiệp, Thị xã Ninh Hòa ngày nay được vua Minh Mạng mời ra Kinh đô dự Thủy Lục Đạo Tràng cầu siêu Chiến sĩ trận vong và trúng tuyển kỳ khảo hoạch của Bộ Lễ được cấp giới đao độ điệp năm 1835, đó là Hòa thượng Liễu Bửu, hiệu Huệ Thân đời 37 Lâm tế Chánh Tông, hiện Độ Điệp còn cất giữ tại Chùa. Long vị Ngài hiện thờ tại Chùa, nhưng Bảo Tháp Ngài lại nằm tại Khu vườn Tháp  tổ đình Thiên Bửu (thượng) tại thôn Điềm Tịnh, Ninh Phụng vì Tổ Liễu Bửu-Huệ Thân trụ trì cả hai chùa Thiên Bửu.

 Điện Quán Thế Âm

Kế thừa đệ ngũ trụ trì là Tổ Đạt Khương – Viên Giác, Ngài đồng thời là trụ trì chùa Sắc tứ Hải Đức (Nha Trang). Đệ lục trụ trì là  Tổ Ngộ Hương – Phổ Nhãn.

Năm 1951, Tổ Ngộ Hương – Phổ Nhãn, trụ trì đã cung thỉnh Tổ Phước Huệ  húy thượng Ngộ hạ Tánh, tự Hưng Long (đệ tử Tổ Đạt Khương-Viên Giác), trụ trì chùa Sắc tứ Hải Đức (Nha Trang) đứng ra vận động đại trùng tu chùa và vận động tông môn cúng chùa Sắc tứ tổ đình Thiên Bửu (hạ) cho Giáo hội Phật giáo Tăng Già Khánh Hòa làm trụ sở hoằng pháp.

Kế thừa Tổ Ngộ Hương – Phổ Nhãn là Tổ Tâm Tựu-Hạnh Nguyên, trụ trì từ năm 1950-1952.

Nối tiếp trụ trì từ năm 1952-1953 là Tổ Ngộ Giao – Phổ Châu.. Sở dĩ tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu còn gọi là chùa Kỳ vì nơi đây đã tổ chức nhiều Trường Kỳ (Giới đàn truyền giới). Trường Kỳ đầu tiên tại tổ đình Thiên Bửu vào năm 1934, có lẻ đây là Giới đàn sớm nhất tại Khánh Hòa truyền trao giới pháp cho giới tử 4 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Ninh Thuận. Tháng Ba năm Nhâm Thìn (1952), nhân Lễ Khánh thành tổ đình Thiên Bửu, HT Thích Phổ Châu kiến lập Đại Giới đàn, cung thỉnh Tăng cang Hoà thượng Thích Phước Huệ, viện chủ chùa Sắc tứ Hải Đức (Nha Trang) chứng minh, Tăng cang Hòa thượng Thích Trí Thắng, húy thương Chơn hạ Cảnh, tự Đạo Thông, viện chủ chùa Sắc tứ Thiên Hưng (Phan Rang) làm Đàn đầu Hòa thượng truyền giới, tấn phong Thập sư  và  truyền trao giới pháp cho giới tử trong và ngoài tỉnh.

Từ năm 1953-1955 HT.Tâm Đức-Từ Phong, trụ trì tổ đình Thiên Bửu. Năm 1954, Giáo hội Tăng già Ninh Hòa khai Đại giới đàn cung thỉnh Tổ Phước Huệ húy thương Ngộ hạ Tánh, tự Hưng Long làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới..

Đến năm 1956, Hòa thượng Thích Hạnh Hải, húy thương Tâm hạ Phước tự Thông Như đời thứ 43, dòng Lâm tế Liễu Quán,  trụ trì.  Ngài vận động thành lập Giáo Hội Tăng Già Khánh Hòa, và được chư Tôn đức  tôn cử làm Trị sự Sơn môn Tăng Già Ninh Hòa.

Năm 1961, tại tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu, HT Thích Hạnh Hải đã tổ chức Đại Giới đàn  cung thỉnh Hoà thượng Thích Trí Thủ chứng minh, Hoà thượng Thích Hưng Từ làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới.

Để xây dựng cơ sở vật chất xứng tầm với trụ sở Sơn môn Tăng Già Khánh Hòa, ngôi chùa Tổ của Ninh Hòa, năm 1962, HT Thích Hạnh Hải đã vận động Tăng Ni và Phật tử phát tâm đại trùng tu ngôi Chánh điện tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu, phạm vũ huy hoàng trang nghiêm, tú lệ như ngày nay.

Sau gần 60 năm hoằng dương Phật pháp, HT.Thích Hạnh Hải đã đạo tào được một đội ngũ tăng tài trẻ huyện Ninh Hoà, khả dỉ có đủ năng lực và uy tín kế thừa mạng mạch Như Lai.   Cuối thu năm 1998, khi những chiếc lá vàng từ từ rơi rụng, ngày 16.9 năm Mậu Dần (1998) Ngài đã thuận thế vô thường, xã bỏ báo thân, an tường viên tịch. Ngài trụ thế 83 năm, trải qua 58 mùa an cư kiết hạ. Bảo tháp HT Thích Hạnh Hải hiện tôn trí tại khu vườn tháp tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu (hạ), thôn Bình Thành, Ninh Hoà (Khánh Hoà)

“Trần thế chuyển mình hoa lá bay
Thấy đi về tận nẻo trời Tây
Lời xưa di cảo còn gìn giữ
Mõ sớm, chuông khuya, dõi bước Thầy”

 HT.Thích Ngộ Tánh, trụ trì Tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu (hạ)

Sau khi HT Thích Hạnh Hải viên tịch, theo Quyết định số 31- QĐ/BTS ngày 21-12-1998.của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, do HT Thích Thiện Bình, Trưởng Ban Trị sự ký, Thượng tọa.Thích Ngộ Tánh được Giáo hội bổ nhiệm làm trụ trì tổ đình Sắc tứ  Thiên Bửu kể từ tháng 12 năm 1998 đến nay. Năm 2011 TT Thích Ngộ Tánh, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thị xã Ninh Hòa, trụ trì  được Giáo hội Trung Ương tấn phong Hòa thượng. Năm 2013 tại Đại hội Đại biểu GHPGVN lần thứ VII, Hòa thượng Thích Ngộ Tánh được Đại hội suy tôn Ủy viên HĐTS..GHPGVN.

Từ khi nhận nhiệm vụ trụ trì Tổ đình Thiên Bửu, HT. Thích Ngộ Tánh đã trùng tu ngôi Tổ đường, Cổng tam quan,  Quan Âm Các, lầu chuông, lầu trống, tăng phòng, nhà khách, vườn tháp Tổ, tôn tượng Đức Thích Ca Nhập Niết-bàn…,tạo cảnh quan cho ngôi Tổ đình uy nghiêm, tráng lệ, là ngôi chùa đẹp nhất thị xã Ninh Hòa, xứng tầm với ngôi chùa Tổ trên dưới 300 năm tuổi.

Thật đúng là:

“Phât pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa
Thiền môn hưng thịnh do đàn việt hộ trì”

Về thăm tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu (hạ), Bình Thành, Ninh Bình, (Ninh Hòa), trong ngày 20 tháng 2 Giáp Ngọ (2014) ngày tưởng niệm lần thứ trên 250 Tổ Khai sơn Tế Hiển - Bửu Dương viên tịch, nhân sự tùng sự HT Thích Ngộ Tánh đã tổ chức lễ Bế giảng khóa IV và khai giảng khóa V Lớp Sơ cấp Phật học tại thị xã Ninh Hòa. Trong 4 khóa qua, kể từ năm 2002 lớp Sơ cấp Phật học thị xã Ninh Hòa đã đạo tạo một đội ngũ trên 100 Tăng Ni sinh tốt nghiệp thi vào Trường Trung cấp Phật Học Khánh Hòa và thi đỗ vào các Học viện Phật giáo trong nước, hiện đã có quý Thầy, Cô sau khi tốt nghiệp ra trường trở về Ninh Hòa phục vụ giáo hội và trụ trì các chùa trong huyện, trong tỉnh.

Tổ đình Thiên Bửu (hạ), ngôi chùa Tổ chẳng những là nơi chư Tăng, Phật tử sớm tối đi về tu học, trường đào tạo Tăng, Ni mà còn là trung tâm văn hóa tâm linh của người dân thị xã Ninh Hòa.

Đúng như nhà thơ Huyền Không đã ca ngợi:

“Mái chùa che chỏe hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông”

 
                                    Tháp HT Thích Hạnh Hải
 
 Tôn tượng Phật Thích Ca nhập Niết-bàn
Tháp chư vị Tổ sư tiền bối

Đệ tử Trí Bửu cuối đầu đảnh lễ tưởng niệm lần thứ trên 250 Tổ  sư viên tịch, tháng 3.2014
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Hàng cây cổ thụ độc nhất vô nhị dẫn lối vào ngôi chùa màu hồng hơn 400 năm tuổi

Chùa Việt 07:45 14/04/2024

Chùa Hàng Còng, ngôi chùa duy nhất trong tỉnh An Giang có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng vào đến bên trong khuôn viên với bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Phát huy di sản chùa Thầy

Chùa Việt 11:23 13/04/2024

Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội.

Xem thêm