Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 09/11/2017, 14:29 PM

Ác Tỳ kheo

Nếu Tỳ kheo ác thành tựu chín pháp này, ghi nhớ không bỏ, thì trọn không thành đạo quả. Cho nên, này các Tỳ kheo, đối với các pháp ác nhớ nên xả bỏ. Như thế, này các Tỳ kheo, nên học điều này!

Tỳ kheo là người xuất gia, đã phấn đấu cầu thọ giới pháp (cụ túc giới) để tu học, đáng ra nơi họ không có gì ác vì được an trú trong giới, được giới chở che, bảo hộ. Thế nhưng, giữ giới và chuyển hóa nghiệp lực vốn không phải là chuyện dễ làm. 

Thời gian đầu nhờ sơ tâm hùng mạnh nên tinh tấn cao độ, nhờ đó mà phiền não tạm thời bị nhiếp phục. Về sau do dễ xuôi, ỷ lại, tự mãn nên phiền não có cơ hội trỗi dậy. Cái gọi là ác Tỳ kheo bắt đầu hình thành từ đây.

Một thời Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

Có sự việc gọi là thành tựu chín pháp. Thế nào là chín? Là sắc mặt cứng cỏi, không hạ mình, tâm tham, bỏn sẻn, tâm niệm không xả ly, chóng quên, lười suy nghĩ, che giấu việc dâm, không biết đền ơn. Đó là chín pháp. Này Tỳ kheo! Đó gọi là thành tựu chín pháp này.

Tỳ kheo ác cũng thành tựu chín pháp. Thế nào là chín? Ở đây, Tỳ kheo ác sắc mặt cứng cỏi, không hạ mình, tâm tham, bỏn sẻn, chóng quên, lười suy nghĩ, che giấu việc dâm, không biết đền ơn, tâm niệm không xả ly. Đó là chín pháp.

Thế nào là Tỳ kheo ác sắc mặt cứng cỏi? Ở đây, Tỳ kheo ác tìm cầu điều không nên tìm cầu, trái với hạnh Sa môn. Tỳ kheo như thế gọi là sắc mặt cứng cỏi.

Thế nào là Tỳ kheo ác chịu nhục? Ở đây, Tỳ kheo ác ở nơi các Tỳ kheo hiền thiện mà tự khen mình, hủy báng người khác. Tỳ kheo như thế gọi là chịu nhục.

Thế nào là Tỳ kheo sinh tâm tham? Ở đây, Tỳ kheo ác, thấy tài vật của người khác đều sinh tâm tham. Đây gọi là tham.

Thế nào là Tỳ kheo bỏn sẻn? Ở đây, Tỳ kheo ác, được y bát không cho người dùng chung, thường tự cất giấu. Như thế gọi là bỏn sẻn.

Thế nào là Tỳ kheo hay quên? Ở đây, Tỳ kheo ác, phần lớn thường để rơi mất những lời diệu thiện, cũng chẳng suy nghĩ phương tiện tu, bàn luận chuyện quốc gia binh chiến. Như thế gọi là Tỳ kheo ác thành tựu sự chóng quên này.

Thế nào là Tỳ kheo ác lười suy nghĩ? Ở đây, Tỳ kheo ác đối với pháp cần suy nghĩ mà không suy nghĩ. Như thế gọi là Tỳ kheo ác ít suy nghĩ.

Thế nào gọi là Tỳ kheo ác che giấu việc dâm? Ở đây, Tỳ kheo ác có việc dâm mà che giấu, không nói với người: “Nay tôi hành dâm chớ để người biết”. Như thế gọi là Tỳ kheo ác che giấu việc dâm.

Thế nào là Tỳ kheo ác không biết đền ơn? Ở đây, Tỳ kheo ác không có tâm cung kính, không hầu hạ thầy và các bậc đáng tôn trọng. Như thế gọi là Tỳ kheo ác không biết đền ơn.

Nếu Tỳ kheo ác thành tựu chín pháp này, ghi nhớ không bỏ, thì trọn không thành đạo quả. Cho nên, này các Tỳ kheo, đối với các pháp ác nhớ nên xả bỏ. Như thế, này các Tỳ kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ kheo nghe xong lời Phật dạy, liền vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng Nhất A Hàm, tập III, phẩm 44. Chín nơi cư trú của chúng sinh [trích],  VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.205)
 
Trong kinh văn, có một pháp bị các nhà kết tập bỏ sót không giải thích, đó là “tâm niệm không xả ly”. Tuy nhiên, không khó để nhận ra những đặc điểm của vị Tỳ kheo ác, gồm 9 pháp “sắc mặt cứng cỏi, không hạ mình, tâm tham, bỏn sẻn, chóng quên, lười suy nghĩ, che giấu việc dâm, không biết đền ơn, tâm niệm không xả ly”.

Theo như giải thích của đức Phật, người tu là Tỳ kheo ác khi có những biểu hiện như: 

1- Tìm cầu điều không nên tìm cầu, trái với hạnh Sa môn
2- Tự khen mình, hủy báng người khác
3- Thấy tài vật của người khác đều sinh tâm tham
4- Được y bát không cho người dùng chung, thường tự cất giấu
5- Rơi mất những lời diệu thiện, cũng chẳng suy nghĩ phương tiện tu, bàn luận chuyện quốc gia binh chiến
6- Với pháp cần suy nghĩ mà không suy nghĩ 
7- Có việc dâm mà che giấu
8- Không có tâm cung kính, không hầu hạ thầy và các bậc đáng tôn trọng 
9- Tâm niệm không xả ly 

Cứ vào những điều này, quả thật, ranh giới của thiện ác nơi người tu cũng rất mong manh. Khoác cà sa lên người, dẫu có lâu ngày cũng chưa nói lên được điều gì nếu còn vương pháp ác. Khi đang là phàm tăng, chúng ta có thể xem 9 pháp này là thước đo tư cách của người tu. Nếu ai không vương 9 pháp này đích thị là bậc chân tu, cao tăng, thạc đức. Ngược lại là ác tăng, ác Tỳ kheo, cần phải nỗ lực tu học và chuyển hóa nhiều hơn, bởi tu hành mà không vượt qua 9 pháp này thì không thể sáng đạo. Thế Tôn đã nhắc nhở: “Thành tựu chín pháp này, ghi nhớ không bỏ, thì trọn không thành đạo quả”. 

Quảng Tánh
Nguồn link: https://thuvienhoasen.org/p26a26256/ac-ty-kheo
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật dạy 11 đặc tính căn bản của giáo Pháp dành cho người kính lễ Pháp bảo

Lời Phật dạy 16:00 28/03/2024

Thế Tôn đã từng căn dặn muốn làm lễ Pháp thì phải ghi nhớ những đặc tính của giáo pháp, nhờ đó “được phước vô lượng, phước không hạn lượng mãi mãi”.

Vô sự mà lợi ích cho đạo

Lời Phật dạy 09:00 28/03/2024

Một nơi nhàn tịnh, ít việc, ít nói, ít ngủ, ít bạn xấu…sẽ hỗ trợ cho tu hành tăng trưởng pháp chính là tam vô lậu học. Thành ra buông hết, không làm gì nhiều mà lại có ích cho mình, cho người và cho đạo.

Tránh xa thầy tà, bạn xấu

Lời Phật dạy 16:45 27/03/2024

Thế Tôn xác quyết là không thân cận, bất hợp tác với người ác tri thức. Dù cho họ có nhân danh là ai, giữ chức phận gì trong đạo hay ngoài đời, hứa hẹn giúp ta nhiều điều tốt lành…nhưng nếu thực sự biết họ là ác tri thức thì quyết không tùng sự, bất hợp tác. Vì sao?

Chánh tri kiến - Thấy biết như thật quan điểm đúng đắn

Lời Phật dạy 13:00 27/03/2024

Thế Tôn từng dạy, những ai đến với giáo pháp của Ngài là để thấy chứ không phải để tin. Chính quan điểm đúng đắn, sự thấy biết chính xác sẽ dẫn đường cho tư duy và hành động đúng đắn, hướng đến Chân Thiện Mỹ.

Xem thêm