Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 30/03/2021, 14:44 PM

Ai khéo biết tưới tẩm mảnh vườn tâm: Quả ngọt phúc lành sớm dành trọn cho người ấy

Đại đức Thích Trúc Thái Minh từng nói rằng: “Tâm chúng ta là mảnh vườn. Ai cũng có một mảnh vườn này, không ai là không có. Và hàng ngày, chúng ta đang “cày bừa”, gieo hạt giống trên mảnh vườn tâm”.

Qua lời giảng giải của Đại đức ta biết rằng tâm chúng ta được ví như mảnh vườn, và chúng ta chính là người nông dân cày cuốc trên mảnh vườn ấy. Để mảnh vườn tâm kết đầy hoa thơm trái ngọt thì chúng ta phải biết cách chăm bón, chuẩn bị những yếu tố cần thiết trước khi gieo hạt. Vậy những yếu tố giúp mảnh vườn tâm tươi đẹp, màu mỡ là gì? Nên gieo những hạt giống nào để thu hái được nhiều quả phúc? Mời quý Phật tử và các bạn đọc bài viết sau đây.

Những yếu tố giúp mảnh vườn tâm màu mỡ

Cuộc đối thoại giữa vua Mi-lan-đà và Tỳ-kheo Na-tiên trong kinh Mi Tiên vấn đáp đã chỉ ra ba yếu tố giúp mảnh vườn tâm của chúng ta trở nên màu mỡ và tươi đẹp sau đây:

Xây dựng lòng tin tịnh tín với Tam Bảo

Yếu tố đầu tiên cần có khiến mảnh vườn tâm trở nên màu mỡ mà Ngài Na-tiên đề cập là đức tin trong sạch. Đại đức giảng giải: “Người đệ tử Phật tu hành đầu tiên chúng ta phải dọn cho mình một đức tin thật trong sạch. Chúng ta tin Phật, tin Pháp, tin Tam Bảo; chúng ta tin nhân, tin quả; tin duyên, tin nghiệp, hiểu rõ điều đó, chúng ta biết có luân hồi. Những cái ấy là chính kiến, chúng ta phải tin. Tin được Đức Phật là đấng tối tôn, tối thượng, bậc toàn giác, trí tuệ siêu việt; thấy suốt và biết suốt; bậc có đầy đủ oai đức, đầy đủ lòng từ bi, có đầy đủ tất cả. Chúng ta tin được Đức Phật là bậc sáng suốt, là bậc dẫn đường cho chúng sinh, là bậc cứu khổ cho chúng sinh. Điều ấy là sự thật, chúng ta phải tin. Giáo Pháp của Ngài là giáo Pháp dẫn chúng ta ra khỏi biển khổ, chúng ta tin chắc như vậy”.

Vì sao phải quy y Tam Bảo?

Để có một mảnh vườn tâm màu mỡ, người đệ tử Phật cần phải có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo

Để có một mảnh vườn tâm màu mỡ, người đệ tử Phật cần phải có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo

Để đại chúng hiểu rõ hơn về đức tin, Đại đức chỉ dạy thêm: “Làm sao để đức tin của chúng ta trong sạch, không gợn mảy may nghi ngờ. Đức tin ấy trong nhà Phật gọi là tịnh tín. Tịnh tín là niềm tin, đức tin trong sạch. Người có đức tin trong sạch rất dễ vào đạo, đạt được đạo. Cho nên, trong bước đường tu chúng ta phải gạn lọc thân tâm mình, dứt trừ những nghi ngờ đối với Pháp thì chúng ta mới tiến đạo được. Nghi ngờ là cấu uế, thuộc ngũ triền cái của chúng ta, nó chướng ngại Thánh đạo. Cho nên chúng ta phải tư duy để sinh ra được đức tin thật trong sạch nơi Tam Bảo, nơi chánh Pháp”.

Qua lời chỉ dạy trên Đại đức, chúng ta thấy để có một vườn tâm tốt, việc đầu tiên cần làm là tạo lập cho mình một niềm tin tịnh tín, kiên cố nơi Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo, tin nhân, tin quả và những chân lý mà Đức Phật đã thuyết giảng.

Giữ tâm vắng lặng và ở chỗ yên tĩnh là điều kiện giúp mảnh vườn tâm thêm màu mỡ

Không chỉ có vậy, một mảnh vườn tâm màu mỡ cần có thêm hai yếu tố nữa, đó là giữ tâm được vắng lặng và được ở nơi yên tĩnh. Đại đức giảng giải: “Thứ hai là giữ cho tâm được vắng lặng. Tâm tốt đẹp là tâm thường được vắng lặng, ít xôn xao, ít bị khuấy động. Thứ ba là được ở chỗ yên tĩnh. Giống như Tăng chúng chúng ta vào rừng là được chỗ rất yên tĩnh. Mặc dù, chùa chúng ta cũng là yên tĩnh, nhưng khu ngoại viện thì vẫn còn ồn ào. Cho nên phải có hai khu nội viện để Tăng chúng được yên tu. Đặc biệt nhất là vào rừng, lên núi tu là chỗ yên tĩnh nhất, quý báu nhất”.

Từ lời dạy của Tỳ-kheo Na-tiên, qua lời giảng giải của Đại đức, chúng ta biết rằng nếu mảnh vườn tâm của chúng ta hội tụ đủ 3 yếu tố: có đức tin trong sạch, giữ tâm được vắng lặng và ở chỗ yên tĩnh sẽ trở nên giàu đẹp và màu mỡ.

Niềm tin vào Tam bảo và lòng tự tín của người Phật tử

Lợi ích của việc có được mảnh vườn tâm màu mỡ

Đại đức Na-tiên đã dạy: “Thửa ruộng chính là tâm của vị tỳ-khưu, phải được chuẩn bị tốt về nhiều mặt: có đức tin trong sạch, vắng lặng, ở nơi chỗ yên tĩnh thì hạt giống Tứ niệm xứ sẽ dễ dàng phát triển xanh tốt, đơm hoa kết quả Thánh đạo”.

Chư Tăng chùa Ba Vàng tu tập miên mật trong rừng thực hành Pháp để hướng tới giác ngộ, giải thoát

Chư Tăng chùa Ba Vàng tu tập miên mật trong rừng thực hành Pháp để hướng tới giác ngộ, giải thoát

Để đại chúng hiểu sơ qua về hạt giống Tứ niệm xứ, Đại đức chỉ dạy: “Tứ niệm xứ là gì? Là thân, thọ, tâm, Pháp. Chúng ta quán niệm về thân, quán niệm về cảm thọ, quán niệm về tâm và quán niệm về Pháp. Thân thì ô uế, bất tịnh. Thọ thì khổ; kể cả lạc thọ lẫn khổ thọ đều khổ. Trong thọ thì có ba cái: khổ thọ, lạc thọ và xả thọ (hay bất khổ, bất lạc thọ). Nhưng cả ba cái thọ này đều gọi là khổ vì đều là động cả. Đối với người tu, có vào tu mới thấy lạc thọ cũng là khổ vì lạc cũng là động... Rồi tâm thì vô thường. Tâm chúng ta niệm niệm vô thường, sinh diệt biến đổi từ sáng đến tối thay đổi liên tục, hết ghét đến yêu, hết yêu đến ghét. Hờn giận thay đổi từ sáng đến tối, hết chán thì lại ưa. Đó là tâm vô thường. Rồi Pháp thì vô ngã; thấy tất cả sự vật đều là nhân duyên giả hợp”.

Đối với sự tu tập của Tăng Ni chùa Ba Vàng, Đại đức cũng chia sẻ: “Những ngày Thầy ở trên rừng, trên núi cực kỳ quý báu. Rất quý báu, rất hạnh phúc! Thời gian ấy mà tiến tu được thì rất tiến đạo. Cho nên đối với chư Tăng hết sức là quý trọng những giây phút, những ngày tháng mình được duyên tu tập này”.

Từ lời dạy của Ngài Na-tiên qua sự giảng trạch trên Đại đức, chúng ta biết rằng, người nào có mảnh vườn tâm màu mỡ, tươi tốt kết hợp với hạt giống Tứ niệm xứ thì sẽ nhanh chóng sinh sôi, phát triển, đơm hoa kết quả Thánh đạo.

Cách lựa chọn hạt giống gieo vào mảnh vườn tâm để cho ra quả ngọt

Ngoài việc kiến tạo mảnh vườn tâm tốt đẹp thì hạt giống cũng có ảnh hưởng đến kết quả thu hái của chúng ta. Đại đức Thích Trúc Thái Minh chỉ rõ: “Nếu là hạt giống xấu, ví dụ hạt giống của cây mướp đắng thì mọc lên nó ra quả mướp đắng. Còn cây cam hay cây mía thì nó sẽ mọc lên cây mía ngọt, cây cam ngọt… Đất gì thì đất nhưng cứ trồng cây mía vào là nó lên cây mía ngọt. Còn đất màu mỡ gì thì màu mỡ, có đổ đường vào đất ấy mà trồng cây mướp đắng xuống thì cây mướp đắng ấy vẫn cho ra quả mướp đắng”.

Từ lời Đại đức chia sẻ, chúng ta hiểu việc lựa chọn hạt giống là rất quan trọng. Khi chất lượng đất đã tốt, người làm vườn cần khéo léo lựa chọn hạt giống để sau này thu hái được những trái thơm quả ngọt.

Loại bỏ hạt giống tà kiến để thiện pháp được tăng trưởng

Trong kinh Tăng Chi Bộ I - phẩm Chủng Tử Đức Phật dạy: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Với người có tà kiến, này các Tỳ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại”.

Từ lời dạy của Đức Phật, Đại đức giảng giải: “Đức Phật nói rằng, Ngài không thấy một pháp nào mà từ pháp này khiến cho những niệm bất thiện chưa sinh thì được sinh khởi, đã sinh khởi rồi thì tăng trưởng, phát triển rộng bằng tâm tà kiến. Với người có tà kiến thì các niệm bất thiện trong tâm chưa sinh khởi sẽ được sinh khởi, các niệm bất thiện đã sinh khởi sẽ tăng trưởng và phát triển rộng. Các niệm thiện thì sẽ bị diệt đi nếu với người tà kiến. Khi chúng ta để tà kiến trong tâm thì niệm thiện chưa sinh sẽ không được sinh, niệm thiện đã sinh rồi sẽ bị diệt mất. Tâm tà kiến nguy hiểm đến như vậy. Cho nên Đức Phật dạy chúng ta phải chính kiến. Mà chính kiến thì phải học Pháp”.

Học Pháp để có được chính kiến là chúng ta đang gieo trồng những hạt giống tốt vào vườn tâm của chính mình

Học Pháp để có được chính kiến là chúng ta đang gieo trồng những hạt giống tốt vào vườn tâm của chính mình

Với lời giảng trạch trên Đại đức, chúng ta thấy được sự nguy hiểm của tà kiến đối với việc tu tập, thăng tiến trên con đường đạo. Vì sự nguy hiểm của tà kiến, Đại đức căn dặn các Phật tử: “Chúng ta phải học Pháp mới khai mở chính kiến cho mình. Có chính kiến thì sinh ra được các thiện pháp và phước báu. Tà kiến là diệt hết các thiện pháp và phước báu… Đức Phật nói rất rõ, người nào chấp chứa tà kiến trong tâm thì đều đưa đến đau khổ, không có lợi ích. Hành vi, lời nói, việc làm đều dẫn đến hậu quả đau khổ”.

Tại sao người đệ tử Phật phải tin Tam Bảo?

Cẩn trọng với từng hạt giống gieo vào mảnh vườn tâm

Mảnh vườn tâm của chúng ta rất vô tư trong sáng, dù chúng ta gieo hạt giống tốt hay hạt giống bất thiện thì mảnh vườn tâm cũng đón nhận và sinh sôi nảy nở. Chính vì sự thật ấy, Đại đức căn dặn các Phật tử cần cẩn trọng trong việc gieo hạt giống: “Tâm chúng ta là thửa ruộng. Ý nghĩ, lời nói và hành vi (tức thân, khẩu, ý) của chúng ta đều gieo hạt giống vào trong tâm, không bỏ đi đâu khác. Kể cả chúng ta nói hay làm việc một mình, không ai biết; hoặc chúng ta làm việc một cách bất giác, vô ý thì cũng gieo hạt giống vào trong tâm. Nhà Phật gọi là cái A-lại-da - tàng thức này dung chứa tất cả mọi chủng tử, mọi hạt giống, không ai ra ngoài được. Chúng ta nghĩ, nói và làm đều là gieo giống và mảnh đất tâm thì rất “vô tư”, hạt giống nào cũng nhận và cứ thế cho lên cây, rồi ra trái”.

Để gặt hái được những hoa thơm trái lành đúng như sở nguyện là việc không dễ dàng. Bởi trên mảnh đất tâm, người làm vườn phải rất cần mẫn, bồi dưỡng cho chất lượng đất thật tốt, đảm bảo nó hội tụ đủ ba yếu tố: đức tin trong sạch, sự vắng lặng và ở chỗ yên tĩnh. Không dừng lại ở đó, người làm vườn phải tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm những nhân lành, để khi gieo xuống vườn tâm nó sẽ trổ hoa thơm, đơm quả ngọt.

Mong rằng, qua lời dạy của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, quý Phật tử sẽ chuẩn bị cho mình một vườn tâm thật màu mỡ và gieo những hạt giống thiện lành để sớm trọn thành Thánh quả.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Vợ chồng chuyên nhìn ưu điểm của nhau thì hạnh phúc viên mãn

Kiến thức 11:28 10/05/2024

Người một nhà không hòa, hiện tượng này hiện tại rất phổ biến, vợ chồng bất hòa. Có rất nhiều ông chồng bà vợ thường hay cáo trạng trước mặt tôi, nói nhà của họ không hòa thuận, tôi nghe rồi gật gật đầu mỉm cười, vì sao không hòa vậy?

Đức Phật là ai?

Kiến thức 09:18 10/05/2024

Thuở xưa, có một người theo đạo Bà La Môn tên Dona, nhân khi thấy dấu chân của Đức Phật in dưới cát có những đặc điểm lạ thường, liền đến gần Ngài và hỏi:

“Khó thay, Phật ra đời”

Kiến thức 09:15 10/05/2024

Lễ Phật Đản, ngày đánh dấu sự xuất hiện của bậc đại Trí tuệ đã đoạn trừ vô minh, phiền não; ngày đánh dấu sự khởi đầu của đời sống từ bi và xóa bỏ mọi hận thù.

Người Phật tử phải làm gì để báo ân với tất cả chúng sanh?

Kiến thức 08:00 10/05/2024

Chúng ta muốn sinh sống hạnh phúc, mỹ mãn, bạn phải nghĩ quỷ thần cũng muốn sống mỹ mãn, súc sanh cũng hy vọng đời sống mỹ mãn, làm sao có thể ăn thịt chúng sanh được?

Xem thêm