Biết nhớ ơn và báo ơn là người có tuệ giác
Sống trên đời là cả một sự hàm ơn. Dù là ai, hoàn cảnh và điều kiện thế nào, chúng ta đều mang ơn trực tiếp hoặc gián tiếp với người, phải chịu ơn xa hoặc gần với đời, nói tóm là nợ ơn tất cả hữu tình và vô tình. Người học Phật luôn tự nhắc mình về bốn ơn sâu nặng.
Đức Phật đã có rất nhiều giáo huấn về biết ơn và báo ơn. Ngài ca ngợi những ai có tâm hạnh biết báo đền ơn nghĩa đồng thời rất nghiêm khắc phê phán người bội nghĩa vong ân, bất hiếu vô đạo.
Pháp thoại dưới đây, Ngài đã gần xa về chuyện con vật còn biết mang ơn, hà huống là con người. Nói thẳng ra, con người mà không biết báo đền thì chỉ có phần ‘con’ và thiếu vắng phần ‘người’.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, sau nửa đêm Thế Tôn nghe chồn hoang kêu. Qua sáng hôm sau, Thế Tôn trải chỗ ngồi, ngồi trước đại chúng, hỏi các Tỳ-kheo:
-Lúc cuối đêm, các thầy có nghe chồn hoang kêu không?
Tỳ-kheo bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, có nghe.
Phật bảo Tỳ-kheo:
-Con chồn hoang kia bị khốn vì ghẻ lở nên nó phải kêu. Nếu có người nào vì con chồn hoang kia mà chữa trị ghẻ lở cho nó, chồn hoang ắt sẽ biết ơn và báo ơn. Nay có một kẻ ngu si không có biết nhớ ơn và báo ơn. Cho nên, các Tỳ-kheo cần phải học như vầy: Biết ơn và báo ơn. Nếu có ơn nhỏ còn báo đáp, trọn không hề quên, huống chi là ơn lớn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1264)
Biết ơn, trả ơn mới là con Phật
Lời bàn:
Thế Tôn đã xác định ‘một kẻ ngu si không có biết nhớ ơn và báo ơn’. Thế nên, có thể khẳng định rằng biết nhớ ơn và đền ơn là người có tuệ giác.
Vì thấy rõ tính chất duyên sinh, không hề có cái độc lập mà phải nương vào nhau, mọi người mọi việc và mọi vật đều có liên hệ mật thiết với nhau nên ta luôn sống hàm ơn khắp cả. Thấy biết và ứng xử trong tinh thần duyên khởi để luôn biết ơn và báo ơn, Đức Phật gọi là người có trí. Ngược lại là người vô trí, dù cho họ có bằng cấp cao, thông minh lanh lợi đến đâu.
Đức Phật dạy hàng đệ tử luôn ‘Biết ơn và báo ơn. Nếu có ơn nhỏ còn báo đáp, trọn không hề quên, huống chi là ơn lớn’. Thế nên, người đệ tử Phật thường xuyên quán niệm về bốn ơn sâu nặng.
Ơn cha mẹ dày công sinh dưỡng. Cha mẹ đã cho ta hình hài và nuôi lớn khôn đến ngày hôm nay.
Ơn Tam bảo, thầy tổ đã cho ta giới thân huệ mạng để biết đạo lý làm người và tiến xa hơn là thành tựu giải thoát.
Ơn quốc gia, xã hội đã đùm bọc chở che, giúp ta có cuộc sống an bình. Ơn thí chủ đàn na, ơn bằng hữu khắp nơi, ơn chúng sinh vạn loại đã trợ duyên giúp đỡ ta trong nhiều phương diện cuộc sống.
Ngoài những ơn lớn, còn vô vàn ơn nhỏ mà cuộc đời dành cho ta trong mỗi phút giây của đời sống hàng ngày ta phải thường nhớ ghi và tìm cách đền đáp. Dĩ nhiên, mang ơn mà nếu được báo đáp trực tiếp thì quá tốt nhưng vì nhân duyên không báo đáp được đúng người mà mình đã mang ơn thì hãy nguyện trả ơn trong bàng bạc cuộc đời.
Mỗi người hãy nuôi dưỡng tâm niệm hàm ơn và tìm cách báo ơn thì cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Cuộc sống mà ai cũng biết báo đền sẽ trở nên ý nghĩa và đáng sống.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Oán gia không muốn kẻ thù được khen ngợi
Lời Phật dạy 17:40 11/11/2024Người có tâm oán thù thì không mong kẻ thù có danh tiếng, được khen ngợi. Ngược lại, họ còn cầu cho kẻ thù luôn bị tiếng xấu, thậm chí thân bại danh liệt. Âu đó cũng là chuyện thường của thế gian.
Những phương pháp sống khỏe theo lời Phật dạy
Lời Phật dạy 07:56 11/11/2024Đức Phật luôn khuyến khích con người sống một lối sống lành mạnh, bằng cách thay đổi tư duy về ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc để có một thân thể quân bình cả thân lẫn tâm.
Khởi lên ý niệm cai trị, quản lý liền rơi vào lưới ma
Lời Phật dạy 19:00 07/11/2024Pháp thoại này cho thấy Thế Tôn đã từng nghĩ đến việc thiết lập một xã hội đức trị lý tưởng trong đó có cai trị mà “không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn”. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, tâm nguyện vì chúng sanh cao cả.
Xem thêm