Câu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông: Vì người ở lại…
Dù đã 12 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc va chạm giao thông vào ngày 11/11/2022 tôi vẫn rùng mình…
Tai nạn có thể đến với bất kỳ ai
Bữa đó, sau khi đến phụ bạn, trong vai trò bưng mâm quả cho lễ cưới - ngày vui nhất đời bạn - chưa kịp ăn uống, tôi chạy về nhà để chiều tiếp tục dự tiệc ở nhà hàng. Nổi tiếng là người chạy xe chậm và cẩn thận, nhưng rồi khi qua khúc quanh ở đường Bà Hom (Q.Bình Tân, TP.HCM) tôi đã bị chiếc taxi chạy ẩu, lấn làn và va trúng.
Cú va ấy khiến tay lái xe máy tôi trượt dài theo thân xe taxi, tôi mất lái, cả người và xe ngã xuống đường tự do. May mắn, không có một chiếc xe tải hay taxi khác gần đó trờ tới, nhưng vì ngã tự do nên chiếc xe máy của tôi đã đè hẳn lên chân trái khiến tôi đau đớn. Người dân ngăn xe taxi bỏ chạy và phụ dựng xe máy tôi lên. Khi chiếc xe máy được lôi khỏi chân mình, theo quán tính, tôi định đứng dậy thì nhìn xuống chân mình mới phát hiện cả hai ống xương bên chân trái đã gãy. Mọi người khiêng tôi vào lề đường. Tài xế phân tích đúng sai trong lúc lấn làn, tôi nhớ anh ta nói vì né xe chạy từ trong hẻm ra đột ngột.
Lúc ấy tôi còn tỉnh táo, liền gọi cho bạn. Bạn hoảng, cho người nhà chạy ra. Đám cưới bị xáo trộn khi tin tôi bị tai nạn truyền tới. Anh của bạn đến nơi, tôi đề nghị cùng đưa tôi vào bệnh viện và yêu cầu tài xế taxi gây tai nạn chở đi. Bệnh viện tiếp nhận có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, tôi yên tâm hơn. Trước đó, trên suốt đường đi tôi mang máng nghĩ tới những tình huống xấu nhất. May mắn, sau khi vào viện, tôi được sơ cứu cố định chỗ gãy và đưa lên phòng bệnh chờ mổ.
Bác sĩ chỉ định bắt ốc vít cố định, dùng nẹp để giữ hai ống xương không bị lệch, trong quá trình lành lại sẽ không khiến tôi bị chân cao chân thấp hoặc bị tật. “Có nhiều người bó bột trong trường hợp gãy hai ống xương, sau đó bị lệch, phải tháo ra và vẫn tiến hành mổ. Quá trình phục hồi chậm hơn và đau hơn do nắn, sửa nhiều lần hơn, thậm chí phải cắt xương”, tôi nhớ lời bác sĩ khuyến cáo.
Phải mất gần nửa năm, khi đã trải qua quá trình ngồi một chỗ, tập đi bằng nạng, sau đó bỏ một cây, rồi tôi mới có thể đi lại nhẹ nhàng. Đến nay tôi đã sinh hoạt bình thường, nhưng việc tập luyện thể thao vẫn hạn chế, di chứng chân bị gãy yếu và bé hơn. Đặc biệt, khi thời tiết thay đổi, vết gãy thường đau nhức.
Trải qua tai nạn giao thông, từng nằm ở bệnh viện chấn thương chỉnh hình, vô ra tái khám nhiều lần tôi thật sự cám cảnh tai nạn, đặc biệt là những vụ tai nạn giao thông. May mắn, tôi bị nạn nhưng chỉ gãy ống chân, có tổn thương nhưng cũng được phục hồi, dù có di chứng nhưng vẫn còn sống khỏe để làm việc, lo cho chính mình và gia đình.
Có nhiều người không may mắn như vậy. Và có những vụ tai nạn, đôi khi nạn nhân chưa chết nhưng tài xế, vì để tránh trách nhiệm lâu dài đã có những hành vi nhẫn tâm khiến nạn nhân tử vong, gây bức xúc, như vụ việc vừa xảy ra ở Đồng Nai gần đây.
Cái ác sẽ bị lên án, pháp luật hình sự cũng sẽ nghiêm minh xem xét, thi hành án với trường hợp vô ý gây chết người và không dung cho kẻ cố ý. Luật nhân quả tất nhiên sẽ rất công bằng.
Nhân văn trong đại lễ cầu siêu
Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 8 tháng của năm 2024, số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, 8 tháng năm 2024 (tính từ ngày 15/12/2023 – 14/8/2024) toàn quốc xảy ra 16.043 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.077 người, bị thương 12.248 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.847 vụ (13,01%), giảm 836 người chết (-10,56%), tăng 2.764 người bị thương (29,14%).
Tôi đọc thống kê và lặng người. Thật sự không dám nghĩ nhiều hơn khi thấy số người chết và bị thương ở trên. Nỗi đau mất mát người thân đột ngột vì tai nạn giao thông sẽ rất dai dẳng. Đó không chỉ là nỗi đau tinh thần mà còn là sự hụt hẫng về vai trò của họ trong gia đình, với những dự định cho bản thân và người thân thương dang dở. Và chắc chắn, có những người mất hoặc bị thương là trụ cột gia đình, người gánh gồng kinh tế, nên hệ lụy kéo theo cho cả gia đình ấy là rất lớn. Không ít người, từ trụ cột, trở thành gánh nặng sau tai nạn. Đó là nỗi đau không gì xoa dịu, bù đắp nổi.
Mấy năm nay, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức sự kiện cầu siêu thường niên cho nạn nhân tai nạn giao thông trong cả nước. Trong tinh thần “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, đại lễ cầu siêu ngoài hướng về nạn nhân tử nạn, còn là dịp lắng nghe, chia sẻ khó khăn với gia đình họ. Có những gia đình khánh kiệt sau tai nạn, cần được yểm trở để vượt qua. Có những nạn nhân sau tai nạn cần được điều trị lâu dài hoặc cần được học nghề mới, giới thiệu việc làm phù hợp. Do vậy, nói là cầu siêu cho nạn nhân tai nạn nhưng quan trọng không kém chính là ủi an người con sống, giúp đỡ, chia sẻ trong tinh thần “lá lành đùm lá rách” - nghĩa cử ngàn đời của dân tộc.
Năm nay, lễ cầu siêu vừa diễn ra ở TT-Huế tại ngôi chùa Từ Đàm lịch sử, hôm 30 và 31/8. Có 63 bài vị được lập, tượng trưng cho 63 tỉnh thành. Đó là những bài vị chung cho các nạn nhân đã tử vong. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ trong họp báo sự kiện này với một lời nhắc rất hay: “Hãy ý thức với sinh mạng của chính mình, đó chính là báo hiếu với tổ tiên”. Hay nói cách khác, khi tham gia giao thông, mỗi người cần chánh niệm để có thể cẩn thận nhất có thể, tránh sơ suất đặc biệt là không cẩu thả để gây ra nỗi đau, mất mát cho tự thân, người khác. Phía sau tay lái là mạng sống của mình và cả nỗi lo lắng, trách nhiệm, tình thương của gia đình, người thân, xã hội.
Tu tập, từ bi, báo hiếu, sống thiện lành… đôi khi như thầy Đức Thiện nói, chính là tham gia giao thông có ý thức, có văn hóa, chánh niệm. Lời Phật dạy, thực hành thiền trong lái xe chính là ngọn đuốc soi đường để giảm thiểu tai nạn. Tất cả trong tinh thần vì mình, vì gia đình, vì cộng đồng.
Tất nhiên, khi cầm một phương tiện trên đường dù bộ hay thủy, thì luôn có những rủi ro nhất định nhưng nếu có sự tỉnh thức khi tham gia giao thông, tuân thủ pháp luật, văn minh trong đi đường thì chắc chắn sẽ giảm thiểu tai nạn. Hi vọng, đại lễ cầu siêu hằng năm cho nạn nhân tai nạn giao thông không chỉ dành cho người đi mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc cho người ở lại.
Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Câu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông: Vì người ở lại…
Góc quán niệm 12:00 10/12/2024Dù đã 12 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc va chạm giao thông vào ngày 11/11/2022 tôi vẫn rùng mình…
Khi chết nên chôn hay hỏa táng?
Góc quán niệm 11:18 01/12/2024Đã rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi ấy trong những buổi tôi nói chuyện, chia sẻ tại các khóa tu ở các chùa.
Những người theo Phật
Góc quán niệm 10:10 25/11/2024Đầu tháng 5, tôi và em gái rời Sài Gòn về quê giỗ mẹ.
Xem thêm