Chủ nhật, 06/04/2025, 16:10 PM

Chùa Lâm Dương - đạo quán cổ trên đất làng rèn

Chùa Lâm Dương nằm bên bờ con sông Nhuệ, thuộc vùng cửa ngõ phía Tây Nam của nội thành Hà Nội. Hệ thống tượng thờ phản ánh đậm nét những tư tưởng của Đạo giáo chính thống, đồng thời cũng thể hiện xu hướng bản địa hóa của Đạo giáo, sự kết hợp với Phật giáo, tín ngưỡng dân gian để đan xen phát triển trong các thời kỳ lịch sử.

Chùa Lâm Dương - đạo quán cổ trên đất làng rèn 1
Tam quan chùa Lâm Dương. Ảnh: Lê Phúc

Từ Đạo quán trở thành chùa thờ Phật

Chùa Lâm Dương còn có tên gọi khác là chùa Đa Sỹ và được nhiều người biết tới với cái tên “Lâm Dương quán”, bởi trước đây chùa từng là một Đạo quán cổ trên đất Thăng Long. Dưới thời Mạc, Lâm Dương quán thuộc làng Huyền Khe, xã Trung Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam; ngày nay thuộc làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Cái tên Đa Sỹ cũng được nhiều người quan tâm và đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau. Tại chùa còn lưu giữ được một quả chuông có tên “Lâm Dương quán chung”, được đúc vào năm Cảnh Thịnh Nguyên niên (1793), khi vua Quang Toản mới lên ngôi.

Quả chuông hiện nay được treo trên gác chuông chùa, trên chuông còn có một bài minh, có nói rằng trước đây làng có tên là Đan Sỹ (nơi luyện đan của các đạo sĩ) nhưng về sau làng có nhiều người đỗ đạt nên cái tên làng Đan Sỹ được đổi thành làng Đa Sỹ. Hiện nay, tại miếu Đa Sỹ (nằm cạnh chùa Lâm Dương) đang thờ Hoàng Đôn Hòa - ông tổ của nghề luyện đan cuối thế kỷ 17 và phu nhân của ông.

Làng Đa Sỹ được biết tới với truyền thống là nghề rèn chuyên nghiệp có từ thời Trần, tại làng còn có nhiều di tích nổi tiếng. Cảnh vật chùa Lâm Dương cũng được mô tả trên tấm bia Lâm Dương Quán bi “Cảnh quán ngoảnh bốn phía âm u, bên trái bên phải liền một dải đất, phía trước phía sau là sông nước cảnh đẹp, đầy đủ và thiêng liêng”.

Đến nay, vẫn chưa thể xác định chắc chắn chùa Lâm Dương được xây dựng từ thời điểm nào, tuy nhiên dựa vào các tư liệu bia ký còn được lưu giữ ở chùa, từ đầu thế kỷ 17 cho tới giữa thế kỷ 20, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn vào các năm: 1628, 1680, 1724, 1740 và 1944.

Về sự chuyển biến từ Đạo quán trở thành chùa thờ Phật của chùa Lâm Dương hiện nay được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Cố PGS. TS. NGND Hoàng Văn Khoán - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đưa ra nhận định về việc chuyển biến này như sau: “Quán Lâm Dương thành chùa Lâm Dương cùng với một số quán diễn ra vào cuối thế kỷ 16 kéo dài đến thế kỷ 18.

Đây là thời kỳ nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê. Họ Trịnh phò Lê Diệt Mạc, rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh. Vua tuy tồn tại những hữu danh vô thực. Tình hình ấy, Nho giáo mất đi vai trò của mình trong tam giáo đồng nguyên Nho, Phật, Đạo. Họ Mạc, Trịnh, Nguyễn không thể lấy giáo lý Khổng Tử để dạy dân, trị vì thiên hạ. Họ Mạc, họ Trịnh không thể nói “Trung quân ái quốc”, hoặc “quân, sự, phụ”...”.

Kiến trúc truyền thống

Chùa Lâm Dương được xây dựng theo hướng Đông Nam - hướng truyền thống của các kiến trúc cổ Việt mang biểu trưng của tính dương, hướng về trí tuệ, hạnh phúc và thiện lành, đây cũng là hướng của thần linh và bậc đế vương.

Tam quan chùa Lâm Dương được xây dựng theo kiểu “hai tầng mái”, cao 10m, có bốn cột trụ, phía trên được đắp tứ phượng, lá lật và trái giành. Tầng một Tam quan gồm 1 cửa chính và 2 cửa phụ, được xây dạng cuốn vòm. Phía trên cùng của tầng mái còn ghi ba chữ hán lớn “Lâm Dương quán”. Bên trong, cạnh hai cửa phụ là bậc thang dẫn lối lên tầng hai, nơi treo quả chuông “Lâm Dương quán chung” được đúc năm Quang Toản nguyên niên (1793).

Đi dọc theo trục thần đạo của chùa, qua khoảng sân gạch dẫn tới một nhà bia, bên trong còn lại một tấm bia lớn có tên “Lâm Dương quán bi ký/ Kỷ niệm bi ký” được dựng năm Bảo Đại thứ 15. Phía sau nhà bia được đặt một cây hương đá có tên “Lâm Dương quán thạch hương đài”.

Trên thân cây hương còn ghi lại những thông tin cơ bản về Lâm Dương quán, cây hương được dựng vào năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740) dưới thời vua Lê Hiển Tông. Tiến theo trục chính, tới phần sân trước của tòa Tam Bảo là nơi đặt 8 bia đá cổ của chùa, tấm bia sớm nhất có niên đại năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), dưới thời vua Lê Thần Tông.

Phần kiến trúc chính của chùa gồm Tam Bảo và nhà Tổ, phía trước là tòa Tam Bảo gồm 5 gian tiền đường, được xây dựng theo kiểu chồng diêm, đầu hồi bít đốc, phía trên chính điện có ba chữ đại tự “Lâm Dương quán”. Nối liền với gian chính giữa tòa Tiền đường là Thượng điện tạo mặt bằng thành hình chữ “Đinh”.

Nối liền với hai đầu hồi của tòa Tiền đường kéo dài cho tới hiên nhà Tổ gồm 6 gian hành lang, tại đây các bộ vì kèo được tạo theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Phía sau là khu vực nhà Tổ, xung quanh là một số công trình khác tạo thành một quần thể kiến trúc khép kín cho chùa.

Độc đáo tượng thờ chùa Lâm Dương

Với những điều đặc biệt, đặc trưng của chùa Lâm Dương, tại đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật mang trong mình những giá trị to lớn về lịch sử và văn hóa. Ngoài hệ thống bia đá, cây hương đá và chuông đồng, tại chùa còn lưu giữ được hệ thống tượng thờ vô cùng đặc biệt mà không phải ngôi chùa nào cũng có được.

Là một Đạo quán cổ, Lâm Dương quán còn lưu được hệ thống tượng thờ của Đạo giáo. Trong ban thờ, được đặt ở vị trí cao nhất là bộ tượng Tam Thanh gồm: Tượng Ngọc Thanh ngồi chính giữa; tượng Thượng Thanh ngồi bên trái và tượng Thái Thanh ngồi bên phải. Cả ba pho tượng được tạo dáng đang ngồi, cao từ 0,98m - 1m; rộng từ 0,45m - 0,48m; tay được tạo dáng đang bắt ấn quyết, trang phục và hoạt động thể hiện rõ giáo lý của Lão Tử.

Ngoài ba pho tượng Tam Thanh, tại chùa hiện còn có nhiều pho tượng mang tính Đạo giáo đang được phụng thờ khác như: Tượng Bắc Đẩu, tượng Nam Tào, tượng Hẩu Thổ Hoàng Địa Kỳ, tượng Đông Nhạc Đại Đế và bộ tượng Ngũ Nhạc Tinh Quân, đặc biệt là pho Thái Thượng Lão Quân - Lão Tử.

Các tượng thờ bao gồm cả nam thần và nữ thần, tuy nhiên đa số là nam thần, mỗi pho tượng lại có một hình thái và dáng vẻ khác nhau nhưng tựu chung lại, trang phục và phong thái của các vị thần đã làm toát lên nét đặc trưng của tượng thờ Đạo giáo.

Khi được biến đổi công năng trở thành chùa thờ Phật, chùa Lâm Dương có thêm các pho tượng phật vào hệ thống thờ cúng. Đặt ở bậc phía dưới bộ tượng Tam Thanh là bộ tượng Tam Thế Phật với những triết lý và ý nghĩa sâu sắc của Phật giáo biểu trưng cho luận hồi, nhân quả, quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ngoài ra tại chùa còn có một số pho tượng phật độc đáo khác như: Tượng A Di Đà, tượng Tuyết Sơn, tượng Cửu Long, tượng Quan Thế Âm. Ngoài các pho tượng chính không thể thiếu của Phật giáo, tại chùa Lâm Dương còn có các pho tượng khác như: Đế Thiên, Đế Thích, Khuyến Thiện, Trừng Ác.

Nguồn: Báo Lao Động

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cận cảnh ngôi chùa được làm từ vỏ ốc ở Cam Ranh

Chùa Việt 11:48 05/04/2025

Chùa Từ Vân còn gọi là chùa Ốc hay chùa San Hô, được xây dựng từ năm 1968, nổi bật với kiến trúc đặc biệt từ hàng triệu vỏ ốc và san hô. Đây là công trình do các nhà sư tự tay xây dựng và là một trong những điểm đến tâm linh độc đáo tại Khánh Hòa.

Ghé thăm ngôi chùa kiến trúc Tây Tạng độc đáo ở Hà Nội

Chùa Việt 10:05 03/04/2025

Chùa Long Quang tọa lạc trên đường Kim Giang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, có lịch sử hơn 600 năm. Với vị trí hướng ra ngã ba sông Tô Lịch, ngôi chùa không chỉ là nơi cầu bình an của Phật tử mà còn nổi bật nhờ kiến trúc Tây Tạng.

Độc đáo ngôi chùa giữa lòng hang núi lửa

Chùa Việt 10:12 01/04/2025

Chùa Hang không sư ở Lý Sơn, nằm hoàn toàn trong hang núi lửa, là điểm đến độc đáo. Với lịch sử hơn 400 năm, nơi đây từng là nơi thờ tự của người Chăm, giờ là chùa Phật giáo nổi tiếng.

Hoa gạo đỏ rực bên ngôi chùa nghìn năm tuổi ở Hà Nội

Chùa Việt 11:04 30/03/2025

Vào những ngày cuối tháng 3, trước sân chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội) lại nở rực hoa gạo, nhuộm đỏ cả một góc trời khiến cho không khí nơi đây vốn linh thiêng lại thêm phần thơ mộng.

Xem thêm

Phật Giáo
Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo