Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 09/02/2024, 17:52 PM

Có kiêng, có lành

Hồi tôi còn nhỏ, trẻ con hay bị rầy lắm. Đứa nào cũng thường thường bị “la” (tức là bị mắng), thỉnh thoảng còn bị ăn roi dâu vào mông; không phải vì cha mẹ không thương, mà vì cái quan niệm giáo dục quái ác thời đó: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”

Một trong những tội lỗi làm con nít  bị ăn roi, là cái tội làm rơi vỡ đồ đạc. Chỉ cần lỡ tay làm rớt cái ly cái chén là đủ để bị quở phạt rồi. Bởi thế đến cuối năm, mẹ tôi thường dặn dò: “Cố gắng ba ngày Tết đừng làm bể cái chi hết.” Hai chị em tôi rón rén từ ba mươi trở đi, vì nhớ lời bà ngoại: “ Đầu năm mà xủng xoảng, là cả năm làm chi cũng đổ bể hết.”

Tuy vậy, cũng có lần, đã kiêng rồi mà vẫn lỡ tay…Con nít mà, còn hậu đậu lắm. Nhưng lúc ấy có lỡ, cũng không bị rầy. Bởi vì người lớn cũng kiêng, ba ngày Tết không nói nặng, không sa mặt nặng mày.  Bởi vậy tôi thích Tết lắm, cứ đến ba mươi là hồi hộp mong chờ, mồng một thì vô cùng hí hửng, rồi đến sáng mồng ba vừa mở mắt dậy đã thấy lòng bâng khuâng tiếc. Tiếc vì đã mồng ba rồi, có nghĩa là Tết sắp qua, những sự đối đãi đặc biệt của người lớn cũng sẽ hết. Chiều nay bà ngoại tôi sẽ cúng đưa, và sẽ quyến luyến nhìn theo khói nhang, như thể đang thấy những linh hồn thân yêu đang từ giã ra đi, sau mấy ngày ngắn ngủi được về ăn Tết với con cháu.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Bà ngoại tôi kiêng rất nhiều thứ, không những vào dịp Tết mà còn kiêng suốt cả năm. Đầu năm mới, thì kiêng quét nhà; bà kể ngày xưa, có ông chủ nọ do tu nhân tích đức nên được thần tài hóa hình làm một anh người hầu đi theo phục dịch. Từ lúc có anh người hầu này, việc làm ăn trong nhà cứ phất lên phơi phới. Một hôm mồng một Tết khách khứa đông, việc tiếp rước không được vừa ý, nên ông chủ quở rầy anh người hầu thậm tệ. Thần tài giận, thu mình lại nấp trong đống rác. Lúc người ta quét nhà, thần tài theo rác ra khỏi cửa và đi thẳng…Bởi vậy ba ngày Tết chị em tôi phải vun gom hết các loại lá bánh chưng, vỏ hạt dưa… vào một bao to, trữ sau bếp, chờ đến sáng mồng bốn mới khiêng đi vứt. Bây giờ nghiệm ra đấy chỉ là chuyện bịa của người xưa, nhằm một mục đích rất thực tế: Tết là dịp đông người lui tới, đồ ngon, của quý cũng đưa ra sử dụng nhiều, việc sơ suất làm rơi, làm thất lạc các vật dụng có giá trị rất có thể xảy ra. Bởi vậy “kiêng quét nhà” là một trong những chiêu quản lý hiệu quả của người xưa! Nhất là trong những gia đình quan lại, nhà trên, nhà dưới mấy lớp, gia nhân rộn rịp vào ra, thì đó quả thật là một cách để đề phòng cho “thần tài” khỏi ngẫu hứng đội nón ra đi.

Ngẫm kỹ thì các tục kiêng  phần lớn đều có mục đích thiết thực. Ví dụ bà tôi thường dặn, đi đến chơi nhà ai, cởi nón ra đặt xuống thì nhất định phải để nón ngửa ( Ý là không giấu giếm cái gì trong nón). Ngồi ăn thì kiêng gõ đũa (Trong truyện Tàu xưa thường có đoạn mời đối thủ đến “dự yến”, rồi nửa chừng đang ăn, chủ nhân gõ đũa, hoặc giả vờ rơi đũa, đấy là ám hiệu để giáp sĩ núp trong màn xô ra, “làm thịt” ông khách. Bởi vậy việc gõ đũa, dù không có âm mưu gì, cũng gây tâm lý bất an, là hành vi bất lịch sự, có tính hăm dọa. 

Có hàng chục thứ kiêng cữ mà tôi không thể ghi ra hết, như kiêng dùng giấy có chữ viết vào những mục đích không thanh sạch, kiêng không cho vợ chồng ngủ chung khi đang làm khách ở nhà quen, kiêng dùng khăn, dùng dao làm quà tặng, kiêng ăn thịt gà khi có người thân từ xa đến thăm. Theo lời bà tôi, thì “Con gà hay bươi móc, mà bươi móc nhiều thì dễ xa nhau.”

Trong rất nhiều cái kiêng đó, có hai tục lệ gây ấn tượng cho tôi nhất:

Tục thứ nhất: Ở quê tôi có câu tục ngữ “Cúng giờ Dần, thần không hưởng”. Giờ Dần là từ 3 đến 5 giờ sáng. Cái giờ tinh mơ gà gáy, lúc không gian vô cùng thanh sạch, trong trẻo, yên tĩnh. Ca dao có câu : “Một năm là mấy mùa xuân? Một đời là mấy giờ Dần sớm mai?”

Giờ đẹp như vậy, mà sao ông bà ta lại kiêng không cúng?  Ấy là vì hồi xưa nấu xong là cúng, chứ không có vụ “hâm lại”như bây giờ. Ông thắp hương giờ Dần, thì mấy cô con dâu phải thức làm cỗ từ giờ Tý, giờ Sửu, coi như trắng đêm. Tội nghiệp lắm! Chỉ có điều ngày trước mà nói huỵch toẹt ra như vậy thì chưa chắc các ông bố, các bà mẹ chồng đã chịu. Người ta cưới dâu, mua dâu về là để sai. Có nhà không chỉ sai, mà còn để hành hạ cho thỏa. Vậy mà nói để dâu nó ngủ cho đã con mắt, chẳng ai mà thèm nghe.

Vì vậy nên hiệu quả nhất là đem thánh thần ra “dọa”. Bởi ngày ấy người ta khắt khe với con người nhưng lại rất nể nang thánh thần. Thần đã không ưng, thì đố anh thầy bói nào dám xem giờ cúng vào lúc tinh mơ gà gáy. Người đặt ra câu tục ngữ ấy chắc phải là một người rất thông minh, nhân hậu, biết tâm lý và biết cách thuyết phục mọi người. Phụ nữ quê tôi, qua nhiều thế hệ, đã vô tình mang ơn người ấy nhiều lắm!

Tục thứ hai: Cũng ở Huế, trong đám cưới có cái tục khá kỳ: “Dâu vô nhà, mụ gia ra ngõ”. Khi đón dâu về,  mẹ chồng phải tránh mặt. Cứ hễ đám rước  lao xao sắp về đến cổng, thì bà mẹ chồng cũng vội vàng tay quơ chiếc nón, tay cầm ngọn trầu đi sang nhà hàng xóm ngồi chơi một lúc.  (Chỉ đi một lúc thôi, khi cô dâu đã vào nhà và mọi người tề tựu trước bàn thờ, mẹ chồng sẽ quay về để làm lễ). Nếu hỏi bà tại sao phải đi “tị nạn” như vậy, thì bà cũng chỉ trả lời: “Xưa bày, nay làm! Tục của ông mệ truyền lại thì phải noi theo. Không theo, thì sợ nó “sái”, xui xẻo cho cả nhà!”

À, tục  xưa thì phải theo, nhưng sao ông bà lại đặt cái lệ kỳ quá vậy? Nghĩ kỹ thì không kỳ đâu. Ngày trước, về làm dâu là bắt đầu cuộc đời lệ thuộc, là cả ngày phải nhìn sắc mặt mẹ chồng mà dạ thưa.  Quyền lực mẹ chồng rất lớn! Bởi vậy “Nhường bước cho con dâu” là một hành vi dân chủ mà cao nhân nào đó từ xưa đã “thiết kế” trong bộ ứng xử gia đình, để hãm bớt  quyền lực. Ngày đầu tiên đón dâu về,  khi người mẹ chồng theo tục lệ bước trái sang nhà bên, chắc bà cũng âm thầm cảm thấy: một thế hệ mới đã đến, hãy nhường một bước, đừng nên quá “tham quyền cố vị.” Chao ôi, cái bài học này sâu sắc và nhân văn lắm chứ đâu phải là mê tín nhảm; Đâu phải chỉ là chuyện giữa các thế hệ nữ nhi với nhau, cũng đâu phải chỉ là chuyện ngày xưa.

Cuộc sống thay đổi, con người từ chỗ Duy Linh đã trở nên Duy Lý. Thánh thần không còn nắm giữ quy tắc ứng xử của con người. Bây giờ, ngay cả trẻ con cũng không còn tin chuyện cô bé quàng khăn đỏ, vì “Đã bị sói nuốt vào bụng làm sao mà sống lại được?”. Mặc dù có những người lớn vẫn còn tin vào những điều vu vơ như món “xá lợi tóc biết nhúc nhích”, nhưng  với đa số người trưởng thành, thì những điều kiêng cữ “xưa bày, nay làm” đã không còn thiêng nữa. Những niềm tin huyền hoặc đã lùi vào dĩ vãng, và con người chỉ tin vào những gì mình hiểu rõ mà thôi.

Tuy vậy, cho đến bây giờ trong dịp Tết tôi vẫn giữ lại vài tục cũ: kiêng đạp đất nhà hàng xóm, kiêng làm những điều không  lành trong ngày đầu năm. Không phải vì sợ “sái”, sợ “xui” như bà tôi ngày xưa, mà vì trong cái rón rén, cẩn thận, giữ gìn trước thền năm mới, mình bỗng có cảm giác như đang dang tay đón đợi một điều gì đó mong manh và trân quý biết dường nào: đó là nỗi mong chờ tương lai, là niềm hy vọng cuộc sống sẽ đẹp hơn, năm mới sẽ hoàn hảo hơn năm cũ.  Tôi cũng giữ vài tục không còn phù hợp nhưng cũng vô hại, như là kiêng đổ rác ngày mồng một chẳng hạn, bởi vậy khách đến chơi nhà có làm rơi gì cũng chẳng lo thất lạc.  

Dường như nếu tước bỏ hết những niềm tin huyền hoặc, thì ngày Tết chỉ đơn thuần là một dịp vui chơi và sẽ mất đi rất nhiều thi vị! Cũng như lễ Giáng sinh sẽ mất đi nhiều phong vị nếu không có niềm tin về ông già Noel và những câu chuyện xúc động về tình thương yêu. Nói cho cùng, loài người dẫu trưởng thành đến đâu vẫn còn lại một chút con trẻ. Mà thật ra, có khi chúng ta chỉ vứt bỏ những điều huyền hoặc này để chấp nhận những điều huyền hoặc khác, những kiêng cữ này để đổi lấy những kiêng cữ khác…Ôi, những điều kiêng kỵ mới chắc gì đã mang một dụng ý sâu sắc và nhân hậu như những kiêng cữ của ông bà ta ngày xưa?

(Theo Người Đô Thị)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Tết Chôl Chnăm Thmây có những hoạt động gì?

Tâm linh Việt 15:37 14/04/2024

Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay diễn ra từ 13/4 đến 16/4. Chôl Chnăm Thmây, còn gọi là lễ chịu tuổi, Tết năm mới của người Khmer ở Nam bộ.

Cúng tết Thanh minh cần chuẩn bị những gì?

Tâm linh Việt 14:54 09/04/2024

Tết Thanh minh là một trong những nét đặc sắc của văn hóa người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng thành kính đối với tổ tiên. Vào ngày này, thường những người còn sống sắp xếp về dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của người thân, tổ tiên mình.

Văn khấn mùng 1 hàng tháng tại gia cập nhật

Tâm linh Việt 06:00 09/04/2024

Vào ngày mùng 1 đầu tháng, người Việt thường thắp hương cúng thổ công và gia tiên theo phong tục truyền thống. Ngoài chuẩn bị các đồ lễ cúng đầy đủ, văn khấn cúng thổ công và gia tiên mùng 1 hàng tháng theo truyền thống cũng là một trong những nghi lễ quan trọng.

Những chỉ dấu của sự bình yên

Tâm linh Việt 08:56 13/03/2024

Yêu những mái chùa thân thương, tôi yêu biết bao thành phố rộng lớn, bao dung này.

Xem thêm