Những chỉ dấu của sự bình yên
Yêu những mái chùa thân thương, tôi yêu biết bao thành phố rộng lớn, bao dung này.
1. Xá Lợi là ngôi chùa đầu tiên mà tôi biết đến trong những ngày đầu làm cư dân Sài Gòn. Ngày ấy, khi nhận đỡ đầu tôi học đại học, bác Việt kiều tốt bụng từ Pháp gửi một bức thư, sai tôi mang đến chùa Xá Lợi gặp thầy Đồng Huệ để thầy giúp tôi chỗ trọ. Chùa nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là ngôi bảo tháp uy nghi, cao vút cạnh tường rào cổng chính. Tôi đến chùa buổi chiều, chú tiểu đang quét lá quanh gốc sứ bảo tôi chờ vì đang vào thời công phu (khung giờ niệm Phật hoặc ngồi thiền). Ngồi chờ nơi ghế đá trong khuôn viên chùa chiều muộn, tiếng chuông mõ công phu khiến tôi buồn não lòng và thêm nhớ nhà do chưa bao giờ tôi xa nhà đến vậy. Lát sau, chú tiểu ra hiệu tôi theo lên dãy phòng trên lầu sau chính điện, thầy đang chờ tôi ở đó. Chân mày bạc trắng, dáng phương phi tựa những vị La Hán tôi từng biết qua tranh ảnh, thầy ân cần hỏi thăm gia cảnh của tôi. Tuy vậy, thầy nói sẽ giới thiệu tôi đến ở chùa khác, do chùa Xá Lợi không có chỗ cho sinh viên trọ.
Tôi đến chùa Đại Hạnh (đường Lý Thái Tổ, quận 3) vào hôm sau. Đó là một ngôi chùa nhỏ nằm khép mình trong hẻm khu cư xá đường sắt. Do thầy Đồng Huệ đã trao đổi qua điện thoại với sư phụ trụ trì nên khi tôi đến, có một vị thầy trẻ đón ở cổng. Hỏi han sơ bộ, thầy rót nước mời tôi uống, sau đó dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ, nơi lỉnh kỉnh thùng giấy và giá treo đồ của các sinh viên. Thầy bảo tôi để đồ ở đây, chỗ ngủ thì tùy duyên, tối xem các sinh viên khác ngủ thế nào thì theo như vậy. Tôi trải qua một đêm trằn trọc ở mái chùa nơi thành phố xa xôi dưới chân tượng Bồ tát Quán Thế Âm cùng các sinh viên đến từ nhiều vùng miền.
Thời gian đầu ở chùa, tôi khá ngạc nhiên vì mỗi rằm lớn, sinh viên không biết từ đâu ùn ùn kéo đến lễ Phật rồi dùng cơm, khiến không khí nhà chùa náo nhiệt. Lâu dần, biết tôi ở trọ trong chùa, mấy bạn học chung lớp thường canh me những ngày rằm lớn, cùng đến chùa tôi ở để “ăn chùa” theo đúng cả nghĩa đen (ăn cơm chùa) lẫn nghĩa bóng (không tốn tiền). Chùa nghèo, đãi một lượng lớn sinh viên là việc khó nên mỗi khi gần đến những ngày rằm lớn, sư phụ thường hỏi sinh viên ước lượng bạn bè sẽ đến khoảng bao nhiêu để chuẩn bị cho chu đáo. Những bữa cơm chay đơn sơ mà ấm lòng các sinh viên nghèo trọ học giữa Sài Gòn đắt đỏ là một nét sinh hoạt văn hóa thú vị của đời sống đô thị.
2. Tôi có người bạn đồng hương người Khơ Me cũng học trường kiến trúc, trọ ở chùa Chantarangsay (đường Trần Quốc Thảo, quận 3). Biết tôi đồng hương, lại trọ trong chùa, bạn tỏ ra rất đồng cảm nên thường mời tôi đến chùa dùng cơm khi có lễ. Tôi thường đến chùa vào các lễ Chôl Chnăm Thmây (tết cổ truyền của dân tộc Khơ Me), Đôn ta (cúng ông bà) và Ok Om Bok (cúng trăng). Chùa có kiến trúc độc đáo, đặc trưng của lối kiến trúc chùa Khơ Me miền Tây Nam Bộ, song được tổ chức, cấu trúc lại cho phù hợp diện tích và nếp sinh hoạt của đô thị đất chật người đông.
Đời sống sinh viên kiến trúc với những buổi vẽ ghi (vẽ lại hiện trạng) và bài thu hoạch đưa tôi đến nhiều chùa khắp thành phố. Giác Viên là ngôi cổ tự, có tên gọi khác là chùa Hồ Đất (trước kia, nơi đây có rạch Hồ Đất), tọa lạc trên đường Lạc Long Quân, quận 11. Cấu trúc chùa gồm phật điện ở giữa, 2 bên có 2 dãy nhà. Trong khuôn viên chùa còn có những dãy nhà phụ dùng làm lớp học, nhà bếp, trai đường và các tháp mộ rải rác. Nét đặc biệt trong kiến trúc chùa Giác Viên là bộ khung sườn bằng gỗ được chạm trổ tinh vi, tiêu biểu cho kiến trúc cổ truyền Nam Bộ.
Khác với nét cổ kính và quy mô khiêm nhường của chùa Giác Viên, Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa khá bề thế, tọa lạc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, do các hòa thượng đến từ miền Bắc sáng lập nên có phong cách kiến trúc cổ truyền Bắc Bộ. Chùa do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng và kiến trúc sư Cổ Văn Hậu - thầy tôi, một trong những người thầy lớn của Trường đại học Kiến trúc TPHCM - thiết kế. Cấu trúc tổng thể chùa gồm cổng tam quan, tòa nhà trung tâm cùng các bảo tháp. Chính điện gây ấn tượng mạnh về sự uy nghiêm bởi 3 cầu thang rộng lớn, trực dẫn bá tánh từ sân trệt lên chính điện bên trên được phủ bởi hệ mái ngói vút cong uyển chuyển.
Chùa Huê Nghiêm của Hòa thượng Thích Trí Quảng - Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (nay là Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN) - nằm ở đường Lương Định Của (TP Thủ Đức). Trước khi có quy mô hoành tráng với kiến trúc trang nghiêm như bây giờ, nơi đây ngày ấy là mái già lam khiêm tốn bằng gỗ ẩn mình giữa đầm sen rộng, với nhiều phiến đá to khắc đại tự, có tên là Huê Nghiêm 2. Tôi từng ngồi hàng giờ ngắm sen nở, chiêm ngưỡng tán sa la song thọ - loài cây gắn với tích Phật Thích Ca nhập niết bàn - để rồi có bài viết đầu tiên cho nghiệp cầm bút của mình là về ngôi chùa này.
Tọa lạc ở phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, Phước Tường là ngôi chùa cổ, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và di tích kiến trúc nghệ thuật. Khi về chùa, tôi thường đắm mình hàng giờ dưới bóng mát những tán cổ thụ rậm như một khu rừng. Hầu hết hạng mục đều bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, nhuốm màu thời gian bởi rêu phong cổ kính. Ngay sau giảng đường là sân thiên tỉnh (hình thức như giếng trời) có bố trí một hòn non bộ gọn gàng nhưng sinh động. Ngắm cá lội, nghe nước chảy róc rách, thỉnh thoảng tiếng chim vút cao giữa vườn chùa, thấy bình yên ngập tràn.
3. Sư phụ chùa Đại Hạnh nơi tôi trọ khi ấy là Hòa thượng Thích Phổ Chiếu - Chánh đại diện Phật giáo quận 3. Tôi được vinh dự làm “thị giả” cho ngài (thị giả trong đạo Phật là một vị thầy trẻ, phát tâm lo việc sinh hoạt và phật sự cho các vị tôn túc; tôi phải đặt chữ thị giả trong ngoặc kép bởi tuy được sư phụ giao trọng trách này nhưng tôi là sinh viên, không phải tu sĩ), từ đó có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều ngôi chùa khắp thành phố, khi hầu ngài đi phật sự. Trong đó, có chùa Huệ Nghiêm - ở quận Bình Tân, là một trong những chùa đầu tiên của đất Sài Gòn.
Nằm đối diện bến xe Miền Tây, chùa do kiến trúc sư, phật tử Võ Đình Diệp thiết kế. Ở mái già lam này, tôi thực sự bị cuốn hút bởi pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tạc theo lối điêu khắc kỷ hà, gương mặt và toàn thân được cắt gọt, tạo hình vô cùng ấn tượng. Chiều ngồi dưới chân tượng Phật bên hồ sen, ngắm tháp Phổ Đồng cao vút, nghe chim gọi nhau về tổ, những muộn phiền như thay nhau rời bỏ.
4. Thiền sư Thích Mãn Giác có thơ: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Cùng với lịch sử hình thành và phát triển Sài Gòn - TPHCM, chùa hiện diện khắp nơi, từ đường phố lớn đến hẻm sâu, ngõ nhỏ. Thành phố giờ phát triển vượt bậc, diện mạo ngày càng trẻ trung, năng động. Hòa vào dòng chảy chung, những mái chùa cũng ngày càng khang trang, vững chãi hơn. Giữa thành phố bao la, dù bề thế hay khiêm nhường, những mái chùa đều có điểm chung: là chỉ dấu của sự bình yên. Những mái ngói là những gam trầm, quân bình giữa bức tranh kiến trúc đô thị đa sắc. Những tiếng chuông sớm chiều như lời nhắc nhớ về một nếp sống tử tế và bao dung.
Thú thật, tôi không tài nào nhớ và càng không thể kể hết tên những ngôi chùa đã đến trong suốt thời gian làm cư dân thành phố này. Tuy vậy, ấn tượng và tình cảm của tôi về những mái chùa nơi đây luôn vẹn nguyên, trong trẻo.
Yêu những mái chùa thân thương, tôi yêu biết bao thành phố rộng lớn, bao dung này.
Kiến trúc sư Lê Công Sĩ
(tỉnh Trà Vinh)
Theo Phụ nữ TP.HCM
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Văn khấn cúng rằm tháng 10 Âm lịch 2024 tại gia cập nhật
Tâm linh Việt 11:30 13/11/2024Rằm tháng 10 được biết đến là ngày Tết Hạ Nguyên. Đây chính là một trong những ngày rằm quan trọng, ngày lễ lớn mang nhiều ý nghĩa tâm linh đối với người dân Việt.
Văn khấn cúng rằm tháng 9 Âm lịch tại gia cập nhật
Tâm linh Việt 14:45 16/10/2024Theo quan niệm của người xưa, vào ngày rằm, mặt trăng và mặt trời nhìn rõ nhau, thấu suốt nhau, soi chiếu vào mọi tâm hồn. Bởi thế con người trở nên sáng suốt và trong sạch, đẩy lùi được mọi điều đen tối vẩn đục trong lòng. Đây là thời điểm để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên.
Văn khấn rằm tháng 8 - Tết Trung thu chuẩn nhất
Tâm linh Việt 09:55 15/09/2024Trong ngày Tết Trung thu, mỗi gia đình Việt thường chuẩn bị mâm lễ cúng dâng lên ông bà tổ tiên. Bên cạnh đó việc chuẩn bị văn khấn ngày rằm tháng 8 âm lịch cũng được nhiều người chú trọng.
Văn khấn mùng 1 hàng tháng tại gia cập nhật
Tâm linh Việt 06:00 03/09/2024Vào ngày mùng 1 đầu tháng, người Việt thường thắp hương cúng thổ công và gia tiên theo phong tục truyền thống. Ngoài chuẩn bị các đồ lễ cúng đầy đủ, văn khấn cúng thổ công và gia tiên mùng 1 hàng tháng theo truyền thống cũng là một trong những nghi lễ quan trọng.
Xem thêm