Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 28/10/2014, 15:29 PM

Gặp sư cô tu pháp môn Tịnh Độ dưới cội Bồ Đề (2)

Tháng 10, thời tiết se se lạnh như mùa thu ở Việt Nam; đây là khoảng thời gian thích hợp để phật tử khắp nơi trên thế giới hành hương các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ.

Nổi tiếng linh thiêng bậc nhất trong các thánh tích TỨ ĐỘNG TÂM trên những miền đất, vùng quê gắn liền với lịch sử và cuộc đời đức Phật xưa kia là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). 

Bồ Đề Đạo Tràng linh thiêng, vì nơi đây dưới cội Bồ Đề hơn 2500 năm trước, đức Phật đã 49 ngày đêm tu hành THIỀN ĐỊNH và chứng đắc quả vị Phật. 

Giáo pháp mà đức Phật để lại có sức lay chuyển, đánh thức thiện tâm chúng sinh, để cho hàng ngàn năm sau, mỗi năm có hàng chục vạn phật tử, những người yêu mến đạo Phật thuộc đủ mọi quốc gia, dân tộc trên khắp hành tinh trở về đây, tĩnh tâm lắng mình vào không gian, thời gian và cảnh vật linh thiêng, huyền diệu để tùy theo truyền thống tu tập mà hành trì và cầu nguyện.
 

Ở Bồ Đề Đạo Tràng những ngày này có đủ các truyền thống tu tập đến từ các quốc gia khác nhau

Đã có hàng ngàn câu chuyện, về sự linh thiêng, màu nhiệm của Bồ Đề Đạo Tràng, linh thiêng mầu nhiệm không chỉ bởi ở cảnh vật, địa danh mà sự linh thiêng nhất đó là sự thức tỉnh thiện tâm căn tính của chúng sinh.
 
Trở về đây, đa phần là những người con Phật tại gia và xuất gia, những người yêu mến đạo Phật, bên cạnh đó cũng có những người chưa biết đạo Phật, các nhà nghiên cứu đi và đến hầu mong chiêm nghiệm và tìm hiểu, lý giải một phần nào về miền đất huyền bí đã sản sinh ra biết bao những nhân vật tâm linh - tôn giáo kiệt xuất. Trong đó có không ít những câu chuyện kỳ lạ được các nhà khoa học Đông cũng như Tây ghi nhận trong rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc.

Qua những chuyến đi, bất kể mục đích chính là gì, họ có sự thay đổi đến kỳ diệu - điều mà chúng tôi đã từng đọc, từng nghe, từng xem và đến hôm nay đoàn hành hương chúng tôi, gồm 21 thành viên đến từ Việt Nam sẽ có dịp trải nghiệm.

Từ thành phố Varanasi (Ba La Nại - "thành phố vĩnh cửu") là một trong những thành phố lớn của tiểu bang Uttar Pradesh thuộc miền trung bắc Ấn Độ tới Bồ Đề Đạo Tràng với khoảng cách trên 400 km, đoàn chúng tôi phải mất hơn 8h đồng hồ đi xe ca. Trải qua quãng đường xấu, nhiều ổ gà và ổ bò; đến Bồ Đề Đạo Tràng đã hơn 18h giờ địa phương nhưng không ai thấy mệt, ai cũng muốn nhanh thu xếp đồ đạc cá nhân và được ra đảnh lễ tại Bồ Đề Đạo Tràng. 

Giờ mở cửa tại Bồ Đề Đạo Tràng là từ 5h sáng đến 21h hàng ngày, sau vụ đánh bom tại Bồ Đề Đạo Tràng năm 2013, an ninh ở đây được thắt chặt, nhưng THÁNH TÍCH vẫn luôn tạo điều kiện để cho những người con Phật từ khắp nơi cảm thấy thoải mái và tự nhiên nhất khi đến để tu tập tại nơi này.
 Cội Bồ Đề linh thiêng phía sau tháp Đại Giác Ngộ
Đã chiều muộn, sau khi nghe lời căn dặn của Thượng tọa Thích Hạnh Nguyện - người đã có trên 11 năm tu học tại Ấn Độ về cách quan sát và cúng dường các hành giả đang tu tập dưới cội Bồ Đề và tháp Đại Giác Ngộ. Sở dĩ Thượng tọa hướng dẫn kỹ càng như vậy là vì, ở Ấn Độ vấn nạn "giả sư" đi khất thực, hoặc ngồi "giả ngồi lim dim như đang hành thiền" dưới các thánh tích linh thiêng để xin bố thí của phật tử thì rất nhiều, đi đâu cũng thấy. 

Họ vẫn khoác lên mình y áo như người xuất gia, trong tay luôn cầm vài ba trang kinh sách, miệng thì ê a, khi nhận được sự bố thí của người hành hương thì nhanh tay cất đồ "bố thí" vào túi. Đó là một trong những hình ảnh xấu, thật tương phản với hình ảnh Đẹp của biết bao nhà sư tu hành cẩn trì nghiêm mật dưới cội Bồ Đề - họ thuộc các truyền thống tu tập khác nhau, quan sát kỹ phật tử hành hương sẽ thấy, ngoài tu tập họ ít để ý đến những điều xung quanh. 

Sau khi đảnh lễ tôn tượng đức Phật, chúng con đi nhiễu 3 vòng quanh Tháp và cúng dường các quý sư Tây Tạng đang miên mật tu tập dưới cội Bồ Đề ở tháp Đại Giác Ngộ. Biết chúng con là người Việt Nam, các sư Tây Tạng nở nụ cười đôn hậu và chỉ chỉ cho chúng con ở phía góc dưới cùng có một sư cô người Việt Nam đang lần tràng hạt và niệm Phật.
Sư cô Hương Thảo niệm Phật dưới cội Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng
Sư cô ngồi ở góc dưới cùng phía bên phải của tháp Đại Giác Ngộ, hình ảnh của một vị sư cô Việt Nam khiêm cung, người nhỏ thỏ, sư cô chỉ nặng khoảng 32 kg, nên được các quý chư ni sư Tây Tạng quý mến, điều này chúng con cảm nhận rõ qua nụ cười, cử chỉ mà các sư Tây Tạng dành cho sư cô Thích nữ Hương Thảo.

Cảm nhận nhân duyên đặc biệt, chúng tôi tìm hiểu và được biết, sư cô Hương Thảo nay đã 60 tuổi, đã trên 30 năm tu hành, sư cô y chỉ Sư bà Hải Triều Âm, trước khi sang Ấn Độ, sư cô ở chùa Hưng Ký, sau đó ở thất Linh Quang (Hoài Đức – Hà Nội), năm 2009, sư cô cùng 40 thầy có chuyến hành hương về đất Phật, qua Bồ Đề Đạo Tràng; sau đó các quý thầy lần lượt về nước, riêng một mình sư cô là người chỉ chịu trở về Việt Nam khi hết hạn visa (visa có thời hạn 3 tháng).

Trở về Việt Nam, sư cô cảm thấy nhớ Bồ Đề Đạo Tràng vô cùng và ao ước có dịp trở lại, năm 2011, trong tay chỉ có 2 triệu đồng do phật tử cúng dàng, sư cô với một quyết tâm mạnh liệt được "trở về nhà" và được tu tập dưới cội Bồ Đề linh thiêng.

Thấm thoát đã 4 năm ở Bồ Đề Đạo Tràng, sư cô phải đối diện với muôn vàn khó khăn, khó khăn do không biết tiếng Anh để giao tiếp đã đành, khó khăn do thời tiết khắc nghiệt của mùa hè Ấn Độ, nắng như thiêu - như đốt, mùa đông thì rất lạnh; khó khăn do bệnh tật và sức khỏe; khó khăn về sự ổn định "an cư mới lạc tu". Sư cô tới Ấn Độ theo diện tự túc, nên visa cứ 3 tháng lại hết hạn, như vậy chỉ ở Bồ Đề Đạo Tràng được hơn 2 tháng, sư cô lại phải bắt xe đò sang Kathmandu - NePal để xin da hạn Visa.

Ở đây, nhiều năm và có lẽ do đạo lực tu hành của sư cô, nên cơ duyên đã cho sư cô được trải nghiệm và chứng nghiệm cùng các sự kiện quan trọng tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Đó là chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Bồ Đề Đạo Tràng đầu năm 2013, an ninh được thắt chặt, tất cả mọi người, kể cả người tu hành đang hành thiền ở dưới Tháp Đại Giác Ngộ đều được mời ra để phái đoàn của Đức Đạt lai Lạt Ma cử hành nghi lễ theo nghi thức Phật giáo Tây Tạng. Sư cô lúc đó đang ở đền thờ đạo Hindu ở bên cạnh (nằm trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng), không biết trước sẽ có sự kiện gì mà an ninh lại được thắt chặt như vậy.

Khi sư cô vừa bước ra từ Đền thờ đạo Hindu sang Tháp Đại Giác Ngộ thì bắt gặp Đức Đạt lai Lạt Ma và phái đoàn Phật giáo Tây Tạng đi tới, Ngài đã cầm tay sư cô hòa nhập vào đoàn Phật giáo Tây Tạng đi lễ Phật và thiền hành quanh Tháp. Sau này, báo chí đăng tin, chụp ảnh và quay phim, sư cô cũng không được xem và không biết. Chỉ nghe các sư đồng tu kể lại mỗi khi gặp, các sư cứ thắc mắc không biết tại sao một sư cô Việt Nam nhỏ bé có mặt trong phái đoàn Phật giáo Tây Tạng để hành thiền tại Bồ Đề Đạo Tràng.

 

Sư cô cũng chứng kiến vụ nổ bom khủng bố tại Bồ Đề Đạo Tràng vào sáng sớm ngày 07 tháng 07 năm 2013, theo sư cô kể lại, buổi sáng thường 4h sáng sư cô thường đi bộ từ chùa – cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 1km ra Bồ Đề Đạo Tràng để niệm Phật (sư cô tu theo pháp môn Tịnh Độ), buổi sáng hôm có bom nổ, sư cô dậy muộn hơn, khoảng hơn 5h sáng đến Bồ Đề Đạo Tràng thì thấy cảnh sát phong tỏa, nội bất xuất – ngoại bất nhập, sau đó sư cô cho biết vụ nổ có 2 người bị thương, đó là một vị sư Miến Điện và một phật tử Tây Tạng. 

Sau khi cảnh sát chuyển 2 người bị thương tới bệnh viện, sư cô và một quý sư cô Việt Nam người Huế đã tới bệnh viện thăm hỏi nhà sư Miến Điện và phật tử Tây Tạng; những hình ảnh đó được một vị sư nước ngoài chụp lại, sau đó được báo chí nước ngoài và Ấn Độ khai thác và sử dụng.

Sư cô không biết tiếng Anh, không có điện thoại để có thể vào mạng Internet được nên gần như không nắm được thông tin, chỉ khi nghe các bạn đồng tu kể lại sư cô mới biết; có lẽ cảm nhận được sự tu tập chất phác miên mật của một sư cô Việt Nam, nên hình ảnh của sư cô Việt Nam nhỏ bé đang quét lá dưới cội Bồ Đề đã được các nhiếp ảnh gia Ấn Độ đưa vào tập hình ảnh giới thiệu về Di sản Bồ Đề Đạo Tràng (bản in năm 2013) mà chúng tôi đã được xem khi tới Bồ Đề Đạo Tràng.
Hình ảnh sư cô trên tờ gấp giới thiệu về Bồ Đề Đạo Tràng
Hình ảnh sư cô cũng được các nhà làm phim về Cuộc đời đức Phật do Đài BBC thực hiện khi ghi lại các cảnh quay tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Ngày đầu tiên ở Bồ Đề Đạo Tràng được gặp sư cô Việt Nam chất phác, dung dị khiến chúng tôi xúc động vô cùng. Sư cô nói chuyện đơn giản, đôn hậu và chất phác của một người tu hành bình dị, điều gì biết thì sư cô nói biết, điều chưa biết hoặc không rõ thì sư cô nói không biết, vì sư cô không phải là người đọc sách và có kiến thức sâu rộng để kể lại cho phật tử nghe hầu đáp lại cái tri kiến muốn biết - tham tìm hiểu của chúng sinh nói chung, đặc biệt là những người làm truyền thông như con. 

Hình ảnh một vị sư cô Việt Nam miên mật tu tập ở mảnh đất linh thiêng Bồ Đề Đạo Tràng đã gây xúc động mạnh liệt, sự chân thành, nhẹ nhàng của một người tu hành ngời sáng chân tâm, biết nói biết, không nói không, vui thì cười, khó khăn thì thâu lặng để vượt qua, tất cả chúng con thấy nghe như rõ. 

Hình ảnh đó, âm thanh đó, đơn giản nhưng có sức lay chuyển tâm can, ngời sáng đức hạnh người tu, chúng con thật hạnh phúc khi được diện kiến sư cô tại Bồ Đề Đạo Tràng. 

Bài: Bồ Đề Duyên, Ảnh: Vĩnh Thịnh

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm