Hạnh phúc là gì? Đừng chỉ tìm hạnh phúc!
Hạnh phúc là gì mà chúng ta ai cũng vất vả đi tìm? Có phải hạnh phúc thực sự là đích đến của cuộc đời này?
Nhiều cô giáo vùng cao như Quản Bạ, Hà Giang chọn hạnh phúc của mình là một cuộc sống có ý nghĩa dù khó khăn, vất vả (ẢNH: MAI THANH HẢI)
Chúng ta cũng vẫn thường coi hạnh phúc là mục đích của cuộc sống. Hàng nghìn đầu sách trên thế giới đã viết về hạnh phúc. Chúng ta chúc nhau một tuổi mới hạnh phúc, một cuộc hôn nhân hạnh phúc, và một năm mới hạnh phúc. Nếu ai đó băn khoăn về con đường sự nghiệp hay tình yêu, chúng ta sẽ hỏi: Công việc nào, người tình nào sẽ khiến cuộc đời bạn hạnh phúc hơn?
Sự hữu hạn của hạnh phúc
Hạnh phúc trước hết là một cảm giác, với nhiều cung độ khác nhau: hồ hởi, phấn khích, lâng lâng, vui vẻ, sung sướng... Có những hạnh phúc nho nhỏ như đói được ăn, và có những niềm hạnh phúc lớn lao sau bao tháng ngày chờ đợi như việc một em bé ra đời.
Từ góc độ sinh học, cảm giác hạnh phúc là kết quả của việc bốn hóa chất phối hợp ăn ý với nhau: dopamine như một cánh tay xốc chúng ta bật dậy từ chiếc ghế lười biếng, endorphins khiến cái chân đau bước nhẹ nhàng hơn, oxytocin giúp ta đến gần bên những người yêu dấu với một cái ôm dịu dàng, và serotonin là cảm giác hạnh phúc khi người yêu dấu ấy nói rằng cái ôm này làm họ sung sướng biết bao. Ta như bay lên trong một khoảnh khắc an vui. Cuộc đời thật đẹp.
Vấn đề là, khoảnh khắc ấy luôn luôn trôi qua. Niềm vui nào cũng dần dần cạn. Ta có thể nhảy lên sung sướng khi giành một giải thưởng, khi gặp lại một người bạn xa lâu ngày, khi tận hưởng một hoàng hôn tuyệt đẹp...
Nhưng những chất hóa học tạo ra cảm giác hưng phấn đó chỉ như dàn vũ công biểu diễn, hết giờ là sân khấu sẽ tắt đèn.
Lớn lên, tôi hiểu rằng tại sao nhiều người không thể hạnh phúc kể cả khi họ sống một cuộc đời viên mãn, vô lo, với đầy đủ nhu cầu tiện nghi và tình cảm.
Tạo hóa ban cho loài người chúng ta một khả năng thích nghi kỳ lạ. Chúng ta ước rằng nếu có một cái nhà thật to, hẳn đời không còn gì phải lo nghĩ. Nhưng khi có cái nhà thật to, ta lại muốn cái nhà to hơn.
Khát vọng và đam mê, về bản chất, chính là điều mà tạo hóa muốn chúng ta tận dụng, miễn là không lạm dụng để "khát vọng" trở thành "tham vọng" và "đam mê" biến thành "tham lam".
Đó chính là lý do tại sao những lần suýt thắng lại khiến bộ não phát đi tín hiệu khuyến khích mạnh mẽ "cố lên lần nữa" thay vì tín hiệu "thua rồi về thôi".
Nếu ta hài lòng và hạnh phúc với những gì đang có thì động lực nào để giống loài này đứng dậy đi tiếp, khám phá, xây dựng, tìm tòi, phát minh, liên tục vượt qua những giới hạn của chính mình?
Tạo hóa cũng khiến ta nhìn về quá khứ và tương lai với con mắt đầy định kiến. Hạnh phúc trong quá khứ và hạnh phúc trong tương lai luôn đẹp đẽ hơn hạnh phúc trong hiện tại.
Ta thường nhớ về tuổi thơ và thời thanh niên với cảm giác hoài cổ thời ấy sao mà đẹp thế. Ta cũng hay tưởng tượng ra tương lai xán lạn hơn với bao ước mơ sẽ thành hiện thực.
Đó là vì tạo hóa muốn ta dùng quá khứ với tư cách là bằng chứng để đi tiếp chứ không dừng lại ở thực tại.
Nếu ta nghi ngờ khả năng có thể đạt được hạnh phúc trong tương lai, hãy nhìn vào quá khứ để biết rằng hạnh-phúc-hơn-hiện-tại là mục tiêu trong tầm tay.
Tạo hóa vốn không ủng hộ một thứ hạnh phúc vĩnh viễn. Hạnh phúc chỉ là một viên đường mà tạo hóa cho vào một số hành vi nhất định để chúng ta thấy ngọt mà ăn. Những hành vi ấy giúp ích cho sự duy trì của giống nòi, nên buộc phải pha thêm viên đường hạnh phúc để "dụ dỗ" loài người: sex, ôm ấp, ăn uống, vui chơi, thành công, chiến thắng, hay thậm chí cả những hành vi gây ra mệt mỏi và đau đớn như đẻ con và hàng năm trời vất vả chăm sóc chúng. Tạo hóa không quan tâm đến việc chúng ta có hạnh phúc hay không.
Hạnh phúc không phải mục đích, nó là một công cụ phục vụ sự sinh tồn cho tổng thể giống loài. Cũng chính vì hạnh phúc chỉ là công cụ của tạo hóa nên trên đời mới có những người coi việc cung phụng, hy sinh hoặc chết cho kẻ khác là một hạnh phúc.
Chính vì thế, theo đuổi hạnh phúc là theo đuổi những mục tiêu hữu hạn, những khoảnh khắc đến đi trong phút chốc, những ảo tuởng của sự vĩnh viễn, những viên đường ngọt ngào mà chóng tan. Công cuộc truy tìm hạnh phúc cũng vì thế mà thường thất bại, như thể đuổi theo cái bóng của chính mình.
Hạnh phúc và ý nghĩa
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học công bố rằng một cuộc sống hạnh phúc và một cuộc sống có ý nghĩa vừa giống, vừa khác nhau.
Người hạnh phúc thường là kẻ biết chìa tay đón nhận. Những yếu tố làm cho họ hạnh phúc thường là tiền bạc, sức khỏe, sự tiện nghi, bạn bè, vị trí xã hội.
Người sống có ý nghĩa thường là kẻ biết cho đi. Cuộc sống của họ nhiều stress hơn và nhiều thử thách hơn. Những cặp đôi có con thường không hạnh phúc bằng những cặp đôi không con.
Khi những bậc cha mẹ nói chuyện vui đùa bên con cái, chỉ số hạnh phúc của họ còn thấp hơn khi họ tập thể dục, ăn uống hoặc xem ti vi. Tuy nhiên, những phần hạnh phúc vơi đi thì lại được lấp đầy bằng ý nghĩa.
Người dẫn chương trình nổi tiếng Oprah Winfrey từng nói: "Mục đích cuối cùng của cuộc đời không phải là sự thành công, mà là dùng sự thành công đó để tác động một cách tích cực đến xã hội".
May mắn thay, một cuộc sống vừa hạnh phúc vừa có ý nghĩa là điều hoàn toàn có thể. Như hai vòng tròn chồng lên nhau và vùng trung gian là bến đỗ của những kẻ tìm được sự cân bằng.
Họ là những người không đi tìm hạnh phúc cá nhân, cũng không hy sinh hạnh phúc cá nhân để làm hài lòng xã hội. Họ không coi hạnh phúc là mục đích của cuộc sống. Với họ, hạnh phúc cũng như tiền bạc. Để không thì không có giá trị. Có thì bao nhiêu cũng không đủ. Tiêu thì đằng nào cũng hết.
Trên đường đời, hạnh phúc như những cái cột đèn lướt qua soi sáng mặt đường. Hạnh phúc là những khoảnh khắc thoắt đến thoắt đi, như những trạm xăng tiếp nhiên liệu, cần, nhưng không phải là bến đỗ cuối cùng.
Hạnh phúc không ở cuối con đường, nó chỉ là một phần của con đường. Con đường ấy dẫn về đâu, chúng ta phải tự quyết định.
Mục đích của cuộc sống chính là hướng tới một đích đến cuối con đường cho thật có ý nghĩa. Bạn đã làm được gì cho đời, cho người thân và xã hội? Bạn có tạo được sự thay đổi gì có ý nghĩa không? Bạn để lại di sản gì trên cõi trần này?
Và vì thế, thay vì chúc nhau hạnh phúc, tôi muốn chúc bản thân mình một năm mới sống thật nhiều ý nghĩa.
Và vì thế, thay vì chúc nhau hạnh phúc, tôi muốn chúc bản thân mình một năm mới sống thật nhiều ý nghĩa.
Vai trò của khổ đau
Chỉ khi trở thành một người làm khoa học tôi mới hiểu rằng việc triệt tiêu khổ đau là điều không thể và không nên làm.
Về mặt tiến hóa, khổ đau và những cảm xúc buồn bã là tín hiệu cần thiết để ta ngừng làm tổn thương bản thân. Người khỏe mạnh biết nhận ra tín hiệu ấy, xử lý tình cảm và hành vi để tự bảo vệ mình. Kẻ bệnh tật không có khả năng chống chọi, không nhận ra mình đang tự hủy hoại, thậm chí nghiện khổ đau khi nó đã trở thành thói quen.
Khổ đau, ở một mức độ nào đó, là đất cát, là vấp ngã, là trận giả, là kinh nghiệm để cơ thể xây dựng một hệ thống phòng thủ miễn dịch, là lửa thử vàng, là gian nan thử sức.
Nhưng khổ đau, ngoài vai trò của tiến hóa, còn là phản ứng phụ của một thái độ sống. Ấy là khi chúng ta chọn sống một cuộc đời có ý nghĩa, thì khổ đau lại trở thành điều ta sẵn sàng chấp nhận. Điều này có thể thấy rõ nhất ở những người làm cha làm mẹ, làm khoa học, làm công tác hoạt động xã hội hoặc những chiến sĩ cách mạng.
Họ lao động cật lực. Họ vắt kiệt sức mình. Trong một ngày của họ, lo âu và thử thách nhiều hơn an nhiên và vui vẻ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đàn ông 10 tháng đau đớn vì ung thư, mỉm cười ra đi sau hơn 1 giờ hộ niệm
Phật giáo và người trẻ 16:45 25/11/2024Khi vừa hộ niệm được chừng mấy chục phút, chú Thu bỗng nhiên giơ hai ngón tay lên và nói với mọi người rằng mình sẽ ra đi vào lúc 2h chiều. Tiếp tục hộ niệm tới khoảng 2h kém 15p thì chú ấy tắt thở ra đi một cách rất nhẹ nhàng.
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
Xem thêm