Khắc phục nỗi sợ hãi
Chúng ta thường sợ hãi những điều đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo sợ những bất hạnh sẽ ập đến đời mình trong tương lai. Có những nỗi sợ mông lung, mơ hồ, gần như không xác định nguyên nhân và thời gian cụ thể.
Đáp: Sợ hãi là một hiệu ứng của tâm lý, một trạng thái tâm lý bất an, lo sợ, kinh hãi… Xuất hiện và tồn tại nơi cuộc sống của mỗi chúng sinh từ khi lọt lòng cho đến lúc xuôi tay, nhắm mắt. Có những khi sức lực ta còn tràn đầy, tương lai rộng mở, cơ hội tốt nhất luôn kéo đến với ta; lúc ấy ta tưởng chừng như không còn sợ hãi nhưng kỳ thực nỗi sợ vẫn còn âm ỉ bên trong chúng ta, được ngụy trang dưới hình thức này hay hình thức khác. Có thể nói trong suốt cuộc đời, chúng ta phải đối diện với nhiều nỗi sợ hãi khác nhau và cấp độ của chúng cũng không như nhau.
Lúc còn bé, chúng ta sợ “ma”, sợ những sinh thể hình thù kỳ dị theo sự tưởng tượng của óc non nớt trẻ thơ. Khi lớn lên, có đôi chút hiểu biết thì những nỗi sợ này không còn ám ảnh ta nữa nhưng đồng thời có những nỗi sợ hãi lớn hơn phủ chụp lấy ta: Sợ thiếu ăn, sợ mất việc làm, sợ gia đình ly tán, sợ bệnh tật, sợ chiến tranh, sợ chết cùng vô vàn những nỗi sợ hãi khác.
Từ đây có thể thấy, cuộc sống của con người vốn dĩ đã khổ đau lại càng đau khổ hơn thêm vì luôn chất ngất những nỗi sợ hãi, luôn sống trong sợ hãi. Cho nên, làm cho mọi người hết sợ chính là giúp họ vượt thoát một phần khổ đau và đây cũng là mục tiêu rốt cùng mà giáo lý vô úy thí nhắm đến.
Vô úy là không sợ hãi, cũng còn gọi là vô sở úy, vô bố úy. Bố thí vô úy tức là trang bị cho mọi người, cho chúng sinh năng lực không còn sợ hãi. Muốn thực hiện pháp thí này, yêu cầu trước hết là hành giả phải tự trang bị cho mình khả năng thắng vượt tất cả những nỗi sợ hãi. Muốn thoát khỏi lo sợ, điều đầu tiên là phải biết nguyên nhân, nguồn gốc các nỗi sợ và can đảm đối diện với chúng.
Ảnh minh họa |
Tất cả đều đang vận động, sinh diệt, trôi chảy và thay đổi trong từng phút, từng giây, thậm chí trong mỗi sát-na. Con người và thế giới luôn hiện hữu trong trạng thái vô thường và vô ngã. Tất cả mọi nỗi đau khổ và sợ hãi đều bắt nguồn từ sự nhận thức sai lầm về tự ngã, về cái tôi. Khi cái tôi bị đe doạ, bị mất an ninh thì lập tức xuất hiện một cơ chế phản ứng tự tồn trong tâm lý, nhằm bảo vệ tư ngã, và đây chính là nguồn cội của mọi sự lo sợ. Tu tập vô úy là nỗ lực quán sát về ngũ uẩn để thấy được thực chất của con người, bán chất của cái tôi được cấu thành trên cơ sở là vô thường và vô ngã.
Do bị vô thường chi phối nên cái tôi và thế giới của tôi muốn thay đổi, biến hoại và sinh diệt. Tuy nhiên, sự dịch chuyển của cái tôi ấy không phải ngẫu nhiên, tùy tiện mà tuân theo quy luật. Đó là luật nhân quả, một hiệu ứng của nghiệp do chính cá nhân tác tạo. Nếu chúng ta tạo nghiệp lành sẽ được phước báo an vui, ngược lại nếu tạo ác nghiệp thì chắc chắn bị quả báo khổ đau. Do đó, dù sợ hãi hay không thì kết quả hạnh phúc hay khổ đau vẫn xay đến tùy theo nghiệp thiện hay ác. Nhận thức được quy luật này, người phật tử tu tập hạnh vô úy luôn bình thản, không hề lo sợ hoặc kinh hãi trước bất kỳ biến cố nào, chỉ nỗ lực cải tạo nghiệp nhân của chính mình, dẫu cho thế sự thăng trầm, tình đời sáng nắng chiều mưa… Thậm chí xem thường cả cái chết.
Chúng ta thường sợ hãi những điều đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo sợ những bất hạnh sẽ ập đến đời mình trong tương lai. Có những nỗi sợ mông lung, mơ hồ, gần như không xác định nguyên nhân và thời gian cụ thể. Theo tâm lý học Phật giáo, đây là dấu ấn của biến cố đã xảy ra trong quá khứ, những kinh nghiệm của biến cố này được lưu giữ trong A lại da. Chúng sẽ phát huy tác dụng khi hội đủ điều kiện làm cho chúng ta cảm thấy bất an, bồn chồn hoặc sợ hãi. Gần hơn là những bất hạnh xảy ra khi chúng ta còn nhỏ, vết hằn của sự khiếp đảm, tủi nhục in đậm trong tâm thức khiến ta mất niềm tin, luôn “đề cao cảnh giác”. Song song với những sợ hãi quá khứ, con người thường lo sợ về ngày mai, ý tưởng tương lai mình sẽ thế nào, mình sẽ đi về đâu luôn ám ảnh, đeo bám khiến cho con người luôn ray rứt, sợ sệt. Người phật tử tu tập hạnh vô úy luôn nhận thức được rằng: Quá khứ là những điều đã qua, tương lai là những điều chưa đến, hai phạm trù này không có thật. Chỉ có hiện tại, mà hiện tại thì đang trôi chảy. Trong sát na hiện tại thì chẳng có gì phải lo lắng hoặc sợ hãi cả vì tâm đã an trú vào chánh niệm.
Khi đã đạt được sự bình an, tĩnh lặng, không còn dao động, không còn sợ hãi, người phật tử đã thành tựu vô úy. Phát nguyện dấn thân, đem sự bình an, không sợ hãi đến với mọi người, đó là hạnh vô úy thí. Bồ tát Quán Thế âm là một trong những vị Bồ tát thường đem sự vô úy đến với những ai thành tâm niệm danh hiệu Ngài. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của chúng sinh mà Ngài thị hiện để che chở và giúp đỡ khiến họ được bình an. Vì hạnh nguyện bố thí vô úy nên ngoài dạnh hiệu Quán Thế âm, Ngài được xưng tụng là Bố thí vô ý giả.
Hiện tại bạn đang gặp nhiều bất hạnh, bạn lo lắng, hoang mang về tương lai của mình. Tương lai được làm bằng chất liệu của hiện tại nhưng tương lai là điều chưa xảy đến, vốn không thật. Do đó, lo sợ về tương lai là vọng tuởng. Bạn hãy an trú vào hiện tại, ngay đây và bây giờ. Đối diện với sợ hãi, nhận diện nó một cách rõ ràng, bạn sẽ tìm ra được nguyên nhân căn bản của mọi nỗi sợ và cách thức giải quyết chúng. Giải tỏa tâm lý sợ hãi, theo đạo Phật, là một quá trình nỗ 1ực tu tập, chuyển hóa và khai phóng tâm thức, nhận ra bản chất của cái tôi (tự ngã) vốn không thực. Nhờ sự duy trì tuệ quán thường trực về thân, tâm và thế giới là do duyên sinh, giả hợp, không có tự ngã, không có cái Tôi thì tức khắc tất cả các thuộc tính của cái tôi đều tan biến. Từ đây, hành giả dễ dàng giải thoát mọi khổ đau, lo lắng và sợ hãi.
Tịnh Tâm (Nguồn:Báo Giác Ngộ)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật?
Hỏi - Đáp 10:18 19/11/2024Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có, xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy các điều ấy trong những kinh nào?
Tượng Phật có từ bao giờ?
Hỏi - Đáp 10:31 18/11/2024Hỏi: Tôi là một Phật tử chuyên hỷ cúng tượng Phật cho các chùa, nhưng chưa hiểu rõ lắm về nguyên nhân do đâu mà có tượng Phật. Vậy tượng Phật có từ bao giờ? Ai là người đầu tiên tạo tượng Phật? Xin cho biết sơ lược về việc tạo tượng Phật vào lúc đó.
Tu tập trong hoàn cảnh không có Phật
Hỏi - Đáp 10:00 17/11/2024Tôi thích lạy Phật nhưng vì không có bàn thờ nên tôi tự hình dung Đức Phật trước mặt rồi lễ bái. Tôi tu tập như thế và cảm thấy an yên, được Tam bảo che chở rất nhiều. Có lúc tôi tự hỏi mình tu tập trong hoàn cảnh như thế có đúng Chánh pháp không?
Sám hối thay cho ba mẹ có nên không?
Hỏi - Đáp 20:00 15/11/2024Trong trường hợp ba tôi nghiệp báo sâu dày và tôi muốn lạy sám hối thay cho ba mẹ thì phải hành trì như thế nào? Tôi mong được làm tròn chữ hiếu với ba mẹ theo đúng tinh thần của đạo Phật.
Xem thêm