Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 23/10/2014, 09:53 AM

Khoa học hiện đại dưới góc nhìn Phật giáo

Thế giới ngày nay đang làm sáng tỏ với tốc độ nhanh chóng những gì còn khuất lấp tồn tại hay không tồn tại của vũ trụ, càng làm sáng tỏ thêm sự tương đồng của thế giới quan Phật giáo với thế giới quan vũ trụ thời hiện đại

Phật giáo trên thế giới ra đời đã trải qua hơn 2500 năm tính từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh tại Ấn độ. Trải qua hơn 2500 năm, dù có những lúc thăng trầm, nhưng cho đến tận xã hội hiện đại ngày nay, vẫn không ngừng phát triển, với hơn 700 triệu tín đồ trên khắp hành tinh, đã có những lúc Phật giáo đứng trước đại nạn diệt vong, điển hình như cuộc chinh phạt của Hồi giáo ở Ấn Độ thế kỷ XII sau Công nguyên, thế nhưng đạo Phật đã kịp lan rộng xuôi dòng Mêkông lan khắp châu Á, rồi thậm chí ngày nay đang lan rộng ra châu Âu, châu Mỹ, tới các nền văn minh thời hiện đại ở các nước phát triển.

Dưới con mắt của cư dân hành tinh trái đất thời hiện đại, nhiều người có những cái nhìn sai lệch về đạo Phật, có người coi Phật giáo như một khoa học, có người coi Phật giáo là một tôn giáo thần quyền...nhưng xét về tổng thể, Phật giáo không phải là một khoa học, đạo Phật cũng không phải là một tôn giáo thần quyền như người ta thường nghĩ, thực tế thì Phật giáo đã vượt lên trên khoa học, vượt qua nhận thức nhân sinh quan của một tôn giáo.

Đối với những người chưa nghiên cứu, hiểu thấu Phật giáo, thường nhìn nhận Phật giáo dưới góc nhìn đơn lẻ của một sự vật, một hiện tượng cá thể để suy xét, đánh giá về Phật giáo theo một triết lý hoặc một khoa học vật chất, tâm linh cá biệt, còn những người chưa nắm rõ giáo pháp (mê mờ chánh kiến) thì tôn sùng Phật giáo như một tôn giáo thần quyền, mê tín dị đoan, chỉ có những người thực sự có tâm tìm hiểu, nghiên cứu, sẽ gạt bỏ những mê mờ chánh kiến, nhìn nhận Phật giáo với một thế giới quan tổng thể, chiêm nghiệm Phật giáo một cách nghiêm túc, tìm ra cái sự thật đằng sau sự ra đời và giáo lý nhà Phật, để từ đó nỗ lực dọn dẹp, mở lộ, phát quang sạch sẽ con đường chân lý mà đức Phật đã chỉ ra hơn 2500 năm qua. 
 
Trên thế giới chỉ duy nhất Phật giáo được sáng tạo ra bởi con người thật bằng xương bằng thịt, đó là đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, ngài hiện thân là Thái tử con vua nước Tịnh Phạn, thuộc Ấn Độ ngày nay, là người được được truyền kế vị ngôi báu trong hoàng tộc, nhưng với lòng vị tha thương yêu con người tha thiết, hàng ngày ngài phải chứng kiến những cảnh khổ ải của con người, Ngài đã quyết tâm rời bỏ ngôi báu ra đi tìm con đường diệt khổ chốn nhân gian, trải qua thời gian dài tu hành khổ hạnh, sau khi ngồi nhập định dưới cội cây bồ đề 49 ngày đêm, ngài chợt bừng tỉnh giác ngộ (Khoa học ngày nay gọi là đốn ngộ, hoặc tự thân khai sáng), sau đó ngài bắt đầu con đường truyền bá Phật pháp, từ đó đã trải qua hơn 2500 năm, Phật giáo vẫn trường tồn hiện hữu như một phần không thể tách rời của thế giới.

Khoa học hiện đại ngày nay dù đã rất phát triển nhưng mới chỉ hé lộ một phần khía cạnh của Phật giáo, Phật giáo rộng hơn nhiều và đã đi trước khoa học khá xa. Trong một bài viết khá hạn hẹp, tôi không có ý phản bác lại khoa học hiện đại hay bênh vực đạo Phật mà chỉ hi vọng từ ánh sáng khoa học hiện đại để làm rõ thế giới quan Phật giáo, để ta có cái nhìn đúng đắn về Phật giáo, từ đó có định hướng ứng xử đúng đắn về nhận thức và hành động trong đời sống xã hội. Với những người chưa từng nghiên cứu Phật pháp, rất mong quí vị cố nhẫn nại suy ngẫm sự so sánh sự tương đồng giữa thế giới quan khoa học và thế giới quan Phật giáo trong một bài viết hạn hẹp, những diễn giải về luận thuyết, câu chữ, kinh kệ trong Phật giáo có đôi chút trừu tượng, khó hiểu, những nếu lắng tâm để ý kỹ thì ta sẽ nhận ra sự trùng khớp dù đôi khi sự so sánh có mang tính chất ước lệ bởi giáo lý nhà Phật hướng tới sự khai tâm, còn khoa học mang tính biện chứng cụ thể chi tiết.

Thế giới quan Phật giáo xoay quanh một chữ TÂM. Thường ngày chúng ta hay nói rằng tôi có tâm, anh có tâm, tâm tốt, tâm xấu, hay tâm tình, tâm sự...theo Phật giáo, những thuật ngữ đó chỉ là Pháp thế gian, là sự giả tạm không thật, chữ TÂM trong nhà Phật thể hiện vũ trụ quan nhất thể thường hằng không biến đổi, đó là chữ KHÔNG trong kinh Bát Nhã, TÂM là thể hiện bản thể tính KHÔNG trong cách diễn giải thế giới quan Phật giáo, theo đó mọi vật, mọi hình tướng, mọi sự trong vũ trụ và trên thế gian từ kiếp vô thỉ (vô lượng) đều không tự sinh và cũng không tự diệt, nó sinh diệt, biến đổi là do duyên khởi, còn bản tính của nó tự không (Đọc 12 nguyên lý duyên khởi của Đức Đại lạt Ma 14 ta thấy rõ điều này), trên thế gian này, phàm những cái gì được định hình nên, có hình có tướng hoặc không hình tướng nhưng khởi niệm lên, đều là giả tạm, không có tính thật có.

Lục tổ Huệ Năng có một bài kệ như sau:

Bồ đề vốn không cây
Gương sáng chẳng phải đài
Xưa nay không một vật
Cái gì dính bụi bặm.

Câu xưa nay không một vật như một quả bom nổ trong pháp môn thiền tông thời bấy giờ, nó thể hiện rõ bản thể không trong vũ trụ quan phật giáo, ở đây ta phải hiểu nhà Phật nói KHÔNG tức là nó không có tính thật có vì, nếu có là do duyên khởi định tính (khái niệm, định nghĩa...), nếu không là nó là tương đối, là  giả tạm không có thật, nếu ta chấp vào có định tính, không phủ nhận thì sẽ rơi vào chấp cái có và chấp cái không, sẽ không thấy bản TÂM của nhà Phật.

Theo "Bát nhã tâm kinh giảng giải" của Thiền sư Thích Thanh Từ, ngài có đưa ra một ví dụ về chữ KHÔNG tự tính để nói về bản thể TÂM như sau: Nếu nhìn một bàn tay của ta, ta bảo nó là một cái bàn tay, sự thực nó không phải là cái bàn tay, bảo nó là bàn tay là do ta lập tướng lên để định danh tương đối, nếu xét kỹ, bàn tay do các ngón và lòng bàn tay tạo thành, vậy ta bảo ngón tay hay lòng bàn tay...là bàn tay, nếu tách rời chúng ra chúng còn gọi là bàn tay nữa không, nếu bảo ngón tay là bàn tay hay lòng bàn tay là cái bàn tay thì cũng chẳng đúng, trong đó còn có xương, thịt, gân, nếu vậy ta nói xương cũng là bàn tay, gân cũng là bàn tay sao?, chẻ nhỏ đến các tế bào, các phân tử, nhỏ hơn nữa như khoa học hiện đại đã làm, thì cuối cùng chẳng cái nào là bàn tay cả, vật chất đó nó là tương đối, nó tự tính không, không cái gì tạo nên cả, không do cái gì sinh ra, do hợp duyên mà thành.  

Về vũ trụ, Phật giáo coi vũ trụ là nhất thể, tự có thường hằng, không sinh, không diệt, luân hồi sinh tử, có sinh có tử, có tử ắt có sinh, không sinh không tử, đủ duyên thì hợp thành sinh, hết duyên hợp thì diệt, biến thiên vạn hóa mọi vạn pháp đều sinh tử tử sinh có mối tương quan trong cái nhất thể (Bản tâm) mà không có hai. Thuyết "Duyên khởi" là thuyết căn bản nhất trong Phật giáo, theo đó, vạn pháp trong vũ trụ đều không sinh không diệt, do đủ duyên mà thành, hết duyên thì diệt, diệt rồi đủ duyên lại sinh, rồi lại diệt...Ngay khi Phật tại thế, sau khi tu pháp thiền định, giác ngộ toàn năng, ngài đã chỉ ra rằng trong vũ trụ bao la có vô lượng hành tinh ( Hằng hà sa số), sinh diệt luân hồi, ngày nay bằng kính thiên văn và thám hiểm vũ trụ, người ta mới chứng minh được lời Phật Thích Ca trong kinh Phật là đúng.  
 
Về vật chất trong vũ trụ, khoa học hiện đại ngày nay đã hé mở phần nào về nguyên nhân từ vụ nổ bigbang, người ta đã chứng minh sự thật thì vật chất trong vũ trụ tồn tại chỉ là tính tương đối. Ông Joseph Lykken, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ mang tên Fermi viết trên báo Mail Online như sau:"Từ những tính toán đơn giản, dựa trên kiến thức của vật lý thế giới mà Nhà vật lý lý thuyết này cũng thông báo điều đó tại cuộc họp của Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của Khoa học (AAAS) ở Boston.

Ông nói thêm rằng những kết luận này đã được ông phân tích chính xác từ những dữ liệu về khối lượng của boson Higgs, thu được trong năm qua."Chiếc bong bóng của chân không tuyệt đối hình thành do sự tập hợp ngẫu nhiên, bắt đầu giãn nở với tốc độ ánh sáng và hút vào nó vũ trụ của chúng ta". Công trình này đã được trao giải nobel vật lý năm 2013.

Boson Higgs boson là một hạt, được tìm ra vào giữa năm 2012 nhờ LHC, có khối lượng 126 GeV, tương ứng với dự đoán lý thuyết của Mô hình chuẩn. Người ta cho rằng nó mang lại khối lượng cho các hạt cơ bản. Nếu khối lượng của nó sai lệch, dù chỉ 1% đi nữa thì xác suất kết thúc của vũ trụ sẽ khác đi, thậm chí có thể coi là vũ trụ này là không ổn định. Sự thực thì hạt Higgs có thể làm thay đổi vật chất, làm biến đổi không gian và thời gian, làm nguyên nhân của sự phân rã biến mất của vũ trụ. Như vậy vũ trụ do một nguyên nhân ngẫu nhiên tập hợp thành (Nhà Phật gọi là đủ duyên), chứ không phải do một đấng sáng tạo nào tạo ra cả, khi hết duyên nó sẽ tan rã trở về không trong cái vòng luân hồi sinh tử.

Về không gian và thời gian, Phật giáo quan niệm không có cái gọi là không gian hay thời gian, thời gian nhanh hay chậm, không gian to hay nhỏ đều do sự ngã chấp của tâm, mọi sự tồn tại chỉ là tương đối, nó không có thật, những gì tạo nên hình tướng đều do ta khởi niệm, đặt cho nó một định danh, định tính.

Ví dụ ta bảo thời gian nhanh hay chậm, đó là do ta cảm nhận, khởi niệm lên, một người đang vui thì thấy thời gian nó trôi nhanh, một người phiền não thì thời gian nó dài lê thê, vậy thời gian của người vui là một cái, vậy có hai cái thời gian sao, đâu có vậy, còn thời gian của người buồn là một cái, một canh giờ nó vẫn chỉ là một canh giờ, nó tồn tại trong hư không, nhanh hay chậm là do hội tụ đủ duyên hợp nên thời gian nhanh chậm mà thôi. Về không gian cũng vậy, không thể nói từ rộng hẹp, vì nếu ta ở trong phòng nhỏ ta nói không gian hẹp, ta ra cánh đồng ta nói không gian rộng, vậy rộng là không gian hay hẹp là không gian, thực chất thì không có không gian thật bằng định danh, định tính, không gian nó vẫn là không, mọi sự đều là hệ qui chiếu của tâm, không gian thành hay hoại cũng do hợp duyên khởi tạo hay hết duyên tan rã. 

Thực tế là thuyết tương đối thời hiện tại đã chứng minh luận điểm này. Thuyết tương đối rộng được Einstein công bố vào năm 1916 (trước đó đã nằm trong loạt bài giảng tại Viện Khoa học Phổ25 tháng 11 năm 1915). Tuy nhiên, nhà toán học người Đức David Hilbert đã viết và công bố các phương trình hiệp biếntrước Einstein. Có nhiều lý do cả Einstein và Hilbert được xem như đồng phát minh ra thuyết tương đối rộng. Lý thuyết này giới thiệu các phương trình thay cho định luật vạn vật hấp dẫn của Newton. Nó sử dụng hình học vi phân và tenxơ để mô tảtrọng trường.

Lý thuyết này cũng dựa trên một tiên đề duy nhất: "mọi định luật vật lý là giống nhau trong mọi hệ quy chiếu (gồm cả những hệ quy chiếu chuyển động với vận tốc thay đổi so với nhau)". Trong lý thuyết này, trọng lực không tồn tại như lực riêng (như theo quan niệm của Newton), mà chẳng qua là lực quán tính, hay khái quát hơn là hệ quả của độ cong trong không-thời gian. Về mặt trực quan, cảm giác về lực hấp dẫn khi ngồi trên mặt đất giống cảm giác lúc trong thang máy đi lên (hoặc tương tự trong xe khi đang tăng tốc/giảm tốc). Lý thuyết tương đối rộng đã dẫn đến một kết quả là mọi vật chất (hoặc khối lượng hoặc năng lượng) đều làm cong không-thời gian, và độ cong này tác động đến đường rơi tự do của các vật chất khác (kể cả đường đi của ánh sáng).

Theo giai thoại, Einstein từng giải thích thuyết tương đối cho một người bình thường: "Khi một người đàn ông ngồi bên cô gái đẹp một giờ, thời gian dường như chỉ mới một phút. Nhưng khi đặt anh ta lên bếp lò nóng một phút, thời gian tưởng đã hàng giờ. Đó là tính tương đối".

Theo thuyết tương đối hẹp của Einstein, thời gian không phải là hằng định, mà có thể co giãn tùy thuộc vào hệ quy chiếu. Chẳng hạn trong một trường hẫp dẫn rất mạnh (như gần một ngôi sao siêu nặng) hay trên con tàu vũ trụ bay với tốc độ rất cao, thời gian bị kéo dài ra, khiến một năm sống trên tàu có thể tương đương cả nghìn năm trên trái đất. Đó là một cách để du hành tới tương lai.  

Công trình khoa học đạt giải nobel vật lý năm 2013 về hạt higgs cũng đã chứng minh không - thời gian chỉ là giả tạm, hạt higgs có thể làm đảo lộn phân rã không - thời gian vũ trụ, các học giả đang lo sợ rằng nếu phát triển hạt higgs qui mô nó sẽ phá hoại toàn bộ không gian - thời gian và vật chất vũ trụ. 
 
Về năng lượng vũ trụ: theo thuyết bảo toàn chuyển hóa năng lượng thì trong vũ trụ, tổng năng lượng không đổi, nó không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Định luật bảo toàn năng lượng là một nguyên lý tổng quát cho tất cả các lý thuyết vật lý (cơ học, điện từ học, vật lý hạt nhân,...). Chưa từng thấy ngoại lệ của định luật này, tuy rằng đôi khi người ta cũng nghi ngờ nó, nhất là trong các phân rã phóng xạ.  Phật giáo nhìn nhận thì nó vốn sẵn có, không tự nhiên sinh, không tự nhiên diệt, nó luân hồi sinh diệt khi đủ duyên, khi hết duyên, nó như cái cây có đủ duyên sinh (Có hạt giống, sinh ra lớn lên lấy năng lượng từ đất, nước, không khí...) lớn lên rồi khi hết dưỡng chất ( Hết duyên) nó chết, nhưng không có nghĩa là hết, người ta đem cây khô đốt, cây khô không mất đi mà nó thành lửa (đủ duyên thành lửa) ngày nay người ta dùng lửa làm nóng tuốc bin chạy thành cơ năng (Ở đây cơ năng đã đủ duyên hợp thành), rồi cơ năng hợp thành mất đi cũng không có nghĩa là hết, người ta tạo đủ duyên nó chuyển thành điện năng, ....cứ như vậy, năng lượng vật chất chuyển hóa luân hồi, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh không ngừng. Như vậy, sự biến đổi vật chất và năng lượng đã có trong kinh Phật hơn 20 thế kỷ, khoa học thời hiện đại đã làm sáng tỏ thêm luận thuyết trong giáo lý nhà Phật. 

Về sự sống trên trái đất: Giữa thế kỷ XIX, Charles Darwin đưa ra thuyết Tiến Hóa, và ngày nay, càng ngày chúng ta càng thấy thuyết này rất phù hợp với thuyết Duyên Sinh. Vạn Pháp trong vũ trụ đều do đủ duyên mà thành, hết duyên thì diệt, và đây cũng là căn bản của thuyết Tiến Hóa, từ sự xuất hiện của các cây cỏ cho đến con người xét về mặt vật chất, sự sống do duyên sinh hợp thành, biến chuyển luân hồi, tiến hóa theo các dạng khác nhau, dạng này mất đi, dạng khác đủ duyên thay thế chứ nó vẫn hiển nhiên tồn tại, không có đấng tối thượng nào sáng tạo ra hay lấy đi khỏi vũ trụ, nếu bảo nhân sinh do đấng tạo hóa tạo thành thì cái gì tạo nên đấng tạo hóa, cuối cùng thì cũng không cái gì tạo ra mà do duyên sinh cả thôi, nhân sinh nó vẫn nguyên vẹn từ vô thỉ kiếp đến nay, nó thường hằng không đổi, do con người chúng ta chưa hiểu hết nên phỏng đoán mê lầm. Về con người, cho dù người ta có tìm ra con người từ những nguyên tố đầu tiên trên vũ trụ sinh ra rồi tiến hóa thì nó cũng không nằm ngoài thuyết duyên khởi, đủ duyên thì những phân tử đầu tiên hợp thành sự sống, biến chuyển sinh diệt luân hồi liên tục qua thời gian tạo thành các lớp động thực vật muôn trạng muôn hình tùy duyên nó hợp thành, lớp này diệt lớp khác sinh, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh. 
 
Về sự sống con người, theo Phật giáo thì về thân vật chất con người do đủ duyên thì tứ đại (Đất, nước, gió, lửa) hợp thành, nghe qua thì có vẻ vô lý bởi đem đất, nước, gió, lửa cộng lại có hình thành thân người không ? nhưng không phải vậy, theo kinh Phật thì thân người sinh ra từ tinh cha huyết mẹ chung hợp nên hình, cha mẹ ăn cây cỏ, thực phẩm đều do sinh từ đất, nước, không khí, năng lượng ấm, duyên hợp thì có tinh cha, huyết mẹ, rồi nuôi dưỡng phôi thai đến ngày sinh, lớn lên, ta ăn uống lấy từ đất (Cây cỏ, thực phẩm), uống nước, hít không khí, tạo năng lượng ấm, nếu một trong tứ đại không còn (Nhịn ăn, không uống, nhịn thở hết không khí, tàn hơi ấm...) là hết duyên thân ta tan rã, nhưng không có nghĩa đã hết bề thân, phần đất trả về với đất, nước trả về với nước, không khí về bầu khí quyển, năng lượng cơ thể, hóa chất nuôi dưỡng động thực vật tạo nên sự sống mới. Còn riêng phần hồn thì lìa khỏi xác, khi đủ duyên do nghiệp tạo sẽ tìm một thân xác mới phù hợp (Trong cảnh duyên hợp mới) trong cõi vũ trụ bao la gửi gắm tạo nên nghiệp mới (Nghiệp dẫn), còn cái bản tâm thực tế nó không mất đi, nó không thay đổi, do nghiệp dẫn mà nó tạo tác ở các kiếp tiếp theo, chỉ khi người ta tìm thấy bản tâm đích thực không sinh không diệt thì sẽ về cõi niết bàn  không còn luân hồi sinh tử (Phần này nếu có điều kiện quí vị nghiên cứu thêm kinh bát nhã, Kinh Pháp Bảo Đàn, kinh thủ lăng nghiêm...trong Phật giáo vì khoa học mới chỉ chứng nghiệm được một vài trường hợp đơn lẻ như những trường hợp đầu thai trên thế giới và các đức Đại Lạt ma, thiền sư trở lại kiếp sống sau của mình, những trường hợp thần giao cách cảm, ngoại cảm, những thí nghiệm về trường sinh học .... mà chưa có được học thuyết nào cụ thể ngoài giáo lý nhà Phật) hy vọng trong không xa, bằng ánh sáng khoa học người ta sẽ khám phá ra kho lưu trữ ý niệm tạo nghiệp của Phật giáo, còn bàn luận về chủ đề này xin để dịp khác tôi và quí vị sẽ có dịp cùng nghiên cứu về khoa học tâm linh.

Ngày nay có nhiều luận điểm phản biện lại học thuyêt tiến hóa, có người cho rằng loài người do sự lai tạo của người ngoài hành tinh hay là một vật thí nghiệm, dù có vậy đi nữa thì con người vẫn là một nhất thể trong cái bản thể của vũ trụ thành - trụ - hoại - không của nhà Phật mà thôi. Các học thuyết nhân sinh ra đời càng làm sáng tỏ thêm lý giải của nhà Phật về luân hồi của sự sống.

Về khoa học ứng dụng ngày nay: Thế giới thời hiện đại là thế giới bùng nổ về công nghệ thông tin, người ta ứng dụng hệ toán nhị phân (hay hệ đếm cơ số hai) là một hệ đếm dùng hai ký tự để biểu đạt một giá trị số, bằng tổng số các lũy thừa của 2. Hai ký tự đó thường là 0 và 1, 1 là có, 0 tức là không có; chúng thường được dùng để biểu đạt hai giá trị hiệu điện thế tương ứng (có hiệu điện thế, hoặc hiệu điện thế cao là 1 và không có, hoặc thấp là 0). Do có ưu điểm tính toán đơn giản, dễ dàng thực hiện về mặt vật lý, chẳng hạn như trên các mạch điện tử, hệ nhị phân trở thành một phần kiến tạo căn bản trong các máy tính đương thời. một dãy chữa số có và không, không và có biểu đạt tạo nên 1 bít. Bất cứ số nào cũng có thể biểu đạt được trong hệ nhị phân bằng một dãy đơn vị bit (binary digit, số ký nhị phân), do đó có thể được diễn giải bằng bất cứ một cơ cấu có khả năng thể hiện hai thể trạng biệt lập, người ta đã ứng dụng cái trạng thái có có, không không để tạo nên một thế giới ảo hiện đại.

Nếu quí vị nào chịu khó nghiên cứu kinh Phật thì trong kinh Bát Nhã đã bàn luận về cái sự có không này từ khi có đức Phật, trong kinh bát nhã, sắc (Có) tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, cái hình tướng có không nó chỉ là giả tạm, không thật có mà cũng không thật không có, tùy theo sự sắp xếp nên hình trạng (Nhà Phật gọi là lập tâm chấp tướng) ta lấy cái sự sắp xếp  trong tâm thức (Chấp có, chấp không) để mà lập cái không thành có, cái có thành có, cái có thành không lập nên pháp tướng, nên muôn hình vạn trạng, và theo nhà Phật,  phàm những gì có hình tướng đều giả tạm đều không thật có.

Người ta nói trong tương lai bộ não máy tính gần giống với bộ não con người cũng chả sai biệt, bộ não máy tính đuổi theo những cái có không lập nên những hình trạng ảo giác, không thật có cũng không thật không,  cái tâm con người cũng đuổi theo cái chấp có chấp không để lập nên hình tướng giả tạm như kinh Bát Nhã nói, thế giới ảo trong cái máy tính nó cũng như thế giới ảo trong tâm con người , vì vậy nhà Phật mới nói rằng, cái sự có không là cả một giấc mộng của đời con người vậy. 
 
Thế giới ngày nay đang làm sáng tỏ với tốc độ nhanh chóng những gì còn khuất lấp tồn tại hay không tồn tại của vũ trụ, càng làm sáng tỏ thêm sự tương đồng của thế giới quan Phật giáo với thế giới quan vũ trụ thời hiện đại, chúng ta cần nghiên cứu Phật giáo một cách nghiêm túc để có ứng xử đúng với những giá trị nhân văn của Phật giáo đem đến cho thế gian.

Dù nghiên cứu khoa học hay nghiên cứu Phật học, nghiên cứu xã hội, chúng ta phải nhìn nhận bằng tư duy trực giác, bằng bản thể chứ không nên nhìn thiên lệch về có hay là không có, phải hay là không phải, rơi vào tư duy bảo thủ, kiến chấp hoặc lại bỏ rơi nó vào nhị nguyên đối đãi giữa cái có và cái không (Tư duy này bị Phật giáo phản đối ác liệt nhất trong hành pháp).

Đơn giản như việc nghiên cứu ứng dụng khoa học, con người nên nhìn nhận cả hai khuynh hướng tích cực và không tích cực, nhiều khoa học phát triển đem đến nhiều cái có về thành tựu như tạo ra năng lượng lớn, phát triển công nghệ hiện đại, chúng ta mải chấp vào mặt có tích cực mà bảo thủ không chấp nhận hiện thực.

Ta có thể bay vào vũ trụ, ta có thể tạo ra năng lượng, của cải vật chất nhưng chúng ta không biết có khả năng vá lại tầng ozôn đang bị thủng ngày càng lớn hay không?

Chúng ta có thể phát triển công nghệ sinh học, tạo ra nhiều loài vật ưu thế nhưng chúng ta có thể lấy lại những sinh vật đã bị tuyệt diệt hay có nguy cơ diệt vong hay không?

Chúng ta có thể gây chiến tranh để bảo vệ một cái gì đó để sống nhưng chúng ta có cứu được những mạng sống hay chiến tranh là để cướp đi những mạng sống?

Trong đời sống hàng ngày ta đuổi theo những cuộc được mất, rồi sầu khổ, rồi mua vui, nhưng kết cục thì sao, mọi thứ con người trở về không, cuộc sống dài hay ngắn, vui hay buồn có giải quyết được sự tồn tại mãi mãi không, mọi sự an lạc chỉ đến thật sự khi ta có cái nhìn bằng trực giác, bằng tuệ nhãn xuyên suốt bản thể,  mọi cái có không biến hiện cần được bình tĩnh suy xét để tùy duyên ta ứng xử một cách thích hợp, tạo nên một thế giới an lạc thực sự, một thế giới bình đẳng, an lành.
                                                                                  
Trần Hoài Ngọc

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo

Nghiên cứu 19:05 21/09/2024

Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.

Xem thêm