Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 13/08/2023, 17:00 PM

Khỏi bệnh kinh niên, thay tâm đổi tính nhờ niệm Phật

Bà Ích niệm Phật mỗi ngày 5 tiếng đồng hồ liên tục trong niềm an lạc hoan hỷ, không biết mệt mỏi. Bà nói với đại chúng trong pháp hội tại Tịnh Thất Quan Âm: “79 năm qua chỉ toàn là đau khổ, đến nay biết niệm Phật tôi mới cảm nhận được sự sung sướng nhất trong đời.”

Audio

Cuộc đời lam lũ

Vào đúng khoảnh khắc chồng vừa tắt thở, bà Ích hướng về thi thể gào thét, chửi mắng té tát vào mặt người chồng quá cố.

- Ông xui, ông khiến cho tôi đẻ lắm vào, rồi bỏ đi thế này à? Có tỉnh dậy ngay mà nuôi con không?

Hai hàm răng nghiến vào nhau, ánh mắt hừng hực như phóng ra những tia lửa điện, bà Ích dùng hết sức mình kéo tay kéo chân ông nhà. Bà muốn ông phải sống lại để chăm lo cho gia đình, cho 17 cái tàu há mồm non nớt. Chứ một mình thân gái như bà gồng gánh sao nổi.

Người nhà dù biết tính tình, cũng không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự phản ứng dữ dội, không chút e dè của bà Ích đối với một tử thi. Chẳng những thế, nhiều ngày sau, bà tiếp tục đứng trước bàn thờ của chồng, hướng lên di ảnh chửi rủa không kiêng nể.

Bà là Trần Thị Ích, sinh năm 1932, sống ở Ngã Ba Vũng Tàu, Biên Hòa, Đồng Nai. Bà Ích không biết chữ nên mọi người hay kêu bà dốt nát cục mịch, cộng thêm tính khí nóng nảy bốp chát chẳng ai bằng, khiến con cháu và những người xung quanh đều mệt mỏi khi tiếp xúc.

Vợ chồng bà sinh được cả thẩy 22 người con, 5 đứa chết, còn lại 17 đứa gồm 11 con gái, 6 con trai. Gia đình đông con, chồng mất sớm, cuộc sống thiếu thốn cả về kinh tế lẫn tình cảm. Một mình nuôi từng ấy người con quả thật là điều quá khó khăn.

Để có tiền nuôi con, bà mở một quán nhậu, phục vụ đủ loại món ăn do chính tay mình làm thịt chế biến, nào chim quay mắc mật, tắc kè xào lăn, vịt nướng nguyên con, dế tẩm bột chiên giòn, rượu thuốc ngâm đủ loại v.v… không thiếu thứ gì.

Cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, dân gian thường gọi là Tết Đoan Ngọ, tết diệt sâu bọ, bà Ích sai đám con nít quanh nhà đi bắt dế về đem bán cho bà làm món nhậu.

Bà lớn tiếng hô đám trẻ:

– Cứ con dế nào to thì bắt đem về đây, tao mua hết cho chúng mày.

Bọn trẻ chẳng có việc gì làm, thấy vui vui lại có tiền thì hăng hái làm ngay. Chẳng mấy chốc, bà đã có cả một rổ toàn dế cơm to bằng ngón tay cái, con nào con nấy đều múp mẩy. Những con dế còn sống khỏe re, bà Ích một tay túm thân nó, tay kia nhanh chóng vặt nghéo cái đầu, vặt nốt mấy cái chân, còn chừa lại cái thân bà ném vào một chiếc rổ, đem đi rửa sạch, ngâm muối, lăn bột chiên giòn thành món khoái khẩu cho mấy ông khách quen.

Lươn thì mỗi ngày bà làm hàng rổ, khi cả đám còn sống khỏe, bà Ích đun một nồi nước sôi sùng sục, đổ ụp vào chúng, con nào con nấy đau đớn quằn quại, lê lết mãi mới chết được. Còn chim cùng đủ thứ con vật khác, thì mua về cho nằm xếp lớp, rồi bà tự tay mổ bụng, vặt lông, rút xương, tẩm ướp gia vị rồi đem thui, đem nướng làm đủ món trên đời.

Suốt bao năm trời, bà kiếm tiền nuôi con bằng công việc sát sinh tàn bạo phục vụ cho biết bao khách nhậu nhẹt rượu chè. Tuy có đồng ra đồng vào giúp các con đỡ đói, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, gia cảnh nhà bà không thể nào khấm khá lên được.

Cuộc sống khó khăn, tính cách lại cộc cằn, hung dữ nên chẳng có mấy ai chịu làm bạn với bà, cùng lắm chỉ chào hỏi vài câu cho có, chứ người thân lối xóm cũng ngại không muốn dây dưa. Mỗi lần thấy các con dạy dỗ cháu bằng đòn roi, bà Ích không ngại ngần đổ thêm dầu vào lửa:

– Mẹ cha chúng mày, đánh cật lực vào cho chết mẹ nó đi.

Mặc dù chúng đang trong cơn giận dữ mới phải dùng tới roi vọt, nhưng những câu chửi rủa cay nghiệt của bà đối với bọn con nít vẫn khiến con trai con gái không khỏi ngỡ ngàng. Lâu dần thì chúng cũng quen, mặc kệ bà muốn nói gì thì nói.

Có vài đứa con đi làm xa nhà, nghèo khó chứ không khấm khá gì, vậy nhưng tháng nào chưa kịp gửi tiền về cho mẹ đều bị bà mắng té tát như hắt nước vào mặt:

– Chúng mày cóc gửi tiền về nuôi tao à ? Cái loại mất dạy.

Và còn nhiều lần thậm tệ hơn nữa. Bà hơn thua với cả con cháu trong nhà, chứ chưa nói tới người ngoài.

Hồi đó bà không tin Phật, chẳng biết và cũng chẳng quan tâm Nhân quả báo ứng là cái gì.

Cả gia đình chí thành niệm Phật và Bồ tát, hai mẹ con sản phụ thoát khỏi tử thần

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Báo ứng

Bao nhiêu tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, bao nhiêu ác niệm, khẩu nghiệp, sát nghiệp nặng nề lớp này đến lớp khác chồng chất lên vai một người đàn bà tần tảo – một mình gồng gánh nuôi 17 đứa con. Nỗi bất hạnh và sự vất vả ấy đã khiến bà Ích gần như quên đi mất nhân phẩm của chính mình.

Người ta bảo mất cái này được cái khác, thế nhưng cuộc đời dường như chưa khi nào mỉm cười với người đàn bà này. Trong suốt 41 năm cuộc đời, bà Ích đi lại khó khăn do mắc bệnh viêm khớp chân. Căn bệnh này là biến chứng của một lần tai biến khi sinh nở.

Chưa hết, tột cùng của sự đau khổ khiến bà Ích luôn nghĩ về cái chết, chính là chứng bệnh lắc đầu. Một ngày, không rõ nguyên nhân, đầu bà đột nhiên lắc đi lắc lại, lắc bên này rồi lắc sang bên kia, hệt như một cái đồng hồ quả lắc, cứ như vậy không kể ngày đêm, kéo dài suốt mười mấy năm trời. Một khoảng thời gian dài đằng đẵng như vậy, đến đồng hồ còn phải hết pin, cần bảo dưỡng, chứ huống hồ là con người, chịu sao nổi.

Bà Ích chịu đựng bao nhiêu sự đau khổ, nhưng có lẽ đây là nỗi thống khổ nhất từ trước đến giờ. Với một cái đầu lắc liên tục, bà không thể ăn uống sinh hoạt bình thường, thân khổ đã đành, tâm can bà cũng vì thế bức bách khó chịu, chỉ muốn chết quách đi cho xong.

– Mẹ cha cái đầu, sống thế này sống để làm gì nữa? – Bà Ích vừa lắc đầu liên tục vừa nói.

Hàng xóm láng giềng không ai không biết tới cái đầu lắc của bà, đồn nhau tại bà sát sinh động vật ghê rợn quá nên chiêu cảm quả báo khốn khổ như vậy. Bà biết vậy thì chửi đổng chu chéo cả làng cả xóm, nhìn thấy ai bà cũng ghét, cũng chỉ muốn gây sự.

Khỏi bệnh kinh niên

Bà Ích đi khắp nơi, hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng chẳng đâu tìm ra nguyên nhân mà cũng không có cách gì chữa được. Một hôm, có bà bác xuống chơi, thương đứa cháu quá mới mách:

– Mày lên Tịnh Thất Quan Âm của thầy Thích Giác Nhàn niệm Phật xem có hết bệnh không. Chứ trông mày khổ quá, đến tao nhìn mày lắc thôi mà còn chóng hết cả mặt.

Tuy cái đầu lắc đau đớn, Bà Ích vẫn rướn người, gào lên vang cả nhà:

– Ôi giời, lên đấy niệm Phật thì ở mẹ nó nhà mà niệm cho xong. Niệm cho chết luôn đi. Cháu chán sống lắm rồi.

Cả ngày không lao động được, chỉ nằm dài xem phim trong phòng, xem hết các thể loại phim từ sáng sớm cho tới tối khuya, xem tới mức độ phát chán. Ngán quá rồi mà không ngủ được, quay đi ngó lại cũng chẳng biết làm gì, bà Ích đành nghe lời bà bác ngồi niệm Phật giết thời gian, mà cũng để mong cho chết quách đi cho xong chuyện.

Lúc đó đồng hồ điểm 1 giờ sáng, bà mới đem một cái chiếu cói nhỏ trải trước hình tượng Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, ban đầu định quỳ nhưng khớp chân nó kêu đau đớn quá, nên bà chỉ ngồi bình thường mà niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Thiết tha niệm Phật, đọc chú Đại Bi mẹ tôi đã khỏi hẳn bại liệt

01

Mới đầu thì uể oải, niệm câu được câu mất, bứt rứt khó chịu trong người. Nhưng một lúc sau thuần thục hơn, bà được đà niệm riết tới tận 10 giờ trưa ngày hôm sau quên ăn quên ngủ.

Bà ngồi lâu đến nỗi chân tay cứng đờ không cử động được. Tới 11 giờ trưa, bà mới có thể nhúc nhích người, vội đi nấu nồi cháo ăn tạm cho đỡ đói. Ăn xong bà vào giường nằm cho đỡ mệt, bà vừa nằm vừa niệm Phật tiếp đến khi thiếp đi. Khi tỉnh dậy, bà Ích thoạt nhiên thấy thân tâm nhẹ nhõm, một cảm giác đã quá lâu rồi bà không được trải qua.

“Mà sao tự dưng có gì đó là lạ nhỉ?” – bà Ích tự hỏi trong lòng và chợt nhận ra cái đầu của bà đang nằm yên trên gối. Bà không tin, đưa hai tay lên ôm đầu, thử rờ rờ xem có lắc nữa không? Rồi bà reo lên:

– Ơ! Nó không lắc nữa. Nó không lắc nữa thật rồi.

Bà Ích vừa hô vừa cười tươi như hoa, một nụ cười rạng rỡ hiếm hoi trong suốt mấy chục năm cuộc đời. Vậy là cuối cùng sau hơn mười mấy năm trời, cái đầu bà đã được yên ổn như mọi người. Bà niệm Phật để mong chết, ai ngờ đâu chẳng chết, bệnh lại khỏi mới kì diệu làm sao.

Thấy bà Ích khỏi bệnh, mọi người xung quanh ngạc nhiên liền hỏi han:

– Ô hay nhỉ, hôm nay đầu bà không bị lắc nữa à? Bà chữa kiểu gì thế?

Không hằn học như mọi ngày, bà tươi cười nói:

– Tao niệm Phật nên hết lắc đầu rồi.

Nhưng mọi người không ai tin, tưởng bà Ích giấu diếm, tự uống thuốc gì rồi không chịu nói ra.

Căn bệnh lắc đầu đã đeo bám bà quá lâu, nên dù khỏi bệnh, nó vẫn cứ ám ảnh, khiến bà sợ hãi nó sẽ quay trở lại hành hạ mình. Vì vậy bà ngày ngày vẫn tiếp tục niệm Phật từ 6 giờ tối liên tục tới 11 giờ đêm không ngừng nghỉ, ngày này qua tháng khác không bỏ ngày nào. Quả là một sự siêng năng hơn hẳn nhiều Phật tử lâu năm khác.

Nhớ tới lời khuyên của bà bác, bà Ích lò dò tìm lên Tịnh Thất Quan Âm trên Lâm Đồng để niệm Phật cùng đại chúng. Tuy chăm chỉ niệm Phật vượt trội hơn các Phật tử khác, nhưng tính khí nóng nảy cộc cằn vẫn chưa thuyên giảm. Tất cả mọi người xung quanh đều lánh xa bà, chẳng ai muốn làm thân.

– Thầy ơi, thầy đừng cho bà này lên đây, bà ấy lên có khi phá tan cái đạo tràng này mất. – một Phật tử nói với thầy Thích Giác Nhàn.

Tuy vậy, thầy vẫn bình tĩnh ngồi lại hỏi han, nói chuyện, giảng giải cho bà nghe về nhân quả, Phật Pháp. Nhờ đó bà Ích hiểu ra những đau khổ, cay đắng mình phải chịu đựng trong cuộc đời này đều do ác nghiệp trong quá khứ chiêu cảm, nhất là nghiệp sát sinh nặng nề khi xưa. Hóa ra trước kia hàng xóm láng giềng nói bà bị quả báo do sát sinh, mở quán nhậu lại là sự thật. Ấy vậy mà bà cứ chửi rủa người ta.

Sau vài tháng nhất tâm niệm Phật, căn bệnh khớp chân của bà cũng khỏi, không cần điều trị hay uống một viên thuốc nào. Nếu trước kia phải có người dìu bà mới lên được tới Tịnh Thất thì nay bà có thể tự đi lại được. Chỉ trong vài tháng, bà Ích tự mình nỗ lực niệm Phật chữa lành những căn bệnh nan y ám ảnh bà cả cuộc đời. Đúng là chỉ có Phật Pháp mới có thể giúp bà như vậy.

Bà Trần Thị Ích chia sẻ lại câu chuyện niệm Phật khỏi bệnh kinh niên

Thay tâm đổi tính

Thời gian trôi qua, Bà Ích đã trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường cùng với con cháu, ăn uống đi lại như bao người khác. Thi thoảng các con bà vẫn dùng roi vọt với bọn con nít trong nhà. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, bà nói:

– Có gì con từ từ dạy bảo nó. Đừng đánh nữa tội nghiệp.

Con gái bà tròn xoe mắt đáp:

– Ủa, dạo gần đây mẹ lạ nhỉ? Trước mẹ toàn rủa con đánh chết nó đi mà. Giờ tự nhiên cứ hiền hiền, không giống mẹ bình thường.

– Chả là tao thì là ai? – Bà Ích trả lời

– Làm sao mà mẹ lại thay đổi bất ngờ thế?

– Do tao niệm Phật đấy, mày cũng niệm Phật đi. Mà mới đẻ đừng có giết gà ăn nữa. Muốn tẩm bổ thì niệm Phật là khỏe hết.

Chẳng hiểu từ khi nào, bà Ích lại biết thương xót mạng sống của mấy con gà, đâu có như trước giết đủ các loại sinh vật không ghê tay. Còn con gái bà nghe mẹ nói vậy thì vẫn hoài nghi, mặc dù đã chứng kiến mẹ mình khỏi bệnh nhờ niệm Phật.

Chẳng những các con bà thấy lạ, mà người ngoài cũng ngạc nhiên khi thấy tính khí bà Ích đợt này khác hẳn. Không còn khuôn mặt hằm hằm, chỉ trực “ăn tươi nuốt sống” những ai đụng tới mình, giờ đây bà luôn cảm thấy vui vẻ an lạc, không còn ghét ai hay thù hận cuộc đời. Ngay cả với người chồng đã khuất, suốt bao năm nay bà không hề thờ ông, thì giờ bà đã buông xuống những oán hận, biết thương cho số phận yểu mệnh của chồng, chịu lập ban thờ cho ông tại nhà để hương khói.

Một người chị gái hỏi bà tại sao bà có thể thay đổi quá nhiều như vậy. Bà trả lời do bà niệm Phật. Đi đâu bà cũng bảo người ta niệm Phật, dù họ có tin hay không.

– Bà hay thật đấy! – người chị cảm thán.

Đúng vậy. Bà Ích hay thật. Và Phật Pháp cũng thật sự không thể nghĩ bàn. Câu hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” có thể giúp bà xoay chuyển cuộc đời, chuyển hóa cả thân tâm một cách vi diệu. Từ một kẻ tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, sát sinh, bi quan, bệnh tật … trở thành một người hiền lành khỏe mạnh, buông ác hành thiện, lạc quan vui vẻ, niệm Phật tu hành.

Dần dần chứng kiến sự thay đổi ngày một nhiều và tốt lên thấy rõ, mọi người xung quanh hay con cháu trong nhà cuối cùng cũng phải công nhận bà Ích có được ngày hôm nay là nhờ Phật Pháp.

Bà niệm Phật mỗi ngày 5 tiếng đồng hồ liên tục trong niềm an lạc hoan hỷ, không biết mệt mỏi. Bà nói với đại chúng trong pháp hội tại Tịnh Thất Quan Âm: “79 năm qua chỉ toàn là đau khổ, đến nay biết niệm Phật tôi mới cảm nhận được sự sung sướng nhất trong đời.”

Một lòng tin tưởng Phật Pháp và câu hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật”, bà Ích nguyện nương theo Tam Bảo y giáo phụng hành hết kiếp này, cũng như vô tận kiếp sau. Đó là chìa khóa, mở ra niềm hạnh phúc chân thật trong cuộc đời. Không chỉ thế, khi bà đã hiểu ra, và niệm Phật để nguyện vãng sinh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, tín – nguyện – hạnh đầy đủ, đó sẽ còn là con đường đưa bà thoát hẳn khổ đau của muôn kiếp luân hồi.

Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của bà Trần Thị Ích.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Những hình ảnh hoan hỷ trên hành trình thiện nguyện của hội Pháp Hoa

Phật giáo và người trẻ 11:48 21/05/2024

Hội Thiện nguyện Pháp Hoa - chùa Pháp Vân (TP.HCM) vừa có hoạt động từ thiện ý nghĩa nhân mùa Phật đản Phật lịch 2568 tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận.

Sự kỳ diệu về nhân duyên mẹ con

Phật giáo và người trẻ 11:00 14/05/2024

Tôi muốn chia sẻ cho quý vị biết nhân duyên giữa mẹ và con thật là kì diệu, từ lúc tôi mơ gặp con lần đầu cho đến khi cấn thai cách nhau 5 năm, con vẫn chờ tôi. Tôi thật lòng khuyên nhủ những ai được may mắn mang thai đừng bao giờ phá bỏ vì tình mẹ con rất thiêng liêng.

Không cần xem phong thủy, có lòng tốt ắt ở nơi phúc địa

Phật giáo và người trẻ 15:40 09/05/2024

Thầy phong thủy hỏi: “Vì sao anh biết vẫn còn đứa trẻ khác ở phía sau?”. Anh nhún vai trả lời: “Trẻ con nếu không nô đùa với nhau thì sẽ không vui vẻ đến thế”. Thầy phong thủy giơ ngón tay cái lên tán thành: “Anh đúng là người có tấm lòng lương thiện”.

Quả báo phá thai và sự chuyển hóa mầu nhiệm của thần chú Đại bi

Phật giáo và người trẻ 15:45 06/05/2024

Phật pháp nhiệm màu không chút hư dối, tận đáy lòng tôi luôn cảm ân sự gia hộ của Bồ Tát Quan Âm. Nói ra có thể nhiều bạn không dễ tin nhưng từ khi biết đạo tôi không dám một lời vọng ngữ.

Xem thêm