Kinh chăm sóc người bệnh
Bấy giờ, trong thành La-duyệt có một Tỳ-kheo mang trọng bệnh, rất khốn khổ, nằm đại tiểu tiện, không thể tự đứng dậy, cũng chẳng có Tỳ-kheo nào đến chăm sóc. Ngày đêm ông xưng danh hiệu Phật: “Sao ta không được Thế Tôn thương tưởng đến?”
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở Ca-lan-đà, trong vườn trúc, thành La-duyệt, cùng đại chúng năm trăm Tỳ-kheo.
Bấy giờ, trong thành La-duyệt có một Tỳ-kheo mang trọng bệnh, rất khốn khổ, nằm đại tiểu tiện, không thể tự đứng dậy, cũng chẳng có Tỳ-kheo nào đến chăm sóc. Ngày đêm ông xưng danh hiệu Phật: “Sao ta không được Thế Tôn thương tưởng đến?”
Lúc ấy Như Lai bằng thiên nhĩ nghe Tỳ-kheo kia đang than oán kêu la, hướng về Như Lai. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta với các ngươi cùng đi xem xét các phòng, thăm viếng các trú xứ.”
Các Tỳ-kheo thưa:
“Thưa vâng, Thế Tôn!”
Thế Tôn cùng với các Tăng Tỳ-kheo vây quanh lần lượt đi qua các phòng. Khi ấy Tỳ-kheo bệnh từ xa trong thấy Thế Tôn đến, liền từ chỗ ngồi muốn đứng dậy, mà không thể cử động được. Thế Tôn đến chỗ Tỳ-kheo, bảo rằng:
“Thôi, được rồi, Tỳ-kheo! Chớ cử động. Ta đã có chỗ ngồi dọn sẵn để ngồi.”
Lúc ấy Tỳ-sa-môn Thiên vương biết ý nghĩ của Như Lai, biến mất khỏi thế giới Dã mã, hiện đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi đứng sang một bên.
Thích Đề-hòan Nhân biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, liền đi đến chỗ Phật.
Phạm thiên vương cũng biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, bèn biến mất khỏi Phạm thiên, hiện đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi qua một bên.
Tứ thiên vương cũng biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên.
Bấy giờ, Phật bảo Tỳ-kheo bệnh:
“Bệnh khổ của ngươi nay có giảm, không tăng thêm chăng?”
Tỳ-kheo thưa:
“Bệnh khổ của đệ tử có tăng chứ không giảm, rất ít có ai để nhờ cậy.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Người chăm sóc bệnh hiện ở đâu? Người nào đến chăm sóc bệnh?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Con mắc bệnh này, nhưng không người chăm sóc.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Trước kia, khi ngươi chưa bệnh, có đến hỏi thăm hỏi người bệnh không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Con không hề đến thăm hỏi những người bệnh.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ngươi ở không được điều ích lợi ở trong chánh pháp. Vì sao? Tất cả do không đến thăm hỏi bệnh. Nay Tỳ-kheo, ngươi chớ lo sợ, Ta sẽ tự thân cấp dưỡng ngươi, không để thiếu thốn. Như Ta nay, trên trời và giữa người, đi một mình không bạn lứa, nhưng vẫn có thể chăm sóc tất cả bệnh nhơn; cứu giúp những ai không có người cứu giúp; làm con mắt cho những ai mù tối; cứu chữa những ai tật bệnh.”
Rồi Thế Tôn tự mình dọn các thứ bất tịnh, lại trải tọa cụ cho. Lúc ấy Tỳ-sa-môn Thiên vương cùng Thích Đề-hòan Nhân bạch Phật:
“Chúng con sẽ tự mình chăm sóc Tỳ-kheo bệnh này. Như Lai chớ lại nhọc sức.”
Phật bảo chư Thiên:
“Các Ông, thôi đi được rồi, Như Lai sẽ tự biết thời. Như Ta nhớ lại, thủa xưa khi chưa thành Phật đạo, đang tu hạnh Bồ-tát, đã từng xả bỏ mạng căn cho một com chim bồ câu, huống chi ngày nay đã thành Phật đạo mà bỏ Tỳ-kheo này sao? Quyết không có việc này. Lại nữa, trước kia Thích Đề-hòan Nhân không chăm sóc Tỳ-kheo bệnh này; Tỳ-sa-môn Thiên vương, Chủ hộ thế, cũng không chăm sóc.”
Khi ấy, Thích Đề-hòan Nhân cùng Tỳ-sa-môn Thiên vương đều im lặng không đáp.
Bấy giờ, Như Lai tự tay cầm chổi quét dọn đất dơ, rồi trải bày tọa cụ, lại giặt giũ ba pháp y cho ông, nâng đỡ tỳ-kheo bệnh cho ngồi vào trong nước sạch mà tắm gội. Chư Thiên ở trên dùng nước thơm rưới xuống.
Thề tôn sau khi đã tắm gội cho Tỳ-kheo rồi, dìu ngồi lại lên giường, tự tay trao thức ăn. Khi Thế Tôn thấy Tỳ-kheo ăn xong, bèn rửa bát và bảo Tỳ-kheo kia:
“Nay ngươi nên xả bệnh ba đời. Vì sao? Tỳ-kheo, nên biết, sinh có sự nguy khốn là ở trong bào thai. Sinh thì có già. Phàm người già, hình suy khí cạn. Nhân già có bệnh. Phàm người bệnh, ngồi nằm rên rỉ, bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh đều đến cùng lúc. Nhân bệnh có chết. Phàm người chết, thần và xác phân ly, nhắm theo đường lành dữ. Nếu ai tội nhiều sẽ vào địa ngục, núi đao rừng kiếm, xe lửa, lò than, ăn uống đồng sôi. Hoặc làm súc sanh, bị người sai sử, ăn tòan rơm cỏ, chịu khổn vô cùng. Lại ở trong vô số kiếp không thể tính đếm làm thân ngạ quỷ, thân dài mười do tuần, cổ nhỏ như cây kim, lại bị nước đồng sôi rót vào miệng. Trải qua vô số kiếp, mới được làm thân người, lại bị đánh đập, tra khảo, không thể kể hết. Lại được sinh lên trời ở trong vô số kiếp, cũng trải qua ân ái, hội họp, lại gặp ân ái biệt ly, tham dục không chán đủ. Khi được đạo Hiền thánh, bây giờ mới lìa khổ.
“Có chín hạng người lìa được khổ hoạn. Những gì là chín? Hướng A-la-hán, đắc A-la-hán; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng Tu-đà-hòan, đắc Tu-đà-hòan và, người chủng tánh là chín.
“Này Tỳ-kheo, Như Lai xuất hiện thế gian được nói là rất khó gặp, thân người khó được, sinh nhằm trung bộ cũng khó được, gặp gỡ thiện tri thức cũng vậy. Nghe pháp được giảng thuyết cũng rất khó. Pháp pháp tương sinh, thật lâu mới có một lần.
“Tỳ-kheo nên biết, nay Như Lai xuất hiện ở thế gian, ngươi được nghe chánh pháp, các căn không thiếu để có thể nghe chánh pháp kia, mà nay không ân cần, sau này hối không kịp. Đây là những lời giáo giới của Ta.”
Bây giờ, Tỳ-kheo bệnh kia sau khi nghe Như Lai dạy, được nhìn rõ tôn nhan, liền ngay trên chỗ ngồi mà đạt được ba minh, dứt sạch các lậu, tâm giải thoát. Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ngươi đã hiểu rõ nguồn gốc của bệnh rồi chưa?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Con đã hiểu rõ căn nguyên bệnh. Xa lìa sinh, già, bệnh, chết này đều là nhờ thần lực của Như Lai gia bị, nhờ bốn vô lượng tâm bao trùm khắp tất cả, không lường, không giới hạn, không thể kể hết. Thân, khẩu, ý trong sạch.”
Đức Thế Tôn sau khi thuyết pháp đầy đủ rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
“Ngươi hãy đánh kiền chùy, gọi các Tỳ-kheo có mặt tại thành La-duyệt tập trung tất cả tại giảng đường Phổ hội.”
A-nan vâng lời Phật dạy, họp các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ hội, rồi đến trước Phật bạch rằng:
“Các Tỳ-kheo đã họp. Cúi xin Thế Tôn biết thời.”
Thế Tôn đi đến chỗ giảng đường, ngồi lên chỗ đã dọn sẵn. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi xuất gia học đạo vì sợ quốc vương, giặc cướp chăng? Hay là, Tỳ-kheo, do bởi tín tâm kiên cố mà tu phạm hạnh vô thượng, muốn được xả ly sinh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não, và cũng muốn dứt lìa mười hai sự lôi keo “
Các Tỳ-kheo thưa:
“Thật như vậy, Thế Tôn.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Vì mục đích mà các ngươi xuất gia học đạo, cùng một Thầy, hòa một như nước với sữa, nhưng lại không chăm sóc lẫn nhau. Từ nay về sau hãy chăm sóc lẫn nhau. Nếu Tỳ-kheo bệnh nào không có đệ tử, trong chúng hãy cử người theo thứ tự chăm sóc người bệnh. Vì sao? Ngoài đây ra, Ta không thấy nơi nào mà sự bố thí có phước hơn chăm sóc người bệnh. Chăm sóc người bệnh cũng như chăm sóc Ta không khác vậy.”
Rồi Thế Tôn bèn nói kệ này:
Nếu có cúng dường Ta,
Cùng chư Phật quá khứ;
Phước đức thí cho Ta,
Như nuôi bệnh không khác.
Thế Tôn sau khi dạy những lời này xong, bảo A-nan:
“Từ nay về sau, các Tỳ-kheo hãy nên chăm sóc lẫn nhau. Nếu có Tỳ-kheo nào biết mà không làm sẽ căn cứ vào pháp luật mà xử trị. Đây là những lời giáo giới của Ta.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh phân biệt về sự thật
Kinh Phật 19:00 19/12/2024Phật nói Kinh Phân biệt về sự thật. Trích từ Kinh Trung Bộ III, Kinh Phân biệt về sự thật, số 141, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ về 6 căn bản phiền não (P.3)
Kinh Phật 10:24 19/12/2024Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hoá được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.
Kinh phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 19:30 18/12/2024Kinh Phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu), Phật nói Kinh Phân biệt cúng dường. Trích từ “Kinh Điển Tam Tạng - Tạng Kinh - Kinh Trung Bộ III", Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ ngôi nhà cháy (P.2)
Kinh Phật 10:20 15/12/2024Kinh Diệu pháp Liên hoa sử dụng hình ảnh các loại xe đại diện cho các phương pháp tu, mỗi người có một pháp môn ưa thích riêng, người hành theo bố thí Bồ tát đạo, người quán 12 nhân duyên, người ẩn cư, người tu pháp Bắc truyền…
Xem thêm