Kinh sám hối lỗi lầm
Nội dung "Kinh sám hối lỗi lầm", (Pháp sư An Thế Cao ở Thế Kỷ 2 dịch sang cổ văn), tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận dịch ra tiếng Việt.
>> DỮ LIỆU KINH PHẬT TRÊN PHATGIAO.ORG.VN
Một thuở nọ, Đức Phật ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá, cùng với 1.250 vị Bhikṣu [bíc su] và 1.000 vị Bồ-tát.
Lúc bấy giờ vị đệ tử trí tuệ đệ nhất là ngài Thu Lộ Tử, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến ở trước Phật, hai gối quỳ, chắp tay và thưa hỏi Đức Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào khởi tâm cầu Phật Đạo, nhưng ở đời trước đã làm ác thì họ phải nên sám hối như thế nào?"
Đức Phật bảo:
"Lành thay, lành thay, Thu Lộ Tử! Ông vì lo lắng cho hàng trời người nên mới khéo thưa hỏi như vậy."
Đức Phật bảo:
"Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào muốn cầu Đạo Ứng Chân, muốn cầu Đạo Độc Giác, hay muốn cầu Phật Đạo, hoặc muốn biết những việc quá khứ cùng vị lai, thì ngày đêm sáu thời, họ hãy thường xuyên tắm gội, súc miệng sạch sẽ, mặc y phục chỉnh tề, chắp tay lễ bái mười phương chư Phật, và thành khẩn sám hối như vầy:
'Từ vô số kiếp cho đến nay, do bởi tham sân si, chẳng biết Phật Pháp Tăng, và chẳng biết thiện ác, nên con đã trót tạo bao nghiệp ác.
Hoặc thân phạm nghiệp ác, ngữ phạm nghiệp ác, hay ý phạm nghiệp ác.
Hoặc khởi tâm muốn hại Phật, hủy báng Kinh Pháp, hay đánh đập chư Tăng.
Hoặc giết bậc Ứng Chân hay giết hại cha mẹ.
Hoặc thân phạm ba nghiệp ác, ngữ phạm bốn nghiệp ác, hay ý phạm ba nghiệp ác.
Hoặc tự mình sát sanh, bảo người sát sanh, hay thấy kẻ khác sát sanh mà vui theo.
Hoặc tự mình trộm cắp, bảo người trộm cắp, hay thấy kẻ khác trộm cắp mà vui theo.
Hoặc tự mình lừa gạt, bảo người lừa gạt, hay thấy kẻ khác lừa gạt mà vui theo.
Hoặc tự mình nói đâm thọc, bảo người nói đâm thọc, hay thấy kẻ khác nói đâm thọc mà vui theo.
Hoặc tự mình mắng chửi, bảo người mắng chửi, hay thấy kẻ khác mắng chửi mà vui theo.
Hoặc tự mình nói dối, bảo người nói dối, hay thấy kẻ khác nói dối mà vui theo.
Hoặc tự mình ganh ghét, bảo người ganh ghét, hay thấy kẻ khác ganh ghét mà vui theo.
Hoặc tự mình tham lam, bảo người tham lam, hay thấy kẻ khác tham lam mà vui theo.
Hoặc tự mình chẳng tin sự thật, bảo người chẳng tin sự thật, hay thấy kẻ khác chẳng tin sự thật mà vui theo.
Hoặc tự mình chẳng tin rằng làm thiện gặp lành, làm ác gặp dữ, hay thấy kẻ khác làm ác mà vui theo.
Hoặc tự mình ăn cắp đồ vật từ chùa tháp hay tài vật của chư Tăng, bảo người ăn cắp, hay thấy kẻ khác ăn cắp mà vui theo.
Hoặc tự mình chiếm lời người khác, bằng cách dùng thùng chứa nhỏ hay thước đo ngắn, hoặc với thùng chứa lớn hay thước đo dài, hoặc thấy kẻ khác chiếm lời mà vui theo.
Hoặc tự mình cố ý trộm cắp, bảo người cố ý trộm cắp, hay thấy kẻ khác cố ý trộm cắp mà vui theo.
Hoặc tự mình tạo tội ác ngỗ nghịch, bảo người tạo tội ác ngỗ nghịch, hay thấy kẻ khác tạo tội ác ngỗ nghịch mà vui theo.
Những nghiệp như vậy, khiến con đã luân hồi trong năm đường. Có lúc đọa địa ngục, có lúc làm ngạ quỷ, có lúc thác vào chốn bàng sanh, có lúc sanh trong cõi trời hay nhân gian.
Những nghiệp ác đã tạo ở trong năm đường, như là bất hiếu cha mẹ, bất hiếu sư phụ, bất kính bạn tốt, bất kính Đạo Nhân, hay bất kính người lớn tuổi.
Khinh miệt cha mẹ, khinh miệt sư phụ, khinh miệt người cầu Đạo Ứng Chân, hay khinh miệt người cầu Đạo Độc Giác.
Hoặc phỉ báng ganh ghét họ, thấy Phật Đạo nói là sai, thấy đường ác nói là đúng, thấy chánh nói là tà, hay thấy tà nói là chánh.
Con nay xin sám hối tất cả nghiệp ác đã tạo và cầu mong mười phương chư Phật hãy thương xót, khiến con ở đời này và những đời sau sẽ không bao giờ tái phạm các nghiệp tội như thế.
Vì sao con cầu mong mười phương chư Phật hãy thương xót? Bởi chư Phật có thể nhìn xuyên và nghe thấu tâm con. Con không dám ở trước Phật mà dối gạt hay che giấu. Từ nay về sau, con sẽ không bao giờ tái phạm.'"
Phật bảo ngài Thu Lộ Tử:
"Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào không muốn đọa địa ngục, ngạ quỷ, hay bàng sanh, thì họ cần phải sám hối lỗi lầm và không nên che giấu. Sau khi đã thọ giới, họ không được làm ác nữa.
Nếu không muốn sanh vào chốn biên địa--nơi chẳng có Phật Pháp Tăng, nơi chẳng có lý lẽ, và nơi chẳng có phân biệt thiện ác--thì họ cần phải sám hối lỗi lầm và không nên che giấu.
Nếu không muốn ngu si hay mù điếc câm ngọng, hoặc không muốn sanh vào nhà làm nghề mổ giết, đánh cá, săn bắn, gác ngục, hay gia đình bần cùng, thì họ cần phải sám hối lỗi lầm và không nên che giấu.
Nếu người nữ nào muốn chuyển sanh làm thân nam, thì họ cần phải sám hối lỗi lầm.
Nếu ai muốn đắc Quả Nhập Lưu và không bao giờ còn đọa địa ngục, ngạ quỷ, hay bàng sanh, thì họ cần phải sám hối lỗi lầm.
Nếu ai muốn đắc Quả Nhất Lai và sanh lên trời, hoặc muốn đắc Quả Bất Hoàn và sanh lên 24 cõi trời, hoặc muốn đắc Đạo Ứng Chân và vào tịch diệt, hoặc muốn đắc Đạo Ứng Chân và trụ ở thế gian, hoặc muốn đắc Đạo Độc Giác, hay muốn biết những việc quá khứ cùng vị lai, thì họ cần phải sám hối lỗi lầm và không nên che giấu."
Phật bảo ngài Thu Lộ Tử:
"Ở ba thời mỗi ngày, các thiện nam tử và thiện nữ nhân hãy đảnh lễ chư Phật hiện tại trong mười phương. Đó là bởi mười phương chư Phật đều dùng Chánh Pháp để giáo hóa hết thảy chúng sanh làm thiện, ví như ánh sáng của mặt trời và mặt trăng chiếu soi đến tất cả.
Phật thuyết Kinh giảng Đạo thấm nhuần chúng sanh, ví như trời mưa làm trăm loại hạt và cỏ cây đều tươi tốt.
Phật thuyết Kinh giảng Đạo thấm nhuần chúng sanh, để khiến họ sanh làm vua chúa, sanh lên trời Tứ Thiên Vương và cho đến trời Tam Thập Tam để thọ hưởng vui sướng giàu sang.
Phật cũng khiến cho họ đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, hay Đạo Ứng Chân.
Các thiện nam tử và thiện nữ nhân nên thỉnh cầu mười phương chư Phật lắng nghe lời nguyện của họ rằng:
'Hết thảy mọi việc thiện của tất cả hàng trời người và cho đến các loài sâu bọ, như là bố thí, tinh tấn tu Đạo, đọc Kinh trì giới, từ tâm tưởng niệm chúng sanh, làm vô lượng việc lành, cúng dường Bồ-tát và chư Tăng, hay bố thí cho kẻ khốn cùng, và thậm chí khởi lòng thương xót động vật, con đều khuyên họ làm thiện và con cũng xin tùy hỷ.
Những ai đã được chư Phật quá khứ giáo hóa để đạt đến tịch diệt, con đều xin tùy hỷ.
Những ai sẽ được chư Phật vị lai giáo hóa làm thiện, rời xa năm đường ác của sanh tử, cho đến khiến họ đắc Đạo Ứng Chân và Độc Giác, con đều khuyên họ làm thiện và con cũng xin tùy hỷ.
Những ai đang được chư Phật hiện tại ở mười phương giáo hóa làm bố thí, đọc Kinh trì giới, từ mẫn chúng sanh và cho đến các loài sâu bọ, làm cho họ đều thoát khỏi địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, ngu si bần cùng, và thậm chí khiến họ đắc Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, Đạo Ứng Chân, Đạo Độc Giác, hoặc Đạo tịch diệt, con đều khuyên họ làm thiện và con cũng xin tùy hỷ.
Chư Bồ-tát ở quá khứ đã phụng trì và tu hành Bố Thí Độ, Trì Giới Độ, Nhẫn Nhục Độ, Tinh Tấn Độ, Thiền Định Độ, và Diệu Tuệ Độ, con khuyên họ tùy hỷ về sự hành trì Sáu Độ, và con cũng xin tùy hỷ.
Chư Bồ-tát ở vị lai sẽ phụng trì và tu hành Sáu Độ, con khuyên họ tùy hỷ, và con cũng xin tùy hỷ.
Chư Bồ-tát ở hiện tại đang phụng trì và tu hành Sáu Độ, con khuyên họ tùy hỷ, và con cũng xin tùy hỷ.
Hết thảy bao phước đức có được, con xin bố thí đến chúng sanh khắp mười phương--hàng trời người, cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp, và cho đến các loài sâu bọ với hai chân, bốn chân, hay nhiều chân--khiến họ sẽ thành Phật hoặc đắc Đạo Độc Giác. Sự hồi hướng của con gấp hơn trăm lần, ngàn lần, vạn lần, và ức lần so với việc lấy vàng bạc và vật báu đầy khắp bốn đại thành để làm bố thí.'"
Phật bảo ngài Thu Lộ Tử:
"Ngày đêm sáu thời, nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào lễ bái mười phương chư Phật và nguyện rằng:
'Ngưỡng mong chư Phật hãy lắng nghe lời nguyện của con.
Sau khi thành Phật, giả sử mười phương chư Phật không muốn tuyên giảng Kinh Pháp, con đều thỉnh chư Phật thuyết Pháp cho hàng trời người và cho đến các loài sâu bọ, làm cho họ đều thoát khỏi địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, ngu si bần cùng, và thậm chí khiến họ đắc Đạo tịch diệt.
Giả sử mười phương chư Phật muốn vào Cứu Cánh Tịch Diệt, con tha thiết thỉnh cầu chư Phật chớ vào Cứu Cánh Tịch Diệt, mà hãy trụ thế gian để hàng trời người và cho đến các loài sâu bọ được phước lợi, khiến họ đều thoát khỏi địa ngục, ngạ quỷ, và bàng sanh.'"
Phật bảo ngài Thu Lộ Tử:
"Vào thuở xưa lúc vẫn còn là một vị Bồ-tát, ta luôn tha thiết thỉnh cầu chư Phật thuyết Pháp và chớ vào Cứu Cánh Tịch Diệt. Cho nên khi thành Phật, Trì Quốc Thiên Vương và Năng Thiên Đế từ cõi trời hạ xuống, chắp tay đảnh lễ, và tha thiết thỉnh cầu Ta thuyết Pháp cho vô số hàng trời người và chớ vào Cứu Cánh Tịch Diệt."
Phật bảo ngài Thu Lộ Tử:
"Muôn loại chúng sanh như thế, hễ ai làm thiện tất được phước lành, hễ ai làm ác tất gặp tai ương."
Ngài Thu Lộ Tử bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào muốn cầu Phật Đạo, thì họ phải lập nguyện như thế nào để chứng đắc?"
Đức Phật bảo:
"Ngày đêm sáu thời, nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào lễ bái mười phương chư Phật và nguyện rằng:
'Ngưỡng mong mười phương chư Phật hãy lắng nghe lời nguyện của con.
Hết thảy bao phước đức có được từ vô số kiếp cho đến nay, như là bố thí, thọ trì Kinh Pháp, gìn giữ niệm thiện, hoặc làm lợi ích lành cho Phật Pháp Tăng, người thế gian, hay làm lợi ích lành cho động vật. Hễ ai làm thiện tất được phước lành, ai làm ác tất gặp tai ương. Con nay xin sám hối nghiệp ác đã tạo. Con nguyện đọc Kinh trì giới và chẳng dám hủy phạm, hoặc là thọ giới không gần gũi phụ nữ, thỉnh chư Phật và Bồ-tát làm lợi ích cho chúng sanh, hay tha thiết thỉnh cầu chư Phật chớ vào Cứu Cánh Tịch Diệt.
Hết thảy bao phước đức có được từ khi học Đạo cho đến nay, tất cả đều tụ hội lại và với lòng từ mẫn, con xin bố thí đến chúng sanh khắp mười phương--hàng trời người, cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp, và cho đến các loài sâu bọ--khiến họ đều được phước đức này. Riêng con chỉ giữ một phần dư nhỏ để giúp con tuyên dương Phật Pháp. Những ai chưa hóa độ, con sẽ hóa độ. Những ai chưa giải thoát, con sẽ khiến giải thoát. Những ai chưa đắc tịch diệt, con sẽ khiến đắc tịch diệt.'"
Phật bảo ngài Thu Lộ Tử:
"Giả sử tất cả nam nữ trong thế gian đều thành bậc Ứng Chân hay Độc Giác, và nếu lại có người cúng dường hết thảy các vị Ứng Chân và Độc Giác kia suốt 1.000 năm, thì phước của họ có nhiều chăng?"
Ngài Thu Lộ Tử thưa rằng:
"[Thưa Thế Tôn!] Cúng dường cho một vị Ứng Chân hay Độc Giác chỉ một ngày thôi, thì phước đó là vô lượng rồi. Hà huống là cúng dường cho tất cả các vị Ứng Chân và Độc Giác ở thế gian suốt 1.000 năm."
Đức Phật bảo:
"Thế nhưng, sự cúng dường cho tất cả các vị Ứng Chân và Độc Giác ở thế gian suốt 1.000 năm, thì vẫn không thể sánh với sự đọc tụng Kinh Sám Hối Lỗi Lầm này chỉ một lần ở ngày đêm sáu thời. Phước đức có được ấy còn gấp hơn trăm lần, ngàn lần, vạn lần, và ức lần so với sự cúng dường cho tất cả các vị Ứng Chân và Độc Giác."
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 19:30 18/12/2024Kinh Phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu), Phật nói Kinh Phân biệt cúng dường. Trích từ “Kinh Điển Tam Tạng - Tạng Kinh - Kinh Trung Bộ III", Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ ngôi nhà cháy (P.2)
Kinh Phật 10:20 15/12/2024Kinh Diệu pháp Liên hoa sử dụng hình ảnh các loại xe đại diện cho các phương pháp tu, mỗi người có một pháp môn ưa thích riêng, người hành theo bố thí Bồ tát đạo, người quán 12 nhân duyên, người ẩn cư, người tu pháp Bắc truyền…
Kinh A Di Đà bằng tranh
Kinh Phật 08:22 15/12/2024Trong Phật giáo thì Kinh A Di Đà chính là một bản kinh rất phổ biến được truyền tụng hàng ngày trong đời sống đạo của các Phật tử ở các nước Châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược (P.1)
Kinh Phật 17:19 14/12/2024Kinh Diệu pháp Liên Hoa thuộc kiểu kép giữa pháp và ví dụ. “Diệu” là diệu kỳ, diệu pháp muốn nói tới sự màu nhiệm của pháp, ở đây là so sánh với hoa sen (Liên hoa). Hoa sen được ví dụ cho "pháp", tuy mọc ở nơi bùn bẩn nhưng lại không nhiễm bẩn.
Xem thêm