Kinh Pháp Cú: Nguồn gốc, ý nghĩa và cách trì tụng
Kinh Pháp Cú được hiểu khái quát là những lời dạy ngắn gọn của Đức Phật. Bộ kinh này được ví như những câu kệ tuyệt diệu của Đạo Phật.
Nguồn gốc của Kinh Pháp Cú
“Kinh Pháp Cú” (Dhammapada) là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Đây là một quyển kinh Phật giáo rất phổ thông và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng quan trọng trên thế giới.
Pháp là đạo lý, chân lý, giáo lý, Cú là lời nói là câu kệ. Pháp Cú là những lời dạy của Đức Phật. Kinh Pháp Cú cũng đồng thời cũng được xem là một tuyệt tác phẩm của nền văn chương Ấn Độ, trong thể thi ca gọi là kavya.
Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau. Những câu này do chính Đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt gần nửa thế kỷ thuyết pháp của Ngài. Ngài giảng dạy bằng lời nói chứ không viết sách. Ba tháng sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn thời các vị đại đệ tử của Đức Phật mới nhóm họp để đọc lại và ghi chép, kết tập những giáo pháp của Ngài. Các câu Pháp Cú được các vị đại đệ tử sắp xếp thành 423 bài “kệ”, chia ra làm 26 “phẩm” theo như hình thức hiện nay để cho thích hợp với giới độc giả và người nghe. Kinh Pháp Cú cũng được tụng đọc trong Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần đầu tiên này.
> Xem nội dung Kinh Pháp Cú tại đây.
> Kinh Pháp Cú với 423 bài kệ và hình vẽ minh hoạ
Ý nghĩa của Kinh Pháp Cú
Kinh Pháp Cú là một trong những văn tự cổ xưa nhất của đạo Phật. Kinh được xem là một phương cách trình bày đạo Phật giản dị, ai ai cũng có thể hiểu được, và giúp ích cho sự tu tập hàng ngày nhờ những câu kệ tuyệt diệu này.
Đức Phật đã từng tuyên bố rõ ràng rằng Ngài chỉ là người dẫn đường chỉ nẻo chứ Ngài không thể “cứu rỗi” hay tu thay cho ai được cả, và con người phải tự mình tu để giải thoát cho chính mình.
Hy vọng rằng những lời dạy của đức Phật trong tập Kinh Pháp Cú sẽ là ngọn đuốc rực rỡ soi sáng dẫn đường, là ngón tay chỉ hướng cho mọi hành động, ngôn ngữ, tâm tư của người đọc và do đó đem lại an lạc và hạnh phúc. Tự mình nghe theo lời Phật dạy mà tu sửa, rồi tự mình sẽ giác ngộ và sự giác ngộ đó sẽ giúp cho mình được giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử đầy khổ đau.
Kinh Pháp Cú tóm thâu tinh hoa giáo lý của đức Phật. Đọc những bài kệ trong kinh này người đọc cảm thấy như chính mình được trực tiếp nghe lời Phật dạy từ hơn 2500 năm trước vọng lại. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của đức Phật. Mỗi phẩm trong Kinh Pháp Cú đặt trọng tâm vào một đề tài chính. Mỗi bài kệ trong từng phẩm đều chứa đựng một nội dung tu học rất sâu sắc và phong phú. Nhiều bài đơn giản và dễ hiểu nhưng nhiều bài không thể nào chỉ đọc một lần mà hiểu ngay hết được. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc thêm các tích truyện đi kèm và tra cứu thêm các bản chú giải.
Người đọc nếu sẵn nhiệt tâm hướng về đạo pháp nên nghiền ngẫm và thường xuyên suy niệm về những lời vàng ngọc chứa đựng trong kinh rồi đem ra thực hành, áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình. Chắc chắn người đọc có thể thâu hoạch được một niềm vui về tinh thần vượt lên cao hơn tất cả những thứ hạnh phúc khác trên thế gian, sẽ gặt hái được nhiều lợi ích cho chính bản thân mình ngay trong hiện tại cũng như trong tương lai. Lời kinh khơi nguồn cảm hứng cao đẹp và mở ra một lối đi đầy hương hoa, tạo ra một sức mạnh diệu kỳ giúp cho người đọc có một niềm tin vững chắc hơn trên con đường tu học để tiến đến bến bờ giác ngộ và nhờ đó mà được giải thoát.
Một số bản dịch Kinh Pháp Cú ra Việt Văn
1. Bản dịch của Hòa Thượng Thích Thiện Siêu do nhà xuất bản Phú Lâu Na ấn bản tại Hoa Kỳ Phật lịch 2546 - 2002.
2. Kinh Lời Vàng Dhammapada do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ nguyên bản Pali theo thể văn kệ.
3. Bản dịch của các Ni sinh thuộc thiền viện Viên Chiếu dịch theo bản chữ Anh của học giả Eugène Valson Buxlingame. Nhà học giả nầy đã căn cứ trên nguyên tác Pháp Cú sơ giải bằng tiếng Pali, do nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1999. Đặc biệt bản dịch nầy, sau mỗi câu Kinh đều có nêu rõ điểm xuất xứ Phật dạy và có kèm theo sau đó là một mẫu chuyện, nêu rõ lý do chính yếu Phật nói ra câu Kinh đó.
4. Bản dịch của luật sư Đinh Sĩ Trang dịch đề là Lời Phật dạy ấn hành tại Úc năm 1997. Ngoài ra, còn những quyển nào khác nữa, thì chúng tôi chưa được biết đến.
Cách trì tụng Kinh Pháp Cú
Theo truyền thống Nguyên Thủy, nơi mà Kinh Pháp Cú được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, mỗi câu kệ được đức Phật nói lên trong một hoàn cảnh đặc biệt, như đã được ngài Phật Âm (Buddhaghosa) luận giải vào thế kỷ thứ V. Kinh diễn tả đầy đủ thông điệp của đức Phật dưới mọi khía cạnh, trong suốt 45 năm ngài thuyết giảng bên bờ sông Hằng, cho tất cả những ai muốn nghe, không phân biệt thế cấp hay tôn giáo.
Mỗi câu kệ, dưới một bề ngoài giản dị, chứa đựng một nội dung rất phong phú và sâu xa. Thay vì những lời lẽ phức tạp, đức Phật thường dùng những hình ảnh giản dị, những thí dụ lấy từ đời sống hàng ngày, dẫn tới một cảm nhận trực tiếp bằng trực giác, chẳng hạn như " bánh xe theo chân bò, tảng đá gió không lay chuyển, lũ lụt cuốn làng ngủ, lửa cháy khắp nơi, nước trượt trên lá sen... ".
Tuy nhiên, không phải chỉ đọc một lần mà người ta có thể hiểu được tất cả ý nghĩa của bài Kinh, phải đọc đi đọc lại thường xuyên và quán xét kỹ lưỡng, người ta mới có thể thấm nhuần được tất cả tinh hoa của giáo lý đạo Phật. Mỗi lần đọc lại, Kinh Pháp Cú truyền cho ta một nguồn sinh khí mới, đồng thời làm sáng tỏ hiểu biết và mang lại một cảm tưởng thanh tịnh, an lành.
Vì bài Kinh khá dài, gồm đến 423 câu kệ, cho nên chúng tôi thấy nên tuyển lựa trong đó một số câu, chẳng hạn như 30 câu. 30 câu kệ đó trên nguyên tắc là những câu tiêu biểu nhất và chứa đựng phần cốt tủy của đạo Phật. Trong khi trình bầy, chúng tôi sẽ không theo thứ tự số câu, mà sẽ xếp loại theo chủ đề.
Chúng ta sẽ khởi đầu bằng 2 câu kệ số 1 và 2, thuộc phẩm "Song Yếu", bởi vì như chúng ta sẽ thấy, trong Kinh có nhiều câu đi song song, đối lại với nhau, nhưng bổ túc cho nhau và chở cùng một ý nghĩa. Hai câu này hết sức quan trọng, bởi vì vừa mới khởi đầu Kinh, khuôn khổ chung của đạo Phật đã được ấn định một cách rõ rệt: tất cả là do tâm, do ý thức con người tạo nên.
Lưu ý khi trì tụng Kinh Pháp Cú tại nhà:
Về cách thức tiến hành thì tùy vào hoàn cảnh và điều kiện mà các Phật tử tại gia có thể linh hoạt sao cho phù hợp, nhưng cơ bản gồm các bước sau đây:
Trước hết phải chuẩn bị tư thế trang nghiêm: vệ sinh sạch sẽ, trang phục chỉnh tề.
Sau đó bước đến thắp hương lên bàn thờ Phật và vái 3 lạy, để nguyên tư thế chắp tay và tụng luôn một bài Kinh mình chọn. Các Phật tử có thể tụng đầy đủ Phẩm, nếu không có thời gian hoặc sức khỏe thì sẽ đặt ra mục tiêu hôm nay ta tụng mấy Phẩm. Khi dừng lại ở Phẩm nào cần có một tờ giấy để đánh dấu và hôm sau ta sẽ tụng Phẩm tiếp theo.
Trong khi tụng, các Phật tử có thể tụng thành tiếng khi ở một mình trong phòng riêng hoặc tụng thầm nếu không muốn người khác nghe thấy. Và mặc dù tụng Kinh với hình thức như thế nào: tự xướng hay có Khánh, Chuông, Mõ thì điều quan trọng nhất chính là sự thành tâm.
Trong khi hành trì các Phật tử cần phải có chánh niệm tuyệt đối, loại bỏ được ý niệm đời thường thì công đức và phúc báu tạo ra mới được viên mãn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Ái sanh (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 17:30 20/12/2024Phật nói Kinh Ái sanh, trích từ Trung Bộ Kinh tập 2, Kinh Ái sanh, số 87, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh phân biệt về sự thật
Kinh Phật 19:00 19/12/2024Phật nói Kinh Phân biệt về sự thật. Trích từ Kinh Trung Bộ III, Kinh Phân biệt về sự thật, số 141, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ về 6 căn bản phiền não (P.3)
Kinh Phật 10:24 19/12/2024Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hoá được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.
Kinh phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 19:30 18/12/2024Kinh Phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu), Phật nói Kinh Phân biệt cúng dường. Trích từ “Kinh Điển Tam Tạng - Tạng Kinh - Kinh Trung Bộ III", Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Xem thêm