Kinh ví dụ con rắn
Đức Phật dạy học chánh pháp cần phải nắm chánh pháp một cách chơn chánh, nếu nắm sai lạc thời sẽ có hại. Như người bắt rắn, nắm cái đuôi thời bị nạn con rắn quay lại cắn; nếu lấy cái nạng đè đầu con rắn và nắm nơi cái cổ con rắn thời tránh khỏi tai nạn.
Tỷ-kheo Ariṭṭha khởi lên ác tà kiến, cho rằng các chướng ngại pháp Phật dạy không có làm chướng ngại cho người thọ dụng. Đức Phật cho gọi Ariṭṭha và giảng kinh này.
Trước hết đức Phật quở trách Ariṭṭha đã hiểu sai lạc và xuyên tạc lời Phật dạy, vì Ngài đã dạy các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, nguy hiểm lại nhiều hơn.
Ngài ví dục như khúc xương, như miếng thịt, như bó đuốc cỏ khô, như hố than hừng, như cơn mộng, như vật dụng cho mượn, như lò thịt, như gậy nhọn, như đầu rắn. Như vậy, những ai thọ dụng các dục, là có đủ chướng ngại. Rồi đức Phật khiển trách Ariṭṭha vì đã chấp thủ sai lời Phật dạy.
Một số người học pháp, học kinh điển, nhưng không quán sát ý nghĩa với trí tuệ, học pháp chỉ để chỉ trích người, chỉ muốn khoái khẩu biện luận, không hướng đến mục tiêu chính học pháp, nắm giữ sai lạc pháp nên bị khổ đau luân hồi. Như con người đi bắt rắn, bắt cái đuôi thì bị nạn rắn quay đầu lại cắn, nếu lấy cái nạng đè đầu, nắm cái cổ thì không gặp nạn rắn cắn. Như vậy, học pháp cần phải quán sát ý nghĩa với trí tuệ, học không phải để chỉ trích người, để khoái khẩu biện luận, học phải hướng đến mục tiêu chính của học pháp, như vậy mới được hạnh phúc lâu dài.
Rồi đức Phật dạy, Ngài giảng Pháp ví như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ. Nếu nhờ cái bè vượt qua sông, rồi tiếc nuối chiếc bè, đội trên đầu hay vác trên vai mà đi, thời như vậy không biết sử dụng chiếc bè. Trái lại nếu đến bờ kia rồi, kéo cái bè lên trên bờ hay nhận chìm xuống nước rồi ra đi, như vậy là biết sử dụng chiếc bè. Các Tỷ-kheo cần phải hiểu, chánh pháp ví dụ như chiếc bè, chánh pháp còn phải bỏ đi huống nữa là phi pháp.
Rồi đức Phật dạy có sáu kiến xứ (diṭṭhaṭṭhānāni), năm kiến xứ thuộc về năm uẩn, kẻ vô văn phàm phu xem năm uẩn là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Kiến xứ thứ sáu là xem thế giới và tự ngã, sau khi chết sẽ thường còn, thường hằng, không biến chuyển và xem như vậy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Còn các bậc Thánh thời xem năm uẩn là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Và đối với kiến xứ chấp rằng thế giới và tự ngã là thường còn, vị ấy xem kiến xứ ấy là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Do quán sát như vậy, đối với sự vật chẳng thật có, nên không có lo âu phiền não.
Tiếp đến đức Phật giải thích có thể có cái không thực có ở ngoài có thể gây ra lo âu phiền muộn, như có người có ý nghĩ: “Cái gì chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không có cái ấy”. Vị ấy lo âu sầu não, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Người không có ý nghĩ trên thời sẽ không có lo âu sầu muộn.
Có thể có cái không thực có ở bên trong có thể gây ra lo âu phiền muộn. Như có người có tà kiến cho rằng tự ngã và thế giới là thường còn, nay nghe Như Lai hay đệ tử của Như Lai thuyết pháp để nhổ lên tất cả kiến xứ, quyết định, chấp thủ, thiên chấp, tùy miên (diṭṭhiṭṭhānādhiṭṭhāna pariyuṭṭhānabhinivesa-anusaya), sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Vị ấy nghe như vậy, có thể nghĩ: “Ta sẽ bị đoạn diệt, hoại diệt, không còn tồn tại” và như vậy vị ấy lo âu, than khóc, đi đến bất tỉnh. Nếu người ấy không có ý nghĩ như trên thời sẽ không có lo âu phiền muộn.
Không có thể nắm và không thấy một vật sở hữu nào mà vật sở hữu ấy lại thường còn, không biến hoại, nếu có chấp ngã luận thủ nào thời có khởi lên sầu bi khổ ưu não, nếu có y chỉ kiến y nào thời thế nào sầu bi khổ ưu não cũng khởi lên.
Nếu có ngã thời có ngã sở thuộc, nếu có ngã sở thuộc thời có ngã. Nếu ngã và ngã sở thuộc không thể chấp nhận là thường còn, thời kiến xứ đây là tự ngã thường còn, thường hằng là một kiến xứ hoàn toàn ngu si.
Lại sắc, thọ, tưởng, hành, thức thực sự biến hoại, thời không thể xem năm uẩn là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Cho nên cần phải quán sát tất cả sắc pháp, thọ, tưởng, hành, thức là “Không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi”.
Do vậy, bậc đa văn Thánh đệ tử nhàm chán năm uẩn, do nhàm chán nên không tham ái, do không tham ái nên được giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử.
Như vậy vị Tỷ kheo được xem đã cất đi các chướng ngại vật tức là đã đoạn trừ vô minh, đã lấp đầy các thông hào tức là đoạn tận tái sanh, đã nhổ lên cột trụ tức là đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không còn gì phiền trược, tức là đoạn trừ ngã mạn.
Vị Tỷ-kheo đã giải thoát thời không ai tìm được dấu vết.
Như Lai cũng vậy, không có dấu vết. Đức Phật tuyên bố như vậy nên bị ngoại đạo kết tội là theo chủ nghĩa hư vô (venayika), đề cao đoạn diệt, hủy diệt. Thật sự đức Phật chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ. Dù có ai nhiếc mắng, đức Phật cũng không sân hận; dù có ai tán thán, Ngài cũng không hoan hỷ, Ngài chỉ suy nghĩ: “Đây là điều xưa nay Ta biết rõ: Ở đây là những trách nhiệm Ta phải làm”, và khuyên các Tỷ-kheo nên học tập theo Ngài.
Cuối cùng đức Phật khuyên các Tỷ-kheo: “Hãy từ bỏ cái gì không phải của các ngươi”, có từ bỏ mới được an lạc. Tức là từ bỏ năm uẩn. Vì pháp được đức Phật khéo giảng nên những Tỷ-kheo đã chứng được quả A-la-hán, các lậu hoặc được đoạn tận, tu hành thành mãn, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, lý tưởng đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn trừ, được giải thoát nhờ chánh trí.
Những Tỷ-kheo nào đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh nhập diệt tại đấy, không còn trở lui lại đời này nữa, thành bậc Bất lai.
Những Tỷ-kheo nào đã đoạn trừ được ba kiết sử, làm cho muội lược tham sân si, thành bậc Nhất lai, chỉ đến đời này một lần nữa rồi đoạn tận khổ đau.
Những Tỷ-kheo nào đoạn trừ ba hạ phần kiết sử, trở thành các bậc Dự lưu, không còn bị đọa lạc ác thú, quyết định hướng đến Chánh giác.
Những Tỷ-kheo nào là những vị tùy pháp hành, tùy tín hành, tất cả những vị này sẽ hướng về Chánh giác.
Tất cả những vị nào đặt lòng tin nơi Thế Tôn, chỉ có lòng thương mến Ngài, những vị ấy hướng về chư Thiên.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Lửa Cháy (Aditta-pariyaya Sutta)
Kinh Phật 14:35 06/11/2024Vài tháng sau khi giác ngộ, Ðức Phật giảng bài pháp nầy cho 1000 tu sĩ theo phái thờ thần lửa. Qua lối giảng siêu việt của Ngài, Ðức Phật đã dùng ví dụ về lửa cháy (lửa tham, sân, si) để dạy về tâm xả ly đối với các cảm thọ qua sáu căn.
Kinh Thiên sứ
Kinh Phật 06:26 31/10/2024Trong Trung Bộ Kinh (Kinh 130), Phật bảo (tóm tắt): "Này các Tỳ Kheo! Ðiều Ta đang nói, Ta không phải nghe từ một Sa Môn hay Bà La Môn nào khác. Những điều Ta đang nói chỉ được Ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ được Ta hiểu mà thôi".
Kinh Điều Ngự
Kinh Phật 23:40 28/10/2024Trung Bộ Kinh chép: Một hôm có Aggivessana dòng Bà La Môn đến hỏi Phật về phương pháp tu hành, Phật dạy:
Phật nói kinh vô thường
Kinh Phật 14:45 03/10/2024Tôi nghe như vậy. Một thời Phật tại thành Thất la phiệt nơi rừng Thệ đa, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Phật bảo các Tỳ kheo rằng trong các thế gian có ba pháp không thể yêu, không trong sạch, không thể muốn, không vừa ý. Ba pháp là gì?
Xem thêm