Kỷ niệm 2 lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm Yên Tử
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “tôi về thăm Yên Tử nên hôm nay tôi mặc bộ quần áo màu nâu này để phù hợp với chốn cửa Phật, đây cũng là bộ quần áo cách đây 14 năm tôi đã mặc trong lần về dự Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn với các cụ”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và Nhà nước ta đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 13h38 phút ngày 19 tháng 07 năm 2024. Cụ mất đi là tổn thất vô cùng to lớn của Đảng và Nhà nước ta; để lại niềm kính trọng và tiếc thương vô hạn cho những ai đã từng được diện kiến và cả những ai chưa từng được tiếp xúc với Cụ. Mấy hôm nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội đã có rất nhiều bài viết ca ngợi công lao, tài đức của Cụ trên nhiều phương diện khác nhau. Trong bài viết này tôi xin kể kỷ niệm 2 lần nhân duyên được đón Cụ về thăm Yên Tử.
Yên Tử như chúng ta được biết, là trung tâm lớn của Phật giáo Việt Nam, nơi đây thời Trần, Đức Thượng Hoàng Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt 2 lần đánh tan đế quốc Mông Nguyên đưa lại độc lập hoà bình cho xứ sở và xây dựng quốc gia Đại Việt hùng cường; Ngài đã về đây tu hành, thống nhất Phật giáo Đại Việt, sáng lập Phật giáo Trúc Lâm - nền Phật giáo yêu nước với tư tưởng “Hoà Quang Đồng Trần”, “Cư Trần Lạc Đạo”, kết tinh của truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam.
Lần thứ nhất Cụ Nguyễn Phú Trọng về thăm Yên Tử vào ngày 27 tháng 11 năm 2008 (nhằm ngày 01/11 năm Mậu Tý). Đây là dịp Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 700 năm ngày Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Lúc đó Cụ Nguyễn Phú Trọng là Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Cụ về tham dự đại lễ với tư cách thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đại lễ tưởng niệm được tổ chức tại không gian ngoài trời, lễ đài được thiết kế uy nghi dưới chân núi Giải Oan Yên Tử.
Trong không khí trầm hùng và linh thiêng, khói hương quyện toả, với sự tham dự của hơn 7 vạn người; Tại đại lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và nhà nước Cụ đã trình bày bài diễn văn xuất thần, vang vọng cõi thiêng Yên Tử khi tôn vinh ca ngợi công đức đối với Đạo pháp và dân tộc của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Trong bài diễn văn Cụ viết: “Trong con người và sự nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đời và đạo, đạo và đời luôn luôn hoà quện vào nhau, gắn kết với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển của đất nước”. Điều lỳ lạ, trong suốt đại lễ, trời nổi giông gió ầm ầm, tuy nhiên sau khi Cụ trình bày xong bài diễn văn thì “trời yên biển lặng” và ánh nắng xán lạn toả sáng như vầng hào quang xuất hiện, tạo nên “hiện tượng linh thiêng” chưa từng thấy.
Sau buổi lễ, Cụ đã hoà đồng với không khí náo nhiệt của hàng vạn người, chụp ảnh lưu niệm, nói chuyện và bắt tay với mọi người dân. Điều đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị đón Cụ về nhà khách dùng cơm trưa, tuy nhiên Cụ đã lịch sự từ chối và ở lại dùng cơm chay thân mật với các Tăng Ni, Phật tử ngay tại nhà khách tạm của Ban Tổ chức.
Lần thứ hai Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về thăm Yên Tử vào ngày 06 tháng 04 năm 2022 (nhằm ngày 06 tháng 03 năm Nhâm Dần); trong không khí cả nước ta vừa chiến thắng Đại dịch Covid - 19.
Trong chương trình Tổng Bí Thư về thăm và làm việc tại Quảng Ninh, Cụ đã chọn Yên Tử là điểm đến thăm đầu tiên, điều này thể hiện tầm ứng xử văn hoá của Cụ. Lần này sức khoẻ của Cụ không được tốt nhưng trí tuệ của Cụ vô cùng minh mẫn. Cụ đi từ Hà Nội về thẳng Yên Tử. Ngay khi xuống xe Cụ tươi cười bắt tay mọi người, Cụ nói “tôi về thăm Yên Tử nên hôm nay tôi mặc bộ quần áo màu nâu này để phù hợp với chốn cửa Phật, đây cũng là bộ quần áo cách đây 14 năm tôi đã mặc trong lần về dự Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn với các cụ”. Câu nói của Tổng Bí Thư làm Hoà thượng Thích Thanh Quyết cùng tất cả Tăng Ni và mọi người có mặt vô cùng cảm động.
Sau khi vào rửa tay, ngồi nghỉ giải lao 15 phút Hoà thượng Thích Thanh Quyết đã báo cáo với Cụ Tổng Bí Thư về công việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu Di tích danh thắng Yên Tử, đặc biệt là công việc đã làm được trong hơn 10 năm qua và những dự kiến tiếp theo. Cụ Tổng Bí thư đã rất chăm chú lắng nghe và vô cùng phấn khởi trước tầm nhìn mang tính chiến lược và đột phát của tỉnh Quảng Ninh, công lao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hoá Trúc Lâm tại Yên Tử và sự đóng góp to lớn của Phật giáo vào đời sống xã hội. Ban tổ chức đã chuẩn bị nghi thức cung rước Cụ rất long trọng; tuy nhiên sau khi hội ý, thống nhất với ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh; chúng tôi đã bỏ nghi lễ cung rước vốn chuẩn bị rất công phu mà bình dị mời Cụ Tổng Bí Thư, các đại biểu trong đoàn và Tăng Ni lên Cung Trúc Lâm lễ Phật một cách bình thường.
Trước bảo điện Cung Trúc Lâm Cụ Tổng Bí Thư cùng các đại biểu, Tăng Ni, Phật tử đã thành kính làm lễ dâng hương kính lễ Phật Hoàng, cầu nguyện quốc thái dân an. Phần nghi thức tâm linh xong, Hoà thượng Thích Thanh Quyết đã tặng Cụ cỗ tràng 108 hạt truyền thống của Phật giáo, Cụ đã vô cùng hoan hỷ đón nhận và đeo vào cổ mình. Tôi nhớ lúc đó Thư ký của Cụ chạy lại đề nghị được cầm cỗ tràng hạt cho Cụ, nhưng Cụ đã nhẹ nhàng nói: “đây là lộc Phật, để bác đeo”; và cứ thế Cụ đeo cỗ tràng hạt trong suốt thời gian tại Yên Tử cho đến lúc lên xe. Cử chỉ ứng xử của Cụ đã làm tất cả Tăng Ni và mọi người vô cùng xúc động.
Làm lễ dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an xong, Cụ cùng mọi người vui vẻ ra thực hiện nghi thức khánh thành bia tôn vinh Phật Hoàng Trần Nhân Tông được phụng lập ngay trước Cung Trúc Lâm. Tại đây Cụ và mọi người cùng nhau ôn lại công đức cao dày và tấm gương hạnh tuệ của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Cụ nói: “Ngài Trần Nhân Tông làm vua, đánh giặc để mưu cầu hạnh phúc cho muôn dân; từ bỏ ngôi vua, đi tu cũng là để mưu cầu hạnh phúc an lạc cho muôn dân. Vì vậy, đạo và đời trong con người Trần Nhân Tông hoà quyện thống nhất. Trong vua có Phật, trong Phật có vua”. Khánh thành xong bia tôn vinh Phật Hoàng Cụ cùng mọi người trồng cây đa lưu niệm bên phải cổng chính Cung Trúc Lâm. Tại đây tôi nhớ mãi hai câu nói và hành động ấn tượng của Tổng Bí Thư, Cụ nói đại ý: chúng ta trồng cây là phải trồng cây thật, không được trồng cây to, đi trồng cây mà quốc xẻng xúc đất còn quấn giấy xanh đỏ thì trồng cái gì, đó chỉ là biểu diễn mà thôi. Trồng cây xong, anh em địa phương đưa chậu nước và khăn trắng cho Cụ lau tay, Cụ bảo: ông cha ta làm xong “ba xoa, hai đập là xong” như thế này thôi. Nói xong Cụ xoa tay ba lần, mọi người đều cười rất vui vẻ. Sau khi dự các hoạt động tại Yên Tử, Cụ đã vui vẻ chụp ảnh lưu niệm, trò chuyện, hỏi thăm du khách tham quan Yên Tử và lên xe sang thăm công nhân tại Công ty than Vàng Danh, Uông Bí.
Qua 2 lần tiếp xúc với Cụ Nguyễn Phú Trọng chúng tôi nhận thấy:
Thứ nhất, Cụ Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, tài đức vẹn toàn. Cụ đã đảm trách chức vụ Tổng Bí Thư trong 03 nhiệm kỳ liên tiếp và nhiều chức vụ quan trọng khác. Đã đưa đất nước ta “có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín như ngày hôm nay”.
Thứ hai, Cụ Nguyễn Phú Trọng là con người vô cùng giản dị, giản dị đến bất ngờ. Bộ quần áo 15 năm trước Cụ mặc về Yên Tử, 15 năm sau Cụ vẫn mặc bộ quần áo đó, lúc này đã sờn vai, sờn tay. Cụ sống rất hoà đồng với mọi người dân, mọi tầng lớp trong xã hội, thực hiện tinh thần thân dân, trọng dân, lắng nghe dân, làm vì hạnh phúc của muôn dân. Ai đã từng được diện kiến Cụ, hoặc nghe qua tên Cụ đều tỏ lòng kính mến.
Thứ ba, Cụ Nguyễn Phú Trọng là con người có ứng xử mang tầm văn hoá, là người có tâm Phật và hành động của một vị Bồ tát; Cụ đã quên mình và hy sinh vì mọi nguời, trọn đời phấn đấu vì sự giàu mạnh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Và bao trùm tất cả, Cụ Nguyễn Phú Trọng là con người có nhân cách lớn.
Giờ này, trái tim Cụ Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập nhưng tâm đức của Cụ vẫn còn ở lại với muôn dân, nhân cách Nguyễn Phú Trọng càng ngày càng toả sáng hơn. Sự nghiệp và công đức của Cụ chắc chắn sẽ được các thế hệ kế tiếp kế thừa và thực hiện trọn vẹn để xây dựng đất nước ta ngày càng có cơ đồ, vị thế xứng đáng.
Cụ đã về với thế giới Người Hiền, xin đốt nén tâm hương thành tâm cầu nguyện anh linh Cụ tiêu dao nơi lạc cảnh và phù hộ độ trì quốc thái dân an, đất nước phú cường, nhân sinh an lạc.
*Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển
Chân dung từ bi 11:53 09/11/2024Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Xem thêm