Thứ bảy, 09/11/2024, 11:53 AM

'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển

Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.

Nhưng mãi về sau đi sâu vào con đường nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế tôi mới hiểu làng Dã Lê của tôi là ngôi làng có nhiều vị xuất gia trở thành danh tăng số Một ở Thừa Thiên - Huế...

Vị danh tăng đầu tiên tôi được biết là nhà sư Nguyễn Văn Quý - trụ trì chùa Pháp Vân (chùa Khoai) bị vua Tự Đức xử trảm vì tội làm tham mưu cho anh em Đoàn Trưng - Đoàn Trực tiến hành cuộc biến động (giặc Chày Vôi) lật đổ vua Tự Đức không thành năm 1866. Vị danh tăng thứ hai là Ngài Huệ Minh (húy là Thanh Thái, họ Nguyễn, 1861-1939) - vị tổ thứ tư của Tổ đình Tứ Hiếu. Vị danh tăng thứ ba là Hòa thượng Giác Tiên (cũng họ Nguyễn, 1880- 1936) Tổ khai sơn Tổ đình Trúc Lâm và là một trong những vị Tăng già sáng lập và Chứng minh Đại đạo sư An Nam Phật học Hội nổi tiếng ở miền Trung hồi giữa đầu thế kỷ XX. Người thứ tư là Ni trưởng Diệu Hương (họ Nguyễn, năm 16 tuổi nhập cung và được phong làm Mỹ Tân triều Thành Thái, sau năm 1907 vua Thành Thái bị đày, bà xuất gia), bà là người sáng lập và tọa chủ Ni trường Diệu Đức, có hàng trăm ni cô ở Huế và miền Nam về tu học và thành tài.

Ngày nay đề cập đến các bậc danh tăng người Dã Lê người ta thường nhắc đến “Ôn Trúc Lâm” - Thích Mật Hiển (cháu của Ngài Giác Tiên, 1907-1992), trụ trì chùa Trúc Lâm. Tôi được gặp Ôn Trúc Lâm lần đầu khi bắt đầu tham gia cuộc Vận động của Phật giáo chống chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm hồi mùa hè năm 1963. Ôn Trúc Lâm không trực tiếp lãnh đạo Đoàn Sinh viên Phật tử chúng tôi, nhưng chúng tôi rất sợ ôn.

Đại lão Hòa thượng Thích Mật Hiển (1907-1992), Phó Pháp chủ Giáo hội PGVN.

Đại lão Hòa thượng Thích Mật Hiển (1907-1992), Phó Pháp chủ Giáo hội PGVN.

Hình ảnh đầu tiên của ôn ấn vào tâm trí tôi là ôn có cặp mắt sâu rất đẹp, ôn lại là vị tăng già hiếm hoi tự mình lái xe riêng đi hoằng pháp. Trong những ngày tranh đấu bị bao vây ở chùa Từ Đàm, tôi nghe các bạn tôi kể nhiều chuyện về ôn. Nào là ôn từng được Hòa thượng Giác Tiên đưa vào Đại nội học tập, mới học được một năm ôn bỏ về tu học tiếp với các thầy của mình. Thế nhưng sau khi ôn trưởng thành ôn lại được Triều Nguyễn sung chức Tăng can nhận lương của Triều đình về trụ trì ngôi quốc tự Thánh Duyên núi Túy Vân.

Ôn rất đa tài. Ôn không học cơ khí sửa chữa ô - tô mà ôn có thể tự tháo ráp máy móc của chiếc ô - tô của ôn một cách dễ dàng. Ôn lái xe lên về chùa Từ Đàm hằng ngày như một thanh niên lái xe chuyên nghiệp. Nhiều hôm chùa bị bao vây, ôn vẫn lái xe vô ra tự nhiên. Có lần cảnh sát dã chiến của chính quyền Ngô Đình Diệm đón xe ôn lại, ôn trừng mắt nạt cho vài tiếng chúng cũng sợ phải để cho xe ôn đi lại bình thường. Có khi bọn sinh viên chúng tôi phải “quá giang” xe của ôn để ra ngoài. Những năm đầu thậpniên sáu mươi, nhiều anh em sinh viên chúng tôi chưa có xe đạp, nhiều vị tăng già hằng ngày phải cuốc bộ hằng mấy cây số để đến chùa tham gia tranh đấu thế mà ôn đã có xe hơi riêng thì thật là sang. Nhưng chiếc xe đen con cóc của ôn, không phải do ôn mua mà xe của một Phật tử nào đó cũ quá không sửa được định vứt vào bãi tha ma thì ôn xin kéo về, ôn tự sửa, tự thay thế những phụ tùng cũ để xe có thể chạy được bình thường. Và, chính ôn đã tự tay sơn đen chiếc xe láng cóng. Bọn sinh viên xuất thân nhà quê chúng tôi rất phục tài cơ khí của ôn.

Ôn cũng nghiên cứu triết lý Mật giáo và nhiều lần ôn đã vận dụng Mật giáo vào việc chữa bệnh tâm thần cho Phật tử. Nhiều người đến nhờ ôn chữa bệnh, nghe ôn thét vài tiếng con bệnh hoảng hồn tỉnh lại ngay. Có người còn bảo tôi có lần ôn còn đánh con bệnh bằng roi nữa. Cũng có bạn kể ôn rất giỏi võ. “ Một mình Ôn có thể đánh lui năm bảy người”. Trong cuộc tranh đấu hồi mùa hè năm 1963, chúng tôi nghĩ thế nào cũng bị lực lượng võ trang của gia đình họ Ngô tấn công nên khi biết có một vị lãnh đạo tinh thần của mình giỏi võ như ôn Trúc Lâm tôi rất tin tưởng.

Tất cả những chuyện ấy tôi chỉ nghe chứ chưa bao giờ có điều kiện thẩm tra. Qua một vài lần gặp ôn đầu tiên, tôi đã thấy rõ tính của ôn rất thẳng thắn. Ôn rất quý bọn sinh viên tranh đấu nhưng mỗi lần chúng tôi có những hành động quá khích, ôn la cho một trận nên thân. Có khi ôn nói mà bọn tôi vẫn đi sai đường lối "bất bạo động” ôn dọa sẽ đánh đòn. Trong những năm tranh đấu từ 1963 đến năm 1966 ấy, tôi thuộc lọai sinh viên “ắc - típ ” ( active) cùng với các bạn Tôn Thất Kỳ, Nguyễn Trực, Nguyễn Văn, Nguyễn Thiết, Lê Minh Trường ... hay tổ chức biểu tình, đấu tranh bạo động nên ít khi dám gần ôn.

Lần đầu tiên chúng tôi được gặp ôn thân tình nhất lại diễn ra ở chùa Trúc Lâm. Hôm ấy (khoảng tháng 7-1963) Sư bà Thích nữ Diệu Không vừa ở Sài Gòn về. Chúng tôi được mời lên chùa Trúc Lâm ăn cơm chay và nghe Sư bà thông báo tình hình tranh đấu của Phật giáo ở Sài Gòn. Cái thông tin làm cho chúng tôi xúc động nhất là chuyện Sư bà Diệu Huệ (chị ruột của Sư bà Diệu Không, mẹ của nhà bác học Bửu Hội) đang chuẩn bị tự thiêu nếu chính quyền Ngô Đình Diệm không chịu thực hiện 5 nguyện vọng của Phật giáo. Trong lúc đó cũng có tin chính phủ Diệm vừa mời nhà bác học Bửu Hội ở Pháp về cấp cho ông một số tiền lớn để ông làm “đại sứ” của chính phủ đi “giải độc” dư luận trong nước và quốc tế rằng “không có chuyện chính phủ Diệm kỳ thị Phật giáo”. Tôi xin Sư bà giải thích dư luận ấy. Sư bà bảo chuyện đó có nhưng Bửu Hội có thực hiện yếu cầu của ông Diệm đi ngược lại ý nguyện của mẹ mình không thì thời gian sẽ trả lời.

Ôn Trúc Lâm bảo tôi: - “Có chuyện các chú được biết và cũng có chuyện các chú chưa được biết”. Lúc đó tôi rất tự ái, nhưng Nam - mô A - di - đà Phật, tôi phải nghe lời tăng không dám cãi lại. Về sau nầy tôi hỏi Sư bà Diệu Không chuyện tháng 7-1963 sinh viên không được biết là chuyện gì. Sư bà bảo : -“Đó là chuyện Bửu Hội lợi dụng vai trò đại sứ của chính quyền ông Diệm bí mật giúp đem ra thế giới hàng chục ký - lô hồ sơ của Phật giáo. Nhờ thế mà Liên hiệp quốc, Tích Lan, Hoa Kỳ biết rõ cuộc đàn áp Phật giáo của chính phủ ông Diệm”. Thật lòng, sau khi Sư bà cho biết như vậy tôi hơi ân hận. Vì đã có nhiều lần chúng tôi lên án Giáo sư Bửu Hội. Sau năm 1975, thỉnh thoảng tôi vẫn lên về chùa Trúc Lâm. Tôi không phải lên để làm Phật sự mà để hỏi chuyện Ôn Trúc Lâm về những vấn đề liên quan đến lịch sử văn hóa Thuận Hóa - Phú Xuân, và nhân đó tôi hỏi lý do vì sao Sư bà Diệu Không hay tổ chức gặp mặt sinh viên chúng tôi ở chùa Trúc Lâm mà không tổ chức ở chùa Hồng Ân gần đó.

Quý vị Trưởng lão (từ trái sang): Hòa thượng Thích Thiện Siêu - tổ đình Từ Đàm, Hòa thượng Thích Hưng Dụng - tổ đình Kim Tiên, Hòa thượng Thích Mật Hiển - tổ đình Trúc Lâm trong một lần đến thăm Hòa thượng Thích Đôn Hậu tại chùa Linh Mụ (ngồi bên phải, ngoài cùng). Đây là nếp sống thiền môn của các bậc tôn túc ở cố đô Huế mỗi khi xuân về Tết tới - Ảnh tư liệu

Quý vị Trưởng lão (từ trái sang): Hòa thượng Thích Thiện Siêu - tổ đình Từ Đàm, Hòa thượng Thích Hưng Dụng - tổ đình Kim Tiên, Hòa thượng Thích Mật Hiển - tổ đình Trúc Lâm trong một lần đến thăm Hòa thượng Thích Đôn Hậu tại chùa Linh Mụ (ngồi bên phải, ngoài cùng). Đây là nếp sống thiền môn của các bậc tôn túc ở cố đô Huế mỗi khi xuân về Tết tới - Ảnh tư liệu

Về cái “lý do vì sao” nầy, ôn giải thích vui rằng: “Chùa Hồng Ân là chùa nữ ai cho mấy chú tới!”. Sự thật thì không phải như vậy. Lý do chính là do mối quan hệ lịch sử của Sư bà Diệu Không với chùa Trúc Lâm. Người lập ra chùa Trúc Lâm trên đất thuộc thôn Thuận Hòa, làng Dương Xuân Thượng là bà Hồ Thị Nhàn (1863-1925) tức Tỳ - kheo - ni Diên Trường. Bà là cháu ngọai Tùng Thiên Vương, em ruột cụ Thượng Hồ Đắc Trung, cô ruột Sư bà Diệu Không. Không những đất vùng chùa Trúc Lâm của cụ Thượng mà đất từ chùa Hồng Ân ngày nay lên đến đất Tu viện Thiên chúa giáo Thiên An cũng thuộc về gia đình Hồ Đắc. Lúc đó phụ nữ chưa được đứng tên khai sơn chùa, ni sư Diên Trường phải xin bổn sư của mình là ngài Tâm Tịnh cử Đại sư Giác Tiên người Dã Lê vào làm vị khai sơn chùa Trúc Lâm, còn Ni sư chỉ “xin y chỉ của Thiền sư ở đó tu học”. Khi mới trên dưới mười tuổi, cô Hồ Thị Hạnh (sau này là Sư bà Diệu Không) hay lên thăm và ở lại với cô Nhàn (tức Ni sư Diên Trường) tại chùa Trúc Lâm. Nhờ thế mà cô Hạnh đã nhuốm mùi thiền từ đó. Lúc ấy ở chùa có chú tiểu Nguyễn Duy Quảng (sau nầy là Hòa thượng Thích Mật Hiển thường gọi là Ôn trúc Lâm - cháu của Ngài khai sơn Giác Tiên ) nhỏ hơn cô Hạnh vài tuổi . Chị em thường gặp và thân nhau dưới một mái chùa.

Từ buổi thiếu thời, ôn Trúc Lâm được gia đình cụ Hồ Đắc Trung xem như người trong họ hàng. Vì thế ôn biết nhiều chuyện trong gia đình Hồ Đắc. Biết từ chuyện quan hệ họ hàng thân thuộc cho đến chuyện quan trường, chuyện lịch sử có liên quan đến gia đình họ Hồ. Nhờ biết thế tôi không còn thắc mắc về chuyện Sư bà Diệu Không xem chùa Trúc Lâm như chùa riêng của Sư bà nữa. Và cũng từ đó, đối với tôi: Ôn Trúc Lâm là một pho lịch sử sống về Huế. Phụ lục Trong bộ hồ sơ tài liệu lịch sử Thuận Hóa - Phú Xuân của tôi có hai tư liệu quý do Ôn Trúc Lâm kể: Tư liệu thứ nhất: Nói về lịch sử bản Kinh Kim Cương thêu trên gấm đời Cảnh Thịnh, dài 4m47, rộng 0m243, Bản văn thêu có đến trên dưới 7.000 chữ Hán gồm có 3 phần: Phần đầu là hai bài tựa của hai vị vua Việt Nam viết về quyển kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật của nhà Phật (khoảng 1.500 chữ), phần thứ hai thêu nội dung bản Kinh (khoảng 5.000 chữ), phần ba nói về người và công việc thêu bản kinh. Bản Kinh được thêu xong vào cuối thời Cảnh Thịnh  (1792-1801), đặt trong một cái hộp bằng gỗ trầm hương, kèm theo một con dao bằng ngà và một chiếc quạt xếp nan gỗ.

Hộp Kinh được thờ ở chùa Thầy - ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý trên đất Quốc Oai tỉnh Hà Tây (cách Hà Nội chừng 30 km). Thời Nguyễn, bản Kinh bị tịch thu đưa vào Huế. Đây là một hiện vật ra đời thời Tây Sơn đáng lẽ nó bị hủy bỏ, nhưng nhờ là một bản Kinh Phật, các vua Nguyễn - đặc biệt là các bà trong Cung Nguyễn rất mộ đạo Phật nên xin giữ lại và đưa vào thờ tại Phước Thọ Am - ngôi chùa Phật dành riêng cho các bà sống chung quanh Cung Diên Thọ. Mãi đến thời vua Khải Định, không rõ do đâu bản Kinh “xuất cung” rồi lọt vào tay một nhà giàu ở Huế. Các vị hòa thượng biết chuyện đó nên khuyên Sư bà Diệu Không tìm cách chuộc lại báu vật ấy cho Phật giáo.

Sư bà Diệu Không - con quan đại thần Hồ Đắc Trung, đã bỏ ra 250 đồng bạc Đông Dương thỉnh bản Kinh Kim Cương thêu trên gấm ấy về giữ tại chùa Trúc Lâm - ngôi chùa thân thích nhất của gia đình Hồ Đắc. Ai muốn xem Bản kinh thêu gấm phải có lệnh của ôn Trúc Lâm mới được xem. Nhưng cũng rất hạn chế người xem. Vì đây là một báu vật của văn hóa Việt Nam đặc biệt của thời Tây Sơn. Từ bản Kinh Kim Cương thêu trên gấm còn giữ ở chùa Trúc Lâm gợi cho tôi ý tưởng viết trên báo Giác Ngộ đề nghị Phật giáo nên thành lập một nhà Bảo tàng văn hóa Phật giáo ở Huế để giới thiệu với dân chúng những báu vật văn hóa tàng trữ trong các chùa Phật ở Thuận Hóa - Phú Xuân. Lúc sinh thời Thầy Thiệu Siêu và ôn Trúc Lâm rất hoan nghinh ý tưởng ấy, nhưng mãi đến nay nó vẫn còn thuần là ý tưởng trên sách báo mà thôi. Tư liệu thứ hai: Nhiều lần tôi được nghe Ôn Trúc Lâm và Sư bà Diệu Không kể chuyện vua Duy Tân khởi nghĩa năm 1916. Ôn Trúc Lâm kể chuyện vua Duy Tân được mời ăn cháo gà và bị bắt ở nhà Ông Đội Cơ gần chùa Thiền Tôn. Sư bà Diệu Không kể: Cụ Hồ Đắc Trung đã cứu vua Duy Tân thoát khỏi tội tử hình như thế nào. Những chuyện nầy tôi đã tham khảo viết thành truyện đăng trong cuốn “Chuyện ba vua Dục Đức Thành Thái - Duy Tân ” cách đây mấy chục năm rồi. [Nguồn: Tưởng niệm Ôn Mật Hiển, Tổ đình Từ Đàm hải ngoại, thực hiện và ấn hành, Hoa Kỳ 2008, tr.271-276).

Theo sách Mãi mãi trong tôi, tác giả: Nguyễn Đắc Xuân, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1

Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024

Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế

Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024

Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.

Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam

Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024

Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.

Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất

Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024

Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.

Xem thêm