“Cúng dường” là tiếng đọc trại từ tiếng “cung dưỡng”, đứng về mặt xuất thế nghĩa là cung cấp dưỡng nuôi chư tăng ni, đứng về mặt thế tục là cung cấp dưỡng nuôi cho người thiếu thốn vật chất hay tinh thần chứ không phải “cúng lạy” bạn ạ! Cung cấp dưỡng nuôi chư tăng ni tu học trong 3 tháng an cư, cung cấp dưỡng nuôi chư tăng ni tu học hành đạo, suốt đời phụng sự Chánh pháp. Cung cấp dưỡng nuôi chư tăng ni thì được phần phước báo sinh thiên.
HỎI: Sắp đến ngày đại lễ Vu Lan, con cùng gia đình dự định sẽ đến chùa làm công quả và cúng dường trai tăng. Con có xem nghi lễ tứ sự cúng dường trai tăng ở một vài chùa theo Phật giáo Nguyên Thủy thấy cũng có khác với một số ngôi chùa ở Bắc Tông. Có bạn khuyên nên dâng đầy đủ y áo, các vật phẩm cần thiết dâng cúng. Bạn bảo dâng y là mới đúng pháp và có nhiều phước báu.
Tuy nhiên, có bạn khuyên nên đến chùa gửi tiền như thế là tiện nhất, lại dễ chi dùng vì trong ba tháng an cư và đến ngày đại lễ Vu Lan, rất nhiều người sẽ dâng cúng y áo vật phẩm và nếu cúng nữa sẽ thừa, tốt hơn là cúng tiền như vậy quý sư thầy, sư cô có thể dễ dàng dùng làm các chuyện Phật sự từ thiện khác. Con nghe cũng có lý và định sẽ đến chùa bỏ bao thư cúng tiền, cúng đồ ăn dâng thôi nhưng không biết làm vậy có đúng Chánh pháp không? Con xin Sư hoan hỷ chỉ dạy!
ĐÁP:
Thành kính là phước báo, quên mình là cội phước, phước là cúng thí cầu xin cho tín chủ mau được quả phước sinh thiên. Đây lời cầu nguyện thường nhật của chư tăng ni sau khi thọ thực xong,
Thời đức Phật sinh tiền, Ngài và chư tôn giả không sử dụng tiền, để không xảy ra những việc phân biệt giàu nghèo trong tăng đoàn. Khi có công việc phật sự xây dựng tịnh xá do cư sĩ đứng ra lo liệu, Phật không phải giữ tiền như chư tôn đức tăng ni ngày nay.
Thời kỳ chư tăng sử dụng tiền
Sau khi Phật nhập diệt 200 năm, thời kỳ kết tập lần thứ hai, tăng đoàn chia ra làm nhiều bộ phái, có bộ phái vẫn giữ nguyên thủy như thời Phật sinh tiền, không sử dụng tiền bạc, có bộ phái hội nhập vào dòng đời, hội nhập vào các vương quốc, quốc gia nơi Phật giáo hoằng hóa phải dùng tiền vàng, cho nên tùy theo địa phương mà chư vị tổ sư cho phép sử dụng tiền bạc hay không sử dụng tiền bạc.
Trong đó có Ngài Giác Thiên chủ trương hội nhập theo trào lưu tân tiến, chế tác “mười điều tịnh” sử dụng trong tăng đoàn: Điều thứ nhất là “diêm tịnh”, tức là Ngài quy định cho chư tăng được để đồ ăn cách đêm, nếu thức ăn đó có nêm muối. Từ đó trở thành một nề nếp và lớn dần: Chư tăng ni khi xây dựng chùa chiền, có làm kho lẩm để dành phẩm vật do đàn na cúng dường. Điều thứ mười “kim tiền tịnh”, Ngài cho phép chư tăng ni được sử dụng tiền bạc vào những việc cần thiết trong đời sống, chẳng hạn như lộ phí đi lại… (Lịch sử Phật giáo Ấn Độ của HT.Thích Thanh Kiểm)
Trước năm 1975, hệ phái Khất sĩ, chư tăng ni đi hành đạo do không cầm tiền bạc, nên mỗi lần đi du hóa, quý sư có dẫn theo một thiện nam hay một tín nữ để chi trả lộ phí. Ngày nay sự đi lại, lộ phí của chư tăng ni không còn như xưa.
Cúng dường chư tăng ni
“Cúng dường” là tiếng đọc trại từ tiếng “cung dưỡng”, đứng về mặt xuất thế nghĩa là cung cấp dưỡng nuôi chư tăng ni, đứng về mặt thế tục là cung cấp dưỡng nuôi cho người thiếu thốn vật chất hay tinh thần chứ không phải “cúng lạy” bạn ạ! Cung cấp dưỡng nuôi chư tăng ni tu học trong 3 tháng an cư, cung cấp dưỡng nuôi chư tăng ni tu học hành đạo, suốt đời phụng sự Chánh pháp. Cung cấp dưỡng nuôi chư tăng ni thì được phần phước báo sinh thiên.
Đệ tử Phật có 4 chúng: một là tỳ kheo tăng, hai là tỳ kheo ni, ba là ưu bà tắc, bốn là ưu bà di. Hai chúng ưu bà tắc, ưu bà di có nhiệm vụ cùng với chư tăng ni giữ gìn và truyền trì Chánh pháp bằng cách phụng dưỡng cúng dường chư tăng ni để có phương tiện giữ gìn và xiển dương Chánh pháp.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Lễ trai tăng ngày Vu Lan
Lễ cúng trai tăng Vu Lan xuất phát từ đức Mục Kiền Liên sau khi du hành cõi địa ngục thấy mẹ bị khổ nhục trong chốn A tỳ , khi trở lại dương gian, bạch với đức Phật cho phép lập đàn cúng dường trai tăng cho người tu, những người tu núi, những người tu có chánh niệm, những người tu ẩn trong chốn thâm sơn cùng cốc câu hội chứng minh và chú nguyện cho mẹ của Mục Kiền Liên. Sau khi lễ cúng hoàn tất viên mãn, mẹ của Ngài được thoát hóa luân hồi ra khỏi chốn địa ngục, vãng sinh Tây Phương Cực lạc.
Lễ cúng trai tăng được tổ chức hằng năm theo truyền thống nầy, bình thường thì không có lễ trai tăng, hoặc các chùa, tịnh xá rất ít tổ chức lễ trai tăng, vì lễ nghi vật chất không đủ yếu tố cúng lễ trai tăng.
Người thời nay do kinh tế sung túc nên lúc nào cũng cúng lễ trai tăng được, không có chỗ chặn đứng; lúc nào nên cúng, lúc nào không nên cúng, lúc nào cúng phải lúc, phải thời!
Lễ trai tăng bên Nam tông Phật giáo, tức là đại lễ dâng y Cathina, diễn ra vào cuối hạ, tức là vào ngày rằm tháng 9 âm lịch; lúc bấy giờ có cả trăm chư tăng được thỉnh mời đến chứng trai cúng dường và dâng y, bên hệ phái Bắc tông và Khất sĩ cũng rất quan trọng lễ dâng y, các hệ phái tổ chức đại lễ dâng y vào ngày rằm tháng 7 âm lịch.
Quý thầy bên Phật giáo Bắc tông còn thường xuyên tổ chức lễ trai tăng, trai chủ có khi là gia đình phật tử, hoặc vị trụ trì đại diện đạo tràng phật tử, gia đình phật tử thỉnh Chư tôn giáo phẩm đến chứng trai. Lễ trai tăng rất trang nghiêm và tốn kém, giá trị tiền bạc dành cho một đại lễ thật không ít chút nào, nhưng phật tử Việt Nam vẫn không ngại cúng trai tăng!
Dâng phẩm vật cúng dường tại một lễ trai tăng gồm lễ vật: kem đánh răng, bàn chải răng, xà bông, vải vóc, thuốc cảm ho, tập, viết, bút, phong bì, dao lam cạo tóc; có nơi chỉ cúng phong bì. Việc cúng bằng phong bì, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của gia đình phật tử mà để tiền vào phong bì cúng dường trai tăng, nhiều quá thì tăng trưởng lòng tham, ít quá thì thêm tính bỏn sẻn, tùy theo gia đình phật tử lượng sức mình và làm theo lời chỉ dẫn của quý sư thầy.
Cúng dường cho chư tăng hệ phái Khất sĩ khi đang đi khất thực, thì người phật tử chỉ cúng vật phẩm thức ăn nhỏ gọn, làm sao cho sạch sẽ tinh khiết, tỏ lòng cung kính cúng dường chư tăng, ni. Khi đi khất thực trì bình, chư tăng ni hệ phái Khất sĩ không nhận tiền. Chư tăng Phật giáo Nam tông cũng đi trì bình khất thực như chư tăng hệ phái Khất sĩ, cũng không nhận tiền, chỉ nhận vật thực.
Tuy nhiên, ngày nay chư tăng ni hệ phái Khất sĩ, chư tăng Phật giáo Nam tông có nhận tiền bằng cách: tín đồ phật tử đến tận chùa, tịnh xá cúng dường, những vị sư có trách nhiệm sẽ nhận phần cúng dướng đó đưa vào ngân quỹ xây dựng trùng tu chùa, tịnh xá, nuôi chư tăng ni tu học, du học, phụng sự và nối truyền Chánh pháp.
Tóm lại, việc cúng dường tiền hay phẩm vật dành cho chư tăng ni ngày nay không còn luận bàn Phật giáo Nam tông, Bắc tông hay Khất sĩ nữa. Việc cúng dường chư tăng ni là để giữ gìn truyền thống và cũng để nuôi lớn thân huệ mạng, là một phương tiện để sử dụng cho việc giữ gìn và phát huy Chánh pháp của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Hòa thượng Thích Giác Quang