Chủ nhật, 12/01/2020, 09:56 AM

Nên cúng giao thừa và Tết như thế nào cho đúng?

“Cúng giao thừa, cúng ông bà, chào tân niên”, gọi chung là lễ Trừ tịch hay lễ Giao thừa, có ý nghĩa lẽ trời đất có thủy khởi phải có tận cùng, một năm đã bắt đầu ắt phải có hết, bắt đầu từ lúc giao thừa, cũng lại hết vào lúc giao thừa.

>> Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Xuân muôn nơi 

Vấn: Hằng năm cứ đến tết về, gia đình con cũng thường tổ chức. Tuy nhiên, gia đình con không biết nên khấn nguyện cúng bái như thế nào cho đúng nhất theo nghi lễ của nhà Phật. Có năm con chỉ biết mở kinh Nhật Tụng rồi tụng kinh Giao thừa ngoài ra không biết làm thế nào cả. Xin Sư hoan hỉ chỉ dạy cho chúng con ngày tết đang về nên cúng ông bà như thế nào, nên trang trí bàn thờ ra sao và khấn nguyện như thế nào cho đúng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đáp: “Cúng giao thừa, cúng ông bà, chào tân niên”, gọi chung là lễ Trừ tịch hay lễ Giao thừa, có ý nghĩa lẽ trời đất có thủy khởi phải có tận cùng, một năm đã bắt đầu ắt phải có hết, bắt đầu từ lúc giao thừa, cũng lại hết vào lúc giao thừa. Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ mới này, có lễ Trừ tịch.

Bài liên quan

Lễ Trừ tịch của người Việt Nam không khác người Trung Hoa, là một lễ diệt trừ ma quỷ, phá tan sự u tối. Phong tục Trung Hoa xưa vào ngày Trừ tịch, tức là ngày 30 Tết có dùng 120 trẻ con trạc chín mười tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi đường vừa đánh để trừ khử ma quỷ, do đó có danh từ Trừ tịch. Lễ Trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên lễ này còn mang tên là lễ Giao thừa.

Tại các chùa cũng có cúng lễ giao thừa, chưng dọn những lễ vật và đồ chay, đồng thời với lễ giao thừa nhà chùa còn cúng Phật, tụng kinh lễ rước vía Đức Di Lặc Tôn Phật vào lúc 23:30 giờ. Ở các tư gia xưa thường lập bàn thờ ở giữa sân, hoặc ở trước cửa nhà, trường hợp những người ở thành phố không có sân, cũng chưng dọn một chiếc hương án, hoặc một chiếc bàn kê ra nơi phòng khách với mâm lễ vật, có đủ hương đăng hoa quả, bánh mứt ngày tết, tiễn đưa năm cũ qua đi, đón chào năm mới đến.

Người Việt Nam trong đêm Giao thừa, sau khi lễ tổ tiên, mừng ông bà cha mẹ hiện tiền xong, còn có những tục lễ riêng cho tới ngày nay từ thôn quê đến thành thị đa phần vẫn còn gìn giữ, như đi chùa lễ Phật, viếng đình, đền, xin hướng xuất hành, hái lộc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Kinh nhựt tụng Phật giáo Việt Nam, không có nghi thức hướng dẫn cúng giao thừa, lý do xưa nay Phật giáo không xem lễ đón giao thừa dù rất quan trọng có truyền thống của dân tộc, nhưng không phải là lễ nghi của Phật giáo, các nhà hành đạo không đưa lễ nghi đó vào kinh nhựt tụng. Theo truyền thống của Quan Âm tu viện từ 92 năm qua vào lúc 23 giờ 30 (năm cũ) đến 00 giờ 30 (năm mới) chư giáo phẩm Tăng ni có làm lễ đón giao thừa bằng khóa lễ rước vía Đức Di Lặc Tôn Phật. Gần đây Sư có biên soạn nghi thức lễ vía Đức Di Lặc Tôn Phật vào ngày mùng 01 tháng giêng dành cho chư Tăng ni, Phật tử tu học tại chùa rước vía Phật và đón giao thừa.

Riêng tại tư gia thì quý Phật tử nên thực hiện: 12 giờ trưa ngày 30/chạp (năm cũ) trưng bày hương đăng hoa quả, bánh mứt trên bàn thờ Phật, bàn gia tiên làm lễ rước Ông Bà, tuy nhiên nên làm sao cho tươm tất là quý - đến 23 giờ 30 thắp nhang đèn, mọi người mặc áo tràng đến bàn Phật làm lễ rước vía Đức Di Lặc Tôn Phật cầu phước huệ, cả nhà chỉ lạy 3 lạy và đọc bài:

Giao thừa Nguyên đán lễ thiêng liêng,

Cung thỉnh mười phương Phật Thánh Hiền,

Duyên giác, Thanh văn cùng liệt Tổ,

Thiên thần Hộ pháp với Long thiên.

Thiêu thân liệt Thánh tử vì đạo,

Dũ ánh uy quang giáng tọa tiền,

Lễ nhạc hương hoa xin dâng cúng,

Nguyện cầu ban phước lễ tân niên.

Hôm nay ngày lành Nguyên đán,

Nhất tâm cung đón giao thừa,

Chúng con: theo lệ ngày xưa,

Mở cửa nghinh xuân tiếp phước.

Truyền thừa di phong thuở trước,

Tâm thành lễ Phật dâng hương.

Cầu tân niên vạn sự cát tường,

Nguyện xuân nhật tam nguyên như ý!

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ tát. (3 lần)

Sau đó đến bàn thờ gia tiên vái lạy tưởng niệm cửu huyền thất tổ, tiếp đến thỉnh mời ông bà cha mẹ tại tiền đến ngồi trên ghế trước bàn thờ gia tiên cho con cháu váy lạy, theo thứ lớp “mừng tuổi”, cầu chúc cha mẹ, người lớn sống thêm tuổi thọ và nhận phong bì “lì xì” của người lớn ban cho…

Chừng đó, chúng ta tận hưởng hương vị ngày tết mừng tuổi thọ, mừng xuân, đón giao thừa, đẩy lùi “vận xui” lui về quá khứ, mọi điều “may mắn” đến với gia đình…mọi người đi chùa lễ Phật. Sau đây Sư hướng dẫn một số bài cúng trong ngày tết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Văn cúng giao thừa trong nhà 

NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT! (3 lần)

Kính lạy: Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.

- Long Mạch, Táo Quân, chư vị Tôn Thần.

Các cụ Tổ Tiên nội, ngoại chư vị tiên linh.

Nay phút giao thừa năm Giáp Ngọ, chúng con là ... Ngụ tại ...

Bài liên quan

Phút giao thừa vừa tới, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu Xuân, đón mừng Nguyên Đán, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, tiến cúng Tổ Tiên, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con xin kính mời:

Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương, Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa, Phúc Đức Chính Thần, các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long Mạch Tài Thần, các Ngài Bản gia Táo Quân và chư vị Thần Linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật. Con lại kính mời các cụ tiên linh Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, Cô di tỷ muội, nội ngoại tộc chư vị hương linh cúi xin giáng về linh sàng hâm hưởng lễ vật.

Tín chủ lại kính mời các vị vong linh Tiền chủ, Hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này. Nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án chiêm ngưỡng Tân Xuân, thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho tín chủ: Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Giũ tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Văn cúng thần linh trong nhà  (Mùng 1)

NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT! (3 LẦN)

Kính lạy: Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

Phật Trời, Hoàng Thiên Hậu Thổ.

Chư vị Tôn Thần.

Hôm nay là ngày mồng 1 tháng giêng, nhằm ngày Nguyên Đán đầu Xuân, giải trừ gió đông lạnh lẽo, hung nghiệt tiêu tan, đón mừng Nguyên Đán xuân thiên, mưa móc thấm nhuần , muôn vật tưng bừng đổi mới. Nơi nơi lễ tiết, chốn chốn tường trình.

Tín chủ con là ... Ngụ tại ...

Nhân tiết minh niên sắm sửa hương hoa, cơm canh lễ vật bày ra trước án, dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần. Thiết nghĩ Tôn Thần hào khí sáng loà, ân đức rộng lớn. Ngôi cao vạn trượng uy nghi, vị chính mười phương biến hiện. Lòng thành vừa khởi, Tôn Đức cảm thông. Cúi xin giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật. Nguyện cho chúng con mọi người hoan hỷ vinh xương, con cháu cát tường khang kiện. Mong ơn Đương Cảnh Thành Hoàng, đội đức Tôn Thần Bản xứ. Hộ trì tín chủ, gia lộc gia ân, xá quá trừ tai. Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, sự nghiệp hanh thông, sở cầu như ý. Giũ tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Văn cúng tổ tiên mùng 1 Tết

NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT!

Kính lạy: Đức Đương Lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật .

Các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ , Bá thúc huynh đệ, Cô di tỷ muội, đường thượng tiên linh các hương hồn nội tộc, ngoại tộc.

Bài liên quan

Nay theo Tuế luật, Âm Dương vận hành tới tuần Nguyên Đán, mồng Một đầu xuân mưa móc thấm nhuần, đón mừng năm mới. Con cháu tưởng niệm ân đức Tổ Tiên, như trời cao biển rộng, khôn đem tấc cỏ báo ba xuân. Do đó chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, oản quả hương hoa kính dâng lên trước án.

Kính mời các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô di tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại. Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, hâm hưởng lễ vật. Phù hộ độ trì cho con cháu năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Tín chủ lại mời: Các vị vong linh, tiền chủ hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hường. Giũ tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Văn cúng lễ tạ năm mới (Mùng 3) 

NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT! (3 lần)

Kính lạy: Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.

Ngài Đương niên, Ngài Bổn Cảnh Thành Hoàng, các Ngài Thổ Địa, Táo Quân, Long Mạch Tôn Thần

Các Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại tiên linh.

Hôm nay là ngày mồng ba tháng Giêng năm Quý Tỵ, Tín chủ chúng con ... Ngụ tại ...

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cúng dâng trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ Tôn Thần, rước tiễn tiên linh trở về Âm giới. Kính xin: Lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc

Xuân Muôn Nơi 17:47 25/02/2024

Lễ khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lần thứ VI - năm 2024, diễn ra hôm 23/2.

Hơn 12.000 người dự lễ cầu an tại chùa Viên Quang

Xuân Muôn Nơi 10:44 23/02/2024

Tối 21/2, chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) tổ chức lễ cầu quốc thái dân an Xuân Giáp Thìn 2024, hơn 12.000 người tham dự.

Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh

Xuân Muôn Nơi 12:29 21/02/2024

Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh (xã Quảng Trung, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) khai hội hôm 18/2.

Xuân thung dung

Xuân Muôn Nơi 19:15 20/02/2024

Nắng vắt hiên Đông, đá mỉm cười/ Chừ Xuân năm mới ghé đây chơi/ Bộn bàng, chuyện cũ chôn hang hốc/ Xơ xác, cành khô nẩy tượt chồi...

Xem thêm