Nhà sư lập 'bảo tàng' nông cụ của đồng bào Khmer
Trân quý những dụng cụ nông nghiệp cổ xưa của đồng bào dân tộc Khmer, Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, H.Tri Tôn, An Giang) đã dày công sưu tầm rồi xây dựng 'bảo tàng' để trưng bày.
> Triển lãm Phật giáo lớn nhất Việt Nam
Lưu giữ nét đẹp văn hóa nông nghiệp
Hòa thượng Chau Sơn Hy cho biết từ lâu Hòa thượng vẫn thường tìm và lưu giữ những nông cụ xưa của đồng bào Khmer để làm kỷ niệm. Dần dần, thấy nhiều bộ nông cụ của những Phật tử bị hư hỏng do không được bảo quản tốt nên ông đứng ra vận động: “Ai có nông cụ hồi xưa thì cho sư xin để đem về chùa để trưng bày, bảo quản tốt hơn cho con cháu sau này biết”.
Hưởng ứng lời vận động của Hòa thượng Chau Sơn Hy, từ năm 2006, nhiều bà con trong vùng và các nghệ nhân tích cực tìm đến ủng hộ chùa Sà Lôn. Người góp công, người góp của để bộ sưu tập hiện vật ngày càng nhiều hơn. Khi số hiện vật quý giá lên đến hơn 100 món, Hòa thượng Chau Sơn Hy quyết định xây dựng “bảo tàng” để lưu giữ và trưng bày.
“Tôi muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa nông nghiệp và tư liệu sản xuất xưa để lớp trẻ nhận biết quá trình ông cha làm ra hạt gạo cực khổ như thế nào. Từ khâu cày, bừa, cấy, rồi tới thu hoạch, cắt, đập bằng tay, đem vô sấy bằng sức, giã gạo cũng bằng sức... Qua đó giúp lớp trẻ sống có trách nhiệm với chính mình, với người thân và xã hội hơn”, Hòa thượng Chau Sơn Hy chia sẻ.
Cũng theo Hòa thượng Chau Sơn Hy, nhờ sự chung tay của địa phương và các trường dân tộc nội trú trên địa bàn mà các em học sinh được tạo điều kiện đến tham quan. Tại đây, các em được tận mắt thấy, được nghe thuyết minh về những dụng cụ xưa của ông cha.
Những “báu vật” có một không hai
Được Hòa thượng Chau Sơn Hy dẫn tham quan “bảo tàng”, chúng tôi mới có cơ hội nhìn ngắm những nông cụ xưa độc đáo và điển hình như: Chiếc xe bò dành cho người giàu đi dạo; chiếc xe vận chuyển hàng hóa, lúa, gạo, phân bón; những dụng cụ lao động như cối giã gạo, lưỡi liềm, lưỡi hái, tay gặt, cào răng lược, dụng cụ cày, bừa, nôm, đó…
Trong đó, đặc biệt nhất là cỗ xe bò dành cho người giàu đi dạo. Xe được chế tác vào năm 1894, tính đến nay tròn 126 năm. Trên thành khung xe có khắc chữ Khmer. Xe này do hòa thượng Chau Sơn Hy vận động của ông Tà Hiêm ở sóc Sà Lôn tặng lại cho chùa. “Tôi nghe chủ nhân chiếc xe bò này kể lại là ông ngoại của ông ấy sử dụng, sau đó chia lại cho mẹ ông rồi mới tới lượt ông sử dụng. Ông ấy hiện giờ cũng hơn 80 tuổi rồi. Xe này chỉ có những người giàu mới đi được, giống như xe 4 chỗ tiền tỉ bây giờ vậy”, Hòa thượng Chau Sơn Hy cho biết.
Sau chiếc xe bò đặc biệt này, Hòa thượng Chau Sơn Hy lần lượt giới thiệu tỉ mỉ nhiều hiện vật quý giá khác như giỏ đựng cá khi đi tát đìa (tiếng Khmer gọi là Trun); Sniên (cào cá bằng tay), Kay Đom Bal (khung dệt vải, lụa)… Tất cả đều được chế tác bằng gỗ rất công phu. Cùng với đó là những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ gõ, gỗ trắc… rất tinh xảo thể hiện các loài chim muông, gia súc, gia cầm.
Anh Trọng Nhơn (28 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) cho biết: “Khi đi tham quan ngôi chùa này, tôi vô cùng bất ngờ trước bảo tàng nông cụ thời xưa. Tôi ấn tượng nhất là những cỗ xe bò với họa tiết, chạm khắc thật tinh xảo và đẹp mắt”.
Theo: Thanhnien.vn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm