Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 22/01/2016, 10:13 AM

PG Nam tông và đời sống tinh thần người Khmer vùng Mêkông

Theo quan niệm của Phật giáo nói chung và quan niệm của giáo lý Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng thì con người thường vướng vào “tam độc, gồm: tham độc, sân độc, si độc”

TÓM TẮT

Phật giáo Nam tông Khmer tồn tại lâu bền với người Khmer vùng Mê kông là do sự hòa hợp chặt chẽ giữa triết lý nhân sinh của Phật giáo với phong tục tập quán của cộng đồng người Khmer. Đó là sự pha trộn của các hình thức tín ngưỡng nhưng tư tưởng đạo đức nhân sinh Phật giáo Nam tông Khmer vẫn là dòng chủ lưu chi phối mạnh mẽ nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. 

Từ khóa: Nam tông, sự hòa hợp, triết lý nhân sinh, pha trộn, chủ lưu.

ABSTRACT

PERSONAL PHILOSOPHY THERAVADA BUDDHISM AND ITS INFLUENCE TO THE SPIRITUAL LIFE OF KHMER PEOPLE IN MEKONG REGION

The persistence of Khmer Theravada Buddhism with Khmer people in Mekong region is due to the tight integration between personal philosophy of Buddhism to the customs of the Khmer community. It is a mix of religious forms but human moral concepts of Khmer Theravada Buddhism remains the dominant mainstream to the cultural and spiritual life of the people here.

Keywords: Theravada, harmony, personal philosophy, mix, dominant mainstream.

1. Dẫn nhập

Phật giáo Nam tông đã du nhập vào Việt Nam vùng Mê kông hàng ngàn năm lịch sử đã được người Khmer đón nhận hết sức nồng nhiệt. Quá trình tồn tại và phát triển của Phật giáo Nam tông đã có những biến đổi nhất định cho phù hợp với văn hóa của người Khmer và từng giai đoạn lịch sử nhất định của dân tộc Việt Nam. Những quy định, Giới luật của Phật giáo đã xâm nhập vào cuộc sống của những người dân nơi đây, nó chứng tỏ sự hòa hợp chặt chẽ giữa triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông với lối sống của cộng đồng người Khmer ở vùng Mê kông. Trên tinh thần ấy, tư tưởng đạo đức nhân sinh Phật giáo Nam tông đã ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đời sống văn hóa của người Khmer vùng Mê kông.

2. Nội dung
2.1. Nội dung triết lý nhân sinh Phật giáo Nam tông

Đạo Phật ra đời vào thế kỉ VI Tr.CN ở Ấn Độ trên vùng đất thuộc Nepal ngày nay. Đây là thời kỳ phát triển cực thịnh của đạo Bà la môn cả về mặt tôn giáo lẫn vị trí chính trị - xã hội. Dân cư trong xã hội Ấn Độ cổ đại lúc này chia thành 4 đẳng cấp, sự phân biệt đẳng cấp vô cùng khắc nghiệt là nguyên nhân ra đời Phật giáo. Sự ra đời của Phật giáo gắn liền với tên tuổi người sáng lập là Thái tử Cồ đàm Tất Đạt Đa (Siddharta Gautama). Giáo lý cơ bản của Phật giáo Nam tông ở vùng Mê kông được thể hiện rõ nét trong Đại tạng kinh điển là Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận hay còn gọi là Tam tạng (Tripitaka).

Hạnh phúc là mục đích sống của mỗi con người và xã hội loài người, do vậy lẽ sống trở thành kết quả thiết thực nhất của nhận thức. Triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông vùng Mê kông được thể hiện trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Phật giáo Nam tông khuyên con người từ bỏ "tham, sân, si". Trên cơ sở lý giải những vấn đề cơ bản của đời sống con người như nguồn gốc, bản chất của con người, bản tính và lý tưởng sống của con người. Do vậy, những hoạt động sống của con người theo Phật giáo Nam tông là nấc thang của quá trình mà bản thân của con người tìm đến sự giác ngộ, đến sự giải thoát trong đời sống tinh thần. Trên quan điểm đó, các phật tử luôn phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp hơn.

Phật giáo luôn đề cao việc giảng dạy trực tiếp và chỉ cho chúng sinh tự xác định kết quả hành động của mình gây ra. Phật cho rằng, do chúng sinh vô lượng, tính dục lại khác, trí căn khác nhau nên khi thuyết pháp, đức Phật dùng các phương pháp khác nhau, thời pháp khác nhau để giảng dạy cho phù hợp. Toàn bộ những điều cốt yếu của Phật giáo, có thể tóm tắt bao gồm: Dukka (khổ), Sunyata (không), Amytya (vô thường), Anatman (vô ngã). Đời sống của đồng bào Khmer vùng vùng Mê kông luôn sống và gắn liền với Phật giáo.

Phật giáo quan niệm, tất cả mọi sự vật trong thế giới này đều do “nhân duyên” sinh ra, trong đó không có cái gì tồn tại tuyệt đối mà mọi cái đều “vô ngã, vô thường” kể cả cuộc đời con người. Phật giáo xem nhân duyên là cội nguồn của mọi sự vật, mọi sự sinh tồn. “Này các Tỷ kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sinh; sinh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên.

Như vậy, toàn bộ ngũ uẩn này là tập khởi. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là tập khởi”(Đại Tạng Kinh Việt Nam, 2000, tập 2, tr.. 10). Thân người hòa hợp, do tinh huyết cha mẹ cùng thần thức, góp bốn chất: Cứng, ướt, nóng, lạnh mà thành. Con người sinh ra bởi nghiệp nhóm các duyên hội họp làm thân người, chúng ta có thể khái quát thành bốn nhóm nghiệp đó là: Nghiệp quá khứ, nghiệp hiện tại, hoàn cảnh xã hội, tiềm ý của tự thân.

Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer thì sự hình thành của con người, của mỗi bản thân con người đó là do chính nghiệp (duyên khởi) mà bản thân con người đã tạo ra. Và chính cái tiền kiếp đó, cái nhân mà bản thân con người đã tạo ra trước đó thì hôm nay có một nghiệp mới, một con người mới đó chính là duyên mới hay duyên khởi mà chính bản thân con người hiện nay được thể hiện thông qua chính cuộc sống, cuộc đời của con người.
 
Để lý giải cho bản tính của con người, Phật giáo Nam tông Khmer đã cho rằng, con người khổ vì lòng dục. Mọi vật không đứng yên một chỗ mà luôn vận động. Do vậy, thân phút trước, không phải là thân phút sau. Con người thì tham được sống, mà con người cứ bị kéo dần về cõi chết. Mỗi cá nhân tồn tại được đức Phật ví như một loài hoa sen với những đặc điểm và tính cách khác nhau; có loài vượt qua khỏi mặt nước, chờ tiếp xúc ánh sáng mặt trời liền nở ngay ngày hôm nay. Bốn loại hoa sen này so sánh như 4 hạng người trong đời. (1) Hạng người có trí tuệ bậc thượng, bén nhạy. Khi nghe được tiền đề của chính pháp, chưa cần triển khai, bậc ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả và Niết bàn ngay tức khắc. (2) Hạng người có trí tuệ bậc trung. Khi nghe được tiền đề của chính pháp và triển khai, người ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả và Niết bàn. (3) Hạng người có trí tuệ bậc thường. Khi nghe tiền đề của chính pháp và triển khai xong, nhưng cần phải có thời gian thân cận, gần gũi với bậcThánh  nhân, bậc Thiện trí hướng dẫn chỉ dạy thêm, mới có thể chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả và Niết bàn trong kiếp hiện tại này. (4) Hạng người có trí tuệ kém. Dầu được nghe nhiều, học nhiều đi nữa, hay dầu thân cận với bậc Thiện trí, họ cũng chưa có thể chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả ngay trong kiếp hiện tại này. 

Bản chất của con người có thể bị thay đổi do những điều kiện khách quan và chủ quan tác động. Điều này cũng phần nào có thể làm thay đổi bản chất của con người. Trong bản chất của con người, theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer thì luôn bị chi phối và ảnh hưởng bởi danh, lợi, yêu, ghét, v.v… trong cuộc sống hằng ngày của mỗi con người. Chính những vấn đề trên đã ảnh hưởng đến bản chất của con người, đây cũng chính là yếu tố có thể phân biệt giữa người thiện và người ác. Khi con người thoát khỏi vô minh thì con người sẽ thoát khỏi nỗi đau trong cuộc sống của chính mình.

Phật giáo Nam tông Khmer luôn đề cao đạo đức và xác lập đạo đức trên mối quan hệ giữa người với người. Phật giáo Nam tông Khmer cho rằng, sự đạt tới cõi Niết bàn chính là việc thực hiện đạo đức của con người. Hết thảy đạo đức đều hướng tới giải thoát làm căn bản và căn cứ vào luật nhân quả “thiện nhân thiện quả, ác nhân ác quả”. Vấn đề thực hiện đạo đức, theo quan niệm của Phật giáo “từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến tất cả hạnh phúc của chúng sinh và loài hữu tình”(Đại tạng kinh Việt Nam, 1991, tập 1, tr.122); “sống thanh tịnh và không trộm cướp”.  Hay “từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt””(Đại Tạng Kinh Việt Nam, 1991, tập 1, tr.122), v.v… đó chính là đạo đức. Việc thực hiện đạo đức trong cuộc sống còn được thể hiện “từ bỏ các sự gian lận cân, tiền bạc và đo lường. Từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo. Từ bỏ làm thương tổn, sát hại câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá” (Đại tạng kinh Việt Nam, 1991, tập 1, tr. 124). Việc thực hiện đạo đức của con người cũng chính là việc thực hiện con đường Bát chính đạo. Đạo đức không chỉ tồn tại trong hiện tại mà cả trong quá khứ, tương lai, ngay trong luân hồi của cuộc sống mỗi con người.

Đạo đức theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer còn được thể hiện ở luật nhân quả. Do vậy, việc thực hiện đạo đức của con người là phải thực hiện hành vi là yêu thương nhau. Theo quan niệm của Phật giáo nói chung và quan niệm của giáo lý Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng thì con người thường vướng vào “tam độc, gồm: tham độc, sân độc, si độc”(Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2012, tr.1101) dẫn đến bất thiện. Bất thiện theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer còn được thể hiện trong lời nói của đức Phật đó là: “phẫn nộ là ác pháp, hiềm hận là ác pháp, giả dối là ác pháp và não hại cũng là ác pháp, tật đố là ác pháp và sân lấn cũng là ác pháp, ngoan cố là ác pháp, mạn là ác pháp và tăng thượng mạn cũng là ác pháp, kiêu là ác pháp và phóng dật cũng là ác pháp”(  Đại Tạng Kinh Việt Nam, 1992, tập 1, tr.38). Như vậy theo quan niệm về những điều bất thiện theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực cuộc sống con người, trong đó thể hiện trên ba phương diện đó là hành (hành động), khẩu (lời nói) và ý (tâm ý).

Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer thì việc thực hiện đạo đức đó chính là việc thực hiện những điều thiện của con người. Thực hiện điều thiện cũng đồng nghĩa đó là việc làm tốt, đối lập với điều ác. Thực hiện đạo đức của con người không chỉ thực hiện bằng tâm, hay khẩu mà phải thể hiện bằng chính những hành động hiện thực của chính bản thân con người. “Từ bỏ sát sinh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù phiếm là thiện, không tham dục là thiện, không sân là thiện, chính tri kiến là thiện”(Đại Tạng Kinh Việt Nam, 1992, tập 1, tr.133). Vì vậy, việc thực hiện đạo đức của Phật giáo Nam tông Khmer cũng chính là quá trình con người thực hiện, rèn luyện để có thể đạt tới Bát chính đạo.

Cái thiện còn được Phật giáo bàn rất nhiều nhưng cô động lại nó được đúc kết trong tư tưởng của tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả). Cái thiện được đặt trong hệ quy chiếu của luật Nhân quả để lý giải vì sao con người phải thực hiện nó trong đời sống của mình. Điểm chú ý ở đây là theo luật Nhân quả của Phật giáo Nam tông Khmer thì con người gieo nhân thiện chưa đủ mà còn phải biết gieo duyên thiện, tức là luôn quan tâm chăm sóc nhân thiện của mình cho hoàn chỉnh. Quan niệm đạo đức của Phật giáo còn được thể hiện thông qua hành, tâm, ý dù nó là sự biểu hiện có hình hay vô hình của mỗi con người. Đó chính là những quan niệm không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, v.v… được đức Phật thể hiện trong cuộc sống hằng ngày của con người, thông qua ngũ uẩn mà bản thân mỗi con người hành động. Đạo đức và thực hiện đạo đức không chỉ thể hiện trong bản thân của mỗi con người mà còn thể hiện sự tương quan giữa mỗi cá nhân với cá nhân và cá nhân trong xã hội. Đạo đức trong quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer còn được thể hiện ngay trong những hành động của cuộc sống hiện thực. Đó chính là thực hiện những chuẩn mực trong gia đình, người thân và bạn bè, v.v…

Trong mỗi cuộc sống của con người thì theo quan niệm của đức Phật đều xuất phát bởi hai yếu tố đó là hành động và tâm thức. Chính vì thế mọi khổ đau của con người đều được xuất phát từ “vô minh”. Trong “vô minh” thì “khổ uẩn” được xem là vấn đề cơ bản nhất trong cuộc sống khổ đau của con người. Đức Phật nói: “Này các Tỷ kheo, thế nào là đau khổ? Sắc là đau khổ, thọ là đau khổ; tưởng là đau khổ; các hành là đau khổ, thức là đau khổ. Đây này các Tỷ kheo, gọi là đau khổ”(Đại Tạng kinh Việt Nam, 2000, tập 3, tr.65). Trong đó, cội nguồn của mọi đau khổ trong bản thân con người đó chính là “khát ái”. Ba cái khổ trọng đại trong cuộc đời của con người thực ra đó chính là “vô minh” đó là thể hiện bản chất của tham, sân, si. Muốn diệt khổ phải biết “bỏ khát ái”, từ bỏ “vô minh”, để làm được điều đó thì con người có thể thực hiện không phải trong tư tưởng, hành động, lời nói và ý nghĩ. Vì theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer thì khổ đau của con người chính là ở bản thân con người chứ không ai khác, để thoát khỏi khổ đau thì bản thân của mỗi con người phải rèn luyện từ hành động, việc làm và tâm ý của con người. 

Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer thì trong mỗi kiếp người đều phải có những đau khổ và cũng có hạnh phúc. Đau khổ của kiếp người mà đức Phật nói đến đó là khổ uẩn và để diệt sự đau khổ của con người đức Phật đề ra con đường thực hiện đó chính là thực hiện Bát chính đạo. Con người muốn có hạnh phúc thì phải tận diệt khát ái và tận diệt vô minh.  

Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer về sự sống và cái chết của mỗi con người thì không tách rời nhau, bởi nó nằm trong toàn bộ khổ uẩn, luân hồi, nhân quả. Trong khổ uẩn thì duyên khởi được xem là khởi đầu của toàn bộ của sự sống và cũng chính duyên khởi là sự kết thúc của sự sống. Trong đó, khởi đầu của sự sống thực chất đó là kết quả của Nghiệp (duyên khởi) của tiền kiếp trước. Mỗi một con người đều có một thân phận nhất định, đó là tính tất nhiên của sinh mệnh: từ lúc sinh ra cho đến chết đi, con người luôn hoạt động không ngừng. Trong quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam bộ thì sự sống và cái chết là không có giới hạn nhất định mà nó chính là một quá trình liên hồi, liên tục giữa nhân - quả luân hồi, giữa kiếp này và kiếp sau nằm trong vòng “luân hồi” của con người. 

Qua sự tìm hiểu về Phật giáo Nam tông Khmer, chúng ta thấy trong mỗi cuộc đời người Khmer, từ lúc được sinh ra cho đến chết đi đã chịu sự chi phối và ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo. Điều đó được thể hiện trong triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông Khmer như; tinh thần nhập thế trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Khmer ở Nam bộ; trong giá trị đạo đức trong cuộc sống đời thường của con người; tính từ, bi, hỷ, xả trong đời sống xã hội.

2.2. Những ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến đời sống tinh thần người Khmer vùng Mê kông 

Đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở vùng Mê kông luôn chịu sự chi phối mạnh mẽ và sâu sắc của triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông Khmer. Nó được thể hiện trong tư tưởng của đời sống văn hóa tinh thần. Người Khmer vùng mê kông bị chi phối một cách mạnh mẽ bởi tôn giáo và họ tin rằng đức Phật luôn hiện diện bên cạnh. Chính vì thế, Phật giáo Nam tông Khmer đã trở thành “sợi giây vô hình” để kết nối mọi thành viên trong cộng đồng phum, sróc. Đối với người Khmer vùng Mê kông thì triết lý sống của Phật giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, trở thành triết lý sống của mỗi con người nơi đây. Khi vừa chào đời đến khi chết đi họ là một tín đồ của Phật giáo. Chính vì thế, đối với người Khmer vùng Mê kông luôn đề cao triết lý sống của đạo Phật. 

Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến đời sống tinh thần người Khmer vùng Mê kông trong tín ngưỡng, phong tục, tập quán. Người Khmer vùng Mê kông không chỉ theo Phật giáo Nam tông Khmer mà còn tin theo các lực lượng siêu nhiên thần bí khác. Tuy nhiên, Phật giáo là yếu tố quan trọng nhất bởi nội dung triết lý nhân sinh Phật giáo rất gần gũi với phong tục tập quán của con người nơi đây. Phong tục tập quán của người Khmer kết hợp với giáo lý Phật giáo Nam tông tạo nên một nét văn hóa riêng của người Khmer vùng Mê kông. Giáo lý Phật giáo Nam tông Khmer đã hòa nhập vào cuộc sống của người Khmer vùng Mê kông lâu dần trở thành triết lý sống của người Khmer vùng Mê kông. Việc tu của thanh niên Khmer vùng Mê kông ở chùa không những là nơi trao dồi đạo đức mà còn là trường đào tạo văn hóa và nghề nghiệp. Mỗi ấp đều có một ngôi chùa, có sư trụ trì và tất cả các nghi lễ trong ấp đều có sự tham dự của nhà chùa. 

Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đến đời sống tinh thần người Khmer vùng mê kông trong lễ hội. Đối với cộng đồng người Khmer ở vùng Mê kông từ khi sinh ra đến khi chết đi, cuộc sống của mỗi người dân Khmer vùng Mê kông luôn gắn chặt với một ngôi chùa. Các công việc gắn với cá nhân hay tập thể đều chịu ảnh hưởng từ triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông Khmer. Sinh hoạt hằng ngày cùng với mọi ứng xử của họ trong cuộc sống và đời sống văn hóa tinh thần vẫn do Phật giáo Nam tông Khmer chi phối mạnh mẽ và chủ yếu. Có thể nói, Phật giáo Nam tông Khmer đã tạo nên sắc thái văn hóa riêng mang đậm dấu ấn Phật giáo nguyên thủy. Ở đó, ngôi chùa chính là cầu nối giữa triết lý nhân sinh Phật giáo Nam tông Khmer với cộng đồng của người Khmer vùng Mê kông. Con người ở đây tin rằng, làm phước được phước, gieo nhân lành được quả lành.

3. Thay lời kết

Phật giáo Nam tông Khmer với những quan điểm về nhân sinh quan sâu sắc đã tác động vào mạnh mẽ đến văn hóa của cộng đồng người Khmer. Triết lý về nhân quả, vị tha, thương yêu muôn loài, phát khởi tâm lành, và báo hiếu, v.v… của Phật giáo Nam tông đã trở thành phương châm sống cho đồng bào Khmer. Sự ảnh hưởng sâu sắc của triết lý nhân sinh Phật giáo cùng với truyền thống dân tộc Việt Nam tạo nên những giá trị nhân bản cho người Khmer.

Triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông Khmer đã tác động đến tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội. Việc nghiên cứu triết lý nhân sinh của Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đồng bào dân tộc Khmer vùng Mê kông sẽ tạo cơ sở xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Đồng thời giúp Đảng và Nhà nước đưa ra chủ trương, chính sách phù hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đạo đức Phật giáo Nam tông Khmer vùng Mê kông.

Võ Văn Dũng/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6/2015
-
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Đại tạng kinh Việt Nam. (1991). Kinh Trường bộ. Tập 1. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
Đại tạng Kinh Việt Nam. (1992). Kinh Trung bộ. Tập 1. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
Đại Tạng Kinh Việt Nam. (2000). Kinh Tương ưng bộ. Tập 2. Nhà xuất bản. Tôn giáo.
Đại tạng kinh Việt Nam. (2000). Kinh Tương ưng bộ. Tập 3. Nhà xuất bản. Tôn giáo.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2012). Từ điển Phật học Hán Việt. Nhà xuất bản. Khoa học xã hội: Hà Nội.
Võ Văn Dũng. (2012). Một số giá trị đạo đức Phật giáo và ý nghĩa của nó hiện nay. Tạp chí khoa học. Trường Đại học Đồng Tháp, số 1.
Võ Văn Dũng . (2015). Sự dung hợp đạo đức Phật giáo với phong tục tập quán người Nam bộ ở Việt Nam. Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 2-2015.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm