Sám hối và chuyển hóa tội bất hiếu với cha
Một khi hiểu rõ về mối quan hệ giữa nghiệp riêng và nghiệp chung của các thành viên trong gia đình thì chúng ta mới phần nào hiểu được cái cơ chế và hoàn cảnh hiện tại của gia đình mình. Tại sao có những gia đình con cái luôn hiếu thuận, ngược lại có gia đình con cái bất hiếu?
Hỏi:
Tôi là Phật tử đã quy y Tam bảo được hai năm. Dù tinh tấn tu học nhưng tôi thấy mình còn nhiều phiền não tham sân si lắm, đặc biệt là mối quan hệ giữa tôi và cha không thuận hòa, hay khắc khẩu và bất đồng quan điểm với nhau trong nhiều chuyện. Tuy vậy, tận đáy lòng tôi rất thương cha. Tôi đã chấp nhận làm một công việc không thích suốt 10 năm để có tiền lo cho cha mẹ.
Cha cần xe cộ hay các phương tiện sinh hoạt khác tôi đều ủng hộ, tìm cách đáp ứng. Tôi còn thầm cầu xin Phật cho cha biết đến Phật pháp. Nhiệm mầu thay khi tôi trì chú Đại bi, cha tôi học thuộc và tụng theo rất rõ, tôi vui lắm. Có điều mặc dù cha đã biết đến Phật pháp nhưng bản tính tham lam, cộc cằn, thô lỗ, ích kỷ thì vẫn không bỏ. Tôi đã chắt chiu dành dụm để giúp cha và thậm chí có nhiều lúc phải gặp khó khăn, túng thiếu. Rồi đến lúc hai cha con bất đồng quan điểm, tôi đã khởi lên ý niệm ghét cha, thậm chí có những lời nói bất hiếu với cha.
Tôi biết mình làm vậy là mang tội, bây giờ tôi phải làm sao? Tôi phải chuyển hóa ý niệm ghét cha của mình như thế nào? Tôi thấy mình đang ghét cha nhiều hơn và không muốn quan tâm đến cha nữa. Tôi biết vậy là tội lỗi lớn, nhất là khi mùa Vu lan đang đến gần. Có cách nào để cha tôi quy y Tam bảo không? Có cách nào để cha tôi hội đủ duyên lành gặp được vị cao tăng nào đó để khai thông tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ và biết sống cho người khác không?
(Câu hỏi được gửi từ bạn Linh Tâm)
Đáp:
Bạn Linh Tâm thân mến!
Mỗi gia đình đều có một hoàn cảnh riêng, là cộng nghiệp (nghiệp chung) của chính các thành viên trong gia đình ấy. Có những cộng nghiệp tốt, duyên lành tái hợp, gia đình hiếu thuận hạnh phúc an vui. Có những cộng nghiệp trung tính tốt xấu lẫn lộn. Và cá biệt có những cộng nghiệp hoàn toàn không tốt, oan gia gặp gỡ. Dù cho bất cứ cộng nghiệp nào, người Phật tử có chánh kiến cần hiểu rõ rằng mình và các thành viên khác trong gia đình đang thừa tự nghiệp lực của chính mình.
Nghiệp có cũ và mới. Chúng ta sinh ra ở đời có nhiều quyền lựa chọn nhưng không có quyền lựa chọn cha mẹ cho mình nên cha mẹ được xem là nghiệp cũ của con cái. Do nghiệp duyên nhiều đời trong quá khứ đun đẩy ta làm con của cha mẹ. Không hề ngẫu nhiên, cũng không hề do ông trời, thần linh hay thượng đế nào bắt ta phải làm con của cha mẹ mà do biệt nghiệp (nghiệp riêng) của ta và cộng nghiệp với cha mẹ, anh em làm nên. Câu nói cửa miệng trong dân gian Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp chướng phản ánh phần nào mối quan hệ giữa nghiệp cũ và nghiệp mới, giữa biệt nghiệp và cộng nghiệp hình thành nên gia đình trên cả hai phương diện hạnh phúc hay khổ đau.
Một khi hiểu rõ về mối quan hệ giữa nghiệp riêng và nghiệp chung của các thành viên trong gia đình thì chúng ta mới phần nào hiểu được cái cơ chế và hoàn cảnh hiện tại của gia đình mình. Tại sao có những gia đình con cái luôn hiếu thuận, ngược lại có gia đình con cái bất hiếu? Tại sao có những gia đình cha mẹ hằng thương con, trái lại có những gia đình cha mẹ lại ngược đãi chính con cái của mình?
Mặt khác, trong quan hệ giữa nghiệp cũ và mới, nghiệp cũ thì không thay đổi được (như hoàn cảnh, tính cách… của cha mẹ) nhưng nghiệp mới thì mỗi cá nhân trong gia đình hoàn toàn có thể chủ động tạo ra theo ý mình. Nghiệp mới có năng lực vô cùng mạnh mẽ, có thể tác động lên nghiệp cũ, giúp chuyển hóa nghiệp cũ trở nên thiện lành, tích cực hơn. Ví dụ như cả nhà ai cũng nóng nảy (do nghiệp cũ sân hận nhiều) nhưng khi mỗi người có ý thức về chuyển hóa nghiệp sân, cố gắng kiềm chế, học cách nuôi dưỡng tâm từ (tạo nghiệp mới yêu thương, nhường nhịn) thì gia đình sẽ ổn hơn.
Sau khi hiểu rõ cái bản chất của gia đình nói chung rồi, bây giờ bạn ngồi lại lắng lòng suy ngẫm, xem xét kỹ bản chất của gia đình mình. Theo như bạn đã chia sẻ thì bạn vốn rất thương cha, siêng năng làm lụng và tìm mọi cách để giúp đỡ cha mẹ. Như vậy bạn đã có tâm hiếu và thực hành được một số hạnh hiếu. Mặt khác cha mẹ của bạn cũng thương bạn, vui nhận sự giúp đỡ từ bạn. Vấn đề bạn cần lưu tâm ở đây là tuy có thương nhau nhưng chưa thực sự hiểu nhau. Trong khi thương và hiểu tuy hai mà một, chúng cần phải nương tựa vào nhau, nâng đỡ lẫn nhau thì mới bền vững.
Dù thương cha nhưng bạn thì “còn nhiều phiền não tham sân si lắm” và cha của bạn thì “bản tính tham lam, cộc cằn, thô lỗ, ích kỷ vẫn không bỏ”. Cần thẳng thắn nhìn nhận là cả cha và bạn đều còn nhiều tập khí xấu. Bạn thương và giúp cha nhiều nhưng thực chất là bạn chưa hiểu và thương tự ngã của mình hơn, nên khi cha làm điều trái ý thì bạn giận rồi buông lời hỗn hào bất hiếu. Đây chính là mấu chốt của vấn đề bất hiếu của bạn. Bạn có biết rằng sự giúp đỡ cha mẹ của bạn vẫn luôn nhỏ nhoi, thậm chí nếu bạn tận hiếu cả đời cũng không báo đáp đủ ân sâu sinh dưỡng của cha mẹ.
Cũng may là bạn đã nhận ra những suy nghĩ và nói năng như thế với cha là bất hiếu, tội lỗi. Người Phật tử nếu tự xét thấy (hoặc có người chỉ cho thấy) có lỗi thì vui vẻ nhận lỗi và thành tâm sám hối. Tự thân bạn đã biết lỗi bất hiếu là điều tốt. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn gặp cha và nói lên lời hối lỗi chân thành với cha mình, mong cha tha thứ và nguyện không tái phạm. Chúng tôi tin rằng sự mầu nhiệm sẽ xảy ra, cảm xúc yêu thương thật sự vỡ òa khi bạn và cha nói lên được lời chân thật, tiếng nói thật sự của hiểu và thương. Tình cha con linh thiêng và cao cả lắm, hãy mở lòng cho suối nguồn hiểu biết và yêu thương ấy phun trào, tưới tẩm làm ấm dịu mát những cõi lòng sa mạc.
Chỉ cần bạn làm được điều như đã nói thôi thì gương vỡ lại lành, ý niệm ghét cha trong bạn sẽ tan biến. Mặt khác, bạn nên suy nghĩ nhiều hơn về sự vô thường. Quỹ thời gian cho bạn bên cha cũng không còn nhiều nữa. Đừng để những giận hờn, hờ hững, thiếu quan tâm cướp đi thời gian quý báu của bạn. Đừng để một mai khi bạn muốn làm điều gì đó cho cha mà không thể vì người đã đi rồi. Bạn nên quán niệm như thế để biết rằng công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ như trời biển. Phận làm con thì phải báo đền. Vợ (chồng), bè bạn hư hay không hợp có thể bỏ để tìm người mới, còn cha mẹ thì không. Phải tu học để chuyển nghiệp cho mình và cho cha mẹ.
Nếu bạn giúp cha quy y Tam bảo, xả bỏ những tâm niệm xấu xa mà hướng thiện, biết sống vì người thì bạn đích thực là người con chí hiếu. Thiết nghĩ, bạn chính là một trong những người có thể giúp cha quy hướng Tam bảo thông qua đời sống đạo đức, hiếu thảo của người Phật tử chân chính. Mặt khác, không ai có thể khai thông tư tưởng xả buông, hoan hỷ, vị tha cho cha bạn bằng chính sự tự ngộ, tâm tự thức tỉnh. Sự trọn hiếu của bạn, sự tu tập chuyển hóa của bạn và hồi hướng công đức cho cha sẽ góp phần thức tỉnh và chuyển hóa sâu sắc tâm tánh của cha cũng như những người thân trong gia đình.
Chúc bạn tinh tấn!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Phật giáo thường thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Phật giáo thường thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Phật giáo thường thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Phật giáo thường thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm