Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 12/01/2023, 22:39 PM

Thắc mắc về thiền vipassanā

Xin sư ông chỉ dạy cách hành thiền của con có phải là vipassanā không!

Câu hỏi:
Thưa sư ông, vì nhiều lý do, con chưa có cơ hội được đi hành thiền nhiều dưới sự chỉ dạy của các thiền sư. Đa phần những pháp học pháp hành con biết được là do đọc từ sách và học hỏi từ nhiều nguồn rồi tự chắt lọc.
Cuối năm 2017 con có xin đến Viên không Ni tá túc. Tại đây, sau khi gặp gỡ, sư cô Liễu Pháp chỉ nói với con hai điều:
1. Cần nghĩ gì cứ nghĩ cho chín chắn thì đó là chánh tư duy.
2. Tất cả chỉ là một chữ Buông.
Con đã dùng những ngày ngắn ngủi trong vườn nhãn Viên Không Ni để nhắm mắt và nghĩ thấu đáo những điều cần nghĩ. Con không quan sát hơi thở nhiều, mà chỉ liên tục nhìn kĩ vào những điều trồi lên trong tâm và truy tìm gốc rễ của nó. Dù không đạt được nhiều thành tựu, con thấy mình bắt đầu biết tự soi xét mình hơn và đi những bước đầu tiên quan sát tâm mình mỗi khi thấy sân giận tham lam nổi lên.
Sau khi trở về từ Viên Không Ni, con cố gắng duy trì chánh niệm tỉnh giác trong các hoạt động và ngồi thiền hai thời một ngày theo Kinh 16 phép quán niệm hơi thở. Con tự thấy mình hay đi qua 4 phép quán thân rất nhanh và dừng lại lâu hơn hơn 4 phép quán thọ. Con vẫn bám vào các đề mục trồi lên trong tâm, tiếp tục tư duy thấu đáo để hiểu rốt ráo vấn đề đang làm con bận lòng.
Sau những lúc “chánh tư duy” này con không còn bị đề mục đó làm cho đau khổ quá nhiều nữa. Cứ mỗi lần hành thiền con lại thấy mình bớt đi một chút phiền não phán xét (dù không nhiều). Con không hiểu có thể dùng từ “thoả mãn” trong trường hợp này không vì khi quán chiếu đến một mức nào đó thì con không còn bị đề mục này quấy rối nữa và con thấy tâm mình an lạc, không bị buộc phải nghĩ gì nữa. Trạng thái này lâu nhất kéo dài được khoảng 5 phút, đôi khi chỉ được 1 phút, đôi khi chỉ được mấy giây.
Sự an lạc này làm con dính mắc, những lần ngồi thiền sau con hay cố tìm lại cảm giác đó.
Đến lúc con sinh con .
Việc duy trì chánh niệm tỉnh giác của con theo thời gian cũng yếu dần và gần như mất hẳn. Ngày ngày con chỉ nhận ra mình đang thất niệm, và mọi việc chỉ dừng ở đó.
Cho đến gần đây con bắt đầu nghe pháp trở lại. Con cảm thấy thoả mãn khi nghe pháp của sư ông, đọc sách của thiền sư Ajahn Chah và đặc biệt là loạt vi diệu pháp của sư cô Tâm Tâm vì nó giúp con giải đáp nhiều thắc mắc về Pháp Học.
Trong thời gian nghe pháp này, dù không hành thiền, con thấy mình hiểu ra được nhiều điều một cách rất tự nhiên. Trong lúc đang cho con trai con ngủ, con bỗng hiểu ra sự luyến ái mù quáng của con đối với những người ruột thịt và một cách rất nhanh chóng, nỗi đau về gia đình đã chi phối con suốt ba mấy năm trời biến mất. Con lấy đà này để quán chiếu sâu thêm và chỉ mấy ngày sau con thấy mình không còn phiền não về những đau khổ đã diễn ra trong quá khứ nữa.
Con cũng tranh thủ hùng lực này để đẩy mạnh chánh tư duy và thoát được một nỗi sợ hãi đã chi phối con suốt 10 năm qua. Bây giờ con có thể đối diện với nó hàng ngày mà sợ hãi không nổi lên nữa.
Con được đà tranh thủ tiếp tục quán chiếu về nỗi hãi hùng đối với những bất trắc trong tương lai, lòng tham của con đối với tiền bạc và trong nỗ lực tột cùng, con thấy mình đã gột được phần nào những mảng thô ráp của lòng tham, sân hận. Con tự nhủ mình rằng: NẾU NHỮNG ĐAU KHỔ TRONG QUÁ KHỨ ĐÃ KHIẾN TA TRƯỞNG THÀNH, CÓ LÝ DO GÌ ĐỂ SỢ HÃI NHỮNG BẤT TRẮC TRONG TƯƠNG LAI?
Hiện giờ con thấy lòng nhẹ nhõm, không có nhiều tham lam, phán xét, ghét bỏ… Con cho rằng con đã đạt được một thành tựu nhỏ trong quá trình tự sửa mình.
Tuy nhiên những điều đó diễn ra khi con đang làm việc.
Khi ngồi xuống hành thiền con không biết phải làm gì nữa. Pháp “chánh tư duy” đã áp dụng giờ đây không còn hiệu quả với con. Theo kiến giải hạn hẹp của con thì có lẽ là do trong con không còn những phiền não quá thô ráp nữa. Con cần được một thiền sư chỉ dạy để đi bước tiếp theo.
Nhiều thiền sư Theravada nói rằng khi hành thiền hãy quan sát hơi thở ra vào nơi đầu mũi hoặc phồng xẹp nơi bụng và đừng chệch khỏi đề mục đó, dù tâm có đi đâu cũng nhớ đưa nó quay về. Đạt được bước khởi đầu này rồi hãy bắt đầu quán chiếu.
Đây chính là điểm con thắc mắc. Bởi có nhiều thiền sư khác cũng nói rằng đừng bám vào một đề mục mà hãy quán chiếu tất cả những đề mục trồi lên trong tâm.
Con cũng đọc được bài pháp của sư ông nói rằng nếu chỉ thuần ghi nhận hơi thở thì đó là thiền định, không phải vipassanā.
Sư ông xót thương chỉ dạy giúp con:
1. 16 phép quán niệm hơi thở mà con đã hành có phải là kĩ thuật thiền vipassana không?
2. Con thường bắt đầu bằng hơi thở nhưng không kết thúc bằng hơi thở mà quán chiếu những đề mục khác trồi lên trong tâm, kĩ thuật đó có đúng không?
3. Con rất mong được diện kiến sư ông nhưng dịch kéo dài con chưa vào Vũng Tàu được. Với tình trạng của con hiện tại thì con nên làm gì để có thể tiếp tục tự hành thiền tại nhà?
Con tạ ơn sư ông đã dành thời gian từ bi lân mẫn!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời:

Sư ông không trả lời những câu hỏi của con. Chỉ nói vắn tắt thế này thôi: Con còn loay hoay áp dụng cái gọi là pháp học và pháp hành. Trong quá trình áp dụng pháp học pháp hành của con, những kết quả nhận ra sự thật và đoạn giảm được những sai lầm lại không phải từ nỗ lực thực hành đó, mà là qua trải nghiệm thực tế đời sống.

Chính nỗ lực thực hành đã làm trở ngại thấy biết trung thực của con. Bây giờ, tốt nhất là buông hết pháp học pháp hành mà con đã vay mượn đi, chỉ đơn giản sống tự nhiên để trải nghiệm chiêm nghiệm lại chính mình trong mọi hoạt động đời sống thì mới giác ngộ sự thật một cách sáng tạo được. Giác ngộ không bao giờ làm nô lệ cho bất cứ cái gọi là "kỹ thuật" nào.

Theo: Trung tâm Hộ tông

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tự tánh của tâm và biểu hiện của tâm

Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 08:48 20/11/2024

Thầy ơi cho con hỏi, khi nào gọi là tâm, khi nào là không có tâm? Sao có lúc thì là tâm, có lúc không phải là tâm, con không hiểu, xin Thầy hoan hỉ trả lời giúp con.

Hội đủ 5 yếu tố tạo nên nghiệp sát

Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 19:40 19/11/2024

Hỏi: Con muốn hỏi Thầy về giới, Thầy cho con hỏi sử dụng xà bông, nước rửa chén, kem đánh răng hay bột giặt có phải là phạm giới sát sanh? Hồi xưa thời của đức Phật không có những thứ này nên các vị thời đó nếu muốn giữ giới đều có thể hoàn hảo có phải không Thầy?

Hiểu rõ hai chữ "căn tu"

Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 13:46 16/11/2024

Thưa Thầy, làm thế nào để nhận biết một người có “căn tu” ạ?

“Chỉ khi nào không mong cầu gì thì vạn sự mới như ý”

Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 11:00 15/11/2024

Hỏi: Kính thưa Thầy, thật sự thì pháp đang muốn chỉ ra cho con bài học gì vậy Thầy?

Xem thêm