Tại sao một quốc gia Phật giáo là quốc giáo lại xảy ra thiên tai động đất?

Phật giáo không dạy rằng một quốc gia có nhiều Phật tử sẽ được miễn trừ khỏi thiên tai, mà mọi sự kiện trên thế gian đều vận hành theo quy luật nhân quả.

Tại sao một quốc gia Phật giáo là quốc giáo lại xảy ra thiên tai động đất? 1
Một góc Myanmar trước khi có động đất.

Myanmar là một quốc gia đa tôn giáo, trong đó Phật giáo giữ vai trò chủ đạo. Theo số liệu từ cuộc điều tra dân số năm 2014, khoảng 88% dân số Myanmar theo Phật giáo, đặc biệt là các nhóm dân tộc như Bamar, Rakhine, Shan, Mon, Karen và Hoa. Các nguồn khác cũng cho biết tỷ lệ này dao động từ 87,9% đến 89,3%.

I) Tại sao một đất nước như Myanmar, với gần 90% dân số theo đạo Phật, giữ giới tu hành mà lại xảy ra thiên tai động đất?

Đây là một câu hỏi quan trọng và thường được đặt ra khi có thiên tai xảy ra ở những quốc gia có truyền thống Phật giáo mạnh mẽ như Myanmar. Để hiểu rõ vấn đề này, ta cần phân tích theo quan điểm nhân quả trong Phật giáo.

Phật giáo không dạy rằng một quốc gia có nhiều Phật tử sẽ được miễn trừ khỏi thiên tai, mà mọi sự kiện trên thế gian đều vận hành theo quy luật nhân quả. Động đất, bão lũ hay dịch bệnh không phải là sự trừng phạt của thần linh hay sự mất lòng tin của con người, mà là kết quả của nhiều nhân duyên khác nhau.

A. Nghiệp quả chung (cộng nghiệp) và nghiệp quả riêng (biệt nghiệp)

 • Cộng nghiệp (Samasatti-kamma): Là nghiệp chung của một nhóm người, một quốc gia, hoặc thậm chí một thế giới. Thiên tai thường là kết quả của cộng nghiệp mà nhiều chúng sinh cùng tạo ra trong nhiều đời trước.

 • Biệt nghiệp (Puggalasatti-kamma): Là nghiệp riêng của từng cá nhân. Dù sống trong một khu vực có thiên tai nhưng một số người có thể thoát nạn, hoặc chịu hậu quả nhẹ hơn.

Ví dụ: Trong một trận động đất, có người chết, có người bị thương, có người may mắn thoát nạn. Điều này không phải ngẫu nhiên mà là do biệt nghiệp của mỗi người chi phối.

B. Thiên tai và quả báo của bất thiện nghiệp

Theo kinh điển, thiên tai có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân bất thiện trong quá khứ, chẳng hạn như:

 1. Sát sinh hàng loạt: Khi một cộng đồng hay quốc gia trong quá khứ từng giết hại nhiều sinh mạng (cả con người và động vật), nghiệp sát này có thể trổ quả dưới dạng thiên tai.

 2. Tàn phá thiên nhiên: Hủy hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh thái có thể dẫn đến thiên tai theo nguyên lý nhân quả.

3. Chiến tranh và bạo lực: Một đất nước có quá khứ nhiều chiến tranh, xung đột, có thể tạo nghiệp chung dẫn đến thiên tai và bất ổn.

 4. Bất thiện nghiệp trong nhiều đời trước: Đôi khi thiên tai không phải chỉ từ nghiệp của kiếp này mà còn là quả báo từ nhiều kiếp trước.

Ví dụ: Trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavatti Sutta), Đức Phật dạy rằng khi con người suy đồi về đạo đức, sát sanh, trộm cắp, tà hạnh gia tăng, thì thiên tai, chiến tranh và dịch bệnh cũng gia tăng, dần dần hai pháp trắng sẽ biến mất, và con người giảm xuống còn khoảng 10 tuổi, một nạn binh đao sẽ xảy ra, và kẻ ác sẽ chết, một số người trí vào rừng sau đó ra ôm lấy nhau và giữ giới dần dần tuổi thọ lại tăng…

Tại sao một quốc gia Phật giáo là quốc giáo lại xảy ra thiên tai động đất? 2
Động đất đã phá hủy nhiều công trình lịch sử, cập nhật đến 2/4, số người tử vong lên đến hơn 2.700 và có thể tăng lên 3.000 - nguồn tin AFP. 

II. Myanmar và cộng nghiệp dẫn đến thiên tai

Myanmar là một quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời, nhưng không có nghĩa tất cả người dân đều hoàn toàn trong sạch về nghiệp. Những điều sau đây có thể là một phần của cộng nghiệp đưa đến thiên tai:

 • Xung đột kéo dài: Myanmar đã trải qua nhiều cuộc chiến, xung đột nội bộ suốt nhiều thập kỷ, dẫn đến nghiệp sát sinh rất lớn.

 • Sát hại động vật: Ở nhiều nơi, việc giết hại động vật vẫn diễn ra với số lượng lớn. Đây cũng là một nhân gây ra thiên tai theo quan điểm nghiệp báo.

 • Tàn phá thiên nhiên: Nạn phá rừng, khai thác tài nguyên quá mức có thể làm mất cân bằng tự nhiên, tạo điều kiện cho thiên tai xảy ra.

Do đó, dù nhiều người tu hành chân chính, nhưng cộng nghiệp từ quá khứ và hiện tại của toàn dân tộc vẫn có thể trổ quả, dẫn đến động đất và các thảm họa khác.

1. Ví dụ về cộng nghiệp

(a) Thiên tai - động đất, sóng thần, lũ lụt

 • Khi một khu vực chịu trận động đất lớn, Sóng thần ở Tōhoku, Nhật Bản (2011) - khoảng 18.000 người chết, Sóng thần Ấn Độ Dương (2004) - khoảng 230.000 người chết.

 • Nguyên nhân: Động đất mạnh 9,1-9,3 độ richter ở ngoài khơi bờ biển Sumatra, Indonesia.

• Thiệt hại: Sóng thần cao tới 30 mét tấn công 14 quốc gia, gây tử vong hàng loạt, đặc biệt ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan. Đây là một trong những thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại...vv , hàng ngàn người bị mất nhà cửa, tài sản và sinh mạng. Những người sống trong vùng đó có thể đã từng gây tổn hại đến môi trường, phá rừng, sát sinh hàng loạt hoặc tạo nghiệp chung nào đó trong quá khứ, dẫn đến cộng nghiệp bị thiên tai phá hoại.

 • Tuy nhiên, trong cùng một trận động đất hay sóng thần, có người bị thương nặng, có người mất mạng, nhưng cũng có người sống sót kỳ diệu – điều này liên quan đến biệt nghiệp của mỗi cá nhân.

(b) Chiến tranh và biến động xã hội

 • Một đất nước trải qua chiến tranh liên miên, dân chúng chịu cảnh đau khổ, đói khát, chia lìa. Điều này có thể là do cộng nghiệp của nhiều thế hệ từng gieo nhân bạo động, gây chiến, hoặc không biết giữ gìn hòa bình.

 • Trong chiến tranh, có người bị chết, có người mất tài sản, nhưng cũng có người lại phát triển thịnh vượng ngay giữa thời loạn – đây chính là sự khác biệt giữa cộng nghiệp và biệt nghiệp.

(c) Đại dịch - bệnh tật lây lan

 • Một đại dịch toàn cầu làm hàng triệu người tử vong như Covid-19. Điều này có thể là cộng nghiệp chung của nhân loại do tạo nghiệp sát sinh quá nhiều (chẳng hạn như giết hại động vật để tiêu thụ quá mức, hủy hoại môi trường sống).

• Nhưng trong đại dịch, có người bị nhiễm bệnh nhưng khỏi nhanh chóng, có người không bị nhiễm dù tiếp xúc gần, có người dù được chữa trị nhưng vẫn không qua khỏi - đó là biệt nghiệp của từng cá nhân.

Tại sao một quốc gia Phật giáo là quốc giáo lại xảy ra thiên tai động đất? 3

“Người trí không than khóc khi có thiên tai, mà dùng đó làm bài học để quán chiếu về vô thường và nỗ lực hơn trên con đường giải thoát.”

Mahā Tissa

(d) Câu chuyện cụ thể trong Phật giáo hồi Đức Phật còn hiện tiền, vì câu chuyện này rất dài, tôi khuyến khích quý vị đọc trong bộ Đại Phật Sử của Ngài Mingun Sayadaw cuốn số 5. Dưới đây là tóm tắt ý chính:

Thái tử Viṭaṭūbha sau khi lên ngôi vua đã nhớ lại mối hận thù với dòng Thích Ca. Vị ấy rời kinh đô dẫn theo độ binh để khiêu chiến và tiêu diệt những người Thích Ca. Vào sáng sớm, Đức Phật quán xét thế gian bằng Phật nhãn của Ngài và thấy tai họa sắp xảy đến với dòng Thích Ca, quyến thuộc của Ngài. Ngài nghĩ điều thích hợp là bảo vệ quyến thuộc của Ngài. Bởi vậy, sau khi đi khất thực, Ngài nghỉ trong Hương Phòng, trong tư thế cao quý (như con sư tử) nằm nghiêng về bên phải. Lúc chiều tối, Ngài đi đến Kapilavatthu bằng con đường hư không, Ngài ngồi dưới một cội cây đã rụng hết lá, trong vuông đất của kinh thành Kapilavatthu…v.v… Sau khi giết hại hết dòng họ Thích Ca, vua Vitatũbha đã bắt ông ngoại mình là vua Mahanama ngồi ăn cùng.

Vua Viṭaṭūbha ngồi chờ ông ngoại của mình trở lại: “Ông ấy sẽ trở lại”. Nhà vua luôn miệng tự nhủ. Nhưng nhà vua chờ đợi khá lâu.“Có điều gì không ổn rồi” - vị ấy suy nghĩ rồi sai quân lính lội, lặn xuống hồ và tìm kiếm khắp hồ. Khi trời đã trở tối, nhà vua sai mọi người bằng mọi khả năng đi tìm khắp nơi, soi đèn khắp mọi ngõ ngách. Sau khi đã tìm kiếm khắp nơi mà không thấy, cho rằng ông ngoại đã bỏ trốn nên đức vua cùng binh sĩ rời khỏi nơi ấy lên ường.

Đức vua Viṭaṭūbha đến con sông Acaravatī vào lúc trời sẫm tối, đã quá trễ để đi vào thành phố. Thế nên, đức vua và quân binh bèn cắm trại qua đêm ở trên bờ sông. Một số quân binh nằm trên bờ cát để nghỉ trong khi số khác nằm trên chỗ cao hơn.

Trong những người thuộc nhóm thứ nhất, có một số chưa phạm ác nghiệp trong quá khứ.

Trong nhóm thứ hai, có một số đã phạm các ác nghiệp trong quá khứ. Chuyện xảy ra với hai nhóm người tựa như những đàn mối không thể ở qua đêm nên chúng phải di dời đến chỗ mới. Những người không tạo ác nghiệp trong quá khứ mà đang nằm trên bờ cát, thì cảm thấy cần phải đến chỗ đất cao. Còn những người đã tạo các ác nghiệp trong quá khứ đang nằm chỗ đất cao, thì thấy cần đi xuống bờ cát. Sau khi mọi người đã đổi chỗ như vậy, thì những đám mây đen nghịt kéo đến rồi thình lình một cơn lũ lớn tràn xuống làm ngập cả hai bờ sông Aciravatī. Viṭaṭūbha cùng quân sĩ bị nước cuốn ra đại dương. Ở đó, họ làm mồi cho cá và rùa.

Nguyên nhân cộng nghiệp quá khứ và hiện tại là dòng họ Thích Ca trước đây đã thả thuốc độc sống con sông làm cá rùa tôm cua chết, và nguyên nhân cộng nghiệp trong hiện tại là những người làm ác đều bị cơn lũ cuốn ra đại dương.

(e) Hay ví dụ khác. 500 Tỷ-kheo ở Vesali phải chết trong 15 ngày Đức Phật đã tán thán và dậy đề mục quán bất tịnh để những Tỷ-kheo còn là phàm phu được lợi ích cũng do cộng nghiệp quá khứ làm thợ săn cùng nhau, sau đó Đức Phật triệu tập chúng Tỷ-kheo và dạy đề mục thiền Niệm Hơi Thở tu tập làm sung mãn được lợi ích lớn quả vị lớn.

2. Ví dụ về biệt nghiệp

(a) Hai người cùng đi chung một chuyến bay

 • Hai người cùng đi chung một chuyến bay, máy bay gặp nạn và rơi. Một người tử vong ngay lập tức, trong khi người kia sống sót kỳ diệu.

 • Cộng nghiệp của họ là cùng có mặt trên chuyến bay đó, nhưng biệt nghiệp khiến người này tử vong còn người kia sống sót.

(b) Một trận động đất - người mất, người còn

 • Trong một trận động đất mạnh, có hai ngôi nhà cạnh nhau, một nhà sụp đổ hoàn toàn khiến cả gia đình thiệt mạng, còn nhà bên cạnh lại không bị ảnh hưởng gì.

 • Đây là cộng nghiệp của những người trong vùng (chịu chung thiên tai), nhưng biệt nghiệp của mỗi gia đình lại khác nhau, dẫn đến kết quả khác nhau.

(c) Một gia đình, nhưng cuộc đời khác nhau

 • Hai anh em sinh ra trong một gia đình khá giả. Một người học hành đàng hoàng, có cuộc sống tốt đẹp. Người còn lại sa vào tệ nạn, tù tội.

 • Cộng nghiệp của họ là cùng sinh vào một gia đình, nhưng biệt nghiệp khác nhau do lựa chọn và nghiệp quá khứ của từng cá nhân.

d) Hai mẹ con cô Thanh Kiều ngã xe, bà mẹ thì trầy xước chân, mặt, bị thương đau đớn như cô con gái Thảo Nguyên ngồi sau dù một vết xước nhỏ cũng không..v.v, cộng nghiệp hai mẹ con là ngồi chung trên xe, biệt nghiệp là người mẹ bị thương tích, con gái không ảnh hưởng.

Tại sao một quốc gia Phật giáo là quốc giáo lại xảy ra thiên tai động đất? 4

3. Thiên tai không phủ định giáo pháp của Đức Phật

Một số người có thể nghi ngờ Phật giáo khi thấy thiên tai xảy ra ở Myanmar, nhưng điều này xuất phát từ hiểu lầm về giáo lý nhân quả. Đức Phật chưa bao giờ dạy rằng theo Phật giáo thì sẽ tránh được thiên tai hay chỉ có người xấu mới gặp nạn. Thay vào đó, Ngài dạy rằng:

 1. Thế gian là vô thường (Anicca): Mọi thứ luôn thay đổi, không có gì là bền vững mãi mãi.

 2. Khổ đau là một phần của luân hồi (Dukkha): Không có nơi nào trong thế gian là hoàn toàn an ổn.

 3. Chúng sinh luân hồi trong vòng sinh tử (Saṃsāra): Chúng ta đã từng sinh ra và chết đi vô số lần trong vòng luân hồi này, chịu đủ loại khổ đau.

Ví dụ: Ngay cả khi Đức Phật còn tại thế, có những thiên tai vẫn xảy ra. Điều này không có nghĩa là giáo pháp của Ngài không đúng, mà đó là bản chất tự nhiên của thế gian.

4. Ý thức cấp bách tu tập khi gặp thiên tai

Thiên tai là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự vô thường và khổ đau trong luân hồi. Thay vì hoang mang hay mất niềm tin, người Phật tử cần:

 1. Tăng trưởng thiện nghiệp: Giữ giới, bố thí, và làm nhiều việc lành để chuyển hóa nghiệp xấu.

 2. Thiền quán vô thường: Nhận thức rõ rằng không có gì bền vững, kể cả thân mạng và tài sản.

 3. Chú trọng tu tập tâm linh: Dùng thiên tai như một bài học để tinh tấn hơn trên con đường giải thoát.

Ví dụ: Trong lịch sử, sau mỗi trận thiên tai lớn, có nhiều người giác ngộ được sự mong manh của đời sống và xuất gia tu hành để thoát khổ sinh tử.

III) Hướng dẫn để củng cố niềm tin vào Chánh pháp

Để duy trì và củng cố niềm tin vào Chánh pháp, người Phật tử có thể thực hành các điều sau:

 1. Nghiên cứu giáo lý: Tìm hiểu sâu về Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) và các giáo lý căn bản như Tứ Diệu đế, Bát Chánh đạo để hiểu rõ con đường tu tập.

 2. Thực hành Giới-Định-Tuệ: Giữ gìn giới luật, rèn luyện tâm định tĩnh qua thiền định và phát triển trí tuệ để thấy rõ bản chất của thực tại.

 3. Tham gia cộng đồng tu học: Kết nối với các đạo tràng, chùa chiền để cùng tu học, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trên con đường tu tập.

 4. Ứng dụng Phật pháp vào đời sống: Áp dụng những lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống hàng ngày, sống chân thật, từ bi và trí tuệ.

 5. Quán chiếu vô thường: Nhận thức rõ về tính vô thường của mọi hiện tượng, từ đó không chấp trước và sống an nhiên trước mọi biến đổi của cuộc đời.

 • Cộng nghiệp khiến chúng ta chịu chung một hoàn cảnh, nhưng biệt nghiệp quyết định mỗi người sẽ nhận quả báo ra sao.

 • Chúng ta có thể chuyển hóa biệt nghiệp bằng cách tu tập, giữ giới, bố thí, thiền định, tạo nhiều phước báu.

 • Để hóa giải cộng nghiệp, một nhóm người (gia đình, cộng đồng, quốc gia) cần thay đổi cách sống, từ bi hơn, giảm sát sinh, thực hành thiện nghiệp tập thể.

Nhận thức rõ về cộng nghiệp và biệt nghiệp giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những biến động trong cuộc sống, giữ vững niềm tin vào nhân quả, và tinh tấn hơn trên con đường tu tập.

Bằng việc thực hành những điều trên, người Phật tử sẽ củng cố niềm tin vào Chánh pháp và tiến bước vững chắc trên con đường giải thoát.

Những điều cần ghi nhớ sau bài pháp

1. Thiên tai không phải là sự trừng phạt, mà là quả của cộng nghiệp và biệt nghiệp.

2. Ngay cả một đất nước có nhiều Phật tử cũng không tránh khỏi nhân quả của quá khứ.

3. Thiên tai là một lời nhắc nhở về vô thường và sự cấp bách của tu tập.

4. Thay vì nghi ngờ Phật giáo, ta nên lấy đó làm động lực để tu tập sâu hơn.

Những ai hiểu sâu về giáo lý Phật-đà sẽ không hoang mang trước thiên tai, mà sẽ xem đó như một cơ hội để nhìn nhận thực tế khổ đau của luân hồi, từ đó tinh tấn tu tập để đi đến giải thoát.

“Người trí không than khóc khi có thiên tai, mà dùng đó làm bài học để quán chiếu về vô thường và nỗ lực hơn trên con đường giải thoát.”

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Nghĩa thật từ “chết”

Phật giáo thường thức 15:00 02/04/2025

Sau khi chết sẽ như thế nào vốn là một câu hỏi lớn của con người từ xưa đến nay.

Tại sao nói “thân người khó được” khi dân số thế giới ngày một tăng?

Phật giáo thường thức 14:46 02/04/2025

Hỏi: Con là một người ngoại đạo, tình cờ con đọc sách Phật và thấy câu nói: "thân người khó được...", con thấy tỉ lệ sinh nhiều hơn tỉ lệ chết, dân số thế giới ngày một tăng, vậy tại sao lại nói thân người khó được?

Tạo phước để hồi hướng

Phật giáo thường thức 14:00 02/04/2025

Hỏi: Ba tôi vừa mất được hơn 21 ngày, mỗi tuần thất tôi đều làm cỗ chay dâng cúng và tụng kinh A Di Đà để hồi hướng công đức. Nay tôi phát nguyện tụng kinh Địa Tạng và ăn chay cho đến ngày chung thất để hồi hướng phước đức cho ba, không biết như vậy thì ba tôi có hưởng được chút phước báo nào từ những việc làm của tôi không?

Phật tử đi chùa như thế nào mới đúng pháp?

Phật giáo thường thức 13:17 02/04/2025

Một Phật tử khi quy y và thường xuyên sinh hoạt với một chùa, nhưng lại đến công quả và dự khóa tu ở một ngôi chùa khác, như thế, thì có lỗi là bỏ chùa của mình hay không?

Xem thêm

Phật Giáo
Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo