Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 25/01/2024, 10:32 AM

Thầy Trí Chơn và pháp thoại: “Ăn sao để có Tết”

Pháp thoại này được Thầy Trí Chơn, viện chủ tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) chia sẻ tại khóa tu Sống Tỉnh thức lần thứ 78, hôm Chủ nhật 21/1, tại tu viện.

Thầy Trí Chơn chia sẻ pháp thoại 'Ăn sao để có Tết'. Ảnh: Khánh An

Thầy Trí Chơn chia sẻ pháp thoại "Ăn sao để có Tết". Ảnh: Khánh An

Ăn nghĩa đen là đưa thực phẩm vào để nuôi thân thể ngang qua đường miệng. Có hai tình huống xảy ra với việc ăn mà Thầy đề cập đến: thứ nhất là vì đói mà ăn, thứ hai là vì ham muốn mà ăn.

Đói thuộc về nhu cầu của thân, Muốn thuộc về nhu cầu của tâm. Vì thế phải dùng tâm để quan sát mọi hành động của thân. Ăn cũng là một hành động phản ánh nhân phẩm, đạo đức, lối sống, quá trình tu tập của một người. Ăn trong chánh niệm, tỉnh thức để cảm nhận nhu cầu thực sự của bản thân, phải làm sao để thể hiện sự hoan hỉ trong mỗi lúc mình ăn. Mở rộng ra sáu căn, khi mắt nhìn một điều gì đó, tai nghe một điều gì đó, bản thân mình đã thực sự thực tập chánh niệm chưa hay trong cái nhìn đó chứa đầy sự phản xét, bình luận, chê khen, thành kiến...

Trong cái nghe chỉ đơn giản là nghe thôi hay cái nghe đó là nghe rồi để phán xét, để chứng minh là người khác đã sai. Và cũng chính từ những sai lầm đó mà khổ, phiền khởi lên.

Là đệ tử Phật thì phải thực tập nếp sống thiền hằng ngày trong khi mắt nhìn sự vật, khi tai nghe âm thanh, khi miệng nếm trải mùi vị và nói năng nhường nhịn lẫn nhau.

Cuộc sống vốn dĩ quá rối rắm, quá xô bồ, quá phức tạp vậy nên trở về tu viện tham dự khóa tu, được thực tập nếp sống tĩnh lặng, giản đơn, nhẹ nhàng, đó là cơ hội để mình thấy được bản thân trong mỗi khoảnh khắc, trong mỗi phút giây.

Không cần phải thấy ai cả, chỉ cần nhìn thấy bản thân mình. Một khi đã nhận diện được điều đó rồi thì ta sẽ thấy tất cả.

Người thế gian đi tìm kiếm tận rừng sâu núi thẳm để hiểu cái này, nắm bắt cái kia, nhưng qua lời dạy của Đức Phật là hãy nhìn sâu trong tâm hồn của mình và thấy trọn vẹn ở cuộc sống của mình nơi đó ta sẽ ý thức về vạn pháp và vì thế khổ đau sẽ chấm dứt.

Để đạt được như vậy thì phương pháp thiền định có thể giúp quý hành giả có được tâm an bằng cách ngồi xuống quan sát hơi thở để để biết hơi thở ngắn, hơi thở dài, hơi thở bắt đầu và kết thúc ở đâu.

Thiền định là để lắng tâm, để chú tâm, để gột rửa tâm hồn, để gom tâm về một chỗ.

Chúng ta chỉ cần ngồi xuống xếp bằng hai chân, hai tay để trước bụng mắt khép lại theo dõi hơi thở của mình, khi đó tâm thức sẽ lắng dần. Trong nhiều phút trôi qua ta sẽ đạt được sát na định. Sát na định là cái định thoáng qua trong mỗi khoảnh khắc, rồi ta đạt được cận định, an chỉ định.

Nếu thiền định là dùng hơi thở làm đề mục để tạo ra sự bình an thì thiền tuệ là dùng chánh niệm để soi chiếu toàn bộ thân tâm này. Qua đó có thể thấy rằng, hơi thở là đề mục để chúng ta tu tập định cũng như tu tập tuệ.

Trong một trạng thái bình thường chúng ta nhận diện hơi thở đi vào, hơi thở đi ra. Khi đó ta sẽ quan sát được cái nào là ta, cái nào là không phải của ta, chúng ta sẽ quan sát được vạn vật, tất cả mọi việc đều theo quy luật duyên sinh, ta thấy hơi thở luôn luôn chuyển dịch vào ra, không bao giờ vào mà không ra, không bao giờ ra mà không vào chỉ là mạnh hay nhẹ, nhanh hay chậm. Từ đó ta biết được hơi thở luôn luôn biến dịch, luôn luôn thay đổi và khi ấy quy luật vô thường hiển hiện.

Tất cả sự vật đều đi theo tiến trình, quy luật, lẽ tự nhiên của nó mà không theo ai cả.

Khuynh hướng của chúng ta là uốn nắn, nhào nặn bẻ cong thế giới xung quanh theo ý mình, nhưng điều đó là không thể, nếu ta thấy rõ được sự vận hành của vũ trụ là ta đã hiểu được nguyên lý của cuộc sống.

Khóa sinh khóa tu hoan hỉ nghe pháp. Ảnh: Khánh An

Khóa sinh khóa tu hoan hỉ nghe pháp. Ảnh: Khánh An

Trong thiền tuệ ta thấy được tất cả các pháp đều vô thường, tất cả sự vật hiện tượng đều do duyên sinh, vạn vật trong cuộc đời đều đi theo quy luật của nó. Nhận ra được điều đó thì đã thấy được quy luật của sự tỉnh thức.

Nếp sống thiền quán là nếp sống tĩnh lặng, tối thượng, là chân lý của cuộc đời, nhờ chánh niệm tỉnh giác mà ta thấy rõ được vạn vật, thấy rõ được bản chất của bên trong, thấy được chân lý tiềm ẩn. Chú tâm tỉnh giác ta sẽ thấy rõ được cấu tạo của vạn vật, từ đó ta sẽ làm chủ được bản thân, làm chủ được cuộc sống mà không hề bị chi phối bởi cảnh vật bên ngoài.

Đối tượng của việc tu tập không phải là bên ngoài mà là chính bản thân mình, lắng lòng xuống để thấy được sự an tịnh miên viễn cho chính mình. Những lúc mệt mỏi hãy ngồi yên lặng, tâm quan sát hơi thở vào, hơi thở ra. Cảm nhận sự tĩnh lặng của chính mình, mở lòng hoan hỉ với những người xung quanh, đừng chạy theo trần cảnh để rồi cuộc đời đi xa không thể quay lại được nữa.

Khóa hư lục của Trần Thái Tông, bài kệ này như một tiếng chuông để cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, những người còn lang thang trong sân ga cuộc đời. Tiếng chuông ấy nhắc nhở chúng ta cuộc hành trình đã dài lắm rồi, hãy lo quay về đừng đi xa thêm nữa:

Tị trước chư hương thiệt tham vị

Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách

Nhật viễn gia hương vạn lí trình

(Mũi lưỡi mê tham hương với vị

Mắt tai ái dục sắc và thanh

Lãng đãng phong trần thân đất khách

Xa quê ngày tháng mãi lênh đênh)

Mũi và lưỡi luôn tham lam hương lẫn vị, mắt và tai luôn dính mắt vào hình ảnh, cuốn theo những thứ bên ngoài. Chúng ta mãi mãi là những người khách lang thang hết nơi này đến nơi nọ để tìm cái gì đó vô định. Sở dĩ còn kiếm tìm là vì còn chúng ta còn thiếu, nếu đã đầy đủ thì há gì phải đi tìm, chúng ta đã chạy theo quá nhiều xô bồ, chộn rộn mà thiếu đi sự bình an để rồi một ngày nào đó khi quay về thì đã đi quá xa với ngôi nhà tâm linh, đánh mất bản thân mình.

Chúc đại chúng lúc nào sáu căn cũng luôn tỉnh thức để chào đón một cái tết truyền thống của dân tộc Việt Nam trọn vẹn. Hãy sống và có mặt sâu sắc với tiên tổ, ông bà cha mẹ, luôn luôn hiến tặng những nụ cười niềm vui cho người xung quanh mình để đúng nghĩa là xuân, để đúng nghĩa là Tết.

Làm sao để đón nhận một cái tết tròn đầy, sáng chói và viên mãn trong từng hơi thở? Đừng chạy theo những cảm xúc, ham muốn mà hãy luôn ghi nhận tâm mình như thế nào, sống như vậy là thấy được thân, thấy được tâm, ta sẽ hạnh phúc, an lành dù có là xuân hạ thu đông, dù trời có tuyết lạnh hay ấm nóng, dù có ngồi một mình thì lúc nào ta cũng có mùa xuân, thưởng như vậy mới là thưởng tết, thưởng như vậy mới gọi là thưởng xuân.

Thầy Trí Chơn
Ngọc Ánh
ghi

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc

Xuân Muôn Nơi 17:47 25/02/2024

Lễ khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lần thứ VI - năm 2024, diễn ra hôm 23/2.

Hơn 12.000 người dự lễ cầu an tại chùa Viên Quang

Xuân Muôn Nơi 10:44 23/02/2024

Tối 21/2, chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) tổ chức lễ cầu quốc thái dân an Xuân Giáp Thìn 2024, hơn 12.000 người tham dự.

Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh

Xuân Muôn Nơi 12:29 21/02/2024

Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh (xã Quảng Trung, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) khai hội hôm 18/2.

Xuân thung dung

Xuân Muôn Nơi 19:15 20/02/2024

Nắng vắt hiên Đông, đá mỉm cười/ Chừ Xuân năm mới ghé đây chơi/ Bộn bàng, chuyện cũ chôn hang hốc/ Xơ xác, cành khô nẩy tượt chồi...

Xem thêm