Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 08/05/2013, 08:46 AM

Tiến trình chuyển hóa mười hai nhân duyên

Một cách tổng quát có thể nói là nhân của thời gian trước tạo ra quả của thời gian sau và quả của thời gian sau tạo ra nhân của thời gian sau nữa. Sự vận hành nhân quả liên tục khép kín theo sơ đồ vòng tròn mắt xích không bao giờ dứt được.


1. Các thành phần của Mười hai nhân duyên:

Mười hai nhân duyên bao gồm 12 khâu hay 12 yếu tố hoặc 12 thành phần (còn gọi là chi phần) trong dẫy chuỗi đường thẳng (nếu chỉ nói trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai), hay nói đúng hơn là trong vòng tròn những mắt xích liên hoàn nối tiếp nhau hết đời này sang đời khác. Mười hai mắt xích đó là gì? Trong Kinh Tương Ưng[1], Ðức Phật định nghĩa về Mười hai nhân duyên như sau: “Do vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử sầu, bi, khổ, ưu, não”. 

Như vậy 12 yếu tố hay 12 thành phần của Mười hai nhân duyên, được xếp theo thứ tự sau

VÔ MINH – HÀNH – THỨC – DANH SẮC – LỤC NHẬP –   XÚC – THỌ - ÁI – THỦ - HỮU – SINH – LÃO TỬ.

Các thành phần của giáo lý Mười hai nhân duyên được định nghĩa như sau:

1- Vô minh là không sáng suốt, là mê lầm, là cái si mê của tâm thức, hay nói cách khác là không có kiến thức hiểu biết bản chất sự thật của mọi sự vật và hiện tượng hiện hữu là vô ngã, vô thường và mọi sự vật đều do duyên sinh, không có tự thể tức tự nó không có. Cũng có thể nói không tỏ ngộ chân tâm là vô minh, hoặc hiểu biết các pháp không đúng cũng gọi là vô minh. Vô minh có khi để chỉ các phiền não như tham, sân, si…Chúng sinh từ vô thủy kiếp do vô minh, vọng động, phiền não, chấp trước, tham ái, sân hận, si mê nên tạo ra các nghiệp.

2- Hành hành động tạo tác của con người do không hiểu biết tức là do vô minh làm cho thân, khẩu, ý gây ra hành động, tạo nên nghiệp báo ngay trong đời hay từ đời này sang đời khác.

3- Thức thần thức của con người nhận biết sự vật và hiện tượng trên thế giới qua các bộ phận cơ thể của con người như mắt (nhãn thức), tai (nhĩ thức), mũi (tỉ thức), lưỡi (thiệt thức), thân (thân thức) và ý (ý thức). Thức chỉ cho phần tinh thần do ba nghiệp thân, khẩu, ý  tạo ra những nghiệp lành hay dữ nên khi chết rồi, các nghiệp dẫn dắt thần thức đi lãnh thọ quả báo thành thân khổ hay vui ở đời sau.  Thần thức tùy theo cơ duyên, tìm đến nhập vào thai nhi ngay khi tinh cha huyết mẹ mới gặp gỡ để thành Danh sắc.

4- Danh sắc gồm hai phần: danh là phần tâm lý không có hình tướng, sắc là phần vật lý và sinh lý có hình tướng. Với con người, sắc là cơ thể vật chất, các giác quan và chức năng của chúng như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Danh là các tâm phụ thuộc bao gồm những cái không có hình tướng như xúc, tác ý, thọ, tưởng và suy nghĩ. Danh sắc biểu hiện cho con người khi thành thân trong trạng thái ban đầu khi các giác quan chưa hoàn thành đầy đủ.

5- Lục nhập (sáu chỗ vào) hay còn gọi là lục xứ. Khi đã thành thân thể (thành thai nhi) thì các giác quan của thai nhi dần dần hình thành đầy đủ và có sự tương tác giữa sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và đối tượng của chúng là sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) nên gọi là lục nhập.

6- Xúc sự tiếp xúc giữa sáu căn (mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý) và sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Nói rõ hơn, sau khi thai nhi ra đời, thời gian từ 1 tuổi cho đến 3 tuổi là thời gian đứa trẻ bắt đầu dùng sáu giác quan (sáu căn) của mình tiếp xúc với hoàn cảnh chung quanh (sáu trần) để phát sinh ra nhận biết (sáu thức). Trong thời gian này, tuy có sự tiếp xúc, có phát sinh ra biết, nhưng những cảm giác đối với việc khổ việc vui chưa nhận ra rõ ràng minh bạch được. Đó gọi là xúc, chính là sự tiếp xúc giữa con người và thế giới thông qua sáu cơ quan tri giác. Vậy, xúc là sự gặp gỡ, giao thoa giữa căn, trần và thức.

7- Thọ sự cảm thụ, sự nhận biết hay nói một cách khác là các biểu hiện tâm lý phát sinh khi mắt tiếp xúc với sắc tức trần cảnh, tai tiếp xúc với âm thanh, mũi tiếp xúc với mùi hương, lưỡi tiếp xúc với các vị v.v... tức là khi sáu căn tiếp xúc với đối tượng của nó là sáu trần thì lĩnh thọ vui buồn sướng khổ. Đó là thời gian đứa bé lên 4 tuổi và cho đến 14, 15 tuổi, là thời gian tính cảm thọ rất mạnh. Thời gian đó, những việc khổ, vui đứa bé bắt đầu có cảm giác phân biệt rõ ràng, từ đó sinh ra tri giác. Nhưng thời gian này chưa khởi lên lòng tham dục (ái) một cách rõ rệt. Sự nhận biết trong thời gian này gọi là thọ. Cảm thọ có ba loại: cảm thọ dễ chịu (lạc thọ), cảm thọ khó chịu (khổ thọ) và cảm thọ trung tính (không khổ không lạc thọ).

8- Ái  gọi đúng ra là ái dục là sự mong muốn, ưa chuộng, yêu thích, tham luyến. Con người ta lớn lên theo thời gian, lòng ham muốn dục vọng càng tăng trưởng. Từ 16, 17 tuổi trở về sau cho đến 29 tuổi là thời gian ái dục mãnh liệt. Từ 30 tuổi trở về sau tâm tham càng mạnh hơn. Lòng dục (từ trong ý) thúc đẩy được thể hiện ra ngoài bằng hành động (thân), bằng lời nói (khẩu), nhưng vẫn chưa tìm cầu sâu rộng lắm, đó gọi là ái. Khi lĩnh thọ cảnh vui thì sinh lòng tham, muốn làm sao cho được; khi gặp cảnh khổ thì sanh tâm sân hận, buồn rầu, muốn xa lìa; gặp cảnh bình thường thời si mê. Ái chính là động cơ thúc đẩy thân, khẩu, ý, tạo ra các nghiệp. 

9- Thủ gọi đúng ra là chấp thủ, đó là sự nắm giữ, bám víu, đeo chặt của tâm thức vào một đối tượng. Thủ chính là giữ lấy, tìm cầu, gây ra các hành động tạo tác. Thời gian có thủ tức là khi tuổi đã trưởng thành, con người muốn đạt được tất cả mọi thứ mong cầu, nên đi khắp nơi tìm kiếm đem về cho mình. Đó gọi là thủ. Gặp cảnh thuận thì ham muốn, níu giữ. Gặp cảnh nghịch thì khó chịu muốn xa lìa nhằm mục đích tìm trăm phương nghìn kế để giữ cho được cái bản ngã của mình. Do đó mà tạo ra các nghiệp cho đời sau.     

10- Hữu  sự giữ lại cho riêng mình, là tiến trình tương duyên để hình thành. Hữu gổm có dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu. Vì vậy phát sinh ra các nghiệp.

11- Sinh sự ra đời, sự xuất hiện. Sinh ở đây mang ý nghĩa là sự thành tựu hoặc sự cấu tạo mới của một hay nhiều sự vật hoặc sản sinh ra năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).  Đối với con người do nghiệp lực hiện tại gây ra từ ái, thủ, hữu, nên sau khi từ bỏ xác thân, thần thức lại phải tiếp tục đi đầu thai vào trong đời vị lai để có danh sắc, đó gọi là sinh.

12- Lão tử sự suy giảm, lụi tàn, già nua, tan rã, tịch diệt, tử vong. Đối với con người, lão tử được biểu hiện dưới các hiện tượng : già cả, đầu bạc, răng long, mắt mờ, chân chậm, da nhăn, các cơ quan lục phủ, ngũ tạng héo mòn, bệnh tật dẫn đến cái chết.

2. Tiến trình chuyển hóa Mười hai nhân duyên :

Có thể trình bày Mười hai nhân duyên theo đường thẳng : Vô sinh – Hành – Thức – Danh sắc – Lục nhập – Xúc – Thọ - Ái – Thủ - Hữu – Sinh – Lão tử (Hình 1). Nhưng đúng ra, Mười hai nhân duyên phải được trình bày theo vòng tròn sinh hóa (Hình 2) chứ không thể trình bày theo đường thẳng sinh hóa, vì những duyên nhân và quả liên tục chi phối nhau, biến hóa không dừng, và không phải chỉ ở 3 đời: quá khứ, hiện tại và vị lai mà còn liên tục luân lưu nhiều đời theo vòng tròn và không bao giờ kết thúc được, nếu không diệt trừ một thành phần nào của vòng xích đó. Thuyết Mười hai nhân duyên, cũng được giải thích rõ nhân của một nhân duyên này đồng thời là quả của một nhân duyên khác, chúng làm thành một vòng với mười hai mắt xích móc vào nhau tức là mười hai nhân duyên. Chính mười hai nhân duyên này níu kéo nhau từ đời vô thủy đến nay và mãi về sau nên loài hữu tình cứ mãi mãi vướng mắc trong vòng luân hồi, trong sáu nẻo (Thiên, Nhân, A Tu La, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục).

Tiến trình chuyển hóa cùa Mười hai nhân duyên có thể trình bày theo hai cách như sau :

a. Sắp xếp theo thời gian:

Sắp xếp theo thời gian tức là sắp xếp theo các đời, bao gốm :

Đời Quá khứ gồm có 2 thành phần là Vô minh và Hành.

Đời Hiện tại gồm 8 thành phần là Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu.

Đời Tương lai gồm 2 thành phần là Sinh và Lão tử

Tuy nhiên, sự vận hành của giáo lý Mười hai nhân duyên, không chỉ thể hiện trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, mà nó liên tục nhiều đời tử vô thủy đến các đời kế tiếp sau này đến vô cùng tận, vỉ thế nên hiểu theo sơ đồ vòng tròn sinh hóa liên tục mới đúng.

 
 Hình 2 – Theo vòng tròn mắt xích [2]

b. Sắp xếp theo Nhân Quả:

Nhân gồm 2 phần :

- Nhân đời quá khứ là Vô minh và Hành

- Nhân đời hiện tại là Ái, Thủ, Hữu

Quả gồm 2 phần:  

- Quả đời hiện tại gồm Thức, Danh sắc, Lục nhập,  Xúc, Thọ.

- Quả đời vị lai gồm Sinh, Lão Tử

Theo đó, nhân của đời quá khứ gây ra quả của đởi hiện tại và nhân của đời hiện tại lại gây ra quả của đời vị lai.

c. Nếu chỉ xét trong 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai thì nhân và quả được xếp theo 2 tầng nhân quả khác nhau:

- Tầng nhân quả thứ nhất gồm nhân của thời quá khứ và quả của thời hiện tại.

- Tầng nhân quả thứ hai gồm nhân của hiện tại và quả của thời vị lai.

Một cách tổng quát có thể nói là nhân của thời gian trước tạo ra quả của thời gian sau và quả của thời gian sau tạo ra nhân của thời gian sau nữa. Sự vận hành nhân quả liên tục khép kín theo sơ đồ vòng tròn mắt xích không bao giờ dứt được.

Tất nhiên còn có cả trường hợp nhân gây ra quả ngay trong một đời, thậm chí nhân phải trả quả ngay trong từng thời điểm ngắn, có thể nói ngay trong từng sát na một. Như vậy một hành động thiện hoặc ác có thể có quả báo tốt hay xấu ngay trong một thời gian ngắn, chứ không nhất thiết là đợi đến đời sau.

Còn nữa...

Trích tập sách "Con người với giáo lý mười hai nhân duyên" của tác giả Phạm Đình Nhân
Chú thích: Nội dung do tác giả gửi tới phatgiao.org.vn


[1]. Kinh Tương Ưng Bộ, HT. Minh Châu, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1993,

[2] Hình vẽ của Hội Phật giáo Thảo Đường

 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Xem thêm