Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 28/01/2023, 20:46 PM

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ: "Niềm vui chân thật"

Thông thường người đời vui mừng là lúc được hơn thiên hạ. Thắng người, giỏi hơn người là vui. Ai cũng mong muốn mình được phần thắng, thành thử niềm vui có được từ sự giành giật hơn thua, đó không phải là niềm vui trọn vẹn.

Niềm vui của người tu khác xa hơn rất nhiều, vui khi thắng được chính mình. Nếu Phật tử bị ai nói những lời kích bác, tự ái nổi lên, cơn sân bùng dậy. Lúc đó liền tỉnh biết sân là xấu, không xứng đáng tư cách người Phật tử. Vừa biết như vậy liền bỏ nó đi. Do quyết tâm buông bỏ nên qua được cơn nóng giận, bình tĩnh lại và cảm thấy vui, vì tự chiến thắng được mình, không đầu hàng khuất phục trước phiền não. Cho nên một lần thắng là một lần vui.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ tại lễ khánh thọ bách tuế

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ tại lễ khánh thọ bách tuế

Một lần tham dấy lên thắng được là vui. Một cơn giận nổi lên thắng được là vui. Những gì cám dỗ xảy đến đều thắng hết là vui. Niềm vui đó không làm ai phải chịu khổ. Vì vậy cái vui thắng mình mới là trọn vẹn, còn cái vui thắng người là đau khổ, không thật. Điều này rất có lợi cho nội tâm và không hại đến ai cả. Như vậy niềm vui của đạo mới là vui thật sự, không đưa đến đau khổ cho bất kỳ người nào khác.

Kế đến, người đời chỉ vui khi được lợi lộc. Thí dụ một vị đang đi trên đường lượm được món đồ quý, lúc đó họ rất vui. Nhưng ngược lại kẻ mất của sẽ buồn khổ. Trong cuộc sống hàng ngày, kẻ gặp thời gặp thế, làm đâu được đó, lúc nào cũng hơn người là cái vui của thế gian. Ngược lại, Phật tử không vui trong cái được mà vui trong cái lìa. Tại sao? Như trước kia mắc bệnh ghiền thuốc hay ghiền rượu, tốn tiền tốn bạc. Bây giờ bỏ được bệnh ghiền thuốc ghiền rượu, không chỉ riêng bản thân mình mà cả nhà cùng vui. Vui mà không có ai khổ, mới là cái vui thật. Do lìa mà vui, đó là người biết tu.

Xa hơn nữa phải lìa ngũ dục thế gian để đạt đến nguồn vui chân chánh. Quả vị đầu tiên của người tu thiền định là Sơ thiền còn gọi là Ly sanh hỷ lạc. Ly là lìa, lìa mê đắm ngũ dục thế gian. Tâm không còn dính nhiễm, khoan khoái nhẹ nhàng. Niềm vui đó do lìa mà có. Người biết tu lấy thiền định làm niềm vui của mình.

Quả vị tu chứng thứ hai là Nhị thiền còn gọi là Định sanh hỷ lạc. Do tâm yên định phát sanh trí tuệ, niềm vui này cũng không tốn hao gì hết. Vui trong yên định là cái vui sáng suốt an nhàn, chứ không ồn ào nhọc mệt. Người khéo tu trong thiền định yên lắng mang tới cho mình cái vui thanh thoát, tâm hồn tỉnh sáng. Đó mới là cái vui chân thật.

Phật tử học đạo phải biết tìm cho mình cái vui giác ngộ. Một lúc nào đó đang ngồi thiền, bỗng dưng hiểu ra những vấn đề trước đó thắc mắc. Cái vui do giác ngộ phát ra không hề nhọc nhằn tốn kém, càng vui trí tuệ càng sáng. Đây là nhân tố đưa chúng ta đến chỗ an lạc thanh nhàn. Ngày xưa khi các thiền sư tu được bừng ngộ, tâm vô cùng hoan hỷ, có thể vui cười liên tục tới mấy ngày. Cái vui của người tu khác xa người đời. Người đời lấy mê lầm ràng buộc cho là vui, người tu lấy giác ngộ giải thoát cho là hạnh phúc.

Người đời vui trong sự thương yêu quyến luyến. Có đứa cháu nội hoặc cháu ngoại chạy theo níu tay nũng nịu đòi cái này cái kia, bà thương lắm. Càng thương thì càng phải lo nhiều, lo hết con tới cháu, lo hoài đến lúc nhắm mắt vẫn chưa xong. Đó là cái vui trong sự ràng buộc. Ai được nhiều người thương, thấy mình có vẻ quan trọng, thiên hạ quý kính thì rất vui. Đâu ngờ một người thương là một sợi dây cột, hai người thương là hai sợi dây cột, cả chục người thương là cả chục sợi dây cột. Tưởng mình như ngọc như ngà, mải mê đắm say trong sự trói buộc mà không hay. Cho nên dây càng nhiều gỡ càng khó.

Người tu theo đạo Phật phải làm sao vun bồi cho mình có được niềm vui giải thoát. Những thứ ràng buộc khiến chúng ta rối rắm phải mạnh dạn cắt bỏ từng mối, từng sợi. Chỗ này chúng ta phải sáng suốt đừng để bị cột trói. Tình thương cha mẹ đối với con cái được coi là chân thật nhất, đôi khi còn có thể phai nhạt. Con cái còn có thể bất hiếu với cha mẹ, huống nữa người ngoài chắc gì thương mình thật.

Tình cảm thương yêu quyến luyến thường cột chân chúng ta khổ sở chứ không bao giờ vui. Vì vậy người tu phải lấy giải thoát làm nền tảng. Không bị trói buộc bởi tình cảm riêng tư, không bị trói buộc bởi ngũ dục, giải thoát khỏi những thứ đó mới thật là vui. Người đời theo đuổi ngũ dục với tâm niệm tìm nguồn an vui, hạnh phúc cho mình. Thế nhưng từ thuở nhỏ đến lúc lớn, khổ nhiều hơn vui.

Tại sao ai cũng muốn vui mà phải chịu khổ? Bởi vì cái vui mình có được y cứ trên cái khổ của người khác. Khổ vui qua lại không bao giờ dừng, thành thử niềm vui đó không thể vẹn toàn. Cho nên muốn vui mà rốt cuộc lại làm khổ cho nhau. Như vậy để thấy nếu tìm vui trong thắng thua sẽ không có hạnh phúc chân thật. Vì thế người tu phải tìm niềm vui ở chỗ yên tịnh để tâm hồn được an ổn. Vui khi tỉnh giác, vui khi thoát ly mọi sự trói buộc.

Phật tử nếu biết tu phải tìm cái vui chân thật, chứ không nên đuổi theo cái vui tạm bợ đau khổ. Khổ hay vui tùy theo sự sáng suốt hay mê lầm của mỗi người. Sáng suốt sẽ tìm được cái vui chân thật, mê lầm sẽ gặp phải cái vui giả dối tạm bợ, mau chóng tan vỡ.

Mong rằng sang năm mới tất cả Phật tử ý thức được cái vui chân thật của đạo. Lìa mọi tật xấu để đạt hạnh phúc trong định tâm, trong giác ngộ giải thoát. Được như vậy mới xứng đáng hưởng trọn niềm vui miên viễn. Chúc quý vị luôn luôn bình an trong ánh sáng của đạo giác ngộ.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý

Kiến thức 17:05 22/11/2024

Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Tâm là gì?

Kiến thức 09:16 22/11/2024

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Xem thêm