Từ bi không được trí tuệ dẫn lối sẽ ra sao?
Dù xuất phát từ những tấm lòng chân thành, hết sức đáng ca ngợi, nhưng cũng không thể vì thế mà thả nổi những việc thiện nguyện làm theo kiểu bộc phát, không có trù tính kỹ lưỡng, không có kế hoạch hợp lý, không được trí tuệ soi lối.
Một cậu thiếu niên hướng đạo sinh muốn làm một việc thiện trong ngày, cậu đã chọn cách giúp người già băng qua đường đầy xe cộ. Cậu nhìn thấy một cụ già, và sau mười lăm phút vất vả toát cả mồ hôi, cậu cũng thành công đưa được bà cụ ấy qua đường. Rồi cậu tự hào đem chiến tích của mình kể cho bạn mình nghe. Bạn cậu ngạc nhiên hỏi lại:
– Tại sao chỉ dẫn qua đường thôi mà đến nỗi toát mồ hôi suốt 15 phút ?
– Uhm, tại… bà ấy không có muốn sang đường.
Bạn thử đặt mình vào tâm trạng của bà cụ tội nghiệp xem bà ấy thấy như thế nào, sẽ rất thú vị đấy. Đó là chuyện hài, nhưng thực tế cuộc sống lại không thiếu những việc như vậy, khi mà người ta nhân danh từ bi, để làm những việc thiện mà chẳng biết kết quả của việc đó như thế nào.
Ví như ta có một con tàu, ta đổ đầy nhiên liệu vào bình thì tàu sẽ chạy được. Vậy cứ thế chạy được chưa ? Chưa đâu, ta còn cần bản đồ, la bàn, thiết bị định vị để đánh lái đưa con tàu đi đến nơi cần phải đến, nếu không, tàu sẽ bị mất phương hướng, hoặc đâm vào đá ngầm, đâm vào các tàu khác, hoặc đi lung tung cho đến khi cạn nhiên liệu giữa đại dương.
Cũng như vậy, từ bi là điều rất đáng quý, nhưng từ bi cần phải được soi lối bởi trí tuệ, để biết làm điều gì, làm như thế nào mới tốt cho chính mình, cho mọi người, mọi chúng sinh. Nếu không có trí tuệ soi sáng, từ bi nhiều khi gây ra những hậu quả không thể ngờ.
Từ cái màn thành cái lưới
Ở một số nước châu Phi, hàng năm có rất nhiều người chết vì bệnh sốt rét do bị muỗi đốt và truyền bệnh. Nhiều nơi người dân nghèo không có tiền mua màn, họ cứ thế ngủ để phơi cho muỗi đốt, và dịch sốt rét cứ hoành hành. Khi các đoàn công tác xã hội đi khảo sát, thấy hiện trạng ấy nên họ muốn làm một điều gì đó.
Họ kêu gọi nhiều nhà từ thiện quyên góp để mua thật nhiều màn tặng cho người dân châu Phi. Không lâu sau, màn được phân phát miễn phí ở nhiều nơi, ai cũng vui mừng, cả người dân châu Phi lẫn những nhà công tác xã hội và những người quyên góp. Ấy nhưng họ không vui mừng được bao lâu.
Té ra người dân châu Phi ngoài vấn đề với muỗi, họ còn gặp vấn đề cấp thiết hơn: kiếm cái sinh nhai. Khi được tặng màn, họ không đem chúng mắc lên khi ngủ, mà vì họ thiếu dụng cụ đánh bắt cá, nên họ đã cắt màn rồi may vào nhau thành những tấm lưới, đem lên thuyền, ra biển đánh bắt cá. Rốt cuộc, muỗi vẫn đốt, nhiều người vẫn cứ chết vì sốt rét.
Nhưng chưa hết, vì lưới làm từ màn có mắt lưới cực nhỏ, chúng không chỉ đánh bắt cá to, chừa lại cá con để mai mốt chúng còn lớn lên như lưới tiêu chuẩn. Loại lưới chế từ màn này vét tất tần tật cá con luôn một thể.
Hậu quả: một thời gian sau, biển cả nơi những người châu Phi này đánh cá sạch bóng chẳng còn thấy mống cá nào. Và giờ xuất hiện thêm một khó khăn nữa đến với họ: cái đói. Xét trên cái nhìn của luật Nhân quả, thì việc này còn dẫn đến những hậu quả ghê gớm hơn nhiều chứ không chỉ dừng lại ở việc đói kém thức ăn. Một cục diện không biết giải quyết như thế nào.
Đó là chuyện ở một phương trời xa xôi, giờ chúng ta cùng nhìn lại những việc thiện gần ngay xung quanh chúng ta.
Phóng sinh thành “Phóng tử”
Phóng sinh là một việc thiện được nhiều người ca ngợi. Ấy thế nhưng gần đây có rất nhiều bài báo, tổ chức không ngừng đưa ra cảnh báo về một vấn nạn do phóng sinh mà ra. Không khó khăn gì để tìm hiểu cả, chỉ cần lên Google gõ từ khóa “nạn chim phóng sinh”, bạn sẽ thấy ngay, rất nhiều.
Theo đúng nghĩa của từ “Phóng sinh”, đáng lí ra người đi phóng sinh cần tìm những con vật sắp bị giết hại, kiểu như những con vật ở ngoài chợ người ta sắp làm thịt, rồi mua chúng, tìm một môi trường phù hợp mà chúng có thể sống tốt, và thả chúng ở đó, hoàn tất việc cứu mạng chúng.
Nhưng làm đúng như thế có vẻ khá mệt, tính toán nhiều bước như: Nên mua con vật gì ? Chúng hiện sắp gặp nguy hiểm gì ? Mua ở đâu? Chúng sống ở môi trường nào? Tìm nơi nào phù hợp để thả ? Rồi tiếp phải thêm một công đoạn chở chúng đi thả…
Thành ra để phóng sinh đúng cách khá là vất vả, không chỉ tốn tiền thôi mà còn vừa tốn công vắt óc suy nghĩ, vừa tốn sức đem thả. Điều đó khiến nhiều người ái ngại.
Và nhận ra nhu cầu của nhiều người muốn phóng sinh xong lại ngại tính toán, ngại đem thả, thế là một số người đã đi bẫy và bắt rất nhiều chim, nhốt vào lồng bán ở cổng chùa. Ai muốn phóng sinh chỉ cần bỏ tiền và thả chim ra, rất đơn giản. Nhìn cảnh tượng chúng tung bay lên trời khá nên thơ, những người mua chim tin rằng mình vừa tạo phước đức.
Thế nhưng vì họ không có suy nghĩ, tìm hiểu, nên họ không biết rằng: Nếu không có rất đông những người như họ tạo ra một nguồn “cầu” khổng lồ, thì những con chim kia đâu ai bẫy nhiều như thế làm gì, chúng sẽ được tự do như chúng vốn thế và không bị bắt nhốt ở đây, hồi hộp chờ đợi vận may được người ta thả ra. Họ không biết rằng phần nhiều trong số chim đó không may mắn được ai mua, sẽ chết rục xác trong lồng, mà giá như trên đời không ai mua, thì chúng đâu có bị thế này.
Phỏng vấn một bà cụ tên Mười, ngụ phường Tân Định, quận 1, TP.HCM, từng gắn bó 10 năm với nghề bẫy chim sẻ để bán phóng sinh. Mỗi buổi sáng, bà mang hàng chục chiếc bẫy ra đặt dọc đường, bắt hàng chục con chim bán với giá 5.000 đồng/con, mỗi ngày kiếm được một hai trăm nghìn nuôi cả gia đình.
Bà Mười chia sẻ: “Đó là cái nghiệp chứ không phải nghề, chim thì bán cho các đầu mối. Nhưng khi mua về họ nhốt trong lồng dày đặc, có khi họ đâm mù mắt, cắt lông cánh để chim không bay xa được.
Khi có người mua chim để phóng sinh thì chim chỉ bay luẩn quẩn rồi họ bắt lại, bán tiếp. Mình làm như thế này cũng là việc ác. Nhưng nhờ thế mình kiếm được tiền”.
Vậy là việc “phóng sinh” khi qua tay một số người làm sai quy cách đã dần bị biến thành “phóng tử”, thật đáng tiếc. Phóng sinh đã bị lòng từ bi không kèm theo trí tuệ làm biến dạng như thế. Vậy còn những việc khác ?
Ấn tống ngược trình tự
Đơn cử việc ấn tống nhé. Đó là việc tặng kinh sách thiện cho người khác, được xếp vào hình thức bố thí Pháp, tức Pháp thí. Pháp thí được Đức Phật gọi là vua của mọi việc bố thí, công đức vô lượng, siêu việt không gì so sánh. Thoạt nhìn việc này có vẻ đơn giản, cứ bỏ tiền ra in kinh sách Phật Pháp, rồi đem tặng cho mọi người, thế là mình có công đức vô lượng rồi.
Với suy nghĩ đơn giản đó, có nhiều người đã xuất tiền ra với tất cả lòng thành rất đáng quý của họ, và còn vận động thêm nhiều người khác cùng xuất tiền in thật nhiều kinh Phật – chọn những bộ kinh họ thích nhất, nghĩa lý thù thắng nhất, chứa đựng công đức siêu việt nhất.
Sau khi hàng thùng kinh điển được nhà in giao tới, thơm phức mùi giấy mới, họ bắt đầu háo hức đem đi tặng. Nhưng mà… tặng cho ai, tặng ở đâu nhỉ ?
Bây giờ họ mới bắt đầu suy nghĩ việc này. Ấy nhưng trả lời được thì không dễ chút nào. Họ đã in hàng trăm, hàng ngàn cuốn, vậy là giờ cần tặng cho hàng trăm, hàng ngàn người muốn đọc những kinh này. Đi tìm đỏ mắt khắp nơi cũng chỉ được vài người muốn thỉnh. Mà để kinh đóng từng thùng lớn ở nhà thì rất chiếm diện tích, lại không phát huy được tác dụng, nên người tặng kinh rất sốt ruột.
Họ thử đem tới các chùa tặng cho các vị tăng ni, xong chùa thì đã có đủ kinh rồi, chùa thì cần loại kinh khác chứ không phải loại kinh họ đã in. Họ xin để tại các chùa tặng cho Phật tử, ai muốn thì cứ lấy. Nhưng số kinh ấy cứ lay lắt nằm đó, năm này qua tháng khác không vơi đi được mấy, vì số lượng người cần đến loại kinh này không có nhiều như số lượng kinh đã in.
Lâu dần, rất nhiều kinh sách phơi nắng, phơi gió đến bạc màu, xuất hiện hoen ố, rồi bị mối đục khoét, hư hoại dần dù chưa một lần được ai đọc qua. Cuối cùng, khi kinh bị mục nát không thể đọc tụng được nữa, các vị tăng ni đành đem đi hỏa hóa ( nghi thức đốt những kinh sách cũ không đọc được nữa, cần phải làm đúng quy cách, không sẽ thành nghiệp )
Không phải ai ấn tống kinh sách cũng gặp phải tình cảnh này, nhưng kịch bản trên rất phổ biến. Quang Tử đã gặp rất nhiều người rơi vào tình trạng này, họ cầu cứu hỏi cách giải quyết làm sao, nhưng tôi cũng chịu.
Đáng lí người ấn tống cần tính toán trước và làm theo trình tự: tìm nguồn Cầu trước rồi mới Cung, tìm người muốn đọc kinh sách xem họ ở đâu, họ muốn đọc kinh sách gì, số lượng bao nhiêu, làm thế nào chuyển kinh sách đến tay họ?
Sau khi nắm được rồi thì mới đi mua đúng những loại kinh sách đó với số lượng hợp lý, và chuyển tặng. Có như vậy việc ấn tống mới được hoàn thành viên mãn, công đức vô lượng.
Kết luận:
Thực ra việc thiện nguyện nào cũng như vậy cả, đều luôn cần khảo sát thực tế, suy tính kỹ lưỡng, lập kế hoạch chu đáo mới có thể hoàn thành tốt được. Chẳng có việc nào là dễ cả, đặc biệt là những việc có quy mô lớn, lâu dài, làm không khéo là sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.
Thế giới này vận hành theo những quy luật khá phức tạp. Và những việc thiện nguyện cũng phải tuân theo những quy luật ấy, nếu cố làm đại, làm ẩu không theo quy tắc nào sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Thế nên dù xuất phát từ những tấm lòng chân thành, hết sức đáng ca ngợi, nhưng cũng không thể vì thế mà thả nổi những việc thiện nguyện làm theo kiểu bộc phát, không có trù tính kỹ lưỡng, không có kế hoạch hợp lý, không được trí tuệ soi lối.
Hi vọng bài viết này sẽ giúp những người có trái tim từ bi đáng quý hoàn thiện thêm kỹ năng cho mình, cẩn trọng hơn mỗi khi hành thiện, để ngày càng viên mãn được những việc thiện nguyện, tràn đầy lợi ích thực tiễn, lợi mình, lợi người, lợi ích cho tất cả.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
“Đây là lời thật lòng của tôi, người từng ở trong bùn lầy và đã ra khỏi bùn lầy”
Phật giáo và người trẻ 13:45 08/11/2024Người ta có thể phạm rất nhiều lỗi trong đời, nhưng ngàn vạn lần không nên phạm tội tà dâm! Cổ nhân nói: “Vạn ác, dâm đứng đầu!” Nhưng mãi đến hôm nay tôi mới nhận ra uy lực của câu nói này.
Xem thêm