Bạn đang tìm kiếm để hiểu ý nghĩa của từ khóa . Ý nghĩa của từ diêm la thập điện theo Tự điển Phật học như sau:
có nghĩa là:
(閻羅十殿) Mười điện Diêm la. Cũng gọi là Thập điện Diêm la. Tức là 10 ông vua ở cõi u minh (âm phủ, địa ngục). Diêm la là vua Diêm la (ma), vốn là thần Dạ ma (Yama) ở thời đại Phệ đà của Ấn độ, thông thường được coi là Tử thần hoặc là Chúa thần trông coi cõi u minh. Về sau, tư tưởng này trà trộn với Phật giáo và được truyền vào Trung quốc, rồi kết hợp với tín ngưỡng Đạo giáo mà sản sinh ra thuyết Diêm la thập điện. Tín ngưỡng 10 ông vua cõi u minh xuất hiện vào khoảng cuối đời Đường đầu đời Ngũ đại, nhưng về nguồn gốc của 10 vị vua thì có rất nhiều thuyết khác nhau. Cứ theo Thích môn chính thống quyển 4 và Phật tổ thống kỉ quyển 33 chép, thì Hòa thượng Đạo minh đời Đường, khi mộng du, thần hồn xuống địa phủ thấy 10 vua ở 10 điện lần lượt xét xử tội nghiệp của những vong linh người chết. Sau khi tỉnh dậy sư Đạo minh liền thuật lại, do đó mà tín ngưỡng này được lưu truyền trong dân gian.Nhưng cứ theo Địa tạng bồ tát tượng linh nghiệm kí chép, thì trong năm Thiên phúc (936-944) đời Hậu Tấn, có sa môn Tri hữu, người tây Ấn độ, đến Trung quốc mang theo bức tranh bồ tát Địa tạng và kinh Bản nguyện công đức. Trên bức tranh, ở chính giữa vẽ hình tượng bồ tát Địa tạng, hai bên tả hữu là hình tượng 10 vị vua cõi u minh. Theo truyện này thì tín ngưỡng 10 vua có lẽ đã từ Ấn độ truyền sang. Nhưng trong văn viết thì tên của 10 vị vua lại là tên Trung quốc, hơn nữa hình tượng của các vị cũng mặc áo kiểu Trung quốc đời xưa. Căn cứ vào đó mà suy thì thuyết cho tín ngưỡng 10 vua từ Ấn độ truyền sang cũng không đủ tin. Ngoài ra, trong kinh Dự tu thập vương sinh thất được truyền từ cuối đời Đường trở về sau cũng có chép việc 10 vua xử án. Còn Phật tổ thống kỉ quyển 45 thì cho biết, lúc nhỏ, Âu dương tu nhiều bệnh khổ, có lần ông nằm mộng thấy mình đến chỗ 10 vua cõi u minh và hỏi ra mới biết sự lợi ích của việc cúng trai và viết kinh ấn tống. Sau khi tỉnh dậy hết bệnh, ông lại càng thêm quí kính Phật pháp. Trong tín ngưỡng dân gian Trung quốc, tư tưởng địa ngục đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo, đặc biệt là ảnh hưởng của kinh Địa tạng bồ tát bản nguyện rất sâu, cho nên bồ tát Địa tạng được xem là chúa tể tối cao của địa ngục, gọi là U minh giáo chủ, cai quản Thập điện Diêm la vương. Thập điện Diêm la vương bao gồm: Nhất điện Tần quảng vương, Nhị điện Sơ (Sở) giang vương, Tam diện Tống đế vương, Tứ điện Ngũ quan vương, Ngũ điện Diêm (Sâm) la vương, Lục điện Biến (Biện) thành vương, Thất điện Thái sơn vương, Bát điện Bình đẳng vương, Cửu điện Đô thị vương, Thập điện Chuyển luân vương. Mười vua trên đây đều có quyền hạn khác nhau, lần lượt xét xử những vong linh người chết về các tội nghiệp mà họ đã phạm phải khi còn sống ở dương gian, rồi căn cứ vào đó mà quyết định các hình phạt. Tín ngưỡng 10 vua sau khi được truyền vào Nhật bản cũng khá thịnh hành, các chùa viện tại Nhật bản hiện nay còn cất giữ các bức vẽ và điêu khắc của 10 vua, hình tượng phần nhiều được vẽ hoặc chạm trổ theo kiểu Trung quốc. Trong đó có nhiều tác phẩm được xếp vào loại quốc bảo của Nhật bản. Những bức tranh 10 vua được tàng trữ ở các chùa Đại đức và Pháp nhiên tại Nhật bản là do Lục tín trung, nhà vẽ tượng Phật Trung quốc, vẽ vào đầu đời Nguyên. Về thuyết bản địa của 10 vua, cứ theo kinh Địa tạng bồ tát phát tâm nhân duyên thập vương nói, thì bản địa của 10 vua đều do Phật và Bồ tát ứng hóa chuyển biến mà ra. Như bản địa của Nhất điện Tần quảng vương là Bất động minh vương, bản địa của Nhị điện Sơ giang vương là đức Thích ca Như lai, bản địa của Tam điện đến Thập điện theo thứ tự là: bồ tát Văn thù, bồ tát Phổ hiền, bồ tát Địa tạng, bồ tát Di lặc, Dược sư Như lai, Quan âm bồ tát, A súc Như lai và Phật A di đà. Về tên gọi của 10 vua, cứ theo điều Thập vương cúng trong Phật tổ thống kỉ quyển 33 nói, thì tên gọi của 10 vua có thể thấy trong sáu bộ kinh điển và truyện kí, như: Trong kinh Đề vị thấy tên hai vua Diêm la và Ngũ quan, trong Hoa nghiêm cảm ứng truyện có vua Bình đẳng, trong Di kiên chí có hai vua Sơ giang và Tần quảng, trong Cổ kim dịch kinh đồ kỉ quyển 2 thì thấy tên vua Thái sơn. Ngoài ra, tên vua Ngũ quan còn được thấy trong kinh Quán đính quyển 12, kinh Tịnh độ tam muội và Kinh luật dị tướng quyển 49... Riêng tên vua Diêm la thì được thấy nhiều hơn trong các kinh luận. Lại cứ theo Minh báo kí được dẫn trong Pháp uyển châu lâm quyển 26, thì vua Thái sơn vốn tên là Thái sơn phủ quân. Còn trong Pháp sự tán của ngài Thiện đạo có nêu tên hai vị thần Ngũ đạo và Thái sơn, trong đó, thần Ngũ đạo tương đương với Ngũ đạo chuyển luân vương. Tóm lại, tín ngưỡng Diêm la thập điện tuy là sự hỗn hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Trung quốc, nhưng từ xưa đến nay nó đã bắt rễ sâu trong dân gian, và ngoài đạo lí nhân quả luân hồi, thiện ác báo ứng của Phật giáo ra, tín ngưỡng này cũng có công dụng giúp phát huy thêm việc cảnh tỉnh người đời bỏ ác làm thiện. [X. Thích thị lục thiếp Q.16]. (xt. Diêm Ma Vương).
Trên đây là ý nghĩa của từ trong hệ thống Tự điển Phật học online do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam cung cấp. Các từ khóa khác về Phật học trên hệ thống sẽ được tiếp tục cập nhật.
Cảm ơn bạn đã truy cập Tự điển Phật học online trên trang nhà.
Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa Phật học khác có cùng ký tự tương ứng trên Tự điển Phật học online:
dã dạ dã dã dạ da bà da bà lô cát đế dạ bán chính minh thiên hiểu bất lộ dạ bán chính minh thiên hiểu bất lộ dã bàn tăngTuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)