Tự tại với các pháp
Đức Phật được tôn xưng là đấng Pháp vương. Pháp vương có nghĩa là vua của các pháp, có hai nghĩa. Một là người nói ra giáo pháp, tức là các kinh điển mà ta học ngày nay, và hai là người làm chủ các pháp, tự tại với mọi sự mọi việc trên đời.
Chúng ta tu là học theo Đức Phật, làm chủ được các pháp như Ngài để được tự tại, an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống.
Làm chủ các pháp không chỉ là việc không tham đắm, chẳng dính mắc vào các pháp theo nghĩa mắt không tham đắm sắc, tai không chạy theo tiếng, mũi không đắm mùi hương, lưỡi không ham mê vị, thân không ham xúc chạm và ý không rong ruổi theo pháp. Có làm chủ được các pháp hay không ta không thể biết được trong hoàn cảnh bình thường. Vì bình thường thì ai cũng như ai. Chỉ khi nào xảy ra sự cố thì ta mới biết được mình như thế nào, có làm chủ được bản thân và tình hình hay không.
Có một người nọ tích lũy được một số tiền và anh ta cho một người bạn thân vay để lấy lãi hàng tháng. Số tiền lãi đó tuy không nhiều nhưng cũng đủ để anh sống không thiếu thốn và thỉnh thoảng làm việc thiện như bố thí, cúng dường. Cứ như thế cuộc sống anh ta rất an nhàn. Anh ta nói với mọi người rằng anh ta không tham đắm gì cuộc đời nữa, nhờ biết đủ nên không có gì có thể làm anh ta đau khổ. Thế rồi một ngày người bạn thân kia đột nhiên biến mất. Anh ấy vừa mất tiền, vừa cảm thấy bị bạn lừa dối. Thế là anh ta đau khổ. Lâm vào hoàn cảnh như thế ai mà không đau khổ! Cho nên anh ta đau khổ cũng là điều bình thường. Nhưng ngay đó cho thấy rằng anh ta không phải là “không tham đắm gì”. Anh tham đắm vào sở hữu của cải. Thêm nữa, anh cay cú vào cái gọi là bạn thân, vào sự chân thật và lừa dối. Nếu anh không chấp, chẳng dính vào những cái đó thì anh ta sẽ không đau khổ khi bị người lừa gạt, khi đối diện với hoàn cảnh không như ý. Tóm lại là đối với cuộc sống này anh ta vẫn còn mắc kẹt, vẫn chưa thoát ra được, chưa làm chủ, chưa tự tại đối với các đổi thay.
Với Đức Phật, không có gì có thể làm cho Ngài phải đau khổ cả. Nếu nói lý do chính đáng thì những nghịch cảnh xảy ra trong đời Ngài đều là lý do chính đáng cả. Ngài mất mẹ khi chỉ mới được bảy ngày tuổi. Ngài bị năm anh em Kiều-trần-như xa lánh và coi thường khi từ bỏ pháp tu khổ hạnh. Ngài cũng bị người ta chửi bới, bị vu oan là có quan hệ với phụ nữ, thậm chí giết người. Ngài bị Đề-bà-đạt-đa - vừa là em chú bác vừa là đệ tử - phản bội, tìm cách lật đổ và thậm chí nhiều lần bày mưu để sát hại Ngài. Khi các đệ tử Tỳ-kheo ở Kosambi tranh cãi nhau, Đức Phật đến khuyên răn dạy bảo họ đừng có gây gổ tranh đấu với nhau nữa, nhưng các Tỳ-kheo ấy không nghe lời, lại còn bảo Ngài đừng can thiệp vào việc của họ nữa, và tiếp tục đấu tranh với nhau... Chúng ta thử nhìn lại cuộc đời tu của mình xem mình có bị nạn nhiều như Đức Phật không? Mình có bị ai mắng chửi xối xả chưa, có ai đòi giết mình chưa? Chúng ta thử hình dung chúng ta làm trụ trì, rồi có một hay vài đệ tử muốn lật đổ ta, thậm âm mưu giết ta để giành chùa thì ta sẽ cảm thấy thế nào? Có chịu đựng được không? Khi ta đi ra đường, chỉ cần có ai gọi mình là “thầy chùa” hay tỏ ra bất kính một chút là ta thấy tự ái, phiền não rồi, nói chi đến những việc lớn hơn, khó chịu đựng hơn. Nhưng Đức Phật thì không hề đau khổ hay phiền não vì những chuyện đó, bởi vì Ngài đã làm chủ được các pháp, không bị các pháp khống chế. Còn chúng ta chưa làm chủ được các pháp nên bị các pháp hành hạ; cho nên chuyện gì xảy ra cũng làm chúng ta đau khổ cả.
Trong cuộc sống, nếu chúng ta đặt nặng, quan trọng cái gì thì chúng ta sẽ đau khổ vì cái đó. Không cần biết là lý do gì, chính đáng hay không chính đáng, nhưng nếu pháp nào làm ta đau khổ tức là ta bị pháp đó trói buộc, sai sử, chưa thoát được. Ngược lại, nếu chúng ta coi các pháp chỉ là con số 0 thì làm gì chúng tác động được ta. Cho nên tu tập là ta nhìn lại bản thân mình xem mình đã thật sự tự tại đối với các pháp chưa. Phải hạn chế dần dần sự tác động, chi phối của các pháp. Khi đã tự tại với các pháp thì thân tâm tự nhiên nhẹ nhàng, an lạc. Cho nên nếu tu đúng pháp thì càng tu càng tự tại, an lạc và hạnh phúc là vậy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo là gì?
Phật giáo thường thức 15:16 27/01/2025Phật giáo dịch từ chữ Buddhasāsana: nghĩa là: lời giáo huấn của Ðức Phật, bằng ngôn ngữ Pāḷi, có ba loại:
Thân tâm thường an lạc
Phật giáo thường thức 13:30 27/01/2025Đề tài nói chuyện hôm nay là "Thân tâm thường an lạc". Như đã giới thiệu ở phần dẫn nhập, đây là câu chúc thiện lành, chúng ta thường nghe các Phật tử chúc lẫn nhau khi Xuân về Tết đến.
Ân đức giáo hóa vô thượng chúng sanh của Đức Thế Tôn
Phật giáo thường thức 09:00 27/01/2025Hỏi: Ân đức giáo hóa vô thượng chúng sanh của Đức Thế Tôn được biết đến ra sao?
5 điều tâm niệm cuối năm
Phật giáo thường thức 08:20 27/01/2025Hãy để 5 điều tâm niệm soi sáng con đường phía trước, giúp chúng ta buông bỏ quá khứ, sống trọn vẹn với hiện tại và sẵn sàng đối diện tương lai.
Xem thêm