Vào chùa học chữ Khmer dịp hè
Mùa hè cũng là thời gian các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer rộn ràng không khí học tập. Điều đáng quý nhất là mỗi ngôi chùa, mỗi nhà sư đang chung tay, góp sức giảng dạy, góp phần giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc.
Rộn ràng lớp học trong chùa
Đã thành thông lệ, vào dịp hè hằng năm, nhiều ngôi chùa Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long lại mở lớp dạy chữ Khmer, thu hút đông đảo người dân, học sinh tham gia học tập. Lớp dạy chữ Khmer không chỉ cung cấp kiến thức cần thiết trong đời sống mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ tiếng mẹ đẻ và giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Chùa Serey Kandal (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) hằng năm đều tổ chức dạy chữ Khmer cho con em trong vùng. Năm nay, số lượng học sinh đến chùa học chữ tăng cao hơn những năm trước. Để đáp ứng nhu cầu học tập, nhà chùa đã bố trí phòng học, sắp xếp thời gian, chia lớp học cho phù hợp theo từng lứa tuổi. Hiện có khoảng 500 học sinh đang theo học từ lớp 1 đến lớp 3 và lớp 2 Pali sơ cấp. Trong đó, số người học tại điểm chùa có khoảng 350 học sinh và tăng sinh, còn lại học ở điểm Trường Tiểu học Vĩnh Phước 3.
Theo Đại đức Lý Phét, Trụ trì chùa Serey Kandal, hè năm nay số lượng học sinh đến chùa học chữ tăng gấp đôi so với năm trước. Hiểu rõ việc nhà chùa góp phần chăm lo dạy chữ Khmer cho đồng bào là việc làm có ý nghĩa nên các nhà sư đã tích cực tham gia và để động viên học sinh, mỗi tuần chùa tổ chức phát sữa, tặng quà, riêng đối với các em hoàn cảnh khó khăn nhà chùa còn hỗ trợ thêm dụng cụ học tập, sách, vở viết…
Thị xã Vĩnh Châu là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Hiện trên địa bàn có 21 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, hè về các chùa đều mở lớp dạy chữ Khmer và đã thu hút được hàng nghìn học sinh theo học. Đến đây, các học sinh mới học đã được nhà chùa, các sư tận tình hỗ trợ, các em được dạy từ việc nhận biết chữ cái cho đến cách đánh vần. Lớp cao hơn thì học tập đọc, học viết; cao hơn nữa thì học các môn văn hóa như Toán, Văn, Lịch sử…. bằng tiếng Khmer. Hoạt động này ngày càng được phụ huynh và học sinh ở vùng đồng bào dân tộc quan tâm.
Trà Vinh là tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống đông thứ hai ở Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau tỉnh Sóc Trăng. Dân số toàn tỉnh có hơn 1 triệu người, trong đó hơn 300 nghìn người là đồng bào dân tộc Khmer, chiếm gần 30% dân số. Tỉnh hiện có 143 ngôi chùa, các chùa đều mở lớp dạy tiếng Khmer.
Tham gia giảng dạy tại các chùa chủ yếu là các nhà sư và đội ngũ tình nguyện viên. Lớp học dành cho học sinh Khmer thường kéo dài trong thời gian nghỉ hè nên không ảnh hưởng đến việc học tập của các em ở trường. Ngoài việc dạy tiếng nói, chữ viết, nhà chùa còn chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng, lễ nghi giao tiếp...
Nói về hoạt động dạy học chữ Khmer tại chùa, Thượng tọa Kim Mạnh, Trụ trì chùa Kompong Đung (huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) cho biết: “Chùa có rất đông học sinh đến học, tuy số lượng đông nhưng các lớp học vẫn được nhà chùa tổ chức giảng dạy nghiêm túc, bảo đảm đúng chất lượng theo giáo trình.
Ban quản trị chùa, sư cả đều dạy học trong dịp hè để học sinh không chỉ biết chữ mà còn được nâng cao hiểu biết về phong tục tập quán của dân tộc. Nhà chùa cũng như các vị chư tăng luôn cố gắng bảo tồn, gìn giữ nét đẹp bản sắc của dân tộc Khmer”...
Bảo tồn tinh hoa ngôn ngữ
Theo các nhà sư, đồng bào Khmer rất có ý thức tự học để bảo tồn tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Việc dạy chữ Khmer cho cấp tiểu học theo chương trình của Bộ GD&ĐT tại các nhà trường đã giúp cho học sinh các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc và viết chữ. Tuy nhiên, còn có những em đã lỡ chương trình hoặc người quá tuổi học bậc tiểu học thì cần được học tại lớp linh hoạt trong các điểm chùa ở địa phương.
Đã trở thành thông lệ, chùa nào không có đủ diện tích phù hợp để tổ chức dạy học thì mượn nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc điểm trường tại địa phương để bố trí lớp dạy chữ Khmer trong dịp hè. Trước thời điểm nghỉ hè, các chùa đều chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất để đón học sinh đến học. “Những học sinh, học viên khó khăn thường được nhà chùa hỗ trợ sách vở, bút, dụng cụ học tập. Giáo viên đứng lớp giảng dạy tại các chùa chủ yếu là các nhà sư, các tình nguyện viên. Với tinh thần vì cộng đồng, họ không hề nhận bất kỳ một khoản đóng góp nào từ học trò hay nhà chùa”, chị Thạch Ngọc Bích, phụ huynh ngụ thị trấn Tiểu Cần (Trà Vinh) cảm động cho biết.
Sư Thạch Luyển, người trực tiếp tham gia giảng dạy tiếng Khmer tại chùa Giồng Lớn (xã Đại An, huyện Trà Cú, Trà Vinh) cho biết thêm, việc dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc được xác định là nghĩa vụ của người học trước truyền lại cho người học sau, là truyền thống lâu đời của dân tộc Khmer.
Hằng năm chùa đều mở lớp ngoài giờ học tiếng Việt ở trường hoặc thời gian nghỉ hè để các em muốn học thêm tiếng Khmer thì đến các điểm chùa địa phương. Ngoài việc dạy tiếng nói, chữ viết, nhà chùa, các sư còn giáo dục về đạo đức, nhân cách sống, về sự hiếu thảo và các nghi thức giao tiếp, ứng xử...
Những thông tin kiến thức về đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng khéo léo được phổ biến đã giúp học sinh nâng cao nhận thức và tầm hiểu biết. Ðồng bào Khmer đều xem việc học tập tiếng nói, chữ viết của dân tộc là nhu cầu, nguyện vọng thiết thực, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa.
Trao đổi về công tác giáo dục dân tộc, bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh cho biết, Sở GD&ĐT hướng dẫn và các Phòng GD&ĐT triển khai đến cơ sở giáo dục thực hiện dạy và học bổ túc văn hóa tiếng Khmer tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn.
Dịp hè năm 2022 đã có 130/143 điểm chùa mở lớp dạy học tiếng Khmer với 753 lớp; có 16.128 học viên theo học; tham gia dạy học gồm 692 vị sư; tổng kinh phí hỗ trợ người dạy hơn 3,4 tỷ đồng... Hiện tỉnh duy trì việc dạy và học tiếng Khmer thử nghiệm và thực nghiệm theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại huyện Châu Thành (Trường Tiểu học Đa Lộc A và Trường Tiểu học Lương Hòa C).
Tham gia lớp học tại chùa Kompong Đung, em Sơn Kim Ngọc, học sinh lớp 5, ngụ tại thị trấn Tiểu Cần (Trà Vinh) cho biết: Mùa Hè nào em cũng tham gia lớp học chữ Khmer tại chùa do các sư giảng dạy. Đến chùa, em và các bạn không chỉ được học chữ để thêm hiểu biết, thêm yêu tiếng nói của dân tộc, mà còn được học về văn hóa, truyền thống của người Khmer, được học giáo lý của nhà Phật, hiểu được những điều hay, lẽ phải…
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tiền Giang: BTS H.Gò Công Tây trao quyết định thành lập Ban Quản trị đến 17 tự viện
Trong nước 07:00 22/11/2024Ngày 21/11, tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN H.Gò Công Tây - chùa Linh Sơn (TT.Vĩnh Bình), Ban Trị sự Phật giáo huyện tổ chức họp định kỳ, trao quyết định bổ nhiệm và thành lập Ban Quản trị 17 cơ sở tự viện trên địa bàn huyện.
Kinh lá buông - “báu vật” của đồng bào Khmer An Giang
Trong nước 15:30 21/11/2024Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.
Tiền Giang: Tăng Ni sinh lớp Trung cấp, Cao đẳng Phật học tri ân thầy cô giáo
Trong nước 16:00 20/11/2024Hòa cùng trong không khí hân hoan của bao thế hệ học trò đón mừng ngày Nhà giáo Việt Nam; sáng ngày 20/11/2024, tập thể Tăng Ni sinh các lớp Trung cấp và Cao đẳng Phật học Tiền Giang tổ chức tri ân chư Tôn đức ban Cố vấn, Ban Giám hiệu nhà trường.
Tiền Giang: 17 cơ sở tự viện tại H.Cái Bè được thành lập và bổ nhiệm Ban Quản trị
Trong nước 09:00 20/11/2024Ngày 19/11/2024 (nhằm ngày 19 tháng 10 năm Giáp Thìn) Ban Trị sự GHPGVN huyện Cái Bè tổ chức phiên họp lệ, trao quyết định thành lập và bổ nhiệm Ban Quản trị cho các cơ sở tự viện, tại Văn phòng BTS - chùa Thiền Quang, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Xem thêm