Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 13/05/2014, 08:17 AM

Vesak 2014, rộn ràng cờ mở, bay cao núi biếc

Nhà sư Ratnapura thiền phái Nam tông người Bangladesh nói rằng ông đi dự nhiều lần Đại lễ Vesak nhưng chưa thấy nơi nào có cách chào đón khách đầy văn hóa thú vị độc đáo như tại Đại lễ ở Ninh Bình.

Trong mấy ngày này, ai đi dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2014 hoặc đến tham quan khu danh thắng chùa Bái Đính –Tràng An cũng đều vô cùng thú vị cảm hứng khi vừa qua cổng thành, đã thấy một lá cờ Phật giáo khổng lồ cách đó khoảng 2km đang rộn ràng tung bay trên đỉnh núi Hành Thiện phía trước,thuộc địa bàn xã Ninh Xuân, Hoa Lư…mừng khách đến. Khi tới gần, du khách & phật tử hành hương đều ngỡ ngàng khi được chào đón bằng một câu đối rất lớn độc đáo, như giải lụa đẹp treo ngang vách núi…

Chiều ngày 10.5.2014 trong phiên Bế mạc Đại lễ Vesak 2014, nhiều đại biểu trong nước và quốc tế đánh giá rất cao kết quả tổ chức Đại lễ Phật đản lần thứ 11 ở Ninh Bình - Việt Nam.

Đây là một trong những kỳ Đại lễ có số đoàn nước ngoài tham dự đông nhất, gần một trăm nước và vùng lãnh thổ cùng lượng người gồm công chúng và phật tử đến dự đại lễ khoảng 20.000 người, vượt gấp đôi, bỏ xa con số dự kiến ban đầu. Một trong những thành công của đại lễ, gây ấn tượng chính là cách trang hoàng chào đón khách và các công trình phục vụ Đại lễ uy nghiêm độc đáo…
 Cổng chào bằng vải đơn giản mà đẹp
Trên các tuyến đường lớn ở Thủ đô Hà Nội dẫn vào đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và ngay trên đường cao tốc về Ninh Bình, những tấm phướn đẹp đẽ nhiều màu sắc chào mừng Đại lễ Vesak đã khơi dậy sự phấn khích cho từng đoàn người ngày đêm đổ về Bái Đính.

Khi vừa đến đầu đường Tràng An, cờ phướn trang hoàng càng tưng bừng và lộng lẫy hơn, nổi bật nhất là 150 khối thông tin hình quả trám cao khoảng 2m, giới thiệu về đại lễ,chủ đề Đại lễ bằng hai thứ tiếng Việt, Anh, tô điểm trên suốt tuyến đường dài hơn 15km từ Tp.Ninh Bình về không gian chùa Bái Đính.

Điểm xuyết trên toàn tuyến là các cổng chào bằng vải màu cờ Phật giáo hình chữ U ngược, trông đơn giản nhưng rất đẹp, nổi bật trên nền màu xanh cỏ cây tươi mát của vùng rừng núi Tràng An.
 Câu đối nhà Phật đạt kỷ lục
Chỉ cần vượt qua cổng thành đẹp lớn, uy nghi xây dựng theo kiểu cổ xưa truyền thống ở ngay đầu đường Tràng An, là khung cảnh thiên nhiên núi non tuyệt đẹp của cố đô Hoa Lư xưa - Ninh Bình nay đã hiện ra ngay trước mắt. Phía trước, từ vị trí cổng thành ta đã có thể thấy lá cờ Phật giáo khổng lồ 5 sắc hào quang đức Phật: xanh vàng đỏ trắng cam tung bay uy dũng giữa các đỉnh núi xanh biếc của dãy Hành Thiện, Ninh Xuân. Tuy chỉ có diện tích 500m2 với chiều dài lá cờ là 25,58m (tượng trưng PL.2558) nhưng hiện là lá cờ Phật giáo lớn nhất Việt Nam và thế giới năm 2014.

Từ xa hơn 2km đã nhìn thấy lá cờ này và độ lớn của cờ bay cao hoành tráng giữa những cánh núi đẹp xanh biếc,như cổng thành thiên nhiên hùng vĩ mở rộng đón khách, đủ để gây ấn tượng mạnh - thú vị khiến nhiều người về cố đô - đất Phật đã phải dừng bước để chiêm ngắm, chụp ảnh… 

Xe cứ từ từ tiến lên ngắm cờ và cách lá cờ chừng 1km thì tấm băng rôn trắng cực lớn, dài trên 120m, mang câu đối chào đón khách quý cũng hiện rõ, ngay chân núi dưới không gian bay cờ. Câu đối màu trắng như một dải lụa mềm vắt ngang gần hết quả núi xanh,trên đó là một câu đối khá thi vị mừng khách đến dự Đại lễ: “Trầm bổng chuông ngân, mở rộng cửa thiền, Bái Đính đón khách quý mười phương về hội Phật/Rộn ràng cờ mở, bay cao núi biếc, Ninh Bình đón người hiền trăm xứ đến trời Nam”.

Câu đối đặc sắc này là hạng mục trang trí được Chuỗi nhà hàng chay Hiếu Sinh (Hà Nôi) thành tâm công đức cho Đại lễ và giữ kỷ lục câu đối nhà Phật lớn nhất Việt Nam.

Ngoài chữ Việt rất lớn có thể đọc từ khoảng cách hơn 300m, hàng bên dưới là nội dung câu đối bằng tiếng Anh do thầy Thích Đồng Ấn phiên dịch. Trong phiên bản nhỏ của câu đối treo ở Bái Đính còn in thêm nội dung câu đối bằng tiếng Trung do thầy đồ Lê Thiên Lý nổi tiếng đất Hải Phòng phỏng dịch.

Tại nơi treo câu đối có mấy bà cụ trong thôn nội xã Ninh Xuân tắm tắc nhẩm đọc và nhờ người chép hộ câu đối để ngâm nga. Góc khác, một nhóm khá đông phật tử ở miền Nam ra dự lễ cũng dừng lại nhìn ngắm,chụp ảnh xuýt xoa. Có chị bảo cách treo băng rôn uốn lượn cong cong trên vách núi rất lạ mắt, giống như dải lụa mềm mại từ trên không trung mang lời chư Phật ban thả xuống cho chúng sinh… 
 Lá cờ Phật giáo lớn với diện tích 475m2
Trong lúc dừng xe, tôi và anh chị Vallampati và Ruppnar, những phật tử thuần thành người Mumbai, Ấn Độ đi dự Đại lễ may mắn gặp được anh Thịnh và anh Hùng đứng đầu nhóm thi công lá cờ và câu đối. Nhóm các anh là những thợ khai thác đá và leo núi hàng ngày rất giỏi nên mới có thể leo lên được những vách núi gần như dựng đứng trơn trợt để treo lá cờ và câu đối đặc biệt này. Độ cao đỉnh núi treo cờ khoảng trên 200m. Hai đỉnh núi chọn treo cờ cách nhau khá xa. Cờ treo bằng hệ thống cáp và ròng rọc dài gần nửa cây số và hôm thi công trời có mưa và gió lớn.  Leo núi với thế dốc đứng vô cùng nguy hiểm nhưng với lòng thành muốn góp sức làm đẹp cho đại lễ, cho quê hương Ninh Bình nên các anh đã cố gắng hết sức, bảo đảm thi công an toàn làm tròn nhiệm vụ.

Phiên bản thu nhỏ câu đối chào khách quý độc đáo này, đã được in thêm nội dung dịch tiếng Anh và tiếng Trung và treo ngoài sân Trung tâm Hội nghị Quốc tế chùa Bái Đính, thu hút khá nhiều đại biểu đến xem chụp ảnh kỷ niệm. Họ rất vui và thú vị khi biết câu đối khổng lồ ngang núi cách Bái Đính hơn 10km ngoài kia được thực hiện là để chào đón họ. 
 Hội trường trên 3000 chỗ ngồi và sân khấu uy nghiêm
Nhà sư Ratnapura thiền phái Nam tông người Bangladesh nói rằng ông đi dự nhiều lần Đại lễ Vesak nhưng chưa thấy nơi nào có cách chào đón khách đầy văn hóa thú vị độc đáo như tại đại lễ ở Ninh Bình. Tôi giải thích lý do với ông đây là nét văn hóa bề dầy nhiều nghìn năm của Phật giáo Việt Nam trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt. Từ Bắc chí Nam, chùa chiền đình đền đâu đâu cũng có câu đối. Nội dung câu đối đều mang ý nghĩa Phật pháp giáo hóa người dân hoặc ca tụng công đức xây dựng đất nước quê hương hay phát triển đạo Phật, góp phần hình thành nhân cách người dân và tạo phúc cho xã hội.

Mặt khác, thể hiện câu đối treo trên núi cũng là cách nối tiếp truyền thống thơ đề vách núi thi vị của cha ông ngày xưa. Chung quanh núi non đẹp đẽ của Ninh Bình được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” hoặc nhiều danh thắng khác trên khắp cả nước, còn thấy hàng nghìn bài thơ câu đối được khắc lên vách núi.

Chỉ với hòn núi Dục Thúy nhỏ bên sông Đáy cửa ngõ vào thành phố Ninh Bình cũng đã có cả hàng chục bài thơ hay từ nhiều thế kỷ trước, bút tích của danh nhân Việt Nam xưa.

Trong không gian mát rượi cạnh những khóm hoa sen hồng nở rộ lối lên hội trường. Trung tâm Hội nghị Quốc tế chùa Bái Đính, tôi rất vui khi ngẫu nhiên gặp cùng lúc ông Nguyễn Xuân Trường, người xây danh thắng Bái Đính.

Chúng tôi bắt tay nhau thật chặt chúc mừng việc xây dựng thành công hội trường trên 3.000 chỗ ngồi sang trọng hiện đại, đẹp và chỉn chu đến từng …mi-li-mét, tạo ra một không gian ấm cúng, thân thiện với sân khấu trang hoàng uy nghiêm, lộng lẫy hoàn toàn tôn xứng với Đại lễ Phật giáo tầm thế giới. Giờ có thể tin được chỉ trong vòng 90 ngày, bằng sự cố gắng phi thường đã hoàn thành một công trình to lớn chu đáo và mỹ thuật đến như vậy. Chúng tôi cũng chúc mừng khi Đại lễ chỉ còn phiên họp cuối cùng, mà mọi hoạt động đang dần kết thúc viên mãn, như lòng mong ước. Chắc chắn chỉ có lòng thành kính với đức Phật và sự tự trọng - tự hào dân tộc mới gắn kết được hàng nghìn vạn con người Việt Nam làm nên sự thành công rực rỡ cho Đại lễ.

Ngồi trên ghế êm và đeo tai phiên dịch hai thứ tiếng Việt - Anh,các đại biểu Phật giáo và các học giả khắp thế giới tụ hội về đây hầu như không còn cảm thấy có khoảng cách. Trong không khí trang nghiêm chan hòa tình người thấm đượm từ bi hỉ xả của đức Phật; mọi người đã bàn bạc soạn thảo và nay đang loan đi khắp thế giới “Tuyên bố Ninh Bình – Vesak 2014” cụ thể hóa chủ đề Đại lễ: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”. 

Giữa không gian hoan hỉ ấy, tôi chợt thấy một số các vị đại biểu trẻ người nước ngoài ngồi bên cạnh đang nghiêng đầu gần nhau thì thầm về những tấm ảnh chụp được trong những khoảnh khắc đáng nhớ của Đại lễ. Hình ảnh các hoạt động Đại lễ chen lẫn giữa cảnh quan núi non Tràng An - Hoa Lư. Loáng thoáng giữa sê-ri ảnh quần thể danh thắng chùa Bái Đính là một loạt ảnh lá cờ Phật giáo khổng lồ bay cao lộng lẫy ngang những ngọn núi xanh. Có người còn phóng lớn hình chụp câu đối và lẩm nhẩm đọc: “Flags wave over the green forested mountains…”…Rộn ràng cờ mở, bay cao núi biếc…

Lê Hoàng Sông Phan

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm