Trong bài Pháp thoại, Thượng tọa nêu khái niệm, đặc điểm chung nhất của tâm thanh tịnh. Từ đó, chỉ ra vai trò của tâm thanh tịnh đối với quá trình tu tập và cách thức để các phật tử có thể an trú nội tâm.
Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa chỉ ra rất nhiều loại hình tu tập mà các phật tử đang theo hiện nay, và khẳng định mỗi loại hình tu tập có một tên gọi, một hình thức thực hành khác nhau, nhưng đều hướng về mục đích cuối cùng là tu tâm để tâm được thanh tịnh, trong sạch. Tâm của chúng sinh không được thanh tịnh, hiền lành như tâm của các bậc Thánh. Để tâm được thanh tịnh như các bậc Thánh, chúng ta phải tu rất vất vả, và lâu dài.
Tâm của chúng sinh rất quan trọng vì nó quyết định cõi mà chúng sinh đi về. Nếu tâm ác độc thì nơi đến là địa ngục; tâm bỏn xẻn hay phung phí thì nơi đến là ngã quỷ; tâm ngu si, không biết phải trái thì nơi đến là súc sinh; tâm biết phân biệt đúng sai thì về cõi người; tâm nhiệt tình, năng nổ lo cho việc chung nhưng không có hướng đi về giải thoát thì về cõi Atula; tâm thuần thiện, hiền lành thì về cõi trời. Nói chung, tâm thanh tịnh thì về cõi thanh tịnh. Đó là nhân quả. Ta cứ tu tâm cho tốt thì cả vũ trụ đều hiện ra trước mắt, không cần vọng tưởng xa xôi. Vậy nên, tu dễ mà khó, khó mà dễ.
Thế nào là tu dễ mà khó, vì muốn chuyển từ phàm thành Thánh, chuyển tâm từ ô uế thành trong sạch thì cần một thời gian rất dài, tu rất tỉ mỉ, cực khổ và có nhiều phước. Còn tu khó mà dễ, vì mười phương pháp giới mênh mông nhưng cái giải thoát vi diệu đều từ nơi mình cả. Thượng tọa nhấn mạnh, chúng ta chỉ cần kiểm soát, tu tâm cho an trú, cho đúng đường thì mọi điều đều mở ra hết. Tâm thanh tịnh là mục tiêu mà mọi pháp môn đều muốn hướng tới. Tôn giáo chân chính là tôn giáo biết dạy tín đồ của mình tu tập cho tốt để đạt được tâm thanh tịnh, trong sạch.
Để phật tử biết thế nào là tâm thanh tịnh, Thượng tọa chỉ ra 5 đặc điểm chính:
Thứ nhất, Thượng tọa định nghĩa tâm trong sạch là tâm không bị nhiễm bẩn bởi 4 điều là sự hung dữ, ác độc; sự tham lam, ích kỉ; sự sân hận và sự hiểu sai đạo lý. Qua đó phân tích rõ ràng từng loại tâm. Ví dụ tâm độc ác là tâm dám làm người khác đau khổ; tâm tham lam, ích kỷ là tâm muốn nhiều và lo nhiều về cho mình; tâm sân hận là tâm giận hờn, tự ái, nổi nóng; tâm hiểu sai đạo lí là sống hời hợt, không có quan điểm sống, không hiểu chủ trương, đường lối, chính sách. Từ những phân tích đó, Thượng tọa kết luận tâm sân hận chưa phải là ác vì chưa nghĩ tới việc hại người khác. Tuy nhiên, ranh giới giữa cái sân và cái ác không xa, nên người có tính sân hận dễ làm việc ác. Việc hiểu sai đạo lí cũng rất nguy hiểm vì nó làm tâm mình trở nên tà kiến và ô nhiễm.
Thứ hai, tâm trong sạch là tâm được hỗ trợ bởi cái phước, chứ không phải cái tâm tự đứng một mình. Cái phước được hình thành, tích lũy từ những việc làm, những suy nghĩ đúng đắn, tích cực của ta. Nó là yếu tố quan trọng nhất nuôi dưỡng, duy trì sự sống cho tâm hồn và bộ não. Khi được phước hỗ trợ, ta sẽ trở nên thông minh, sáng suốt hơn; có thể điều khiển được tâm mình; dễ ngủ và dễ tập trung hơn.
Thứ ba, tâm trong sạch là tâm không ưa thích hưởng thụ, dục lạc; việc ăn uống không phải là ăn cho no, cho chán mà ăn đủ chất để đảm bảo sức khỏe; biết từ bỏ những thú vui của cuộc đời (ma túy, nhậu nhẹt, game,..). Nếu làm được những điều đó thì ta tu đúng hướng, tâm ta dần dần được thanh tịnh. Ngược lại, thì là tâm còn cấu ế, ô nhiễm. Việc giữ tâm trong sạch rất quan trọng vì đó là hạnh phúc. Chúng sinh không phải ai cũng biết điều này, nên cứ loay hoay đi tìm những hạnh phúc ảo, tạm bợ, khiến bản thân bị tổn hại cả về tiền bạc, sức khỏe.
Thứ tư, tâm trong sạch là tâm thường khởi lên những ý niệm lành và thiện. Đó là ý niệm thương người; ý niệm tôn kính Phật, tôn kính các bậc Thánh, kính trọng những người đáng kính; ý niệm bao dung với những người kém hơn mình về tài sản, tài năng, đạo đức, phước lành, v.v…
Thứ năm, tâm trong sạch là tâm có tu tập thiền định, đạt được chánh niệm hoặc cao hơn là chánh định nhưng kín đáo, khiêm tốn, không kiêu mạn. Người đạt được chánh niệm lúc nào cũng an trú được trong pháp môn mình tu, tâm tỏa sáng, thanh tịnh. Người đạt được chánh định có thể dẹp hết những suy nghĩ, bước vào những cảnh giới của Thánh vi diệu.
Mỗi mức độ thanh tịnh của tâm - tương ứng với một Thánh vị và một cõi trời. Người có tâm trong sạch hiện ra một đời sống mẫu mực mô phạm, trở thành tấm gương cho người xung quanh học tập theo. Nhờ có những người đó, chúng ta phát được đạo tâm, thấy được trên đời này có Thánh, có lẽ phải, có đạo lí, nên không dám làm bậy. Chính cuộc sống của họ đem lại rất nhiều lợi ích cho chúng sinh, dù họ không nói một lời nào. Công đức của họ cũng từ đó xuất hiện một cách âm thầm, ngày càng lớn.
Nhìn lại hiện thực cuộc sống, Thượng tọa tỏ ra lo lắng vì thời mạt pháp cách Phật đã xa, hình ảnh vĩ đại của Phật và chúng Tăng không còn nữa, niềm tôn kính Phật của chúng sinh nhạt dần. Mà không nuôi dưỡng được niềm tôn kính Phật tuyệt đối nên đạo tâm của ta suy yếu dần. Thời đức Phật, chúng sinh tôn kính Phật một cách tuyệt đối nên họ được tắm, được ấp ủ và nuôi dưỡng trong niềm tôn kính tuyệt đối đó. Nhờ vậy, họ đắc đạo rất nhanh. Bây giờ, người nào ý thức được mình phải tôn kính Phật thì mới coi những bức tượng Phật bằng xi măng như là Phật sống, biết Phật vô biên, vô lượng và khởi lên được lòng tôn kính Phật tuyệt đối. Vậy nên, Thượng tọa, yêu cầu các phật tử phải ép mình khởi nên niềm tôn kính Phật tuyệt đối, phải dựng lại những điều tốt đẹp mà ta đã đánh mất.
Hướng về những người xuất gia, Thượng tọa hy vọng các vị tiếp tục cố gắng nuôi dưỡng nội tâm cho thanh tịnh, làm chỗ nương tựa, quy ngưỡng cho chúng sinh. Đó cũng là cách chúng ta chấn phát lại sự tinh tấn tu hành, giữ lại chánh pháp cho ngàn sau.
Đành rằng, quá trình tu tập ai cũng có thể bị vấp ngã, mắc phải sai lầm nhưng Thượng tọa mong các phật tử biết sám hối, sửa đổi, rút ra bài học để đi tiếp con đường tu tập gian nan, lâu dài phía trước, sớm tìm lại được tâm trong sạch để tỏa ra hương thơm đức hạnh cho đời, góp phần giữ gìn chánh pháp trường tồn.
Với những người chưa xuất gia, Thượng tọa hy vọng mọi người có thể nghĩ rằng chùa mới là nhà của mình ở tương lai, cái thân tướng xuất gia mới là sinh mệnh của mình về sau này, đừng nghĩ rằng mình cứ làm cư sĩ mãi, nếu kiếp này chưa kịp thì phát nguyện kiếp sau được xuất gia.
Luận theo quan điểm này, Thượng tọa nhấn mạnh rằng chỉ nơi nào có những người hướng về vô ngã, biết tu dưỡng nội tâm trong sạch, biết yêu thương nhau bằng lòng từ bi vô hạn mới là tổ ấm, là bến bờ để ta quay về. Muốn gieo được nhân xuất gia thì chúng ta phải làm được 2 điều, đó là: kính trọng người xuất gia và sống như người xuất gia ngay từ bây giờ.
Thế giới hỗn loạn, tối tăm khiến đạo đức con người cũng bị ảnh hưởng và đi xuống theo. Chúng ta cần những bậc hiền triết, có nội tâm trong sạch, cao siêu, có thể đánh thức và ghìm con người lại, để con người không bị trôi tuột trong vô minh mà biết suy nghĩ về những điều tốt đẹp để sống, để cống hiến cho cuộc đời. Và Thượng tọa khẳng định những bậc hiền triết đó không ai khác, chính là các phật tử, vì phật tử là con của Phật, tiếp nhận đạo lý của Phật để tu, nên có bổn phận dẫn dắt, nhắc nhở những người xung quanh tìm về với đạo mầu cao siêu.
Lại nữa, Thượng tọa còn khuyên nhủ: các phật tử nói ít nhưng làm thật nhiều, càng khiêm hạ, nhường nhịn, vị tha, yêu thương để trở thành tấm gương cho người xung quanh. Đồng thời việc giáo hóa, nhắc nhở cần từ tốn, chậm mà chắc chứ không nóng nảy, vội vàng. Như vậy, kết quả mới lâu dài, bền vững.
Chúng ta đang gánh trên vai trách nhiệm độ sinh, giáo hóa những người xung quanh. Đây là một trách nhiệm nặng nề, quan trọng, nên chúng ta không được im lặng, không được đùn đẩy hay thoái thác. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, chúng ta phải sống đàng hoàng, mẫu mực và có tâm thanh tịnh, trong sạch.
Người có tâm trong sạch được ví như viên ngọc sáng, là chiếc thuyền cứu giúp chúng sinh, là cây cao che mát mọi người. Vì vậy, trong Tăng đoàn cần những người chân tu đạo hạnh, nội tâm trong sạch; còn giữa thế gian đầy những điều ác thì cần nhiều những bậc hiền triết trong sạch để cứu giúp, đánh thức mọi người.
Cuối cùng, Thượng tọa khẳng định tâm trong sạch tự nó là niềm vui, là hạnh phúc. Ta không cần quả báo dù nguyên tắc của luật nhân quả “Có nhân thì ắt có quả”, vì tâm thanh tịnh chính là hạnh phúc vô biên. Nội tâm trong sạch giúp ta tạo ra nhiều phước đức cho cuộc đời, là mục đích cuối cùng của quá trình tu tập gian nan, lâu dài mà ai cũng hướng tới.
Tóm lại, trong bài Pháp thoại, những định nghĩa, những quan điểm và nhiều triết lý được Thượng tọa đưa ra một cách ngắn gọn, dễ hiểu bằng giọng điệu hóm hỉnh, ngôn từ giản dị, giúp các phật tử nắm được nội dung bài Pháp rất nhanh chóng. Những thuộc tính mà bài Pháp nhắc đến là dấu ấn để các phật tử so sánh, đối chiếu với tâm hồn mình, từ đó biết được quá trình tu tập của mình đang đi đến đâu. Đồng thời, Thượng tọa cũng chỉ cho mọi người cách thức tu tập đúng đắn để sớm đạt được tâm thanh tịnh, tránh đi nhầm đường, gây lãng phí thời gian, tiền bạc và sức khỏe.
Bên cạnh đó, ý nghĩa của bài Pháp thoại cũng đề cập đến một thực tế là xã hội càng phát triển, tâm hồn con người càng có nguy cơ đi xuống. Con người mải chạy theo những lợi ích cá nhân, những thú vui tầm thường nên tâm bị loạn, cáu bẩn, xã hội vì thế khó phát triển cân đối, bền vững. Chia sẻ những quan điểm của mình, Thượng tọa hy vọng xã hội sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục đạo đức, rèn luyện nội tâm con người. Đây chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của đất nước, của Phật pháp. Riêng với phật tử, chúng ta sống như thế nào mà tâm ta tự tin, quang minh, không cần phải nói và không sợ hãi, giống như câu nói của người xưa “Tâm ta quang minh còn phải nói lời nào”, ý là vậy.
Tuệ Đăng