Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Cái gì dẫn dắt đi tái sanh?

Chỉ có người không còn gây nhân thiện ác mới chấm dứt tái sanh, chứ nếu còn gây nhân thiện ác thì sẽ sanh trở lại để thọ nhận quả báo, vòng sinh tử vì thế sẽ tiếp nối mãi không ngừng. Danh sắc cũ và danh sắc mới cũng chính là mình đấy chứ không phải ai khác.

Đức vua hỏi:

- Cái gì dẫn dắt chúng sanh đi tái sanh, thưa đại đức?

- Là danh, sắc, tâu đại vương!

- Nghĩa là danh sắc của con người cũ này sanh trở lại?

- Không phải vậy, tâu đại vương! Chính danh sắc này làm các việc thiện ác; và chính do năng lực của nghiệp thiện ác ấy mà một danh sắc khác kế tục được sanh ra để nhận lãnh quả phước hoặc tội đã tạo tác.

- Nếu danh sắc cũ mà không sanh trở lại, thì đời này làm ác, đời sau đâu có chịu tội báo? Và như thế có nghĩa là mình đã thoát khỏi luân hồi sinh tử sao?

- Không phải vậy, tâu đại vương! Chỉ có người không còn gây nhân thiện ác mới chấm dứt tái sanh, chứ nếu còn gây nhân thiện ác thì sẽ sanh trở lại để thọ nhận quả báo, vòng sinh tử vì thế sẽ tiếp nối mãi không ngừng. Danh sắc cũ và danh sắc mới cũng chính là mình đấy chứ không phải ai khác.

- Xin đại đức hãy cho ví dụ.

- Ví như kẻ trộm xoài, chủ nhà bắt được quả tang dẫn đến đại vương nhờ xử trị. Bị cáo cãi rằng: "Hạ thần không hái xoài của người ấy. Trái xoài của anh ta trồng hồi trước chỉ là hạt mầm ở dưới gốc còn trái mà hạ thần hái là trái to ở trên cành. Hạ thần không có ăn trộm." Tâu đại vương! Với lý lẽ như thế, đại vương có xử phạt y được không?

- Thưa đại đức, dẫu có ngụy biện hay ho, trẫm vẫn xử phạt tên ăn trộm kia như thường!

- Sao lại thế được? Y đâu có hái cắp trái của người kia trồng đâu mà xử tội, hở đại vương?

- Đành rằng thế, nhưng mà trái cây y hái trộm ấy cũng do từ trái kia sanh ra, nó nẩy mầm, tăng trưởng mà thành. Cho nên người kia cũng không thoát khỏi tội.

Tỳ khưu Na-tiên gật đầu:

- Cũng như thế đó là danh sắc cũ và danh sắc mới, tâu đại vương . Việc tái sanh từ đời này sang đời kia cũng vậy. Các nghiệp thiện ác trong đời giống như đã gieo hạt giống, nẩy mầm, tăng trưởng, mai sau tất có quả báo.

Đức vua Mi-lan-đà cũng gật đầu:

- Trẫm đã hiểu, nhưng xin Đại đức cho một ví dụ nữa.

- Có thể được. Ví dụ có người đốt lửa sưởi ấm bên bờ ruộng, lửa ấy cháy lan sang một đám ruộng, người chủ ruộng bắt dẫn đến đại vương xử trị. Người đốt lửa tâu rằng: "Lửa của hạ thần đốt lên là lửa khác, lửa cháy ruộng ấy là lửa khác, không phải là lửa của hạ thần." Người kia nói lý như vậy, đại vương có bắt tội chăng?

Tái sanh và vô sanh

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

- Dĩ nhiên là bị tội rồi.

- Vì cớ sao, tâu đại vương?

- Vì lửa cháy ruộng ấy cũng do từ lửa anh ta sưởi ấm trên bờ ruộng mà sanh ra, nên y không thể chạy tội được.

- Cũng vậy, ngon lửa trước là danh sắc cũ, ngọn lửa cháy ruộng tức là danh sắc mới, có được cũng từ danh sắc cũ mà ra.

- Xin cho nghe một ví dụ nữa.

- Ví như người đốt đuốc ngoài sân để ăn cơm, vô ý để tàn lửa bay sang đống rơm, lan sang nhà hàng xóm rồi thiêu rụi cả làng. Dân làng bắt y dẫn đến cho đại vương xử tội. Y cãi cố rằng, lửa cháy nhà là lửa khác còn lửa của y là ở nơi bó đuốc dùng để ăn cơm mà thôi! Đại vương có trị tội được y chăng?

- Trị tội được chứ!

- Vì cớ sao?

- Vì lửa cháy nhà có được là do từ lửa nơi bó đuốc của y.

- Cũng như thế đó là ngũ uẩn cũ và ngũ uẩn mới, tâu đại vương! Ngũ uẩn này (danh sắc cũ) tuy đã tắt nhưng cũng bởi nó mà tạo nên ngũ uẩn mới (danh sắc mới).

- Cho nghe một ví dụ nữa.

- Có người đàn ông nạp lễ vật dạm hỏi một cô gái còn nhỏ, đợi lớn lên hẳn cưới, nhưng sau đó ông ta đi làm ăn xa. Cô gái lớn lên, có người đàn ông khác đem lễ vật hậu hỉ đến cưới đem đi. Người đàn ông đi làm ăn xa trở về vác đơn thưa kiện. Người kia cãi rằng: "Vợ cũ của anh chỉ là một cô bé, còn vợ của tôi đây là một thiếu nữ." Vậy thì trường hợp ấy, đại vương xử cho ai thắng?

- Dĩ nhiên là cho người đàn ông trước thắng kiện.

- Tại sao lại như thế?

- Vì thiếu nữ kia cũng từ cô bé mà trưởng thành chứ có phải là người khác đâu.

- Cũng như thế đó là thân này và thân kia, danh sắc cũ và danh sắc mới, tâu đại vương!

- Đại đức còn có ví dụ nào nữa chăng?

- Có thể được, tâu đại vương! Ví như có người đến một chủ nuôi bò mua sữa. Mua xong, anh ta gởi bình sữa lại hẹn lát sau đến lấy, nhưng vì bận việc, hôm sau mới tới lấy sữa. Nhưng sữa đã chua, anh ta bảo rằng, anh không mua sữa chua và yêu cầu chủ bò đổi bình sữa mới. Người chủ bò không chịu, bảo rằng sữa chua là vì để cách đêm chứ không phải là sữa khác. Thế rồi hai người cãi vả nhau. Trường hợp đại vương thì đại vương xử cho ai được kiện?

- Chủ nuôi bò.

- Tại sao?

- Sữa để cách đêm thì nó chua chứ có phải là sữa khác đâu.

- Danh sắc cũ tạo nghiệp thiện ác nên có được danh sắc mới cũng y như thế, tâu đại vương.

- Trẫm hoàn toàn lãnh hội rồi, cảm ơn đại đức!

                                                                                                           Trích Kinh Mi Tiên vấn đáp

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Kinh Lửa Cháy (Aditta-pariyaya Sutta)

Kinh Phật 14:35 06/11/2024

Vài tháng sau khi giác ngộ, Ðức Phật giảng bài pháp nầy cho 1000 tu sĩ theo phái thờ thần lửa. Qua lối giảng siêu việt của Ngài, Ðức Phật đã dùng ví dụ về lửa cháy (lửa tham, sân, si) để dạy về tâm xả ly đối với các cảm thọ qua sáu căn.

Kinh Thiên sứ

Kinh Phật 06:26 31/10/2024

Trong Trung Bộ Kinh (Kinh 130), Phật bảo (tóm tắt): "Này các Tỳ Kheo! Ðiều Ta đang nói, Ta không phải nghe từ một Sa Môn hay Bà La Môn nào khác. Những điều Ta đang nói chỉ được Ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ được Ta hiểu mà thôi".

Kinh Điều Ngự

Kinh Phật 23:40 28/10/2024

Trung Bộ Kinh chép: Một hôm có Aggivessana dòng Bà La Môn đến hỏi Phật về phương pháp tu hành, Phật dạy:

Phật nói kinh vô thường

Kinh Phật 14:45 03/10/2024

Tôi nghe như vậy. Một thời Phật tại thành Thất la phiệt nơi rừng Thệ đa, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Phật bảo các Tỳ kheo rằng trong các thế gian có ba pháp không thể yêu, không trong sạch, không thể muốn, không vừa ý. Ba pháp là gì?

Xem thêm